Lời Chúa CN

Tóm tắt Tông huấn "Niềm Vui Tin Mừng - Avengelii Gaudium"

SƠ LƯỢC NỘI DUNG EVANGELII GAUDIUM

TÔNG HUẤN ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

 

“Evangelii Gaudium” Niềm vui Tin Mừng là Tông huấn đầu tiên của ĐGH Phanxicô được công bố trong ngày lễ Đức Giêsu Vua Vũ Trụ, kết thúc Năm Đức Tin, tại quảng trường thánh Phêrô (Rôma) và được chính thức giới thiệu hai ngày sau đó, thứ Ba 26-11-2013. 

Theo cha Federico Lombardi phát ngôn viên của Tòa Thánh, đây là một văn kiện do ĐGH Phanxicô viết trong tháng 8 vừa qua, sau Ngày Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro. Tông huấn được soạn thảo từ những gợi ý của các nghị phụ tham dự Thượng hội đồng Giám mục về việc Tân truyền giảng Tin Mừng để truyền thông đức tin diễn ra tại Vatican từ ngày 7 tới 28 tháng 10 năm 2012. Ngài đã phân tích các đề nghị của các nghị phụ và đưa ra những giải quyết cho những vấn đề hệ trọng mà Giáo hội và thế giới đang đối mặt. Vì được soạn thảo theo cách riêng của Ngài, cho nên văn kiện này không được gọi là Tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám mục. Văn kiện của Đức Thánh Cha người Achentina này có giọng văn chân thành, giản dị, rõ ràng, thực tế, tích cực, mạnh mẽ, kịp thời và mang tính cách mạng thực sự (x. Zenit.org 26/11/2013).

Trong nguyên bản tiếng Ý (Libreria Editrice Vaticana), Tông huấn dài 224 trang gồm có 288 số, với phần mở đầu và 5 chương: 1/ Sự biến đổi về việc truyền giáo của Giáo hội; 2/ Giữa cơn khủng hoảng của việc dấn thân cộng đồng; 3 / Công bố Tin Mừng; 4/ Chiều kích xã hội của việc truyền giảng Tin Mừng; 5/ Những người loan báo Tin Mừng với Thánh Thần. Sau đây là bản sơ lược nội dung của Tông huấn.

Mở đầu Tông huấn, Đức Giáo hoàng nói rõ mục đích của ngài là khuyến khích các Kitô hữu dấn thân vào một giai đoạn mới của việc truyền giảng Tin Mừng được đánh dấu bằng niềm vui, đồng thời đưa ra những nẻo đường mới cho hành trình của Giáo hội trong những năm sắp tới (số 1). Các Kitô hữu hãy vượt qua những nguy cơ lớn lao của thế giới hiện nay là sự ưu phiền của chủ nghĩa cá nhân đến từ tâm hồn tự mãn và tham lam, từ cuộc tìm kiếm bệnh hoạn những thú vui phù phiếm và từ một lương tâm cô độc (số 2). Mỗi người được mời gọi canh tân cuộc gặp gỡ đích thân với Đức Kitô, kêu cầu lòng thương xót và thứ tha của Chúa. Không có ai ở bên ngoài niềm vui cứu độ mà Ngài đem lại (số 3-5). Chỉ qua cuộc gặp gỡ với tình yêu Thiên Chúa và đi đến chân lý trọn vẹn nhất về con người, chúng ta mới thấy nguồn mạch của hoạt động truyền giảng Tin Mừng: thông truyền tình yêu đó cho người khác (số 8).

Đức Giáo hoàng mời gọi chúng ta phục hồi và gia tăng lòng nhiệt thành, “niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc rao giảng Tin Mừng”, “khám phá sự tươi mới nguyên tuyền của Tin Mừng”, tìm kiếm những quan lộ và những nẻo đường mới mẻ đầy sáng tạo, chứ đừng đóng kín Đức Giêsu trong “những hạng mục chán ngắt” (số 11). Sứ mạng Tân truyền giảng Tin Mừng được thực hiện trong 3 lãnh vực: 1/ Mục vụ thông thường nhắm đến các tín hữu đang giữ một đức tin mạnh mẽ và đơn sơ, để giúp họ lớn lên trong tình yêu đối với Chúa; 1/ Những người đã Rửa tội nhưng chưa sống những đòi hỏi của Bí tích này, để giúp họ hoán cải, tìm lại niềm vui trong đức tin và khao khát dấn thân cho Tin Mừng; 3/ Những người chưa biết Đức Giêsu Kitô hay vẫn luôn từ chối Ngài, để chia sẻ niềm vui Tin Mừng cho họ và mời họ đến với bàn tiệc đáng ước ao (số 14).

Dựa vào giáo huấn của hiến chế Lumen gentium về Giáo hội, Đức Thánh Cha cho biết sẽ bàn rộng hơn các vấn đề sau: a) Công cuộc cải tổ Giáo hội vươn ra sứ vụ truyền giáo; b) Những cám dỗ của người đang làm công tác mục vụ; c) Giáo hội được hiểu như toàn thể Dân Chúa loan báo Tin Mừng; d) Bài giảng lễ và việc chuẩn bị; e) Việc đón lấy người nghèo trong xã hội; f) Hòa bình và đối thoại trong xã hội; g) Những động lực thiêng liêng cho sứ vụ truyền giáo (số 17).

 

Chương I: Sự biến đổi về việc truyền giáo của Giáo hội (19-49)

Như Apraham, Môsê, Giêrêmia mỗi người Kitô hữu và mỗi cộng đoàn cần biện phân đâu là nẻo đường Chúa kêu mời “hãy ra đi”, chấp nhận ra khỏi những an nhàn tiện nghi mà can đảm vươn tới ngoại biên là những người đang cần ánh sáng Tin Mừng (số 20). Cũng nên nhớ rằng Lời Chúa như hạt giống có một tiềm năng không thể lường được, vượt qua sự tính toán và suy nghĩ của chúng ta (số 22). Giáo hội “ra đi” là cộng đồng của những môn đệ truyền giáo đi bước trước, để tìm kiếm gặp gỡ những người xa cách mình, những người bị loại bỏ; một cộng đồng kiên nhẫn đồng hành với nhân loại bất chấp những khó khăn, biết sinh hoa kết trái; một cộng đồng tràn đầy niềm vui, luôn biết “ăn mừng” vì mỗi bước tiến của việc truyền giáo (số 24).

Nói về hoạt động mục vụ, Đức Thánh Cha kêu gọi các cộng đồng đưa ra những phương thế cần thiết để xúc tiến một cuộc hoán cải về mục vụ và truyền giáo, không thể để sự việc như đang thấy trong hiện tại (số 25); cần phải canh tân tất cả, sao cho những thói quen, chương trình, phong cách và các cơ cấu Giáo hội trở thành một con đường thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng trong thế giới hiện tại (số 27). Đức Thánh Cha đề nghị một “mục vụ hoán cải” 360 độ, khởi đầu từ giáo xứ (số 28), các cộng đoàn cơ bản, các phong trào và hiệp hội (số 29), các Giáo Hội địa phương (số 30). Ngay cả Đức Giáo hoàng cũng suy nghĩ về việc hoán cải trong khi thực thi quyền tối thượng của thánh Phêrô, cần phải tiến hành sự “phân quyền” lành mạnh (số 16). Các cơ cấu trung ương của Giáo hội hoàn vũ cũng cần lắng nghe lời kêu gọi hoán cải mục vụ, trung thành hơn với ý nghĩa mà Đức Giêsu mong muốn, để đáp ứng những nhu cầu hiện tại của việc truyền giảng Tin Mừng. Ngài hy vọng rằng các Hội đồng Giám mục có thể góp phần thực hiện cách cụ thể tinh thần giám mục đoàn (số 32). Trong cuộc canh tân này, Giáo hội không nên sợ hãi xem xét lại “những tập tục nào đó không trực tiếp nối kết với trọng tâm của Tin Mừng, cho dù đó là những tập tục đó có gốc gác lịch sử sâu xa” (số 43).

Một dấu hiệu chứng tỏ sự mở lòng ra với Thiên Chúa là “những cánh cửa của Giáo hội nên rộng mở luôn” sao cho những ai tìm kiếm Chúa “sẽ không thấy cửa bị đóng lại”; cả những cánh cửa của các bí tích cũng không nên đóng lại chỉ vì một lý do đơn giản nào đó. “Bí tích Thánh Thể không phải là một giải thưởng cho người hoàn thiện, nhưng là một phương dược đầy quyền năng và sự bổ dưỡng cho người yếu đuối”. Những xác tín này sẽ đem lại hệ quả mục vụ mà chúng ta được mời gọi suy xét với sự khôn ngoan và can đảm (số 47).

ĐGH tiếp tục lặp lại những điều ngài đã từng nói với các linh mục và tín hữu tại Achentina rằng ngài thích “một Giáo hội bị bầm dập, tổn thương và dơ bẩn vì đã ra đường phố, hơn là một Giáo hội đau ốm vì đóng kín hay thoải mái vì bám víu vào sự an toàn riêng của mình… một Giáo hội bận tâm trở thành trung tâm và rồi kết thúc vào một mớ bòng bong của những ám ảnh và thủ tục. Nếu có cái gì phải quấy rầy chúng ta và làm cho chúng ta bận tâm bận trí, thì đó là những anh chị em đang sống … ngoài tình bằng hữu với Đức Giêsu Kitô” (số 49).

 

Chương II: Giữa cơn khủng hoảng của việc dấn thân cộng đồng (50-109)

Trong chương này, Đức Giáo hoàng kể ra một số thách đố ngày nay. Bên cạnh những tiến bộ, thành công và các kỹ thuật tân tiến về lãnh vực y tế, giáo dục và truyền thông mà thế giới đem lại cho con người (số 52), còn có nhiều yếu tố khác có thể làm suy yếu sức bật của việc canh tân truyền giáo trong Giáo hội. Trước hết, Đức Giáo hoàng lên án các hệ thống kinh tế hiện nay là “bất công ngay tại gốc rễ” (số 59): Một nền kinh tế giết người vì chạy theo cái trò cạnh tranh, những kẻ mạnh muốn nuốt chửng những người yếu; một thứ kinh tế hưởng thụ, tạo ra cái gì đó mới mẻ, chỉ dùng một lần rồi quăng ném đi, và như thế đám dân đen bị loại trừ, không phải vì bị áp bức và bóc lột, nhưng vì họ là đồ thừa thãi (số 53). Đó là một chế độ độc tài mới sinh ra từ của nền kinh tế tự trị về thị trường, trong đó đầu cơ tài chính, tham nhũng tràn lan, trốn thuế (số 56).

Ngài cũng lên án “cuộc tấn công vào quyền tự do tôn giáo” và “cuộc bách hại mới trực tiếp chống lại các Kitô hữu”. Ở nhiều nơi, còn thêm vấn đề phổ biến “lãnh đạm và tương đối hóa tôn giáo” (số 61). Tại các gia đình cũng đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu xa về văn hóa. Nhắc lại những đóng góp không thể thiếu của hôn nhân đối với xã hội (số 66), ngài nhấn mạnh rằng “chủ nghĩa cá nhân của thời đại hậu hiện đại và toàn cầu hóa của chúng ta ủng hộ một lối sống … làm biến dạng những mối quan hệ gia đình” (số 67). Trong bối cảnh đó, các tín hữu hãy nói không với một nền kinh tế loại trừ và chênh lệch, một hình thức tôn thờ tiền bạc như ngẫu tượng, một hệ thống tài chính trịch thượng, một nền văn hóa của hận thù, bạo lực và chết chóc, những thủy triều của tục hóa muốn quét đi xã hội chúng ta, những cuộc khủng hoảng về văn hóa của chủ nghĩa cá nhân của thời kỳ hậu hiện đại và toàn cầu hóa…(số 53-75).

Đức Giáo hoàng cũng cho thấy những cám dỗ gây ảnh hưởng đến những người đang làm việc mục vụ (số 77): “Chủ nghĩa cá nhân, cuộc khủng hoảng về căn tính và sự nguội lạnh lòng nhiệt thành” (số 78). Đe dọa lớn nhất trong tất cả là chủ nghĩa thực dụng buồn tẻ của đời sống hàng ngày của Giáo hội. Bên ngoài tất cả dường như đang xúc tiến bình thường, nhưng trong thực tế, đức tin đang bị hao mòn và thoái hóa thành nhỏ nhen (số 83). Ngài cũng cảnh giác chống lại “chủ nghĩa thất bại” và khuyến khích các Kitô hữu trở thành những dấu chỉ hy vọng (số 86), đem lại “cuộc cánh mạng của sự dịu dàng” (số 88). Chúng ta vẫn thấy một vài nơi ngày càng gia tăng niềm trân trọng một thứ “linh đạo sống thoải mái … tách rời khỏi trách nhiệm đối với anh chị em mình” (số 90) để chinh phục “tính chất phàm tục tâm linh” núp bóng dưới lòng đạo đức bên ngoài là “tìm kiếm không phải vinh quang Thiên Chúa nhưng vinh quang con người và sự sung sướng” (số 93). Cũng có nhiều người “cảm thấy hơn người khác” bởi vì “họ trung thành tuân giữ lề luật theo phong cách sống Công giáo tiêu biểu của quá khứ”. Dựa vào đó “thay vì loan báo Tin Mừng thì họ phân tích, phân hạng đánh giá người khác” (số 94). Có cả những người chỉ lo “phô trương về phụng vụ, giáo lý và uy tín của Giáo hội mà không quan tâm xem Tin Mừng có ảnh hưởng thực sự đến nhu cầu của dân chúng thế nào (số 95). Đây là sự mục ghê gớm bên trong nhưng biểu lộ ra bề ngoài nhiều điều tốt. Giáo hội chúng ta cần phải ra khỏi chính mình, phải ra đi thi hành sứ vụ tập trung vào Đức Kitô. Chúa sẽ cứu chúng ta khỏi một Giáo hội theo thói đời dưới những cạm bẫy mục vụ và tâm linh hời hợt! (số 97)

Các cộng đồng Giáo hội cũng đừng rơi vào cạm bẫy của đối kỵ và ghen tương. “Có biết bao chiến tranh xảy ra ngay giữa dân Thiên Chúa và trong nhiều cộng đoàn khác nhau của chúng ta!” (số 98) Chúng ta sẽ truyền giảng Tin Mừng cho ai được nếu chúng ta gây chiến với nhau? (số 100). Cần phải xúc tiến mạnh mẽ tinh thần trách nhiệm của người giáo dân, thường bị đầu óc giáo sĩ trị đặt ở bên rìa các quyết định (số 102). Cũng cần mở rộng nhiều không gian và cơ hội cho sự hiện diện sâu sát của phụ nữ trong Giáo hội, cách riêng trong những nơi, dù là Giáo hội hay các cơ cấu xã hội thực hiện những quyết định quan trọng (số 103). Những đòi hỏi về quyền lợi hợp pháp của phụ nữ phải được tôn trọng, chứ không thể bị lảng tránh cách dễ dàng (số 104). Người trẻ nên thực hiện vai trò lãnh đạo cấp cao hơn (số 106). Về vấn đề khan hiếm ơn gọi trong một số nơi, các chủng viện không được tiếp nhận các ứng sinh dựa trên bất cứ động lực nào (số 107).

 

Chương III. Công bố Tin Mừng (110-175)

Trong chương này Đức Thánh Cha triển khai các phương thức của Tân loan báo Tin Mừng.

Là một mầu nhiệm bắt nguồn từ Ba Ngôi, Giáo hội hiện diện cụ thể trong lịch sử như một dân hành hương và những người truyền giảng Tin Mừng. Truyền giảng Tin Mừng là nhiệm vụ của Giáo hội hơn là một cơ cấu có phẩm trật và tổ chức (số 111). Giáo hội vui mừng ra đi công bố cho mọi người ơn cứu độ và lòng thương xót của Thiên Chúa (số 112-113) cho nên phải là một nơi làm cho mọi người cảm thấy được chào đón, yêu thương, tha thứ và can đảm sống cuộc đời tốt đẹp của Tin Mừng (số 114). Sống trên hành tinh này, Giáo hội gồm nhiều dân tộc mang theo văn hóa riêng của mình. “Ân sủng giả thiết nền văn hóa, và quà tặng của Thiên Chúa nhập thể trong nền văn hóa của người tiếp nhận nó” (số 115). Nhưng Kitô giáo không đơn giản chỉ có một lối diễn tả văn hóa mà thôi. Giáo hội diễn tả công giáo tính của mình và cho thấy “nét đẹp của khuôn mặt muôn hình muôn vẻ” (số 116). Cho dù có một số nền văn hóa liên hệ chặt chẽ với việc rao giảng và sự phát triển của tư tưởng Kitô giáo, nhưng sứ điệp mặc khải không đồng nhất với bất cứ văn hóa nào. Không nhất thiết phải áp đặt một hình thức văn hóa xác định, cùng với đề nghị Tin Mừng, cho dù nó có xinh đẹp và cổ xưa tới đâu đi nữa (số 117). Không thể yêu cầu các dân tộc của mỗi Châu lục bắt chước mẫu thức diễn tả của các quốc gia Âu châu theo thời điểm lịch sử riêng của họ (số 118).

Theo Đức Thánh Cha sức mạnh của việc loan báo Tin Mừng cách tích cực cũng nằm ở bên dưới lòng đạo đức bình dân (số 121-126). Ngài khuyến khích các cuộc nghiên cứu tìm tòi của các thần học gia trong cuộc đối thoại với thế giới văn hóa và khoa học, với ý thức phục vụ cho sứ vụ cứu độ của Giáo hội: “Giáo hội và thần học tồn tại là để loan báo Tin Mừng” và đừng hài lòng với thần học bàn tròn (số 133).

Việc giảng lễ của các chủ chăn cũng được Đức Thánh Cha mời gọi đánh giá nghiêm túc và có phần tỉ mỉ (số 135). Bài giảng “nên ngắn gọn và đừng làm giống như một bài diễn thuyết hay một bài học” (số 138). Giảng lễ giống như một người mẹ chuyện trò, dạy dỗ, sửa bảo người con của mình; nên dùng ngôn ngữ gần gũi như tiếng mẹ đẻ (số 139). Một bài giảng thuần túy luân lý, đạo lý hay chú giải Thánh Kinh sẽ giảm thiểu sự truyền thông từ trái tim đến trái tim (số 142). “Người giảng lễ không có sự chuẩn bị là người không có ‘tinh thần’; không trung thực và vô trách nhiệm” (số 145). Một đặc tính khác của bài giảng là dùng ngôn ngữ tích cực để luôn “trao tặng niềm hy vọng, hướng đến tương lai, không để ta bị giam hãm trong tiêu cực” (số 159).

Mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu cũng bao gồm lời mời gọi lớn lên trong đức tin: “Dạy dỗ họ tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,20), giáo dục đức tin hay huấn giáo (số 160). Dĩ nhiên sẽ không đúng nếu chỉ thấy lời mời gọi lớn lên trong đức tin này bao gồm việc đào tạo trước hết và duy nhất về giáo lý mà thôi: tuân giữ luật truyền của Chúa trước hết và trên hết là tình yêu (số 161). Trong việc huấn giáo, lời loan báo kerygma có một vai trò nền tảng và trung tâm (số 164). Người truyền đạt không nhắm đến việc huấn luyện có cơ sở vững chắc, nhưng nên có vài tâm tính giúp cho người nghe tiếp nhận cách tốt hơn: gần gũi, cởi mở đối thoại, nhẫn nại, tiếp đón thân ái chứ không kết án” (số 165). Trong cuộc sống có nhiều điều nghịch lý, nhiều ám ảnh và bệnh hoạn, thì việc giáo dục đức tin và hướng dẫn người Kitô hữu đến gần Thiên Chúa cũng quan tâm đến nghệ thuật đồng hành tâm linh (số 169-173).

 

Chương IV: Chiều kích xã hội của việc loan báo Tin Mừng (số 176-258)

Loan báo Tin Mừng là làm cho triều đại Thiên Chúa hiện diện giữa trần gian. Sứ mạng này có một mối liên hệ sâu sắc với việc thăng tiến con người. Tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần có chiều kích xã hội rõ ràng. Cả mầu nhiệm Ba Ngôi cũng nhắc nhở rằng chúng ta được tao dựng theo hình ảnh và sự hiệp thông của Thiên Chúa, và chúng ta được cứu độ không phải một mình (số 178). Nhắc lại giáo huấn của Giáo hội về các vấn đề xã hội, Đức Thánh Cha nói đến “quyền của các mục tử được đưa ra ý kiến liên quan đến tất cả những gì ảnh hưởng đến đời sống của dân chúng” (số 182) chứ không chỉ bị giới hạn vào việc cứu rỗi các linh hồn mà thôi (số 183). Đối với Giáo hội, chọn lựa đứng về phía người nghèo chủ yếu là một thần học chứ không phải xã hội học (số 198). Mỗi người Kitô hữu được mời gọi kết hợp với Chúa để lắng nghe tiếng kêu cứu của người nghèo (số 187-192). Trong trái tim của Thiên Chúa có một chỗ dành riêng cho người nghèo, thậm chí chính Người đã trở nên người nghèo. Toàn bộ cuộc hành trình cứu chuộc chúng ta đều được đánh dấu bởi người nghèo (số 197). Đây cũng là lý do vì sao Đức Giáo hoàng muốn có một Giáo hội nghèo vì người nghèo. Họ có nhiều điều để dạy chúng ta (số 198). Nếu không có chọn lựa ưu tiên cho người nghèo, thì việc công bố Tin Mừng dù bằng việc tự thiện bác ái, cũng có nguy cơ bị hiểu lầm hoặc chìm trong đại dương của những từ ngữ truyền thông hàng ngày (số 199). “Bao lâu các vấn đề của người nghèo chưa được giải quyết tận căn … thì bấy lâu không tìm được giải pháp cho những vấn đề của thế giới này” (số 202).

Chính trị dù hay bị bôi nhọ, nhưng vẫn là một ơn gọi cao cả và là một trong hình thức cao nhất của đức ái, vì chính trị tìm kiếm công ích cho xã hội (số 205). Cũng vậy, nền kinh tế phải là nghệ thuật đạt được sự quản trị thích hợp cho ngôi nhà chung là toàn thể thế giới (số 206). Bất kỳ cộng đồng Giáo hội nào, nếu quên lãng người nghèo sẽ đi vào nguy cơ “tan vỡ” (số 207). Chúng ta hãy chăm sóc những thành phần yếu đuối nhất của xã hội bằng sự cởi mở quảng đại. Đó là: những người vô gia cư, nghiện ngập, dân tị nạn, người bản địa, người già đang bị cô lập và bỏ rơi (số 210); những nạn nhân của biệc buôn người và các hình thức mới của chế độ nô lệ (số 211); người nghèo gấp đôi là các phụ nữ phải bị loại trừ, ngược đãi và bạo lực (số 212); thành phần dễ bị tổn thương đặc biệt là các trẻ em chưa được sinh ra, mà ngày nay có những nỗ lực từ chối nhân phẩm của các em bé (số 213). Chúng ta cũng được mời gọi trông nom và bảo vệ mọi loài thọ sinh trên thế giới mong manh của chúng ta (số 215-216).

Về đề tài hòa bình, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “cần phải gióng lên tiếng nói ngôn sứ” chống lại các nỗ lực hòa giải giả tạo để “im lặng hoặc xoa dịu” những người nghèo hoặc những người “không muốn từ bỏ đặc quyền của họ” (số 218). Để xây dựng một xã hội “trong hòa bình, công lý và tình huynh đệ”, cần theo 4 nguyên tắc (số 221): a/ “Thời gian lớn hơn không gian” (số 222) có nghĩa là làm việc “chậm mà chắc, không bị ám ảnh với kết quả ngay lập tức” (số 223); b/”Hiệp nhất chiếm ưu thế trên xung đột” (số 226) có nghĩa là “một sự hiệp nhất trao ban sự sống và đa dạng” (số 228); c/ “Thực tế quan trọng hơn ý tưởng” (số 231) có nghĩa là tránh “giản lược chính trị hay đức tin vào khoa trương hùng biện” (số 232); d/ “Toàn bộ lớn hơn thành phần” có nghĩa là cùng nhau đem lại “toàn cầu hóa và địa phương hóa” (số 234).

“Loan báo Tin Mừng cũng liên quan đến con đường đối thoại, làm cho Giáo hội mở ra để hợp tác với tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, tôn giáo và văn hóa (số 238). Đối thoại đại kết cũng là “một con đường không thể thiếu để rao giảng Tin Mừng” trong đó chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau rất nhiều! (số 244). Đối thoại và sống tình bằng hữu với con cái nhà Israel là một phần cuộc sống của các môn đệ Chúa Giêsu” (số 248). Đối thoại liên tôn được thực hiện “rõ ràng và vui tươi trong căn tính riêng của mình” là “điều kiện cần thiết cho hòa bình trên thế giới” và không làm lu mờ việc rao giảng Tin Mừng (số 250-251). Trong thời đại chúng ta, “mối quan hệ của chúng ta với những người theo Hồi giáo đã đạt được tầm quan trọng đáng kể” (số 252). Đức Giáo hoàng khiêm tốn khẩn nài những nước có truyền thống Hồi giáo đảm bảo tự do tôn giáo cho các Kitô hữu. Đối mặt với những bạo lực do phái Hồi giáo cựu đoan gây ra, chúng ta nên tránh khái quát hóa hận thù, bởi vì Hồi giáo đích thực và việc giải thích đúng đắn kinh Koran chống lại mọi hình thức bạo lực (số 253). Trong một số hoàn cảnh xâm phạm đến tôn giáo riêng tư, ngài cũng khẳng định sự tự do tôn giáo là quyền nền tảng của con người, cho nên không ai được kỳ thị hay độc đoán xâm phạm đến tôn giáo của một thiểu số (số 255). Cuộc đối thoại và hiệp ước giữa các tín hữu và người không tin cũng có một tầm quan trọng đặc biệt trong việc bảo vệ nhân phẩm con người, xây dựng hòa bình và bảo vệ cõi tạo thành (số 257).

 

Chương V: Những người truyền giảng Tin Mừng với Thần Khí (259-288)

Chương cuối cùng bàn đến những người truyền giảng Tin Mừng mở lòng ra cho hoạt động của Thánh Thần không biết sợ hãi, những người can đảm công bố sự mới mẻ của Tin Mừng trong mọi thời và mọi nơi, ngay cả khi họ gặp sự chống đối (số 229). “Nhà truyền giảng Tin Mừng là người cầu nguyện và làm việc”; vừa chìm sâu trong kinh nguyện, Lời Chúa, thờ lạy Thánh Thể, nhưng cũng tránh khỏi cám dỗ một thứ tâm linh cá nhân, từ chối hiến thân cho công cuộc truyền giáo (số 262). Qua cuộc gặp gỡ đích thân với Chúa Giêsu, họ kinh nghiệm được cách mới mẻ tình bạn và sứ điệp cứu độ của Ngài (số 264-266). Họ nhận biết rằng “truyền giáo vừa là niềm say mê đối với Chúa vừa say mê với dân của Người” (số 268). Chính Ngài là khuôn mẫu, phương pháp của việc loan báo Tin Mừng mang chúng ta tới từng tâm khảm, con tim của dân Ngài (số 269). Ngài muốn chúng ta chạm vào sự khốn khổ của nhân loại, chạm vào thớ thịt khổ đau của những người khác (số 270). Trong mối liên hệ với thế giới, chúng ta được mời gọi cho mọi người thấy những lý do của niềm hy vọng, chứ không phải chỉ trích và lên án như những kẻ thù thường làm (số 271). Tình yêu của chúng ta đối với người khác lôi kéo chúng ta kết hiệp với Chúa. Nếu chúng ta muốn tiến bước trên đường thiêng liêng, chúng ta phải luôn luôn là những nhà truyền giáo. Chỉ những ai cảm thấy hạnh phúc trong việc tìm kiếm điều tốt lành cho người khác và mong muốn họ hạnh phúc, thì người đó mới có thể là nhà truyền giáo (số 272). Sứ mạng của tôi không phải là một phần của đời tôi, là đồ trang sức thêm vào, nhưng thuộc về con người của tôi, là lý do hiện hữu của tôi giữa trần gian (số 273). Nếu tôi giúp cho ít nhất một người có cuộc sống tốt hơn, điều đó biện minh cho sự hiến dâng cuộc đời của tôi rồi (số 274). Một số người không muốn dấn thân cho sứ vụ vì gặp nhiều khó khăn và những nỗ lực trở nên vô ích. Hãy nghĩ đến Đức Kitô đã chiến thắng tội lỗi và cái chết. Như các môn đệ, Chúa đang hoạt động ở giữa chúng ta và củng cố sứ điệp của Ngài. Thánh thần cũng hoạt động theo như Ngài muốn, khi nào Ngài muốn và những nơi Ngài muốn (số 275-279). Chúng ta chỉ cần biết rằng dấn thân cho sứ vụ là điều cần thiết. Đừng sờn lòng nản chí trước thất bại hay không gặt hái được kết quả, bởi vì “việc sinh hoa kết trái thường vô hình, khó nắm bắt và không thể định lượng được” (số 279).

Tông huấn kết thúc bằng lời cầu nguyện với Đức Maria “Mẹ của việc loan báo Tin Mừng”. Nếu không có Mẹ chúng ta không thể hiểu được tinh thần thực sự của sứ mạng Tân loan báo Tin Mừng (số 284). “Có một ‘phong cách’ Maria cho công cuộc truyền giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Mỗi lần nhìn lên Mẹ, chúng ta lại tin vào sức mạnh biến đổi của tình yêu và sự dịu dàng” (số 288).

Có thể nói tựa đề Evangelii gaudium Niềm vui Tin Mừng thâu tóm toàn bộ nội dung chính và lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong Tông huấn: tất cả mọi người phải loan báo Tin Mừng. Với văn kiện được coi là mang tính lịch sử này, Giáo hội chuyển qua một giai đoạn mới, không còn đo lường trên việc quản trị các tín hữu tham dự Thánh Lễ nữa, nhưng trên khả năng ở trong “tình trạng thường trực truyền giáo”, sửa lại những khuyết điểm hiện trên khuôn mặt Hiền Thê thánh thiện và tinh tuyền của Đức Kitô (số 25-26). Giáo hội loan báo Tin Mừng là Giáo hội tràn đầy niềm vui. Với vẻ đẹp chiếu tỏa từ tình yêu của Đức Kitô, Giáo hội đến với thế giới hiện tại đang lo âu để thông chia niềm hy vọng và ơn chữa lành: “Nỗi buồn vô hạn của chúng ta chỉ được chữa lành bằng tình yêu vô hạn” (số 265).

Sr. Maria Đinh Thị Sáng

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com