Hành trình Ngày Thứ 4

Từ đọc Kinh đến đọc Thánh Kinh

 

I. VÀO ĐỀ

Nếu bạn vào bất cứ một nhà thờ nào ở Roma, Paris, London, hay Bruxelles nửa tiếng đồng hồ trước giờ cử hành thánh lễ, bạn sẽ thấy một bầu khí thinh lặng rất thánh thiêng, trong đó có nhiều giáo dân quỳ hay ngồi lần chuỗi hay đọc và suy gẫm Lời Chúa…

Nếu bạn vào bất cứ một nhà thờ nào ở Hà Nội, Sài gòn, Huế, Nha Trang, Đà Nẵng, Cần Thơ… nửa tiếng đồng hồ trước giờ cử hành thánh lễ, bạn sẽ thấy trong nhà thờ râm ran tiếng đọc Kinh.

Đó là sự khác biệt nổi bật nhất của hai cách thực hành tây và ta. Chúng ta thử bàn về hai cách thực hành này. Nói cách khác chúng ta sẽ bàn về việc ĐỌC KINH và việc ĐỌC THÁNH KINH.

CSe DocKT

 

II. ĐỌC KINH

2.1 Việc đọc Kinh rất quan trọng đối với giáo dân Việt Nam. Chuyện ấy không có gì phải bàn cãi. Đối với nhiều giáo dân, cầu nguyện là đọc kinh và đọc kinh là cầu nguyện. Thật ra đọc kinh có thể là cầu nguyện chứ không đương nhiên là cầu nguyện. Nếu miệng đọc, lòng suy, tâm trí hướng về Chúa thì mới là cầu nguyện. Còn nếu chỉ có đọc ngoài miệng mà tâm hồn không hướng về Chúa thì không phải là cầu nguyện. Còn cầu nguyện thì không chỉ là đọc kinh. Cầu nguyện chủ yếu là nâng tâm hồn lên với Chúa, là hướng lòng trí về Chúa. Cầu nguyện còn là suy niệm Lời Chúa, là cầu nguyện với Lời Chúa, là chiêm niệm hay sống thân mật với Chúa. Cầu nguyện còn là cảm tạ, ngợi khen, chúc tụng Chúa, là xin ơn và cam kết, thề nguyền với Chúa. Như vậy thì cầu nguyện bao gồm nhiều công việc hơn là đọc Kinh.

2.2 Phải thành thật mà nói rằng, cách đọc Kinh của người giáo dân Việt Nam rất độc đáo, nhất là đối với người Phương Tây, vì tiếng Việt là ngôn ngữ có dấu (nặng, sắc, huyền, hỏi, ngã) nên đọc cũng như hát.

Tuy trong Giáo Hội Việt Nam chưa có ai nghiên cứu sâu rộng và đầy đủ về quá trình hình thành các Kinh, nhưng chúng ta có thể nói được rằng các vị thừa sai và cha ông người Việt chúng ta đã có một sáng kiến tuyệt vời khi đặt ra các Kinh và cho thực hành trong các cộng đoàn, nhất là vào giai đoạn chưa có sách vở, nhiều người chưa biết đọc chữ như ở những thế kỷ đầu của lịch sử Giáo hội Việt Nam.

2.3 Đọc Kinh chung có ít nhất là 2 cái lợi:

* một là tạo nên một bầu khí cầu nguyện đưa tâm hồn các tín hữu vào bầu khí thinh lặng;

* hai là là giúp giáo dân nhớ những điều cốt yếu của giáo lý (những điều phải tin và những việc phải làm).

Có lẽ đó là lý do chhính khiến nhiều người cho rằng chúng ta nên duy trì việc đọc Kinh chung của cộng đoàn, nhất là trước các giờ lễ ngày thường cũng như ngày chủ nhật.

2.4 Nhưng nếu suy nghĩ sâu xa hơn, chúng ta sẽ thấy việc đọc Kinh chung cũng có khuyết điểm của nó. Chẳng hạn như người đọc Kinh dễ rơi vào tình trạng thụ động, máy móc, đọc ngoài miệng mà không có suy niệm trong lòng. Lúc đó việc đọc Kinh chung không còn đem lại ơn ích thiêng liêng cho người tín hữu nữa.

2.5 Việc đọc Kinh chung không lôi cuốn được người trẻ. Bằng chứng là phần đại đa số người trẻ căn giờ thật kỹ, chỉ đến nhà thờ 5, 3 phút trước giờ lễ, chứ không đến sớm 15 phút để cùng với cộng đoàn đọc kinh trước lễ.

2.6 Ngoài những vấn đề nêu trên còn có một số ít Kinh cần được thay đổi lời văn cho phù hợp với ngôn ngữ và văn hóa thời đại và với giáo lý Công đồng Vatican II hơn.

 

III. ĐỌC THÁNH KINH

3.1 Nếu đọc Kinh là cách cầu nguyện tốt đối với phần đông giáo dân, thì còn có một thực hành khác còn tốt hơn cho người giáo dân: Đó là việc đọc Thánh Kinh! Thật vậy dù có tốt lành và đáng duy trì đến mấy thì việc đọc KINH làm sao sánh bằng với việc đọc THÁNH KINH. Đọc KINH là chúng ta nói (chuyện) với Chúa. Còn đọc THÁNH KINH là Chúa nói (chuyện) với chúng ta hay đúng hơn là chúng ta nghe Chúa nói với chúng ta. Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta nói là việc chúng ta nói với Chúa không quan trọng mà việc Chúa nói với chúng ta mới quan trọng. Chúa nói với chúng ta để mạc khải về chính Ngài cho chúng ta, để chỉ cho chúng ta biết thánh ý, kế hoạch, chương trình của Ngài.

3.2 Dù sao chúng ta cũng không nên bỏ việc đọc Kinh. Nhưng nếu có ý kiến đề nghị thay thế dần dần và một phần việc đọc Kinh chung bằng một hay nhiều thực hành khác thì chúng ta nghĩ sao? Các thực hành nào đáng chúng ta nghiên cứu để thay thế?

Nhưng làm thế nào để giáo dân làm quen với việc đọc THÁNH KINH? Đây là một vấn đề lớn cần suy nghĩ, nghiên cứu và thử nghiệm.

3.3 Trong truyền thống tốt lành của Giáo Hội, có nhiều phương pháp tiếp cận Lời Chúa mà giáo dân có thể thực hành, không quá khó. Đó là các Phương Pháp Thánh Kinh thực hành. Có thể kể ra như sau:

  • Phương Pháp Lectio Divina (đọc, suy niệm, cầu nguyện, chiêm niệm Lời Chúa và dấn thân phục vụ),
  • Phương Pháp Chia sẻ Lời Chúa 7 bước,
  • Phương Pháp Chia sẻ Lời Chúa Xem Xét Làm,
  • Phương Pháp Thánh Kinh 18 tuần hay Thánh Kinh Cầu Nguyện,
  • Phương Pháp Thánh Kinh 100 tuần.

3.4 Mỗi Phương Pháp Thánh Kinh thực hành trên đem lại nhiều lợi ích khác nhau, nhưng có một điểm chung là lấy Thánh Kinh Lời Chúa làm trung tâm buổi sinh hoạt (cầu nguyện, học hỏi, chia sẻ).

Các Phương Pháp ấy chưa được phổ biến và thực hành rộng rãi trong các hội đoàn và giáo xứ vì các linh mục xứ chưa quan tâm đủ đến việc mở các Khóa huấn luyện về các “Phương Pháp Thánh Kinh thực hành” cho giáo dân nói chung, cho các giới, hội đoàn nói riêng… Một khi giáo xứ có một số đông giáo dân đã biết thực hành các Phương Pháp này rồi thì giáo xứ có thể thay thế việc Đọc Kinh bằng việc Đọc Thánh Kinh, ít nhất là trong một số ngày trong tuần.

3.5 Vạn sự khởi đầu nan. Lúc đầu thì rất khó. Nhưng nếu kiên trì thì chúng ta sẽ dần dần chuyển được TỪ ĐỌC KINH SANG ĐỌC THÁNH KINH trong giờ phụng vụ chung của cộng đoàn. Có lẽ tốt nhất là các giáo xứ nên mở các Khóa Thánh Kinh 100 tuần để tập cho giáo dân có thói quen tự đọc Thánh Kinh.

 

Đầu tháng 03/2016 - Tháng Thánh Giuse
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com