Tìm hiểu PT

HẬU-CURSILLO (Học hỏi tại TLĐ)

Như đã đề cập trước đây, tất cả mọi thứ được hoàn thành đều dựa theo mục đích và phương pháp học của Cursillo, Hậu-Cursillo là mục tiêu cuối cùng. Tiền-Cursillo và Khoá Cursillo® Cuối Tuần chỉ là những bước khởi sự để hướng tới Hậu-Cursillo.

     Tiền-Cursillo – con người tìm Chúa Kitô.

     Khoá Cursillo® 3 - Ngày – con người gặp gỡ Chúa Kitô.

     Hậu-Cursillo – con người theo Chúa Kitô.

     Hậu-Cursillo là sống trường kỳ đời sống về những gì là nền tảng để là Kitô hữu.

Giống như mọi thứ khác trong cuộc sống, nó đều có một qui trình. Hậu-Cursillo được hoạch định để gia tăng và tiếp tục một tiến trình hoán cải, và để sống những gì là nền tảng Kitô hữu trong suốt cuộc đời của mình (một tiến trình đã được khai mở trước hoặc trong Khoá Cursillo® 3-Ngày). Trong cấu trúc của Hậu-Cursillo, sự bồn chồn thao thức của cá nhân cũng như của các nhóm mang sinh khí của Khoá 3-Ngày phải được khuyến khích lưu giữ, nhờ vậy Giáo hội và cộng đồng nơi những cá nhân Cursillistas và các nhóm mà họ đã hội nhập có thể tiếp tục làm dậy men tinh thần Phúc Âm.

Nếu mục đích của Phong Trào Cursillo® là để sống nền tảng Kitô hữu, là yêu Chúa và yêu tha nhân, được rút tỉa từ kinh nghiệm trong ba cuộc gặp gỡ chính yếu, (bản thân, Chúa Kitô và anh chị em); và rồi họ có thể trở về môi trường sinh hoạt của mình dùng nó làm phương tiện muối men, làm rường cột cho Kitô giáo trong xã hội; chia sẻ điều ấy trong các nhóm (Hội Nhóm và Ultreya), đem lại cho nó một đời sống Kitô giáo đích thực, vững vàng, tăng tiến, và dù với nhiệm vụ khó khăn họ cũng sẽ luôn sẵn sàng chấp nhận.

Từ lúc khởi phát, Phong trào Cursillo® đã nhận trách nhiệm cung cấp một cộng đồng cho những người từng sống Khóa Cursillo®. Và từ trong cộng đồng này họ được hoà nhịp, nâng đỡ, và cổ võ nhằm khai triển và chia sẻ đời sống Kitô hữu của họ với nhau. Khóa Cursillo® có thể hoàn thành trách nhiệm ấy qua Hội Nhóm Thân Hữu và Ultreya. Hai công cụ Nhóm Thân Hữu và Ultreya cung cấp dịch vụ cho cá nhân cũng như nhóm, giúp họ tiếp tục chấp nhận thái độ và gắng sức trong việc truyền giảng Phúc âm. Hội Nhóm Thân Hữu và Ultreya thì không phải là phương pháp duy nhất. Những cấu trúc này không có ý định thay thế những cấu trúc hiện hữu của Giáo Hội, cũng không nhằm cung cấp một ý nghĩa kiên trì cho mọi tầng lớp. Chúng được coi như là một sự bổ sung và kiện toàn thêm những phương pháp của Giáo Hội

Ngay từ khi thành lập Phong trào, mọi yếu tố thuộc về những gì mà chúng ta gọi là Hậu Cursillo thì được thành hình trước cả Tiền Cursillo và Khóa Ba Ngày. Nó cho chúng ta thêm lý do để thấy Hậu Cursillo dưới mắt những người sáng lập Phong Trào quan trọng tới mức nào. Kinh nghiệm của họ và kinh nghiệm của những người đã từng sống phương pháp Cursillo, cho thấy rằng cả ba giai đoạn Tiền, Khóa Cursillo và Hậu Cursillo cùng làm việc thì mới mang lại hiệu quả và giá trị trong việc đạt tới mục đích của Phong trào. Mục đích căn bản của Hậu Cursillo là canh tân, thăng tiến và tiếp tục việc cải đổi nơi mỗi cá nhân đã tham dự Khóa Ba Ngày. Họ cần phải làm cho môi trường chung quanh biến đổi tốt đẹp hơn mỗi ngày, nhất là trong gia đình, khu vực sống, nơi làm việc, hội đoàn, và những môi trường khác trong xã hội. Môi trường chỉ có thể thay đổi từ bên trong, vì thế chúng ta phải hướng dẫn các tân cursillista tiến vào những môi trường riêng của chính họ.

Không cần thiết phải tìm một công tác tông đồ hoặc một môi trường mới đối với người vừa rời Khóa Cuối Tuần. Hậu Cursillo không nhằm mục đích thành lập cho Phong Trào Cursillo những hội đoàn hay một tổ chức nào đó mà hội viên chỉ gồm những người đã tham dự Khóa Ba Ngày. Hậu Cursillo cũng không phải là nơi để cung cấp nhân sự cho các cộng đoàn hay tổ chức này nọ cho dù đó là những tổ chức tốt đẹp. Mục tiêu tiên quyết của Hậu-Cursillo là cung cấp phương tiện cho mỗi cá nhân sự cố gắng bền chí sống đời sống Kitô hữu, là men trong bột ngay tại chính môi trường duy nhất mà Chúa đã cấy trồng họ, trong trần thế cũng như trong môi trường riêng của họ.

“Mỗi Kitô hữu trong cộng đồng dân Chúa xây đắp nên Thân Thể Chúa Kitô. Nguyên lý này, nguyên lý chìa khóa cho toàn thể công cuộc tông đồ. Các mục vụ, từ nội tâm đến các cộng đồng phải được áp dụng cho toàn thể nhân loại và cho từng con người. Nguyên lý này áp dụng cho cả Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục, các linh mục cũng như tu sĩ nam nữ. Nguyên lý này là căn bản để xây dựng đời sống của những cặp vợ chồng, cha mẹ, con cái, thuộc mọi hoàn cảnh hay mọi nghề nghiệp; từ những người giữ chức vụ cao cấp nhất cho đến người làm việc tầm thường nhất. Đây chính là sứ mệnh “vương giả” đòi buộc mỗi người phải thi hành giống như Chúa Kitô đã thực hiện trong sứ mạng của Ngài khi xuống thế gian, một sứ mệnh mà qua ơn Chúa, đòi buộc chúng ta phải thực hiện trong ơn gọi của chúng ta. Sự trung thành với ơn gọi này, được ban phát từ Thiên Chúa qua Chúa Kitô, để mỗi người cùng với giáo hội chu toàn trách nhiệm đúng theo giáo huấn của Công Đồng Vaticano II đề ra. Thực vậy, Giáo Hội, như là cộng đồng dân Chúa, được sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, ban cho mỗi người có một tài năng cá biệt, như thánh Phaolo đã dạy. Mặc dù tài năng hay đặc sủng này chính là ơn gọi của từng người và cũng là hình thức tham dự vào sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội. Tài năng này cũng nhằm phục vụ lẫn cho nhau để xây dựng Giáo Hội và con người dưới nhiều hình thức khác nhau trong cuộc sống của nhân loại.” 71.

Như vậy, tiến trình thực sự của Hậu Cursillo bao gồm cả phương diện cá nhân lẫn tập thể. Về phương diện cá nhân, mục tiêu căn bản nhắm tới không phải để biết nhiều hơn hoặc để làm nhiều hơn mà là nhằm canh tân con người một cách sâu xa và tiệm tiến. Những nhu cầu này cần được chu toàn mỗi ngày, kết hiệp với chính đặc sủng cá nhân mình lãnh nhận, cùng những cơ hội truyền bá phúc âm xảy ra hàng ngày chung quanh họ.

Một cách cơ bản, mục tiêu của Hậu Cursillo là để thực hiện cái viễn ảnh đã được trình bày trong Khóa Ba Ngày. Nếu cảm nghiệm trong khóa học có sức tạo hiệu lực, nó sẽ đưa đến những cơ hội để người cursillista gặp gỡ chính mình, gặp gỡ Chúa Kitô và gặp gỡ anh chị em một cách thường xuyên. Việc này được biểu hiện rõ nhất qua Ban Trợ Tá.  Họ đã trình bày những sự thật của Cursillo và đã làm chứng nhân về điều này bằng chính kiểu sống của họ như là một cộng đồng Kitô hữu.

Mục tiêu trước mắt của người lãnh đạo trong Hậu Cursillo là cổ võ và giúp tân Cusillistas tìm được một nhóm bạn Cursillista mà họ có thể gặp để chia sẻ về đời sống Ngày Thứ Tư của họ.

Mục đích của Hậu-Cursillo không phải là muốn người ta tham dự các buổi Hội Nhóm Thân hữu và Ultreya để chứng tỏ mình là Cursillistas. Mục đích của Hậu Cursillo cũng không phải là gặp nhau để kiểm thảo việc thi hành công tác hoạc những cam kết. Mục đích của Hậu-Cursillo là để giúp người Cursillista nhận ra ơn gọi giáo dân của mình là trở nên Giáo Hội; nhận biết tính thế tục của họ theo lẽ tự nhiên. Hơn nữa, người Cursillista phải sống ơn gọi giáo dân của mình trong mọi cơ cấu trần thế. Trong ngày cuối của Khóa Cursillo, các tham dự viên được cho biết rằng sự kiên trì trong đời sống Hậu Cursillo tùy thuộc vào hai điều: kết hiệp với Chúa và kết hiệp với anh chị em. Hội Nhóm Thân Hữu là một cách để người Kitô hữu cùng nhau tìm cách sống đạo.

Hậu Cursillo, qua Hội Nhóm Thân Hữu và Ultreya,  cống hiến một cộng đồng tinh thần của những người có cùng một mơ ước một thái độ hoán cải tiệm tiến và hành động tương hợp với thái độ này. Những người Kitô hữu truyền bá phúc âm thực ra vì họ là Kitô hữu. Đây là kế hoạch Chúa trao cho chúng ta. Nó không có nghĩa là “làm” những việc của người Kitô hữu, hoặc là thực thi việc tông đồ ở nơi này nơi kia khi chúng ta có thời gian, hoặc là khi chúng ta không có gì khác để làm. Đời sống Kitô hữu là “đời sống tông đồ” và vì thế tất cả hành động của chúng ta phải là việc tông đồ.

Khóa Ba Ngày nên cung cấp cơ hội cho các tham dự viên cơ hội trải nghiệm thế nào là một buổi Hội Nhóm. Lối sống của ban trợ tá nên phản ánh sự sùng đạo, học đạo và hành đạo. Hiển nhiên họ là những người bạn Kitô hữu với nhau, họ phải vươn tới một cộng đồng Kitô qua tình bạn, khiến những người khác phải thốt lên: ”Tôi muốn làm giống như vậy”. Những chứng tá như thế sẽ tạo ra một động cơ thúc đẩy đối với tham dự viên để sau khi rời Khóa Cursillo họ háo hức tìm kiếm một nhóm bạn mà từ đó họ có thể phát triển xuyên qua sự tham gia vào một cộng đồng Kitô hữu. Đội ngũ trợ tá của Khóa Ba Ngày không nên có nhiều người nói bài bằng có nhiều gương thực chứng nói lên đâu là ý nghĩa Nhóm Thân Hữu trong chính đời sống của họ.

Nhiều người rời khỏi Khóa Cursillo® với sự nhiệt tình, sau khi đã có cơ hội gặp gỡ chính mình, với Kitô, và với những người khác. Thực ra đó mới chỉ là bước đầu. Những ứng viên nên được thúc đẩy để thực hiện bước thứ hai: là áp dụng một cách tự do các phương pháp kiên trì bằng cách tìm kiếm một nhóm bạn để thực hiện những cam kết cũng như để chia sẻ cách sống đời sống Kitô hữu với nhau, đồng thời cũng để củng cố ba cuộc gặp gỡ mà họ đã được khai mở trong Khóa Cursillo của họ. Nếu nhóm trợ tá phản ánh được khái niệm này và cho chứng tá về điều đó, thì các Cursillistas sẽ chấp nhận nó dễ dàng như họ chấp nhận sự hoán cải cá nhân đối với Chúa Kitô.

HỘI NHÓM THÂN HỮU

Trong Khóa Cursillo Cuối Tuần chúng ta khám phá ra rằng điều có thể sống đời sống Công Giáo nơi trần thế ở mức độ đầy đủ nhất là phương thế thuộc phương pháp Cursillo. Phương pháp này đề xuất việc chúng ta khám phá một nhóm nhỏ bạn hữu, với những người này chúng ta có thể chia sẻ đời sống, hướng dẫn nhau trong đời sống Kitô hữu. Phận sự căn bản là sau khi rời Khóa Cursillo phải tìm ngay một nhóm bạn hữu. Chúng ta phải, dĩ nhiên, vạch rõ những gì chúng ta trù định cho việc Hội Nhóm. Chúng ta có thể định nghĩa buổi hội nhóm là những cá nhân cùng tới với nhau và liên kết về một tiến trình chia sẻ. Buổi hội nhóm này cung hiến cơ hội thiết lập tình bằng hữu. Thực vậy, tiến trình hội nhóm của Hậu Cursillo là động lực qua tình bạn đã được khám phá, được thành hình, được nhận thức, sâu xa và duy trì lâu dài trong Nhóm “Mọi việc sống như là một Kitô hữu là phải sống chung. Hội Nhóm chỉ là phương tiện để cùng sống tinh thần Kitô mà người ta  đang sống hoặc tìm để sống, phương thức thâm sâu để sống với nhau là tình bạn. Vì thế Hội Nhóm là nâng tình bạn lên tầm mức Siêu Việt; và nó được bền vững nhờ vào Ơn Hiện Sủng.” (Structures of Ideas, p.79).

MỤC ĐÍCH CỦA HỌP NHÓM

“Mục đích của những nhóm nhỏ là tạo điều kiện cho mỗi thành viên trở nên cần thiết cho tất cả: sống với nhau bình thường, lâu dài và vui tươi trong đời sống là Kitô hữu. Đưa mỗi Kitô hữu vào vị thế quyền lực thánh mà nó cung cấp lực đẩy và sự cân đo vị thế Kitô hữu của mình”.

“Hội Nhóm là máng chuyển nguồn mạch của vô vàn kinh nghiệm tông đồ; một nguồn mạch mãi mãi phong phú sống động giải toả những lo lắng và phát sinh sáng kiến; con đường dẫn tới sáng tạo và phát triển nhân cách qui về Đức Kitô”.

“Hội Nhóm còn có khuynh hướng khuyến khích và gia tăng sự phấn đấu để đạt tới lý tưởng, sự hãm mình, và lòng bác ái của mỗi thành viên trong nhóm; và để bảo đảm sự bền đỗ mà khó có ai có thể qủa quyết như Thánh Phaolô đã nói: ‘ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã’.

“Hội Nhóm không bao giờ là mục đích cho các nhóm thực hiện việc kiểm soát tâm linh các thành phần của Nhóm, hoặc là chỗ chứa các sơ xuất hoặc là chỗ quy tụ người thiện tâm trong xã hội. Nó không phải là lò hâm nóng, cũng không phải là một trại lính. Đồng thời nó cũng không liên quan tới việc tổ chức và trù liệu công tác tông đồ ‘từ trên’ gởi tới mà Nhóm chỉ là các tổ thi hành các lệnh ấy. Chức năng của nhóm là một đơn vị bạn hữu bình thường, không có “ông chủ”; bởi vì họ chỉ tìm tới để trở thành sự thông chuyển bảo đảm để mỗi người có thể cùng sống với anh chị em những gì họ sống hoặc tìm kiếm để sống.” 72

Sau Khoá Cursillo®, Hội Nhóm Thân Hữu cần được thành hình càng sớm càng tốt. Khởi đầu phải nhấn mạnh tới việc tổ chức một buổi hội nhóm nhiều người trong Ultreya, hội nhóm thả nổi, với chủ đích căn bản là để khám phá ra bạn hữu. Khi mà yếu tố tạo ra tình bạn chưa được khám phá hoặc phân hạng, chúng ta phải cậy dựa vào việc tạo ra tình huống và hoàn cảnh để việc tìm bạn có thể thực hiện. Bởi vậy, chúng ta phải nhận ra rằng tình bạn có thể được khám phá và khai triển từ giai đoạn Tiền-Cursillo, trong Khoá Cursillo® hoặc trong Hậu-Cursillo. Thật lý tưởng nếu một người được một Nhóm Thân Hữu bảo trợ và Nhóm này sẵn sàng đón người tân cursillista vào Nhóm ngay sau  khi họ mãn khóa. Nếu không làm được như vậy, chúng ta phải tốn nhiều nỗ lực để tạo cơ hội cho các cursillista đi vào sinh hoạt nhóm. Do đó, các tân cursillista không có Nhóm Thân Hữu nên tham gia vào các buổi hội nhóm trong buổi Ultreya để tìm bạn.

Nhóm thân hữu phải là nhóm nhỏ. Ngay cả người lãnh đạo cũng không thể quyết định thành phần của nhóm. Họ có thể đề nghị để giúp kết hợp nhiều cá tính hầu làm nở rộ tình bạn. Không ai có quyền chọn bạn cho người khác hoặc áp đặt một người bạn nào đó trên người khác. Họ hoàn toàn tự do để thành lập nhóm. Vai trò người lãnh đạo liên quan đến việc thành lập các nhóm là tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập mà không áp đặt hay can dự vào. Những phương tiện chỉ dẫn tốt nhất là đưa ra những thực chứng về sự hình thành Nhóm Thân Hữu của chính mình. Nó cần được chia sẻ để khích lệ người khác đầu tư thời gian cũng như nổ lực thực hiện hội nhóm với nhiều người khác nhau hầu có thể tìm lấy cho mình một nhóm thân hữu. Cần phải có sự tương hợp, khả năng thu nhận và ước vọng cho một tình bạn giữa những người tham dự, bằng không sẽ không có được sự ràng buộc giữa thành viên với nhau. Kinh nghiệm cho thấy nam giới có khuynh hướng tham gia nhóm nam giới hơn, và phía nữ giới cũng thế, lý do đơn giản là vì họ nhận ra được những trạng huống cũng như cảm nghĩ mang vẻ tương đồng.

Điều thiết yếu trong Hội Nhóm là ở chỗ căn cứ trên tình bạn đích thực và sự chia sẻ đời sống Kitô hữu của nhóm viên; không mang tính chỉ dạy hoặc kiểm soát; nhóm phải nhỏ và tham gia tự nguyện, với ý hướng để trở thành bạn thân hơn và để trở thành Kitô hữu tốt hơn mỗi ngày, Hội Nhóm Thân Hữu được coi là hiệu lực nếu các thành viên cùng chia sẻ về ba yếu tố căn bản của việc Sùng Đạo, Học Đạo, và Hành Đạo.

Hội Nhóm không nhằm để quy tụ Cursillistas. Nhưng được lập ra để tập trung vào việc thảo luận về sự hiện diện của Chúa Kitô trong đời sống của chúng ta. Đó là mục đích của các câu hỏi trong “Phiếu Hội Nhóm” 73 (đừng nhầm lẫn với “Phiếu Cam Kết Phục Vụ”). Qua việc trả lời các câu hỏi trên phiếu này, chúng ta sẽ thấy chúng ta cần cấu trúc một cuộc đàm thoại về Chúa Kitô trong cuộc đời của chúng ta. Trong những buổi hội nhóm tránh đừng đề cập tới những gì không quy vào Chúa Kitô. Chia sẻ những điều không quy vào Chúa Kitô có thể làm cho cuộc hội nhóm trở thành buổi chuyện trò vô ích.

Nhiều thất bại của Hội Nhóm Thân Hữu là do quá chú trọng vào cơ chế của việc hội nhóm cũng như đọc thuộc lòng các cam kết, hoặc chú trọng vào việc báo cáo. Ngay cả khi dùng Phiếu Hội Nhóm và trả lời các câu hỏi trong đó, mỗi người phải tránh rơi vào tình trạng làm theo thói quen. Đây là chuyện bình thường trong thời gian đầu, nhưng một khi trưởng thành và cảm thông hơn trong tình bạn thì việc chia sẻ mang tính máy móc không còn quan trọng nữa, và nhóm sẽ tập trung vào những điểm cốt yếu, sùng đạo, học đạo và hành đạo, nhờ vậy tình bạn trở nên kiên vững hơn nơi mỗi người.

Hội Nhóm tạo điều kiện để sống đời căn bản Kitô hữu, đích thực, liên tục, và tiệm tiến giữa các thành viên của Nhóm. Sống đời sống Kitô giáo cần tự nhiên, và khi chia sẻ với bạn bè của chúng ta trong Hội Nhóm cũng nên tự nhiên như thế. Chia sẻ không có nghĩa đơn giản chỉ kể chuyện cho nhau nghe, chia sẻ là tham gia, góp phần, và trao đổi. Chia sẻ về con người của mình và vì con người mình là như vậy, những gì được thực hiện nên đơn giản, những gì ta đã và đang làm cũng cần được chia sẻ. Chúng ta cũng có thể chia sẻ những gì chúng ta có, vì nơi nào có một cộng đồng nhân loại và một cộng đồng Kitô hữu đích thực hiện diện, thì nơi đó hiện hữu một cộng đồng tiến bộ với những việc tốt lành. Một cái nhìn thiếu hoàn hảo về sự chia sẻ thường là “kể chuyện” và đó là lý do mà nhiều “nhóm” chỉ gặp để “gặp,” và vì thế nhiều nhóm đã không nắm bắt, hoặc ngay cả nghi ngờ sự kỳ diệu và hiệu qủa của Kitô giáo trong Hành Động.

Việc sống đời Kitô hữu của chúng ta liên quan đến sùng đạo, học đạo và hành đạo phải được chu toàn do vì chúng ta là Kitô hữu; không phải vì chúng ta là Cursillistas. Trong sùng đạo chúng ta chia sẻ những yếu tố giúp ta giữ mối liên kết với Thiên Chúa, Kinh Sáng, Lời nguyện Cá nhân, Suy niệm, Dự Thánh Lễ, Viếng Thánh Thể, Tôn sùng Đức Mẹ, Tự vấn Lương tâm, và Linh hướng. Tất cả đều trợ lực cho sự tăng tiến  đời sống Kitô hữu.

Chúng ta không hiểu thấu đáo, và sẽ không bao giờ hiểu nhưng chúng ta vẫn muốn biết về Thánh Ý Chúa dành cho chúng ta. Đời sống Kitô hữu cũng đòi hỏi chúng ta khai mở sự hiểu biết về hồng ân Chúa. Vì thế trong hội nhóm mỗi tuần chúng ta cần chia sẻ sự học đạo của chúng ta: “Bạn đã làm gì để hiểu biết thêm về hồng ân này của Chúa? Trong Kinh Thánh, sách hạnh các Thánh, Giáo lý của Giáo hội, hay bất cứ sách nào mà nó đã bồi bổ tinh thần cho bạn, những khóa học, một Bài Giảng, v.v.?” Chúng ta chia sẻ với nhau những gì chúng ta đã đọc hoặc đã nghe mà nó đã giúp chúng ta hiểu về Chúa Kitô, hiểu thánh ý Người dành cho chúng ta hơn.

Trong hành đạo, là những Kitô hữu, chứ không phải là Cursillistas, chúng ta được mời gọi để làm dậy men phúc âm trong gia đình chúng ta, nơi sở làm, lối xóm và các môi trường khác của chúng ta. Đây không phải là vấn đề cam kết công tác tông đồ, nhưng là một cam kết sống đời sống tông đồ (là men) trong mọi trạng huống thực tại nhân loại. Và rồi chúng ta có thể đo lường sự thành bại. Thành công hay thất bại đều dựa vào hành động được thực hiện hay không được thực hiện. “Phiếu Cam Kết Phục Vụ” và Hội Nhóm (qua phiếu “Hội Nhóm”) 74 cụ thể hoá sự cam kết mà chúng ta sống là do bởi thành quả tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa và cho những người lân cận.

Như đã đề cập trước đây, không có cái gọi là những kế hoạch tông đồ chỉ khi chúng ta có thì giờ rảnh rỗi. Đời sống của chúng ta phải là một đời sống tông đồ, sống yêu Chúa và yêu anh chị em láng giềng, và chia sẻ nó với tất cả và trong tất cả. Thật ra, là con người, chúng ta có thể thất bại, hoặc nói theo ngôn từ Cursillo là chúng ta có thể qụy ngã. Và rồi chúng ta cần cậy dựa vào sự nâng đỡ của anh chị em giúp chúng ta đứng dậy, (thương thay cho người qụy ngã mà không có ai giúp nâng họ dậy); Do đó, điều cần thiết là tạo nổ lực hoặc kế hoạch giúp chúng ta trở nên tốt hơn trong tuần. Mọi người trong Hội Nhóm Thân Hữu cần bền chí phấn đấu để cải thiện đời sống Kitô hữu qua kiềng ba chân: sùng đạo, học đạo và hành đạo. Chẳng hạn khi nhiệt kế của sùng đạo không đạt tới đỉnh, ta đến với anh chị em để họ có thể nâng đỡ và giúp ta qua phương thế Palanca, lời cầu nguyện, tiếp xúc riêng, hoặc có những cuộc thăm viếng hay chia sẻ thường xuyên hơn theo thông lệ. Tiến trình hội nhóm giúp tất cả trở nên bạn thân thiết hơn, giúp trở nên những Kitô hữu, những phụ huynh, những người phối ngẫu, những công nhân, những đồng sự, những công dân tốt hơn.

Một phương diện quan trọng khác của hội nhóm là chia sẻ “Giây phút gần Chúa Kitô nhất” của chúng ta. Điều cần thiết là nó không phải là một sự kiện mang tính xúc cảm, ngay cả việc nhận ra mối liên hệ giữa ta với Chúa cũng như khi ta cảm thấy xa cách Chúa, kể cả khi ta có những giây phút nhận thức

sâu xa hơn về Ngài. Thường thì là sự nhận biết Đức Kitô hiện diện trong đời sống của chúng ta, trong sức sống, trong nghịch cảnh, trong mọi tình huống, trong kinh nguyện, trong phụng vụ, trong suy niệm, trong tương giao với gia đình và trong nhiều trạng huống khác. Bằng cách này chúng ta có thể đem Thần Khí Chúa và sự hiện diện của Người đến mọi lĩnh vực của đời sống. Chúng ta sẽ nhận biết Người sống trong chúng ta, và cùng chia sẻ giây phút tuyệt vời khi ta cảm nhận Người với anh chị em, để họ cũng có thể nhận biết Đức Kitô trong những tình huống giống như vậy.

Hội Nhóm phải xác thực, cả hai lãnh vực tương ái và tương trợ trong đời sống cá nhân của thành viên. Có được như thế họ mới trở nên những Kitô hữu tốt lành hơn. Hội Nhóm phải liên tục và gặp nhau ít nhất là hàng tuần. Hội Nhóm đem lại kết quả tốt khi nhóm viên gặp nhau mỗi tuần, vì nó hợp với nhịp sống bình thường của cuộc sống.

Gặp nhau mỗi ngày thì thật khó, và bất cứ những gì ít thường xuyên hơn một tuần đều mất đi tính liên tục. Họp nhóm hàng tuần tạo sự phát triển liên tục trong tình bạn, nó phải triển nở và sâu xa hơn khi các Cursillistas đến với nhóm và mỗi người phải kiên trì để tiến bộ trong tiến trình hoán cải.

Hội Nhóm không chỉ tồn tại để nhằm thoả mãn nhu cầu tăng số người về mặt xã hội. Khi những buổi Hội Nhóm bắt đầu vận hành theo như những nhóm hoạt động xã hội, thì nó sẽ không đạt được mục đích của Phong trào Cursillo, và tệ hơn nữa, nó dẫn đến nguy cơ tiêu hủy sự liên kết giữa các nhóm.

ULTREYA

Ultreya cho phép những gì tốt đẹp nhất của một người được chuyển đạt tới những người có thể thu nhận tốt nhất; ở đó họ sống, cảm nghiệm và chia sẻ trong bầu khí giống như trong Khóa Cursillo®. Bằng cách này, nếu điều đã đề cập trước đây xảy ra, hoặc là đúng, thì ngoài việc tạo sự hội ngộ cho các nhóm thân hữu, nó còn là điểm thu hút giúp những Cursillistas khác tìm cơ hội để kết bạn hầu có thể hình thành Nhóm Thân Hữu trong tương lai. Một bầu khí như thế luôn lôi kéo các tân Cursillistas tham gia vào cộng đồng sống động này.  

Chúng ta có thể nói Hội Nhóm Thân Hữu đem lại sự tốt lành đối cho cá nhân, thì Ultreya đem lại sự tốt lành đối cho cộng đồng. Cả hai đều là sự cốt yếu của phương pháp. Cả hai đều quan trọng cho việc định hướng cuộc đời theo ánh sáng Phúc Âm và cho những cơ hội để chia sẻ đời sống đó với người khác. Một Kitô hữu đơn độc là một Kitô hữu bại liệt. Với một nhóm cũng vậy, nếu nó không được liên kết với các nhóm khác.

Khi những người lãnh đạo Cursillo® chu toàn nhiệm vụ của mình trong các buổi Ultreya như họ từng hành xử trong khoá Cursillo® 3 - Ngày, với tình yêu thương không giới hạn, họ đề nghị và giúp các Cursillistas gặp anh chị em khác, những người mà họ có thể bắt đầu họp lại thành nhóm thả nổi. Những người lãnh đạo cũng cần giúp quy tụ anh chị em có chung một quá trình hay có những sự quan tâm giống nhau thành một nhóm. Ngay cả đối với những tân Cursillistas, người lãnh đạo đề nghị, dẫn dắt họ đi vào sự sắp xếp có thể, không qua mệnh lệnh hoặc lôi kéo, nhưng giống như người lắp ráp các bộ phận lại với nhau để đạt được một hình thức  mong muốn.

Hội nhóm tại Ultreya, hội nhóm thả nổi không giống như Hội Nhóm Thân Hữu. Hội Nhóm Thân Hữu cần sinh hoạt ngoài Ultreya với sự đồng thuận của cả nhóm. Hội nhóm thả nổi nhằm khuyến khích việc chia sẻ giữa những người cùng tham dự Ultreya qua việc áp dụng phương pháp hội nhóm căn bản theo Phiếu Cam Kết Phục Vụ; chia sẻ theo  kiềng ba chân. Hội nhóm này không thay thế Hội Nhóm Thân Hữu. Nó được phục vụ như một hình thức căn bản của việc hội nhóm giữa các tân Cursillistas, và/hoặc để khích lệ việc chia sẻ những điều căn bản để trở thành Kitô hữu giữa các Nhóm Thân Hữu hiện diện. Trong Ultreya, điều cần thiết là các thành viên của nhóm thân hữu hoà nhập với những người khác để tạo thành các nhóm thả nổi. Sự kết hiệp này của Phong trào chẳng qua là để tạo thuận lợi cho tân Cursillistas hội nhập vào cộng đồng Cursillo®. Khi người lãnh đạo thấy tình bạn được hình thành trong Ultreya, họ nên đề nghị việc tổ chức hội nhóm ngoài phạm vi Ultreya như là một Hội Nhóm Thân Hữu. Bằng cách này họ giúp tân Cursillistas bước vào giai đoạn thứ hai, đó là để có nhóm họp hàng tuần.

Sống đời Kitô hữu, theo tính chất, duy nhất: là sống những gì là nền tảng để là Kitô hữu; và thông truyền. Chúng tôi đã đề cập nhiều lần rằng Cursillo giúp để sống và chia sẻ những nền tảng để trở nên Kitô hữu, yêu Chúa và yêu tha nhân, nhờ vào phương pháp kiên trì mà Phong trào Cursillo® cống hiến. Hội Nhóm Thân Hữu giúp sự thông truyền tốt hơn. Trong khi Ultreya lại cho sự thông truyền lớn hơn. Mỗi người chúng ta đều có nhu cầu nuôi dưỡng cơ thể, vì thế chúng ta tự điều chỉnh giờ giấc và lối sống trong việc ăn uống đều đặn. Cursillistas cần nhìn Hội Ultreya trong chiều hướng ấy, và chịu khó có những sắp đặt cần thiết trong đời sống để tham dự Ultreya. Ultreya nên là một nơi để nuôi dưỡng sự thiêng liêng cũng như hành trình truyền giáo của chúng ta.

Ultreya nên giữ ngắn gọn và đơn giản. Đừng tạo nó trở thành như một biến cố quan trọng, cũng đừng kéo dài thời gian như trọn buổi sáng, trọn buổi chiều hay trọn buổi tối. Những người hoạch định cho buổi Ultreya phải đặt nặng vấn đề thời gian với mọi người. Đó là lý do quan trọng trong việc chọn lựa thời gian, địa điểm và khuôn khổ cho buổi Ultreya. Những gì chủ yếu để nuôi dưỡng tinh thần và việc Phúc âm hóa cho những cursillistas đơn giản chừng nào tốt chừng đó và phải có một khóa biểu được soạn thảo kỹ lưỡng để không lãng phí thời gian.           

Ultreya nên tổ chức trong phạm vi giáo khu, tốt nhất, khi tình trạng cho phép, cần chú tâm tới tài khoản, số người tham dự, cơ sở v.v. Dù sao, nên giới hạn trong phạm vi địa phương cho thuận tiện.

TỔ CHỨC ULTREYA

Từ khi Ultreya được coi là trọng yếu và tối cần đối với Phong trào Cursillo thì nó được phục vụ với một sự lưu tâm tối đa. Buổi Ultreya sẽ không xẩy đến nếu nó không được hoạch định.

Ultreya không nhằm “để thực thi” một việc cụ thể và có sự sắp đặt, hoặc để lập ra kế hoạch cho một việc nào đó. Nó không nhằm để là nơi chỉ dậy; hoặc một buổi hướng dẫn sự đào luyện đặc biệt, cũng không phải là nơi để học hỏi về Kinh Thánh hoặc một điều gì tương tợ như thế. Mà đó là nơi để người ta có thể chia sẻ với những người khác về những gì họ đã sống trong tuần qua. Để Ultreya có thể chu toàn mục đích, người Cursillistas phải nhìn Hội Ultreya như cái gì mà họ cần hoặc họ muốn, như một cơ hội hấp dẫn, không phải cái mà họ cảm thấy bị bắt buộc phải tham dự. Vì vậy, mỗi buổi Ultreya cần phải được sắp đặt cho phù hợp hầu bảo đảm có sự hỗ trợ và khích lệ. Làm sao người Cursillistas có thể nhìn thấy tầm quan trọng của Ultreya nếu chính những người lãnh đạo Cursillo® lại không nhìn ra được điều đó?

“Điều quan trọng là Ultreya phải có hai giai đoạn, tốt nhất theo thứ tự: giai đoạn đầu tiên là họp nhóm nhỏ, là nhóm mở rộng nếu có thể, thả nổi (không chỉ định); và giai đoạn hai là tập hợp để nghe một rollo (bài nói) chứng nhân của giáo dân, lời đáp ứng, thông báo và một bài nói về tu đức.”75

Chúng tôi sẽ chia sẻ thêm chi tiết về điểm này.

Ultreya không thể là công việc của một cá nhân; nó phải là hoa trái từ nổ lực của một nhóm lãnh đạo. Không những bao gồm tinh thần tự hiến đối với mỗi Cursillista hoặc tham dự viên, mà hoạch định của nó đã được giải thích ở đoạn trên. Để thu đạt được những kết quả tốt trong giai đoạn hai, một nhóm được tập hợp, là một nhóm nhỏ (3 tới 5 người) sắp xếp sinh hoạt cho buổi Ultreya. Mỗi Ultreya có thể chọn một nhóm khác. Ví dụ: Nhóm “A” phụ trách các Ultreya tuần đầu. Nhóm “B” phụ trách các Ultreya tuần thứ hai. Nhóm “C” phụ trách tuần thứ ba. Nhóm “D” phụ trách các Ultreya tuần thứ tư… Mỗi nhóm thay phiên nhau phụ trách các Ultreya trong những tháng có năm tuần lễ. Nếu có nhiều nhóm hơn thì luân phiên phụ trách mỗi tuần cho tới khi hết lượt. Đội ngũ lãnh đạo này cần phối hợp với những người chia sẻ chứng nhân trong Ultreyas. Ở

một số nơi đội ngũ này được hình thành từ các Nhóm Thân Hữu trong khu vực Ultreya được tổ chức.

Ultreya cần có sẵn theo căn bản hàng tuần, cùng một thời điểm. Tổ chức tại một vị trí cố định và phải được chuẩn bị chu đáo giúp cộng đồng tham dự đúng giờ, giúp thêm  nhận thức về Ultreya, giúp tăng trưởng, kiên trì trong tình bạn và tình yêu Chúa. Nói như thế không có nghĩa là người Cursillistas phải tham dự Ultreya mỗi tuần, tuy nhiên thật lý tưởng nếu thực hiện được điều này. Ở đây chỉ muốn nói rằng Ultreya cần có sẵn ít nhất mỗi tuần một lần, để cho Cursillistas có thể đến dự.

Một khái niệm tương tự của vấn đề nêu trên là Thánh lễ Misa. Giáo hội thường cung cấp cơ hội cho người công giáo tham dự thánh lễ hằng ngày. Không phải tất cả những người công giáo đều tới để lãnh nhận món quà quí giá tuyệt vời đó, nhưng món quà thì luôn luôn ở đó. Cũng như khái niệm trên, Ultreya là một món quà mà Thánh Linh đã ban tặng cho Phong Trào.

Người lãnh đạo giữ một vai trò rất quan trọng trong Ultreya. Họ cần phối hơp với Linh hướng Giáo phận và Trưởng Ban Điều Hành Phong Trào để chăm nom mọi chi tiết của buổi Ultreya:

  • tạo điều kiện thuận lợi cho tân Cursillista thông phần vào Ultreya
  • chào mừng và mang anh-chị-em đến gần nhau trong tình bằng hữu,
  • tạo bầu khí vui tươi, chân thành, cởi mở, bình đẳng, tương kính, v.v.,
  • tiếp xúc cá nhân liên tục,
  • tôn trọng cá tính và nét độc đáo nơi mỗi cá nhân,
  • chú tâm hơn đối với anh chị em không thường tham dự Ultreya, thăm viếng anh chị em thường vắng mặt.

Họ phải thực hiện những việc trên trong thái độ của những người phục vụ khiêm tốn, chiếu toả sinh khí và niềm vui Thần Linh Thiên Chúa.

  • Lời nguyện Mở đầu

Thật không thể tưởng tượng được khi bất cứ sự kiện nào liên quan đến Phong trào Cursillo lại không bắt đầu bằng lời cầu nguyện. Chúng ta khẩn cầu sự hiện diện của Chúa trong mọi việc chúng ta làm là điều vô cùng quan trọng.

  • Hội Nhóm Thả Nổi Ultreya

Tham dự viên có thể vào các nhóm thả nổi khi đến dự Ultreya. Thành phần lãnh đạo nên tới sớm, thực thi việc tiếp xúc cá nhân và phân tán vào các nhóm. Dùng Phiếu Cam Kết Phục Vụ và nên theo thể thức của Hội Nhóm Thân Hữu, họ chia sẻ với nhau theo cách thông thường, về sùng đạo, học đạo và hành đạo cũng như những giây phút gần gũi Chúa Kitô.

Ngoài trách nhiệm của một người lãnh đạo Cursillo®, họ còn có nghĩa vụ gắng sức trong đức tin để đạt tới một Ultreya  thành công, đích thực và đạt được mục đích của Ultreya là một trong những điểm quan trọng nhất. Người lãnh đạo phải là người thật sự biết lắng nghe.

Trong suốt phần Hội Nhóm Thả Nổi, người lãnh đạo cần để tâm lắng nghe những điều được đưa ra chia sẻ. Họ cũng nên chia sẻ (như tất cả anh chị em khác); tuy nhiên việc lắng nghe phải là ưu tiên. Người lãnh đạo nên chú tâm vào những gì người Cursillistas chia sẻ về đời sống Kitô hữu trong Ngày Thứ Tư của họ. Điều quan trọng là người lãnh đạo phải biết hiện tình của người Cursillista trong hành trình đến với Chúa Cha, khi mà việc sùng đạo, học đạo và hành đạo thường không đạt được mức trung bình và đó là dấu chỉ cho thấy cần có sự giúp đỡ. Điều này nhắc người lãnh đạo cần tiếp xúc riêng tư và kín đáo với người Cursillista để khuyến khích họ tìm kiếm thêm những lối riêng cho mình trong hành trình cá nhân, chằng hạn như linh hướng, tĩnh tâm, v.v.

Trong vai trò lãnh đạo Ultreya, việc gìn giữ thời giờ thì rất quan trọng. Về điểm này, người lãnh đạo trong các nhóm phải bảo đảm các tham dự viên tuân theo phương thức đặc biệt của việc hội họp. Tránh việc người tham dự chia sẻ miên man, lạc đề hoặc nói qúa nhiều chiếm giờ của người khác. Phải luôn luôn hiểu rằng Ultreya không phải chỉ là một nơi để nhận lãnh (sự nâng đỡ và khích lệ) mà nó cũng là nơi để cho đi. Luôn luôn phòng bị việc mọi người đến với Ultreya chỉ để nhận hoặc chỉ để cho. Mỗi tham dự viên cần có cơ hội để chia sẻ những gì xẩy ra trong lãnh vực truyền giáo của họ. Họ cũng cần có cơ hội để thăng tiến nhờ vào sự chia sẻ của người khác. Để bảo đảm chắc chắn sự thăng tiến cho từng cá nhân, người lãnh đạo Ultreya phải làm sao cho tất cả các tham dự viên đều có cơ hội công bằng để nghe và được nghe.

  • Bài Chia sẻ Chứng Nhân tại Ultreya

Một thành viên giáo dân sẽ chia sẻ bài chứng nhân tại Ultreya về kinh nghiệm cụ thể mà họ cố gắng sống theo những gì là nền tảng của người Kitô hữu. Họ sẽ giải thích việc họ sống yêu Chúa và yêu người xung quanh ra sao, và họ vượt qua những mối ngăn trở để sống đời Kitô hữu như thế nào. Rollo này chỉ nên kéo dài tối đa khoảng 10-15 phút.

(Ghi chú của Ban Biên tập: Trong phần còn lại của Chương 11 này việc sử dụng chữ chứng nhân (witness) và chứng từ (testimony) mang cùng một khái niệm, cũng giống như việc xử dụng từ cộng hưởng (resonance) và tiếng dội (echo). Theo truyền thống, từ dẫn giải (comment) vẫn thường được dùng sau bài chia sẻ chứng nhân; tuy nhiên, từ “tiếng dội” mà ngành Việt chúng ta thường gọi là “Lời Đáp Ứng” có vẻ phù hợp hơn.)

Cần hết sức quan tâm để bảo đảm rằng bài chia sẻ chứng nhân không trở thành một đề tài dạy dỗ hay chỉ bảo. Bài nói nên tạo khích lệ bởi những thực chứng cá nhân chứ không bằng những lý luận.

Người nói bài chứng nhân tại buổi Ultreya phải cho một chứng thực về sự thăng tiến đời sống trong việc kết hiệp với Chúa Kitô, từ đó những người khác được khích lệ để ra đi và cũng làm như thế. Bài nói chứng nhân trong Ultreya nên mang tính đa diện với những trạng huống khác nhau trong việc thăng tiến và hành động của một Kitô hữu để người nghe có nhiều chọn lựa thích hợp. Người trình bày phải đưa ra được những thí dụ vững chắc về việc thế nào là sống một đời sống yêu Chúa và yêu những người đồng loại trong môi trường, nơi họ sống như gia đình, lối xóm, nơi công sở, nơi vui chơi cũng như đời sống xã hội của mình. Nó phải được chia sẻ một cách rõ ràng mạch lạc để tạo cảm hứng bắt chước theo.

Chứng nhân là chia sẻ điều đã sống. Khi một người nói về những gì họ đang sống, thường là những điều nói thật, trừ khi nó được sống để có chuyện mà kể. Người trình bày bài nói chứng nhân phải là người đang sống thực những điều họ nói đến. Như trong tất cả rollos của Khóa Cursillo®, một sự thật được trình bày và một kinh nghiệm sống trong chính đời sống của người trình bày đã chứng minh. Bài nói nên được khai triển cách tự nhiên và chân thật, qua kinh nghiệm gần nhất của người trình bày, bài nói không nên mang tính tạo sự nổi bật. Một cá tính chói lọi dễ tạo sự nghờ vực, nhưng những người sống gần Chúa thì sẽ phản chiếu về Người. “Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa.” (1 Cr 2, 1). 

Người cho bài chứng nhân cần soạn trước bài nói của mình, với sự cầu nguyện, Palanca cùng với sự nhận thức sáng suốt hầu có thể có sự chuẩn bị chu đáo cũng như có thể diễn tả một cách cụ thể những gì mình muốn minh chứng trong khoảng thời gian quy định.

Thực chứng phải là một chia sẻ cá nhân về:

   -  Thăng tiến sự kết hiệp với Chúa Kitô.

   -  Thăng tiến sự hiểu biết về Chúa Kitô. - Mang những người khác tới sự hiểu biết Chúa Kitô,

   -  hoặc làm cho người khác hiểu về Chúa Kitô nhiều hơn, biết yêu thương và biết phục vụ tốt hơn.

Người nói nên giữ cho bài chứng nhân ngắn gọn, đơn giản và nhiệt thành. Cần phải cân bằng mà không là:

  • một cảm xúc quá độ (không nên toàn là những chuyện mang tính tình cảm ủy mị),
  • một câu chuyện về một biến cố ly kỳ (con người có thể liên hệ tốt hơn với Thiên Chúa qua những việc bình thường trong mọi trạng huống của đời sống),
  • chuyện thiếu thực tế (sống dưới đất mà nói chuyện trên trời),
  • phổ biến một bản tin quảng cáo cho một phe nhóm hoặc tổ chức mình hâm mộ,
  • thổ lộ mối bận tâm riêng tư rồi kết thúc bằng lời kêu gọi giúp đỡ.

Nói chung thì thường có hai lãnh vực cần được chia sẻ, căn bản là thực chứng của người tân cursillista tập trung vào sự thay đổi hay hoán cải trong đời sống của họ, trước và sau cảm nghiệm khoá Cursillo®. Loại chứng nhân thứ hai không hướng nhiều đến đời sống của người Cursillista trước khi dự khoá Cursillo® và việc khoá đã giúp họ như thế nào, nhưng đúng hơn là thường đề cập tới nổ lực thực hành và sống ân sủng mà họ đã lãnh hội được trong khoá Cursillo®; như đã nói ở trên, là đời sống của họ đã biến đổi “ra sao”.

  • Tiếng dội (lời đáp ứng)

Ngay sau bài chứng nhân, nên có hai hoặc ba Cursillistas chia sẻ “lời đáp ứng” ngắn gọn (trong 2-3 phút) về sứ điệp hàm chứa trong bài nói chứng nhân.

Mục đích không phải để bình phẩm bài nói, hoặc giải thích nó theo cách khác, hoặc lại cho một bài nói khác, nhưng là “cho một đáp ứng” ngắn gọn và chính xác, rằng “đây là cách tôi đã sống.” Đời sống của người trình bày bài nói đã cho thấy đâu là nền tảng để là Kitô hữu, nó cũng cho thấy một hay nhiều hướng dẫn rõ ràng; thích hợp, khôn ngoan và lý tưởng trong lúc này là vạch ra cho người khác biết làm sao để sống theo cùng chiều kích như vậy.

Điểm quan trọng là biết linh động để mời gọi anh-chị-em, trẻ cũng như lớn tuổi, trong mọi giai cấp xã hội và văn hoá khác nhau để tính phổ quát của việc rao giảng Tin Mừng được toả sáng.

  • Tóm Lược của Linh Hướng

Phần tóm lược phải được trình bày bởi Linh Hướng, một Linh Mục, Phó Tế, hoặc Tu Sĩ có lời khấn. Giáo dân dù đã được đào tạo tới cỡ nào cũng không được phép cho phần tóm lược này.

Vị Linh Hướng cần phải nghe bài chứng nhân trước hoặc ngay trong Ultreya. Qua nội dung của bài chứng nhân vị Linh Hướng có thể soạn bài tóm lược trong ánh sáng Tin Mừng. Vị Linh Hướng nên tập trung lời dẫn giải vào nội dung của bài chứng nhân và những lời đáp ứng. Bài tóm lược nên nhắm vào việc khuyến khích các tham dự viên hướng tới việc sống Tin Mừng. Bài không dài quá 5 phút.

  • Viếng Thánh Thể/Lời Nguyện Kết Thúc

Bất cứ khi nào có thể, Ultreya phải được kết thúc bằng việc Viếng Thánh Thể. Cần phải có lời nguyện kết thúc buổi  Ultreya, ngay cả khi không thể Viếng Thánh Thể.

TÓM LƯỢC NHỮNG YẾU TỐ QUAN TRỌNG CỦA BUỔI ULTREYA

  1. Cầu nguyện – chúng ta bắt đầu và kết thúc mọi buổi Ultreya với một sự hiểu biết chắc chắn rằng không có Chúa Kitô, chúng ta không thể làm gì được.
  2. Hội Nhóm “thả nổi” – giúp để trao đổi với người khác những kinh nghiệm trong việc thăng tiến đời sống tâm linh và trong công tác tông đồ. Giúp những ai chưa có Nhóm Thân Hữu có thể tìm bạn để thiết lập Nhóm.
  3. Bài nói chứng nhân – ở đây chúng ta có cơ hội cho một cursillista nghiên cứu một cách đầy đủ trong việc họ đã nỗ lực sống những điều căn bản để là Kitô hữu, yêu Chúa, yêu lối xóm và yêu trần thế.
  4. Những lời đáp ứng – đây là những điều người cursillista nói lên để nâng đỡ thêm cho cái thực chứng đã được bài nói chứng nhân trình bày. Điều này giúp thức tỉnh lòng ước muốn nơi những tham dự viên để họ mạnh bước và cũng làm như thế.
  5. Tóm lược của Linh Hướng – đây là thời điểm cho việc đặt bài chứng nhân và những cảm tưởng của người cursiilistas trong bối cảnh đặc biệt với Lời Chúa.
  6. Một số bài hát có thể dùng chen giữa các đề mục trong

MỘT CHƯƠNG TRÌNH ULTREYA BUỔI TỐI KIỂU MẪU

-           7:30 pm – Ultreya bắt đầu đúng giờ. Dùng Phiếu Cam Kết Phục Vụ và theo hình thức của Hội Nhóm Thân Hữu, Cursillistas chia ra thành những hội nhóm thả nổi để chia sẻ chung về kiềng ba chân.                                                                                                                                               

-           8:00 pm – Hát một bài ngắn khi mọi người ổn định vị trí các nhóm.                                                

-           8:05pm – Bài nói chứng nhân  (10-15 phút)

-           8:20pm – Hai hay ba lời đáp ứng ngắn gọn (2-3 phút).                                                                          

-           8:20pm – Tóm lược của Linh Hướng (5 phút).                                                                                       

-           8:35pm – Thông báo, lời nguyện và bài hát kết thúc (trước khi Viếng Thánh Thể nếu có thể).

-           8:40 pm – Kết thân – tận dụng giờ giải khát nước ngọt, cà-phê, v.v. để thực hiện việc tiếp xúc cá nhân.

Những buổi Ultreya liên giáo xứ hoặc tại giáo xứ, tuỳ mỗi trường hợp, phải được tổ chức vào ngày giờ được thoả thuận và tại một địa điểm cố định. Các buổi Hội Ultreya thuộc giáo phận, liên giáo phận hay toàn tiểu bang hoặc một cho một lãnh vực nào khác thì nên tổ chức tại những điểm khác nhau. Chúng ta nên nhớ rằng địa điểm tổ chức Ultreya cũng rất quan trọng. Phải nắm chắc địa điểm có đủ chỗ cho các hội nhóm thả nổi và có chỗ để các linh mục tiếp xúc riêng với Cursillistas muốn được hướng dẫn tâm linh hoặc lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải.

Trong phần đầu của Ultreya, tức trong lúc Họp Các Nhóm Nhỏ. Linh Hướng có thể lợi dụng cơ hội này để gặp gỡ các thành viên cần đến sự linh hướng.

Trong việc tổ chức và điều hành buổi Ultreya, chúng ta phải luôn luôn chú tâm đến điều cốt yếu, sự năng động và tính hoạt lực của nó. Chúng ta đến Ultreya để kết hiệp với anh chị em và chia sẻ với họ.  

BẦU KHÍ VÀ CÁC YẾU TỐ KÍCH ĐỘNG MỘT ULTREYA ĐÍCH THỰC

Trong khoá Cursillo® 3-Ngày, một bầu khí được hình thành mà sang ngày thứ ba chúng ta có thể dám nói những lời mà Thánh Phêrô đã nói trên núi “Ta-bo-rê” rằng: “Lạy Chúa, chúng ta ở đây, thật là tốt qúa!” (Mt. 17, 4)  Bầu khí này phát sinh nhờ vào nhiều yếu tố, nhiều thứ khác nhau như: việc tổ chức, các bài nói chứng nhân, tinh thần phục vụ, sự cởi mở, việc tiếp xúc cá nhân và trò chuyện tâm tình trong giờ nghỉ, giờ ăn, cũng như sự chia sẻ tại Decurias, v.v.  Bầu khí diễn biến trong Khoá Cursillo®, mà nội dung của nó gắn chặt với sứ điệp về những gì là nền tảng để là Kitô hữu đã trở nên rõ ràng và dễ dàng hơn cho người Cursillistas.

Những điều kể trên và nhiều thứ khác phải là chất liệu để chúng ta góp vào cho Hậu Cursillo hầu giúp đạt được mục đích của Phong trào. Cho nên, nếu người lãnh đạo thể hiện bản thân trong các buổi Ultreya giống như trong khoá Cursillo®, là sống và chia sẻ kinh nghiệm yêu thương của họ, thì bầu khí này cũng phải được sống trong Ultreya. Nếu thành phần hiện diện thiết lập được mối giao tình yêu thương Thiên Chúa và thương tha nhân, như là một nghĩa vụ chung phổ quát, không có gì khác biệt, nhằm tạo sự kích thích cho mọi người có cơ hội và năng lực để yêu Chúa và yêu tha nhân hơn nơi chính họ. Đó là điểm thiết yếu của Hội Nhóm và Ultreya. Mỗi người phải nhìn ra chi tiết này nơi cá thể riêng tư của mình.

  • “Điều thiết yếu là chú tâm đến con người hơn là tập trung vào sự việc xảy ra trong Ultreya.”
  • “không nên chú trọng nhiều vào những gì Ultreya mang lại, mà nên chú trọng tới những triển vọng khá hơn nơi con người.”
  • “nên quan tâm tới việc tiếp xúc cá nhân hơn là khả năng thực hiện những cuộc gặp gỡ tập thể.”
  • “không nên quá lệ thuộc vào cơ cấu hay khóa biểu, vì như thế có thể va chạm tới phẩm giá cá nhân.”
  • “không nên nhầm lẫn giữa thực chứng và kể chuyện.” Trong câu chuyện người ta kể lại một biến cố, thế là hết. Thực chứng là xác nhận một sự thật, vì nó được sống thực.

ĐỂ BẠN CÓ THỂ RA ĐI

“Không phải các con chọn Thầy, chính Thầy đã chọn các con và phái các con đi mà kết trái.” 76 Như chúng ta biết, Khoá Cursillo® 3 - Ngày là cho Hậu-Cursillo; do đó nó có một sứ mệnh, một sự bổ nhiệm. Ra đi…, không có nghĩa là đi đến một thế giới mới, nhưng trở về với cái thế giới mà từ đó mình đã từng sống bằng một cách lối mới. Vấn đề là trổ sinh hoa trái, với Chân Lý cụ thế trong chúng ta, mà mọi hành động của chúng ta có thể trở thành việc truyền giáo và “trổ sinh hoa trái”. Đời sống của chúng ta trong Chúa Kitô phải là một cộng đồng chứng nhân.

Điều cần thiết để đưa thế giới chúng ta đang sống vào trật tự; để khơi dậy lương tri trong mọi sự và trong tất cả, tất cả chúng ta cần áp dụng luật hiệu năng hoá; không phải mọi người đều tốt cho mọi thứ, nhưng tất cả đều có thể và làm được một điều gì đó. Người tông đồ hoan hỷ khi nhìn thấy mỗi người đều có thể phát huy tài năng của họ. Nó không quan trọng khi ta có nhiều hay ít tài năng, vấn đề là có phát huy hết các tài năng để đem ra phục vụ anh chị em và phục vụ Thiên Chúa không mà thôi. Không cần phải thúc giục người khác, nhưng phải sống đời sống chứng nhân. Bằng phương cách này chúng ta không

những có thể thay đổi được tâm tính con người, mà ngay cả việc biến đổi các môi trường cũng có thể đạt được.

(Theo Chương 11 sách Cẩm nang Lãnh đạo) 

_____________________________________

71 Redeemer of Man, Pope John Paul IL

72 Structure of Ideas, pp. 80-81.

73 See Appendix F of this Manual.

74 See Appendix H of this Manual

75 Guadalajara, Conclusions, p. 48

76 John 15:16.

 


Ý kiến bạn đọc  

0 # Phuong Ly 58:13 21-03-2022
Xin gửi cho tôi bài Rollo Học Đạo- xin chân thành cảm ơn
Trả lời | Trả lời với trích dẫn | Trích dẫn
0 # Cursillo Sai Gon 20:22 21-03-2022
Chào anh/chi Phuong Ly. Xin a/c vui lòng cho biết mình tham dự khóa mấy để BTT thuận tiện liên lạc và gửi bài rollo cho a/c.
Decolores!
Trả lời | Trả lời với trích dẫn | Trích dẫn
0 # Phuong Ly 11:14 21-03-2022
Xin gui cho toi bai rollo hoc dao
Trả lời | Trả lời với trích dẫn | Trích dẫn
0 # Phuong Ly 13:14 21-03-2022
Xin gui cho toi bai rollo hoc dao - Xin cam on
Trả lời | Trả lời với trích dẫn | Trích dẫn

Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com