“Hãy sống niềm vui loan báo Tin Mừng”
Từ sáng sớm ngày 5 tháng Ba các Giám mục Việt Nam đã có mặt tại khán phòng Sala Consistorium của Phủ Giáo hoàng, chờ đợi giờ yết kiến vị Cha chung của Giáo hội hoàn vũ. Đúng 10g15 Đức giáo hoàng đến. Sau khi từng Đức cha đến bắt tay và tự giới thiệu về mình, Đức giáo hoàng chào mừng toàn thể đoàn 33 giám mục Việt Nam, và trong tâm tình đơn sơ thân ái, ngài nói rất vui mừng được gặp gỡ và mời mọi người phát biểu tự do về mọi sự.
Đầu tiên, Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, thay mặt các Đức giám mục nói lời chào mừng Đức Thánh Cha. Thay vì đọc diễn văn, Đức cha Giuse cũng đơn sơ và kính trọng nói lên cảm tưởng đầu tiên rất vui mừng và ngưỡng mộ Đức Thánh Cha khi được trực tiếp diện kiến ngài rất vui vẻ tự nhiên, đơn sơ và gần gũi. Đức cha giới thiệu với Đức Thánh Cha dung mạo của Giáo hội Việt Nam qua vài con số. Giáo hội Việt Nam với ba giáo tỉnh Huế, Sài Gòn và Hà Nội, gồm 26 giáo phận, có 33 giám mục tại chức hôm nay đang hiện diện đầy đủ trước mặt Đức Thánh Cha, khoảng 4500 giáo xứ với hơn 4000 linh mục, 22 ngàn tu sĩ nam nữ thuộc hơn 240 dòng tu, hơn 2400 đại chủng sinh, 7 triệu giáo dân, tỉ lệ khoảng gần 8% dân số cả nước. Giáo hội Việt Nam năm nay mừng kỷ niệm 30 năm tuyên thánh cho 117 vị tử đạo, thêm một chân phước tử đạo Anrê Phú Yên mà đúng ngày 5/3 hôm nay mừng kính ngài. Đức cha chủ tịch cũng ngỏ ý mong đợi một ngày Đức Thánh Cha sẽ đến thăm đất nước và Giáo hội Việt Nam.
Đức Thánh Cha đáp lời cũng trong tâm tình đơn sơ, vui vẻ tự nhiên, ngài nói một trong những hoa trái từ các vị tử đạo là ơn gọi vẫn còn dồi dào ở Việt Nam hôm nay. Ngài ngỏ ý muốn nghe các giám mục nói thay vì ngài nói cho các Đức cha nghe vì các Đức cha đã nghe ngài nói nhiều qua phương tiện truyền thông hằng ngày rồi.
Qua sự điều phối của Đức cha Tổng thư ký, các Đức cha lần lượt tự do nói và hỏi Đức Thánh Cha.
Một vị hỏi Đức Thánh Cha, vốn là người trước đây nổi tiếng bình dị, gần gũi dân chúng và từng khuyên các mục tử cần phải mang “mùi chiên”, về kinh nghiệm điều hành một giáo phận: đâu là điều quan trọng nhất? Đức Thánh Cha trả lời, một mục tử cần có hai điều: không những con người mục tử cần có “mùi chiên” tức là trở nên gần gũi với dân, mà còn trước hết cần gần gũi Thiên Chúa nữa, nghĩa là mục tử phải là một con người của cầu nguyện và luôn lắng nghe Lời Chúa. Các giám mục cũng cần giúp các linh mục của mình như thế. Ngài nhấn mạnh, các giám mục cần gần gũi thăm hỏi các linh mục của mình để mọi người có thể cảm thấy “mình có một người cha”. Giám mục giúp các linh mục để các linh mục có thể giúp giám mục của mình trong việc chăn dắt đoàn chiên. Ngài chia sẻ gần đây ngài có bổ nhiệm một giám mục. Trong thư mục vụ của mình, Đức cha còn ghi cả số điện thoại của mình nữa. Quả là một sự liều lĩnh nhưng thật tốt đẹp.
Một Đức cha khác chia sẻ: Hội đồng Giám mục Việt Nam hôm nay đến gặp gỡ Đức Thánh Cha như là dấu hiệu tỏ tình hiệp thông với Giáo hội toàn cầu. Mừng kỷ niệm 5 năm Đức Thánh Cha được lên ngôi Giáo hoàng, tất cả giáo dân, tu sĩ, linh mục, giám mục yêu mến và cầu nguyện luôn cho Đức Thánh Cha và xin ngài bày tỏ điều ước muốn nhất về Giáo hội của Chúa hôm nay. Đức Thánh Cha nói, như đã bày tỏ trong Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng), Giáo hội của Chúa phải là Giáo hội loan báo Tin Mừng, cần phải “đi ra” dù có gặp muôn vàn khó khăn, trở ngại và rủi ro. Trong cách nói vui, ngài dùng hình ảnh diễn tả trong sách Khải Huyền để nói về một Chúa Giêsu đứng trước cửa nhà đóng kín của ta và gõ cửa, mà có nhiều khi Người đứng gõ cửa vì bị nhốt kín từ bên trong. Giáo hội “đóng kín” thì đau yếu, bệnh tật, giống như người đàn bà bị còng lưng, một hình ảnh trong Phúc Âm. Một Hội Thánh “đi ra” có thể gặp nhiều rủi ro tai nạn nhưng như thế mới là mình. Đi ra đến với dân, phục vụ dân với lòng thương xót của Chúa, nhất là biết giúp người ta cầu nguyện. Ngài bảo tôi tò mò không biết các Đức cha huấn luyện các chủng sinh của mình như thế nào. Các chủng sinh có cầu nguyện nhiều không.
Một số giám mục vốn trước đây trực tiếp phụ trách đào tạo chủng sinh chia sẻ về công tác đào tạo linh mục tại các Đại chủng viện. Các ngài nhấn mạnh đến chiều kích thiêng liêng và mục vụ, để ứng sinh tập sống kết hợp mật thiết với Chúa và sống yêu thương gần gũi với dân, nhất là với người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội. Các ngài bận tâm đến việc giáo dục động lực ơn gọi nơi các ứng sinh. Đức Thánh Cha nói động lực và ý ngay lành của các chủng sinh rất quan trọng, nhưng chúng ta không mong đợi tất cả các chủng sinh có động lực tốt hoàn hảo ngay từ đầu mà cần kiên nhẫn đào tạo và để Chúa thanh luyện dần trong thời gian. Ngài nhấn mạnh: Gương mẫu đời sống của các linh mục rất có ý nghĩa, là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến các ứng viên linh mục tương lai. Từ đó, Đức Thánh Cha lưu ý các giám mục phải chăm lo đến việc thường huấn linh mục trong giáo phận. Ngài nói cám dỗ tinh khôn nhất của ma quỷ là làm cho các linh mục chỉ chấp nhận một đời sống tầm thường, “sống hâm hẩm” nghĩa là không nóng mà cũng không lạnh và từ đó dễ xa rời Chúa và anh em. Ngài nói mạnh, các Đức cha không nên gửi các chủng sinh đến thực tập với những người hâm hẩm như thế.
Về tình hình quan hệ với các nước, đặc biệt, như các giám mục quan tâm, với Cuba, Trung Quốc và Việt Nam, Đức Thánh Cha diễn tả với tinh thần lạc quan và cho biết tình hình vẫn tiến triển tốt nhưng phải kiên nhẫn và tin tưởng vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa. Điều quan trọng là vẫn giữ được mối liên lạc thông giao, xây dựng được một cầu nối.
Bận tâm đến đời sống thánh hiến, một Đức cha chia sẻ về nỗi khó khăn sống khổ chế hy sinh của con người sống trong xã hội ngày nay và xin Đức Thánh Cha hướng dẫn việc giúp đỡ cho các tu sĩ sống ơn gọi và sứ mạng của mình. Đức Thánh Cha nói khổ chế có nhiều hình thức thích hợp khác nhau tùy theo vùng miền, văn hóa và thời đại, nhưng gốc rễ của nó là biết “từ bỏ chính mình” trong cuộc sống hằng ngày, trong những việc nhỏ nhặt. Tập từ bỏ chính mình có một giá trị Kitô giáo rất ý nghĩa. Trong đời sống cộng đoàn, ta cần tập từ bỏ ý riêng và tìm thi hành thánh ý Chúa. Ngài lưu ý cần dạy và sống khổ chế ngày nay nhiều hơn nơi những môi trường thế tục hóa. Ngài nói tới hai kẻ thù của Kitô giáo ngày nay là chủ nghĩa tân Pêlagiô (neo-Pelagianism) đề cao sức riêng con người đến độ ân sủng không còn ý nghĩa trong sự cứu độ và thuyết tân Ngộ đạo (neo-Gnosticism) chủ xướng coi trọng nội tâm chủ quan coi nhẹ thực tại cứu độ. Hai điều này, Ngài sẽ đề cập tới trong Tông thư “Sự Thánh Thiện” ngày 19 tháng Ba sắp tới.
Các Đức cha khác còn chia sẻ với Đức Thánh Cha về khó khăn mục vụ và truyền giáo trong tình trạng di dân phổ biến ngày nay tại Việt Nam và trên thế giới, nhất là khó khăn chủ quan do thiếu nhiệt huyết tông đồ nơi con người Kitô hữu hôm nay. Đức Thánh Cha nhắc đến vấn đề này gợi lại số cuối cùng của Tông huấn “Evangelii Nuntiandi” (Loan báo Tin Mừng), Chân phước giáo hoàng Phaolô VI nói khó khăn của sự thiếu hăng say tông đồ đến từ trong “lòng con người”. Ngài sẽ đề cập đến vấn đề này trong Tông thư “Sự Thánh Thiện” sắp tới: nguội lạnh, sự ngã lòng, nản chí hay thiếu hy vọng là cám dỗ của ngày hôm nay.
Sau hơn một giờ rưỡi đồng hồ, Đức Thánh Cha kết thúc bằng một lời nhắn nhủ hãy vui lên, sống niềm vui loan báo Tin Mừng. Ngài nói, nếu có ai trong anh em mình không vui, hãy tự hỏi tại sao, vì mục tử không thể dẫn dắt một Giáo hội địa phương mà không có niềm vui. Xin anh em giám mục nhớ trách nhiệm mục vụ rất quan trọng này: không thể chu toàn mà thiếu cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa.
Buổi yết kiến Đức Thánh Cha kết thúc với lời cám ơn của Đức cha Tổng thư ký và chụp hình chung lưu niệm. Khi chia tay, Đức Thánh Cha ân cần vui vẻ bắt tay và tặng quà cho từng người.
Lúc 13g30, các Đức cha và các cha đồng hành với phái đoàn cùng dùng bữa trưa tại nhà ăn của Nhà Santa Martha.
WHĐ