Chương 5
ĐƯỢC MÃN NGUYỆN VÀ TỰ MÃN
Lời Chúa:
- Gioan 15: 18-27
- Tông Đồ Công Vụ 20: 17-24
Tóm Lược:
1. Được mãn nguyện có nghĩa là yêu thích một người hay một vật nào vì chính người ấy hay vật ấy. Còn tự mãn là yêu thích một người nào hay một vật nào vì người ấy hay vật ấy có thể làm cái gì cho tôi.
2. Người tông đồ đích thực nhận biết công việc của Chúa Giêsu làm cho họ mãn nguyện, cho dầu công việc ấy có luôn luôn làm cho họ hài lòng hay không.
3. Tự mãn chỉ nhằm nắm quyền kiểm soát, còn mãn nguyện là nhằm vào tình yêu đích thực.
4. Khi chúng ta chỉ tìm kiếm sự mãn nguyện. chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận thất bại hơn và đặt sự thành công vào đúng chỗ của nó.
5. Với tư cách là người lãnh đạo cho Chúa Kitô, chúng ta chẳng có gì để chứng minh với ai cả: tất cả những gì chúng ta cần làm là thực thi công việc của Chúa.
Chúng ta đã bàn về ba chước cám dỗ mà bất cứ người lãnh đạo nào cũng phải đối đầu: đó là nỗi sợ mất an toàn cá nhân buộc chúng ta đấu tranh để báo vệ quyền lực; kế đến là cần chứng minh cho người khác thấy mình cao trọng như thế nào, và thứ ba là ước muốn lãnh đạo chứ không ước muốn phục vụ ("Nếu tôi mà vào được địa vị quyền lực này, thì mọi sự sẽ khác đi hết!"). Những chước cám dỗ ấy nuôi dưỡng nơi con người lòng thèm khát quyền uy, quyền lực và muốn được mọi người nhìn nhận. Những cám dỗ ấy là những cám dỗ về sự tự mãn chứ không phái là thái độ được mãn nguyện. Cái khác nhau giữa tự mãn và được mãn nguyện chính là sự khác biệt giữa tình yêu và sự chế ngự.
Được mãn nguyện có nghĩa là chúng ta yêu thích một người hay một vật nào đó là do bởi chính người đó hay vật đó. Chính sự hiện hữu thật sự của người ấy hay vật ấy làm cho chúng ta được mãn nguyện. Chúng ta không tìm cách biến đồi hay chế ngự người ấy, vật ấy. Chúng ta vui mừng với sự hiện hữu của người ấy, vật ấy. Còn chúng ta tự mãn khi chúng ta yêu thích người nào hay vật gì chỉ vì kẻ ấy hay vật đó làm cho chúng ta cảm thấy một cách nào đó. Cái rắc rối của sự tự mãn là khi một người hay một vật nào đó không còn làm cho chúng ta mãn nguyện, thì chúng ta có khuynh hướng gạt họ ra ngoài. Người ấy hay vật ấy chỉ hữu ích bao lâu người ấy hay vật ấy còn làm "tôi" hài lòng. Các bạn hãy nghĩ xem điều sau đây có buồn cười không. Hoàng hôn thì đẹp và cũng có thể làm cho người ta được mãn nguyện. Giả sử chúng ta không còn thích những buổi hoàng hôn nữa thì sao? Không lẽ Thiên Chúa lập tức dẹp hoàng hôn đi sao? Vậy mà khi chúng ta bị sự tự mãn thúc đẩy, chúng ta có ý nghĩ như vậy đó. Chúng ta chỉ hài lòng về một người hay một vật nào bao lâu người ấy hay vật ấy còn làm cho chúng ta cảm thấy vui và thỏa mãn mà thôi. Sự tự mãn làm cho thực tế trở nên rất chủ quan.
Những kẻ vừa là người lãnh đạo vừa là người phục vụ chân chính thì không hề tìm kiếm sự tự mãn. Họ hài lòng với đời sống hiện tại của họ. Họ không tìm cách chiếm đoạt mãi thời gian hay tìm cách loại bỏ một kinh nghiệm chỉ vì cái kinh nghiệm ấy không thích hợp cho tôi. Người phục vụ chân chính yêu điều Chúa trao ban cho họ đúng thời điểm bất kể điều ấy làm cho họ cảm thấy như thế nào. Còn sự tự mãn thì chỉ là khát khao quyền lực, khát khao chỉ huy và bám víu. Bởi thế Thánh Augustinô đã nói: "Bạn hãy yêu Chúa đi đã, rồi bạn muốn làm gì thì làm." Thoạt đầu nghe lạ tai thật, nhưng điều Thánh nhân muốn nói với chúng ta là chúng ta yêu thương người nào hay vật nào là vì ngươi ấy hay vật ấy chứ không phải vì người ấy hay vật ấy làm được cái gì cho cá nhân chúng ta. Bản chất của tình yêu là tình yêu. Bạn hãy thử mô tả tình yêu đích thực đối với một người nào hay vật nào xem. Hầu như khó có thể có lời lẽ nào diễn tả cho chính xác. Chúng ta yêu thích người nào hay vật nào, cùng lắm chỉ bởi chữ "vì". Không cắt nghĩa được. Chúng ta yêu chỉ vì chúng ta yêu.
Bạn hãy xem xét vạn vật thiên nhiên. Một chiếc bông hồng thì thích được làm bông hồng. Nó không ao ước được làm một cành hoa cẩm chướng, một cánh hoa thuỷ tiên hay một cây sồi. Bông hồng là bông chứ không là gì khác. Nó mọc lên, nó chết đi, nó vận hành theo chu kỳ thiên nhiên của nó. Mỗi năm có bốn mùa. Không mùa nào ước ao được tồn tại mãi mãi. Các mùa đổi thay nhau theo luật thiên nhiên. Chúng cứ thế mà vận hành. Vật gì không thay đổi và không tăng trưởng vật ấy hoặc đã chết rồi hoặc chỉ là nhân tạo. Đó là chuyện đương nhiên của tạo vật. Không hề có ganh tị. Cỏ dại không ước ao làm loại cỏ nuôi thú. Cả hai thứ ấy vẫn chung sống với nhau (ít ra chúng làm ra như thể chung sống với nhau ở nơi bãi cỏ sau nhà tôi). Một buổi chiều hoàng hôn lấy làm mãn nguyện được làm hoàng hôn, không cần biết có ai thưởng thức nó hay không, không cần biết có ai chiêm ngắm nó hay không. Có nhiều loại hoa đem lại thích thú cho người này, nhưng cũng chính những loại hoa ấy lại gây dị ứng cho người khác. Vậy thì các loại hoa như thế có phải ngưng đừng làm hoa nữa không? Dĩ nhiên là không. Hoa là hoa, thế thôi - không hơn, không kém.
Chính vì vậy mà thường khi tôi không hiểu được tại sao có nhiều người vẫn cứ nổi khùng lên vì thời tiết. - Cái trận bão tuyết này phiền hà thật; tôi ghét nó làm sao? Làm sao chúng ta nổi giận thiên nhiên như thế. Thiên nhiên chỉ làm cái công việc đã được định sẵn cho nó mà thôi. Khi điều kiện thời tiết đi đúng vận hành của nó, thì đương nhiên có mưa, có tuyết, có mặt trời hay có thứ khác như vậy. Thiên nhiên có thể đoán trước được. Nó không hề phản loạn chống lại các quy luật của nó. Nó là nó. Khi chúng ta nhìn cảnh hoàng hôn, chúng ta thưởng thức nó, chúng ta được mãn nguyện vì nó, nhưng rồi chúng ta có nổi giận không khi cảnh ấy biến đi mất? Dĩ nhiên là không. Chúng ta thưởng thức nó trong một lúc nào đó rồi thôi. Nếu hoàng hôn cứ buộc phải đáp ứng sự tự mãn của chúng ta, thì mỗi khi hoàng hôn biến đi, hay không đo lường được sự mong muốn của chúng ta, chắc chúng ta sẽ nối giận lên.
Các người làm lãnh đạo cho Chúa Kitô phải có khả năng làm việc Chúa vì việc Chúa làm cho người ta được mãn nguyện chứ không phải vì việc Chúa làm được điều gì cho ta. Chúng ta yêu thích công việc của chúng ta vì đó là công việc của chúng ta, tôi cứ thế mà làm. Chúng ta không giữ mãi công việc ấy hay là tìm kiếm quyền hành, quyền lực để chỉ huy. Khi chúng ta có được sự mãn nguyện, chúng ta lấy làm vui về một điều gì đó rồi thì cứ thế mà tiến. Còn sự tự mãn thì khi thỏa mãn điều gì, thì lại muốn dừng lại đó mãi, rồi bỏ ra quá nhiều thời giờ để tìm cách giữ lấy nó đến nỗi không bao giờ được vui hưởng và thực sự thỏa mãn. Cũng giống như một người ích kỷ mất quá nhiều công sức để nghi ngờ bạn mình, đến độ không có thời giờ để thưởng thức hay trân quý mối quan hệ thân thiết với người bạn ấy. Khi chúng ta làm việc cho Chúa dầu với tư cách là người lãnh đạo Cursillo hay là người lãnh đạo Kitô hữu, chúng ta cũng đều phải tự hỏi: Tôi đang làm việc ấy vì việc ấy làm cho tôi được mãn nguyện (vì được phục vụ Thiên Chúa) hay vì tôi tự mãn (chỉ vì việc ấy làm cho tôi cảm thấy sung sướng)? Chúng ta yêu thích công việc của chúng ta là vì chính công việc ấy hay chỉ vì công việc ấy có thể đem lại cho chúng ta cái gì? Anthony DeMello nói về sự thể sẽ ra làm sao khi chúng ta bám víu vào một người hay một vật gì:
“Bám víu - sự bám víu được cấu tạo như thế nào? Trước tiên là bạn tiếp xúcvới một cái gì đó làm cho bạn thích thú... Kế đến bạn ước ao giữ lấy cái đó, luôn luôn tìm cách hưởng thụ với cái cảm giác mãn nguyện mà người ấy hay vật ấy tạo ra cho bạn. Cuối cùng bạn xác tín rằng nếu không có người ấy hay vật ấy, bạn sẽ không được hạnh phúc... Mỗi khi bạn rời xa đối tượng bạn bám víu, thì bạn cũng để trái tim bạn ở đó, nên chi bạn không còn có thể đầu tư con tim và khối óc bạn vào chỗ kế tiếp mà bạn đang đi tới. Cuộc sống của bạn như bản giao hưởng cứ tiếp tục mà bạn thì cứ ngoảnh nhìn lại đằng sau.”
Trong chương trước, chúng ta đã ghi nhận rằng, Chúa Giêsu không bám chặt vào Thiên tính của Người, nhưng trái lại đã tự "giũ bỏ" mình. Tuy nhiên trong tiến trình giũ bỏ. Chúa Giêsu đã chẳng mất gì của Người cả, nhưng thực sự Người đã được tự do. Đó là điểm khác biệt giữa mãn nguyện và tự mãn. Mãn nguyện giải thoát chúng ta. Nó cho phép chúng ta tìm thấy niềm vui nơi một người nào hay vật nào đó rồi thì cứ tiếp tục tiến bước. Còn tự mãn thì làm cho chúng ta trở thành tù nhân của con người, đồ vật hay tư tưởng nào đó. Chúng ta không bao giờ được trưởng thành, không còn khả năng tiến lên phía trước, rồi khi chúng ta bám chặt, chúng ta ngừng thăng tiến.
Chúa Giêsu nói về việc thế gian ghét bỏ chúng ta.Thế gian chứa đầy sự ghen tương bởi vì nhiều người chỉ phục vụ để được tán dương, được tưởng thưởng, được công nhận và để tạo thành tích. Loại phục vụ đó không bắt rễ từ tình yêu, mà do lòng ham muốn có được quyền lực và quyền bính. Vì vậy mà Thánh Phaolô nói rằng, điều quan trọng là "kết thúc cuộc đua" và làm công việc mà Thiên Chúa đã chỉ định. Cuối cùng thì điều chính yếu là chúng ta làm điều Chúa muốn chúng ta làm, bất kể thế gian có chấp nhận hay không, bất kể điều đó có được nhìn nhận hay không, và cũng bất kể điều đó có đem đến cho ta địa vị gì hay không. Phần lớn các nỗ lực tông đồ của chúng ta thất bại bởi vì Phúc âm đến với một thế giới thù nghịch. Nếu chúng ta chỉ tìm kiếm sự tự mãn mà thôi. Chúng ta chẳng bao giờ hân hoan làm việc Chúa và rồi bất cứ hy vọng nào hướng về sự bền vững cũng đều bị tiêu tan.
Một mỉa mai khác nữa về sự tự mãn là một khi chúng ta tìm cách thống trị tha nhân và hoàn cảnh, thì trong thực tế chúng ta cũng bị kẻ khác chế ngự rồi. Chúng ta để cho người khác và những tư tưởng khác ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của ta, cách chúng ta làm và cách chúng ta liên hệ tới cuộc sống. Đời sống thiêng liêng của chúng ta dựa trên cách phân loại của Nielson - chúng ta để cho cử tọa quyết định chúng ta phải sống như thế nào. Một lần nữa chúng ta trở lại với De Mello, ông ta lập luận rằng, chúng ta chỉ có thể yêu thật sự một khi chúng ta tách biệt khỏi mọi người và mọi sự.
“….. họ (người ta đã thuyết phục bạn rằng, nếu khi nào bạn tách rời bạn ra khỏi họ, bạn sẽ trở thành một hòn đảo... Nhưng sự thật thì hoàn toàn trái ngược. Làm sao bạn có thể yêu một người mà bạn đang bị làm nô lệ. Làm sao bạn có thể yêu một người mà nếu không có người đó bạn không thể nào sống được. Tình yêu chỉ có thể tìm thấy trong tự do và không sợ hãi. . . Bạn phải khám phá ra công việc bạn làm vì chính công việc ấy hơn là vì lợi ích của nó...
Ở đây có lẽ bạn cũng đã bị tẩy não nên có lối suy nghĩ theo kiểu chủ nghĩa tiêu thụ... Công việc bạn làm chỉ đạt giá trị tốí đa nếu nó được quần chúng ưa chuộng và được bán chạy! Như vậy tức là bạn lại rơi vào vòng tay kiểm soát của người ta rồi còn gì. Giá trị của một hành động, theo họ, không phải ở tại việc tự chính nó được ưa thích, được thi hành và được thưởng thức một cách thích thú, mà là ở tại sự thành công của hành động ấy.
Con đường vương đạo dẫn tới chiêm niệm và Thực Tại... đi xuyên qua cái thế giới của những hành động vốn được thực hiện vì chính những hành động ấý chứ không cần lưu tâm tới thành quả hay lợi lộc - hoặc những hành động mang lại lợi nhuận”.
Tôi chắc chắn rằng nhiều điều như vậy nghe rất nhạt nhẽo và vô cảm, nhưng đó không phái là ý hướng nhắm tới. Tất cả chúng ta đều muốn biết rằng những gì chúng ta làm mới đáng quan tâm và bằng cách này hay cách khác, trong một kế hoạch rộng lớn hơn, chúng ta vẫn còn được cần đến. Điều cần lưu ý là chúng ta chẳng có gì để mà chứng minh cho chính chúng ta hay cho ai khác. Thậm chí chúng ta cũng chẳng phải chứng minh điều gì cho Thiên Chúa cả. Chúa đã yêu thương chúng ta và chấp nhận chúng ta rồi. Vấn đề đặt ra là Thiên Chúa đã kêu gọi mỗi người chúng ta làm một công việc, tiếp tục công việc mà Con Một Người đã bắt đầu với mười hai Tông Đồ. Người đã ban Thần Khí Người đến để lãnh đạo và dẫn dắt chúng ta. Đó mới là vấn đề quan trọng. Tôi nhớ có nghe kể rằng, một Cha Xứ muốn mỗi tuần đều ghi lên bảng bên ngoài nhà thờ các đề tài bài giảng của ngài. Tuần lễ nọ, ngài gọi người phụ trách đến cho biết đề tài để người ấy viết lên bảng. Ngài nói: "Chúa Là Mục Tử Tôi". Người phụ trách hỏi: thưa Cha còn gì nữa? Cha xứ trá lời: "Thế là đủ rồi". Tuần lễ ấy, người ta đọc thấy trên bảng câu này: "Bài giảng: Chúa là Mục Tử tôi - Thế Là Đủ Rồi!" Câu chuyện chẳng biết có thật hay không. Chúng ta không có gì để chứng minh cả. Hãy yêu mến Chúa và làm những gì bạn muốn. Chúa đã gọi chúng ta- và thế là đủ rồi!
Câu Hỏi Để Suy Niệm/ Thảo Luận:
1. Có phải chỉ tìm kiếm sự mãn nguyện mà thôi có nghĩa là chẳng có điều gì chúng ta làm là làm để được tự mãn không?
2. Làm thế nào để ý niệm về sự mãn nguyện có thể giúp chúng ta chấp nhận được những thất bại trong việc tông đồ?
3. Lời Thánh Augustinô nói "Hãy yêu mến Thiên Chúa đi đã. rồi muốn làm gì thì làm" có nghĩa gì?
4. Bằng cách nào nhu cầu tìm sự tự mãn ngăn trở ta trở thành người lãnh đạo - phục vụ?