Chương 4
CÁC CƠN CÁM DỖ
ĐỐI VỚI QUYỀN LÃNH ĐẠO
Lời Chúa:
- Mátthêu 4: 1-11
- Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô 6: 5-17
Tóm Lược:
1. Bởi vì người lãnh đạo tự bản chất vốn có tham vọng, nên họ dễ bị sa chước cám dỗ về tham vọng.
2. Chúa Giêsu đối đầu với ba thứ qủy tham vọng trong nơi hoang địa:
a. Sợ mất an toàn của chính mình:
b. Cần chứng minh mình là cao trọng:
3. Ước muốn lãnh đạo chứ không ước muốn phục vụ. Người lãnh đạo thật sự là người biết nhìn thấy nhu cầu của người khác, biết làm điều phải và không quan tâm tới việc được lòng người ta hay không, hay cá nhân mình có thành công hay không.
4. Để biết chúng ta thuộc loại lãnh đạo nào, chúng ta có thể tự hỏi bằng một câu hỏi đơn giàn là "Tâm tư tôi đang ở đâu?"
Chúng ta đã ghi nhận, khi Chúa Giêsu được ban cho nhiệm vụ Thiên Sai thật cao quý, Người lập tức tìm cách giũ sạch mình khỏi mọi cám dỗ xúi giục lòng tham. Tất cả những gì được đặt định cho Chúa Giêsu trong tư cách là Thiên Chúa đều được giũ sạch hầu Người có thể thật sự phục vụ Chúa Cha. Tấm gương khiêm nhường Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta nhằm nhắc nhở chúng ta, điều trước tiên người lãnh đạo phải làm là giũ sạch mọi tham vọng và mọi thèm khát quyền lực. Người lãnh đạo phải là người biết làm cho người khác cũng có được quyền lực - nói cách khác, đó là người sẵn sàng từ bỏ quyền lực mình đang có. Khi chúng ta bàn về việc chúng ta làm người lãnh đạo cho Chúa Kitô, vấn đề đặt ra không phải là ở quyền điều khiển, mà chính là ở tư cách phục vụ, tinh thần trách nhiệm và thái độ chịu trách nhiệm về việc mình làm. Điều tối quan trọng cho các người lãnh đạo là giũ bỏ mình khỏi lòng tham, bởi vì như chúng tôi đã đề cập trong chương trước, những người lãnh đạo tự bản chất vốn là những người có tham vọng. Người lãnh đạo có óc sáng kiến và lòng hăng say, đặt họ cách biệt với những người đi theo họ. Đối với bất cứ người lãnh đạo nào, đặc biệt là các người lãnh đạo Kitô hữu, rất dễ bị các tham vọng khuynh đảo khi họ quá tự mãn.
Khi Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần dẫn dắt vào nơi hoang địa, Người đối đầu với ba con quỷ tham vọng. Để giúp chúng ta hiểu ba con quỷ ấy có nghĩa gì đối với chúng ta, một lần nữa tôi lại trưng dẫn quyển sách của Tiến sĩ M. Scott Peck có nhan đề là A World Waiting to Be Born - (một Thế Giới Đang Chờ Được Sinh Ra). Nhận xét của Tiến sĩ Peck hữu ích vì hai lý do sau đây. Trước hết, Tiến sĩ Peck đưa ra một viễn ảnh về lãnh đạo được quan sát trong thế giới trần thế, và vì mục đích tối hậu của chúng ta là biến cái xã hội để nó thuộc về Chúa Kitô, sự hiểu biết của Tiến sĩ về sự cần thiết phải có lãnh đạo về mặt dân sự cũng có thể giúp chúng ta hiểu việc làm môn đệ của người Kitô hữu. Thứ đến, nhãn quan của Tiến sĩ Peck có giá trị: bởi vì trải qua nhiều năm nghiên cứu, ông đã đi tới chỗ hiểu rằng, nhiều cuộc khủng hoảng trong đời sống đều có đức tin và tôn giáo từ căn bản. Sự trở lại đạo của chính bản thân Tiến sĩ Peck đã dạy ông rằng, nếu không có một thứ hệ thống niềm tin tôn giáo, đời sống con người trở nên trống rỗng. Tiến sĩ Peck nhìn Chúa Giêsu rất bình thường trong tư cách một con người và nhìn Kitô giáo cũng vậy. Nhận xét của ông chắc chắn có thể giúp chúng ta tìm hiểu những động lực tác động một người lãnh đạo Kitô hữu.
Theo Tiến sĩ Peck, ba con quỷ tham vọng mà Chúa Giêsu đã đối đầu là những con quỷ nào? Trong cơn cám dỗ thứ nhất, ma quỷ xúi Chúa Giêsu hãy biến đá thành bánh mì. Xét bề mặt, cám dỗ đó xem ra vô hại. Thực ra: Chúa Giêsu đã trải qua đến bốn mươi đêm ngày chay tịnh và lúc bấy giờ thì Người đã đói lắm rồi. Một người đang đói tìm cho mình của ăn, như vậy đâu có gì là sai trái. Tuy nhiên,hãy nhớ rằng, quỷ Satan rất là xảo quyệt, nó không bao giờ cám dỗ chúng ta làm điều gì xét bề mặt thấy là xấu đâu. Nó thường xúi giục chúng ta làm những điều mà bề ngoài thấy có vẻ vô hại. Với Chúa Giêsu, nó cũng làm y như vậy. Nó bảo Chúa: "Ngài đang đói, Người cứ ăn đi. Thiên Chúa đâu có muốn cho ngài chết đói,phải không?" Sự cám dỗ thật sự không phải ở tại việc ăn hay không ăn. Chúa Giêsu không bị cám dỗ về thức ăn, mà về nỗi sợ bị chết đói. Với chúng ta. điều ấy có nghĩa là gì? Đơn giản lắm, đó là nguyên lý của sự sống, nguyên lý ấy là khi chúng ta đứng trên đỉnh cao chót vót, chúng ta chỉ còn một con đường để đi là đi xuống. Sợ chết đói có nghĩa là cái đủ vẫn không bao giờ là đủ. Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai. Không còn phẩm giá hay quyền lực nào mà Chúa có thể đòi cho Mình nữa đâu. Ma quỷ nói với Chúa: "Ngài hãy bám lấy cái Ngài đang có đi, chứ không Ngài sẽ đánh mất nó đấy?" Khi Chúa Giêsu không làm theo lời xúi giục của Satan biến đá thành bánh mì, không phải Người từ chối thực phẩm, mà từ chối sự an toàn cho mình, hay những gì trói buộc mình vào ảo tưởng được an toàn. Vì vậy mà Chúa Giêsu đã nói với Satan rằng con người không sống chỉ nhờ bánh mà thôi. Sự an toàn thật sự của chúng ta là do Thiên Chúa mà ra, chứ không do quyền lực nào của trần thế. Đối với bất kỳ người lãnh đạo nào, mối quan tâm hàng đầu là họ không thể bám lấy địa vị bằng bất cứ giá nào.
“Khi người ta đạt tới địa vị quyền hành cao trong thương trường thì hay có khuynh hướng sâu xa này là sợ mất nó đi, rồi từ đó bị cám dỗ nặng nề để hy sinh sự liêm chính của mình hầu bám giữ lấy quyền hành... quy luật đầu tiên ấn định việc sử dụng quyền lực một cách đứng đắn... là hãy quên đi cái an nguy của công ăn việc làm"... Vấn đề ở đây là quyền lực vì lợi ích của quyền lực. Tuy nhiên, điểm chính của tác phong quân tử là ở chỗ quyền lực nhằm tạo cơ hội cho người ta phục vụ. Thật đơn giản là người ta không còn tự do phục vụ, tự do làm điều phải làm nữa khi người ta đầu hàng cám dỗ hầu cố bám giữ quyền lực. Đễ được tự do, nhà quản trị đúng đắn phải sẵn sàng từ bỏ địa vị của mình, sẵn sàng bị mất chức bất cứ lúc nào.”
Làm người lãnh đạo không nhất thiết phải được quần chúng yêu mến. Là người lãnh đạo cho Chúa Kitô, chúng ta thường đứng một mình biệt lập, vì làm điều phải thì quan trọng hơn. Lắm khi chúng ta nghe người ta nói những lời như "Các anh không có tình thương; các anh không có lòng trắc ẩn, Chúa Giêsu chắc đâu có làm như thế.” những lời ấy thật sự có nghĩa là: "Tôi đã không được những gì tôi muốn." Là người lãnh đạo Kitô hữu và lãnh đạo Cursillo, chúng ta phải quan tâm đến việc bảo vệ cái gì là phải, là đúng, chứ không phải giữ cho địa vị mình không bị lung lay. Người lãnh đạo Kitô hữu cần phải có những quyết định quyết liệt cả khi những quyết định ấy không được lòng mọi người. Trong phạm vi Phong Trào Cursillo, các Chủ Tịch VPDH/GP, các Vị Linh Hướng, cácThành Viên Văn Phòng Điều Hành được gọi để bảo vệ sự thật, cho dầu sự thật ấy có được lòng mọi người hay không, cho dầu làm như vậy có đe dọa đến sự "an nguy" của chức vụ của họ hay không. Các bạn hãy nhớ - trước tiên và trên hết chúng ta phải là những môn đệ làm việc cho Chúa. Thiên Chúa sẽ coi sóc và bảo hộ chúng ta.
Kế tiếp, Satan bảo Chúa hãy tự gieo mình từ đỉnh núi cao. Satan nói với Chúa Giêsu thế này: "Ngài hãy tự chứng minh ngài đi? Ngài hãy tỏ cho mọi người biết ngài vĩ đại như thế nào!" Chước cám dỗ mà các người lãnh đạo trực diện ở đây chính là tưởng mình cần phải chứng minh cho kẻ khác biết mình uy quyền và cao trọng đến mức nào. Khi có người nào muốn làm như vậy, câu hỏi đầu tiên của tôi là: "Họ đang tìm cách thuyết phục ai đây? Chính mình họ Hay kẻ khác ?" Người lãnh đạo cần làm công việc lãnh đạo. Người lãnh đạo không cần chứng minh ta đây là lãnh đạo. Chúng ta không cần phô bày vị trí quyền lực và quyền bính của mình ra bên ngoài. Chúng ta chẳng có gì để chứng minh cho ai cả. Lắm lúc, khi những người lãnh đạo cảm thấy cần phô trương “trọng lượng" địa vị mình, thì thật sự họ đang gặp khó khăn vì thiếu tự trọng. Những ai tin cậy vào Thiên Chúa và vào những khả năng Thiên Chúa ban cho thì đâu cần phô trương mình là người lãnh đạo. Không giống như một “tên bắt nạt kẻ yếu” cần phô trương sức mạnh của mình để chứng minh hắn ta là "xếp lớn". người lãnh đạo Kitô hữu và lãnh đạo Cursillo chẳng cần phải gây ấn tượng tốt với ai cả. Khi Thiên Chúa kêu mời chúng ta. Thì tiếng gọi ấy là sự xác nhận hay bằng chứng mà ta cần có mà thôi. Cuối cùng, Sa tan nói với Chúa Giê su rằng nếu Người sấp mình bái lạy nó, nó sẽ cho Người tất cả các nước thế gian. Đây là cơn cám dỗ xúi giục lòng ham muốn, không phải là ham muốn phục vụ, mà chỉ là ham muốn làm lãnh đạo mà thôi. Nói cách khác, động cơ thúc đẩy người ta làm lãnh đạo không phải để có thể phục vụ, mà có thể làm lãnh đạo và chiếm lĩnh cho được một địa vị quyền lực nào đó...'
“Cơn cám dỗ cuối cùng là khát vọng tìm kiếm quyền lực cho quyền lợi riêng mình... Đó không phải là ước muốn có được một địa vị để phục vụ. mà chỉ là mong muốn được làm lãnh đạo mà thôi... Cám dỗ như vậy quả là trái ngược với con người Chúa Giêsu bởi vì khát vọng thâm sâu của Người chính là khao khát phục vụ. Hãy suy nghĩ xem, Người đã có thể là vua trên hết các vua, và chúa tể càn khôn, phục vụ trọn hảo làm sao! Hãy nghĩ đến biết bao điều kỳ diệu chan chứa tình thương mà Người đã có thể thực hiện… Chắc chắn Người đã đi vào lịch sử chẳng những như là Vị Vua uy quyền nhất nhưng cũng khôn ngoan nhất, công bằng nhất, nhân ái nhất, và nhân đạo nhất, chưa hề có vị vua nào như thế? Chưa bao giờ có?
Nếu chúng ta muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta phải hiểu, chúng ta không phải là thành phần không thể thiếu được. Kitô giáo, Hội Thánh Chúa và Phong Trào Cursillo được phát triển hay bị lụn bại đâu phải do thành tích của chúng ta. Những lời phát biểu tương tự như sau đây nghe có quen thuộc hay không? "Giá mà tôi có ở trong Trường Lãnh Đạo thì tôi đã làm được điều này điều nọ rồi. Giá mà tôi được vào làm trong Văn Phòng Điều Hành, thì tôi thực hiện được biết bao đổi thay... Giá mà Giáo Hội cho phụ nữ thụ phong linh mục thì Hội Thánh được bành trướng thêm biết mấy... Giá mà tôi là Giám mục, thì sẽ có biết bao điều khác biệt trong giáo phận này... Giá mà tôi làm Chủ Tịch VPDH, âu là Phong Trào này đã tiến nhanh rồi. Vân vân và vân vân..." Những kiểu nói như vậy nào có ăn nhập gì với việc trở thành người lãnh đạo để mà phục vụ đâu! Những kiểu nói ấy chỉ biểu lộ ý muốn trở thành người lãnh đạo để cho được có quyền hành mà thôi. Đó là con quỷ tham vọng thứ ba. Từ nhiều năm nay tôi nghiền ngẫm điều này là trong bao lâu tôi làm linh mục, thì tôi có thể làm việc của Chúa. Vấn đề đâu phải ở chỗ tôi là chánh xứ, tôi là giám mục hay tôi là một nhân vật nào đó mới được. Thiên Chúa đã gọi tôi và điều quan trọng là tôi có phục vụ Chúa với hết khả năng tôi đang có hay không. Lắm lúc người lãnh đạo không hữu hiệu chỉ vì họ tiêu tốn nhiều thời giờ hơn để tập trung vào quyền lực và quyền bính mà họ đang nắm giữ hay đang tìm kiếm hơn là tập trung vào làm cái công việc hiện tại. Hết thảy mọi cursillistas đều có vai trò quan trọng là đưa thế giới đến với Chúa Kitô, không cần biết họ có hay không có "chức danh" gì, chính thức hay không chính thức.
Điều hệ trọng hơn cả không phải là tôi có địa vị quyền bính nào mà chính là tìm xem tâm hồn tôi ở đâu. Tâm trí tôi đang hướng về tham vọng cá nhân tôi hay hướng về Thiên Chúa? Đây là câu hỏi mà mỗi người chúng ta phải thành thật trả lời nếu chúng ta muốn trở thành tôi tớ thật sự của Thiên Chúa. Tôi muốn trở thành người lãnh đạo để mà lãnh đạo hay là để phục vụ? Để có được một hình ảnh chính xác về người lãnh đạo mà Chúa muốn đưa đến thế gian này: chúng ta hãy lắng nghe lời của Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô sau đây:
“Vậy anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì yêu thương chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm lễ hy sinh dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt... Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật. Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa. Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, phải vạch trần những việc ấy ra mới đúng.”
Khi Chúa Giêsu hiến mình vì chúng ta, Thánh Phaolô nói sự hiện diện của Chúa làm cho môi trường xung quanh như tràn đầy hương thơm ngào ngạt. Ai đã là môn đệ Chúa cũng phải làm như vậy cho tha nhân. Chúng ta không dẫn dắt người khác đi theo chúng ta mà đi theo Chúa Kitô. Chúng ta không phải là tâm điểm. Chúng ta sẽ được biết tới do những việc chúng ta làm, và các việc làm ấy hoặc là sẽ vinh danh Thiên Chúa hoặc là sẽ tôn vinh chính chúng ta. Nếu các việc làm của chúngta chỉ nhằm đề cao hay có lợi cho riêng cá nhân chúng ta, thì chúng ta chưa làm gì cả để đưa thế giới đến với Chúa Kitô trong Ngày Thứ Tư của chúng ta. Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể tránh những thứ ma quỷ tham vọng ấy hầu có thể chỉ tập trung vào việc phục vụ một mình Chúa mà thôi. Buông quyền lực và quyền bính ra là hành vi tự do thật sự, và đó là bí quyết của người lãnh đạo chân chính. Người lãnh đạo chân chính chỉ là người phục vụ mà thôi; người phục vụ là người biết nhìn thấy các nhu cầu của một cộng đồng rộng lớn hơn. Người lãnh đạo là người biết làm điều phải, dù điều phải ấy có được lòng người khác hay không. Người lãnh đạo chân chính không quan tâm đến việc bám lấy bất cứ chức danh nào hay địa vị nào, mà chỉ chuyên làm việc ở nơi nào Chúa muốn họ làm. Người lãnh đạo chân chính không chán nản khi bị thất bại trong việc tông đồ. Cũng không tự phụ khi thành công trong việc tông đồ, bởi vì thành bại đều là việc của Chúa cả. Chiến đấu với các quỷ tham vọng là một cuộc chiến đấu hằng ngày và thái độ của chúng ta mới là quan trọng. Việc tối hậu là chúng ta phải làm những người lãnh đạo theo như Chúa muốn chúng ta làm bằng cách tin cậy vào Người. Những kẻ tìm kiếm quyền lực thường hành động theo cung cách của những người sợ mất quyền hay cảm thấy quyền lực của mình không an toàn. Do đó, lời Chúa nói cùng tiên tri Isaia áp dụng thích hợp vào trường hợp của chúng ta ở đây, là "Anh em đừng sợ." Người làm môn đệ và làm lãnh đạo thật sự không bao giờ sợ hãi luôn luôn cam đảm, luôn luôn tin cậy vào Chúa và chỉ tìm thấy niềm vui vì được đặc ân Chúa chọn làm người phục vụ mà thôi.
Câu Hói Để Suy Niệm/ Thảo Luận
1. Mỗi một chước cám dỗ trong ba chước cám dỗ mà Chúa Giêsu đã đối đầu có liên hệ như thế nào với những người lãnh đạo Cursillo?
2. Chúng ta có thể làm gì để tránh các qủy tham vọng?
3. Thèm khát danh vọng phát xuất từ đâu?
4. Tại sao chúng ta thường sợ giũ bỏ quyền kiểm soát. Tâm trí tôi ở đâu? Nó hướng về Chúa hay về những nhu cầu riêng cá nhân tôi?