I. VÀO ĐỀ
Đã là người Công Giáo hay Tin Lành thì ai nấy đều biết Thánh Kinh quan trọng như thế nào trong đời sống Đức Tin của mình. Nhưng vấn đề là mỗi người, mỗi Hội Thánh (giáo xứ, dòng tu, giáo phận) có thực sự trân quý Thánh Kinh hay không thì là câu chuyện dài. Trân quý Thánh Kinh thì trước hết phải dành cho Thánh Kinh một sự quý trọng thực sự. Sự quý trọng thực sự phải được thể hiện bằng việc làm cụ thể, thường xuyên và liên tục.
Đi một vòng các họ đạo, chúng ta khó tìm thấy trong giáo xứ một Nhóm Chia Sẻ Lời Chúa hoặc một Nhóm Thánh Kinh Cầu Nguyện. Một Nhóm Thánh Kinh 100 tuần thì càng khó tìm ra hơn (vỉ không có)… Thật đáng buồn!
II. THÁNH KINH 100 TUẦN
2.1 Thánh Kinh 100 tuần khai sinh tại Tokyo (Nhật Bản) năm 1975
Nếu tìm hiểu về nguồn gốc của Chương Trình Thánh Kinh 100 tuần, chúng ta sẽ khám phá ra điều thú vị này: Linh mục Marcel le Dorze thuộc Hội Truyền Giáo Paris Hải Ngoại (M.E.P.) là người đã được Thánh Thần linh ứng để khai sinh ra Chương Trình Thánh Kinh 100 tuần tại giáo xứ nhỏ bé của ngài tại Tokyo (Nhật Bản). Đó là vào năm 1975 là Năm Thánh của Giáo Hội Công Giáo toàn câu, với chủ để CANH TÂN VÀ HÒA GIẢI. Cha Marcel nghĩ cách đơn giản và vô cùng chính xác rằng: Muốn canh tân đời sống giáo dân và giáo xứ thì không có cách nào tốt hơn là mời gọi giáo dân cùng nhau đọc Thánh Kinh mỗi tuần tại Thánh Đường giáo xứ. Đó là bước khởi đầu của Chương Trình Thánh Kinh 100 tuần.
2.2 Khóa Thánh Kinh 100 tuần được mở tại Trung Tâm Mục Vụ Sài-gòn vào tháng 10 năm 2005
Vào Mùa Chay năm 2005, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm ngỏ ý mời tôi cộng tác trong việc mở Khóa Thánh Kinh 100 tuần tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng giáo phận Sài-gòn, cho anh chị em giáo dân. Sau mấy tháng chuẩn bị ngày khai giảng Khóa Thánh Kinh 100 tuần đầu tiên đã được tổ chức vào đầu tháng 10 năm 2005. Trái với mọi dự đoán, số học viên ghi danh lên tới trên 400 người.
Để đáp lại lòng mong đợi của nhiều giáo dân chưa được nhận học trong Khóa đầu, sau gần một năm, Trung Tâm Mục Vụ đã mở thêm Khóa Thánh Kinh 100 tuần thứ 2 vào tháng 6/2006. Số lượng học viên của Khóa 2 này cũng ngang với khóa đầu (1).
Sau hai Khóa Thánh Kinh 100 tuần kể trên, Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã mở tiếp một Khóa Giáo Lý Thánh Kinh.
Còn Khóa Thánh Kinh 100 tuần thứ 3 tại Học Viện Mục Vụ Sài-gòn chỉ được mở vào ngày 21/01/2015 do linh mục Giuse Đỗ Quang Khang và tôi phụ trách (học tối thứ 4 hằng tuần).
2.3 Ba yếu tố làm nên một Khóa Thánh Kinh 100 tuần
* Yếu tố thứ nhất là các học viên sẽ đọc toàn bộ 73 cuốn Thánh Kinh Cựu và Tân Ước, từ Sách Sáng Thế cho đến Sách Khải Huyền. Có lịch phân bố các Sách, các Chương cho mỗi tuần lễ. Nếu mỗi tuần đọc một phần thì mất gần 2 năm cho các Sách Cựu Ước, và mất 1 năm cho các Sách Tân Ước. Tất cả là khoảng 3 năm, tức khoảng 120 tuần (chứ không phải 100 tuần như dự định ban đầu của linh mục Marcel le Dorze). Khi đọc Thánh Kinh ở nhà các học viên sẽ ghi lại những đoạn văn hay nhân vật hay câu truyện gây ấn tượng cho mình.
* Yếu tố thứ hai là các học viên sẽ chia sẻ với các học viên khác, hoặc trong nhóm nhỏ hoặc trong nhóm lớn, về phần Sách Thánh Kinh mà họ đã đọc trong tuần. Họ sẽ chia sẻ những câu Thánh Kinh nào gây ấn tượng cho mình; những sự kiện, nhân vật nào trong Thánh Kinh mà họ thấy có liên hệ với mình…
* Yếu tố thứ ba là các học viên sẽ được các giảng viên giúp hiểu sâu hơn nội dung của các Chương Thánh Kinh đã được đọc trong tuần và liên hệ các nội dung giáo lý Thánh Kinh ấy với đời sống đức tin, phụng vụ, bí tích hay truyền giáo. Giảng viên cũng giúp các học viên trong việc chuẩn bị các chương sẽ được đọc trong tuần lễ kế tiếp.
III. THAY LỜI KẾT
Sau thời gian phụ giúp linh mục rồi giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm trong việc tổ chức 2 khóa Thánh Kinh 100 tuần, tôi cũng đã giảng dậy Chương Trình Thánh Kinh và Huấn Luyện Lãnh Đạo (nhiều khóa) và Thánh Kinh 100 tuần tại Nhà Thờ Lạng Sơn, Xóm Mới, tôi xác tín rằng việc tiếp cận, học hỏi, suy niệm, thực hành Lời Chúa là con đường chắc chắn và hiệu quả nhất trong đời sống Đức Tin của một cá nhân cũng như một cộng đoàn Hội Thánh.
Tham dự Khóa Thánh Kinh 100 tuần, giáo dân chuyển từ văn hóa nghe sang văn hóa đọc. Nhờ đó anh chị em nâng cao kiến thức và kinh nghiệm sống Lời Chúa và xác tín hơn về ơn gọi và sứ mạng Ki-tô hữu của mình trong Giáo Hội và ngoài Xã Hội.
Vì thế tôi tha thiết xin các linh mục xứ nghiên cứu và tổ chức các Lớp/Khóa Thánh Kinh 100 tuần trong giáo xứ hay ít là trong giáo hạt của mình.
Ước gì khi chuẩn bị Đại Hội Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tháng 10.2016 và khi vạch ra Đường Hướng Mục Vụ cho Giáo Hội Việt Nam 2017-2019, các Giám mục cũng quan tâm đến vấn đề này.
Sài-gòn đầu tháng 5/2016
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội