Hành trình Ngày Thứ 4

Sáu Mươi Năm ...

BBT: Xin hết lòng cám ơn Thầy Giêrônimô Nội về bài chia sẻ này.

60namThachDa

Tôi không có ý nhắc lại bài hát 60 cuộc đời… 20 năm đầu….  20 năm cuối… mà nhiều ca sĩ thường hát tại MiềnNam trước ngày 30/04/1975.

Tôi muốn nhắc đến 60 năm hồng ân của giáo xứ tôi và của nhiều giáo xứ di cư khác. Vì trong tuần vừa qua tôi nhận được thư mời dự lễ tạ ơn 60 năm của giáo xứ Phong Cốc (Hạt Tây Ninh, giáo phận Phú Cường) là giáo xứ gốc của tôi. Trong tuần qua tôi cũng nhận được thư mời dự lễ tạ ơn 60 năm, cuốn kỷ yếu và lịch 2016 của giáo xứ Thạch Đà (Hạt Xóm Mới, Tổng Giáo phận Sài-gòn), là nơi gia đình tôi sinh sống từ giữa năm 2011 đến nay.

Giáo xứ Phong Cốc thì gia đình tôi đã rời xa từ rất lâu. Giáo xứ Thạch Đà, gia đình tôi mới gia nhập hơn 4 năm nay thôi. Ngoài 2 giáo xứ “quê” và “hiện tại” trên, tôi cũng đã sống trong nhiều giáo xứ khác trong thành phố Sài-gòn này, chẳng hạn như giáo xứ Từ Đức (Hạt Thủ Đức), giáo xứ Chợ Đũi (Hạt Sài-gòn), giáo xứ Nhân Hòa (hạt Tân Sơn Nhì)….

Không chỉ có 2 giáo xứ Phong Cốc và Thạch Đà kể trên mà có nhiều giáo xứ khác ờ Sài-gòn cũng như ở nhiều giáo phận khác cũng mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trong năm 2015 này. Vì năm 1954 là năm nhiều giáo dân di cư từ Bắc vào Nam và năm 1955,1956 nhiều giáo xứ di cư được giáo quyền sở tại nhìn nhận. Từ năm 1955, 1956 đến 2015, 2016 đúng là đã 60 năm. Do đó, tôi muốn viết đôi dòng tâm sự về SÁU MƯƠI NĂM….

Với hai giáo xứ Phong Cốc và Thạch Đà, tôi phải thú thật là gia đình và bản thân tôi chưa đóng góp được gì nhiều. Về mặt tiền bạc thì từ đời cha mẹ cho đến đời tôi, gia đình tôi thuộc tầng lớp nghèo, không có nhiều của cải. Còn về mặt khác thì tôi có một số khả năng và cũng đã đóng góp chút đỉnh cho việc đào tạo nhân sự cho 2 giáo xứ ấy nhưng không đáng kề gì. Cho giáo xứ Phong Cốc, có một thời gian dài tôi thường xuyên về tổ chức các buổi huấn luyện, sinh hoạt, học hỏi cho đội ngũ giáo dân nòng cốt và giới trẻ qua các khóa huấn luyện giáo dân và học hỏi Thánh Kinh. Cho giáo xứ Thạch Đà thì cũng đã có thời gian tôi giúp một số giáo lý viên học hỏi Thánh Kinh. Nhưng phải nói là đóng góp của tôi rất ít ỏi.

Tôi không biết trong dịp hệ trọng này, những người có trách nhiệm (là các cha xứ và hội đồng mục vụ giáo xứ) sẽ “báo cáo thành tích” như thế nào, nêu lên những gì…..của 60 năm qua. Tôi không dám có lời nhận xét. Nhưng tôi xin được phép nêu lên một ý tưởng: Các giáo xứ của tôi cũng như hầu hết các giáo xứ ở Việt Nam chưa quen với cách sống và hoạt động với những kế hoạch, dự án hay chương trình mục vụ ngắn và nhất là dài hạn. Các giáo xứ chúng ta sống theo lịch phụng vụ, hết mùa này sang mùa khác, hết năm A sang năm B rồi sang năm C. Đời sống giáo xứ cứ bình bình trôi qua không cao điểm, không điểm nhấn trừ các thánh lễ trọng trong lịch phụng vụ.

Chỉ mới đây, Hội đồng Giám mục Việt Nam mới có sáng kiến mỗi năm lấy một chủ đề làm định hướng mục vụ. Ví dụ chủ đề mục vụ của năm 2014 là “tân phúc âm hóa đời sống gia đình”; chủ đề mục vụ của năm 2015 là “tân phúc âm hóa đời sống giáo xứ” và chủ đề mục vụ của năm 2016 là “tân phúc âm hóa đời sống xã hội”. Nhưng phải thành thật mà nói, chúng ta không triển khai và thực hiện được nhiều thay đổi trong gia đình, giáo xứ và xã hội sau mỗi một năm với chủ để mục vụ như thế. Vì thời gian một năm thì quá ngắn và vì các giáo phận/giáo xứ không có bộ phận nào có trách nhiệm đôn đốc việc học hỏi, thảo luận, triển khai, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực thi chỉ thị của hàng Giáo phẩm.

Nếu (tiếc là cuộc sống thực tế không có chữ nếu) HĐGMVN ấn định một thời gian dài hơn cho việc thực hiện mỗi đường hướng mục vụ và có ban bệ đàng hoàng (không phải 4B) được giao phó việc triển khai đường hướng mục vụ của hàng Giáo phẩm thì các giáo xứ của chúng ta đã khác.

Nếu các giáo phận và giáo xứ chúng ta lấy thời hạn 5 năm làm một kế hoạch ngũ niên thì 60 năm của giáo xứ đã có 12 kế hoạch ngũ niên kế tiếp nhau. Nếu mỗi 5 năm tức mỗi ngũ niên giáo xứ chúng ta tập trung vào việc củng cố, đẩy mạnh việc thực hiện một khía cạnh nào đó của đời sống đức tin của giáo xứ (giáo lý trẻ em, giáo lý giới trẻ, giáo lý người lớn, cầu nguyện, bác ái, học hỏi Thánh Kinh, chia sẻ Lời Chúa, tìm hiểu Công Đồng, ứng dụng giáo huấn xã hội của Giáo hội, Loan báo Tin Mừng, đào tạo nhân sự v.v..) thì chắc chắn giáo xứ của chúng ta đã rất khác với tình trạng hiện tại.

Sống và làm việc với/theo kế hoạch, dự án, chương trình mục vụ…. là áp dụng cách làm việc khoa học bài bản vào đời sống đức tin của cộng đồng giáo xứ. Bao giờ các giáo xứ Việt Nam nói chung, các giáo xứ gốc Bắc di cư nói riêng, mới biết áp dụng khoa học vào việc tổ chức và phát triển giáo xứ? 60 năm nữa hay chẳng bao giờ?

Muốn các giáo xứ chúng ta thay đổi theo chiều hướng tích cực kể trên, cần có một thay đổi lớn nơi các linh mục coi xứ và nơi các giáo dân nòng cốt của giáo xứ.

Trong bài giảng của Thánh Lễ Tạ Ơn tại Nhà Thờ Thạch Đà ngày 02/01/2016, Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Sài Gòn, Phao-lô Bùi Văn Đọc, có gợi ý đặt vấn đề:

Mừng kỷ niệm 60 năm thành lập giáo xứ, chúng ta cũng nên cùng nhau nhìn lại đời sống và các sinh hoạt trong giáo xứ trong thời gian vừa qua. Trong thời gian qua, giáo xứ của chúng ta có là một cộng đoàn Đức Tin biết.chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, biết siêng năng học hỏi giáo lý, thúc đẩy con em học hỏi giáo lý, để được trưởng thành trong đức tin hay không? Giáo xứ chúng ta có là một cộng đoàn Đức Ái, biết giúp đỡ những người nghèo khổ, biết chăm sóc những người đau yếu bệnh tật? Giáo xứ chúng ta có là một cộng đoàn Đức Cậy, có lòng trông cậy vào Chúa, đặt hy vọng vào chỉ một mình Ngài?

 

Tp HCM những ngày cuối tháng 12/2015 đầu tháng 01/2016

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com