LINH ĐẠO TÌNH BẠN TRONG PHONG TRÀO CURSILLO
TÌNH BẠN - MỘT NHÂN ĐỨC VÀ MỘT MẦU NHIỆM
Tình Bạn Trong Thánh Kinh
Tình Bạn được Thánh Kinh nhắc tới và ám chỉ với những bài học và câu chuyện về bạn bè tốt lẫn bạn bè xấu. Trong Sách Sirach của Cựu Ước, chúng ta tìm thấy một sưu tập các tài liệu bao gồm những câu châm ngôn về luân lý đạo đức, những câu nói của dân gian, cách ngôn, những ca vịnh ngợi khen và thương cảm, những suy niệm thần học, những câu châm ngôn trong các bài giảng, và những lời nhận xét bén nhọn về đời sống của người Do Thái và những tập tục đạo đức trong thế kỷ thứ hai trước Chúa Kitô. Thí dụ, “Không có gì quý bằng một người bạn trung tín, và không có cân nào có thể đo lường được sự ưu tú của người bạn ấy” (Sirach 6:15). Và “Bởi vì anh có một người bạn chỉ biết lo tiện ích cho riêng mình, nhưng sẽ không xuất hiện bên cạnh anh vào lúc nguy khốn … Một người bạn trung thành tựa như một chỗ nương thân vững vàng: kẻ nào tìm được một người bạn như thế thì đã tìm được một kho tàng” (Sirach 6:8, 15). "Bất kỳ ai kính sợ Thiên Chúa thì hướng dẫn tình bạn đúng đắn, bởi vì anh ấy như thế nào thì kẻ hàng xóm cũng như thế ấy” (Sirach 6:17).
Sách Bà Rút trong Cựu Ước có kể một câu chuyện về một góa phụ đã can đảm quyết định rời khỏi Moab, quê quán của Bà, để đi đến xứ Giuđa với mẹ chồng người Do Thái cũng mất chồng và mất cả các con trai của bà. Lời Bà Ruth nói với Bà Na-o-mi mẹ chồng mình là một trong những lời tâm tình sâu sắc nhất trong mọi thứ văn chương về tình bạn và lòng trung tín: “Mẹ đi đâu con đi đó; mẹ ở đâu con ở đó; dân của mẹ là dân của con; Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con. Mẹ chết ở đâu, con chết ở đó, và nơi đó con sẽ được chôn cất” (Rút 1:16,17). Và truyện ông Giô-na-than, do Sách Samuel trong Thánh Kinh kể lại, là một thí dụ cho thấy bổn phận của tình bạn quan trọng không kém các nghĩa vụ và những cảm tình khác. Việc Giô-na-than bênh vực Đavít là một thí dụ nổi bật nhất về lòng trung tín trong tình bạn, bởi vì sự bênh vực ấy gây cho Jonathan hai nỗi đau – nỗi đau trước bổn phận làm con đối với Hoàng Phụ Saul đang ganh tỵ với Đa vít chỉ vì Đa vít được lòng dân - và nỗi đau của người con đang sẵn sàng kế vị Vua Cha. (The Book of Virtues – [Sách các Nhân Đức] của William J. Bennett, chuyện kể của Jesse Lyman Hurlbut).
Tình Bạn: Một Lối Sống Chia Sẻ Chung với Nhau
Trong một bài viết, Paul Mahler đã xác quyết, “Tình bạn rất quan trọng đối với chúng ta trong cuộc sống. Từ lúc thiếu thời chúng ta thấy trẻ con nhanh chóng quyết định ai là bạn bè của chúng, và đặc biệt hơn, ai sẽ là bạn thân nhứt của chúng. Việc chúng ta chọn ai là bạn mình quan trọng hơn là ai được nhiều người ngưỡng mộ, hoặc ai làm chúng ta cảm thấy được nhiều người ưa thích, và được cần đến. Những kẻ chúng ta quyết định chọn làm bạn có thể làm cho chúng ta nên người hay làm cho chúng ta hư hỏng”. Trong Sách các Nhân Đức, ông William Bennett cũng viết như sau, “Bậc cha mẹ đều ý thức việc chọn bạn cho mỗi đứa con có tính cách quyết định như thế nào. Bạn bè của con mình lúc còn nhỏ cho thấy con cái mình đang nhắm tới hướng nào. Bạn bè thật quan trọng bởi vì bạn tốt đưa bạn đi lên, và bạn xấu dìm bạn xuống. Do đó bạn bè của con cái rất quan trọng, và ai là bạn bè của chính chúng ta cũng quan trọng không kém, bởi vì đó là tấm gương cho con cái. Thánh Kinh nói rằng nếu chúng ta “đi với người khôn, ắt sẽ nên khôn; chơi cùng kẻ dại, sẽ mang lấy họa”(Cách Ngôn 13:20). Cho dù chúng ta có đồng ý hay không thì những bạn bè chúng ta lựa chọn vẫn ảnh hưởng tốt hơn hay tệ hơn đến chúng ta.”
Thật vậy, trong đời sống lúc nào chúng ta cũng cảm thấy thôi thúc phải tìm bạn chân thật để chia sẻ lúc vui lúc buồn, khi lo âu, những lúc gặp khó khăn, và cũng nhờ bạn bè cho ta ý kiến khôn ngoan, lời cố vấn đúng đắn, lời khuyên có ích, và vô số điều hay khác nữa. Suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, người ta đã chứng kiến rất nhiều mẫu gương của cả tình bạn chân thật lẫn thứ tình bạn phản bội, nhưng xem ra phản bội nhiều hơn chân thật. Ngay cả Chúa Giêsu cũng bị một trong những môn đệ đầu tiên của Người phản bội, mặc dù trong suốt ba năm làm mục vụ ở trần gian, Chúa luôn luôn cư xử bằng tình bạn chân thật với các môn đệ của Người và cả với chúng ta ngày nay như Chúa đã từng tâm sự, “Thầy không còn gọi các con là tôi tớ … nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu” (Gioan 15:15).
Tiếc thay, tình bạn đích thực khó kiếm trong thế giới chúng ta đang sống, thế giới của văn hóa sự chết, đầy dẫy bạo lực, ghen ghét và thù nghịch. Nhờ trực diện với một thế giới xa lìa Thiên Chúa cách nay độ nửa thế kỷ, ông Eduardo Bonnín, vị sáng lập Phong Trào Cursillo của chúng ta, với ơn đặc sủng thành lập Phong Trào cùng với một số bạn hữu trong nhóm nòng cốt đã khởi sự thiết lập Phong Trào, dùng Tình Bạn như là một trong mười ý tưởng nền tảng xây dựng nền móng cho Phong Trào (10 Câu Chuyện Mạn Đàm tại Cala Figuera). Ông Bonnín trong bài chia sẻ về Tình Bạn đã nói, “Phương thức sâu sắc nhứt để cùng kẻ khác sống chung với nhau là tình bạn.” (La forma más profunda de convivencia es la amistad). Sách ‘Những Tư Tưởng Nền Tảng’ cũng xác quyết về sự cần thiết của tình bạn “Khóa Ba Ngày là một kinh nghiệm sống chia sẻ, nghĩa là người trợ tá phải ‘cởi mở như những người bạn mà không cần phải trực tiếp hay gián tiếp tìm hiểu về tình trạng tâm linh của khóa viên. Tình bạn chân thật là con đường duy nhứt đưa đến sự cởi mở đích thực và đối thoại hữu hiệu. Ở đây kỹ thuật chỉ là một hòa hợp giữa hoàn cảnh, sự tế nhị, khéo léo và tinh thần tông đồ” (TTNT # 314).
Tình Bạn: Nghệ Thuật Sống Hạnh Phúc
Trong Lời Nói Đầu giới thiệu quyển sách “Friendship: The Art of Happiness” (Tình Bạn: Nghệ Thuật Sống Hạnh Phúc) của Tiến Sỹ John Cuddeback, ông Curtis Martin viết: “Trái tim chúng ta bảo rằng chúng ta được dựng nên cho tình bạn, và có một thực tế phù hợp với ước muốn của chúng ta, nhưng làm sao thực thi đây? GS John Cuddeback đã cho chúng ta một lợi khí tuyệt vời: đó là quyển sách “Tình Bạn: Nghệ Thuật Sống Hạnh Phúc”. Tình bạn chân thực không tự nhiên mà có – đó là một nghệ thuật phải học hỏi, một tài năng phải thực hành. Tình bạn chỉ cho chúng ta nhìn thấy sự khôn ngoan của người xưa, thấy những gì mà những người nam và người nữ tốt nhứt trong quá khứ đã học cách rèn luyện tình bạn để nó được vững bền mãi mãi.” Do đó, hầu hết những tư tưởng trong bài này người viết xin mạo muội được phép trích dẫn từ quyển sách vừa đề cập và chân thành ghi ơn GS John Cuddeback đã chỉ dạy chúng ta học và thực hành cách làm bạn, trở nên bạn và mang bạn mình đến cùng Chúa Kitô, đó là mục tiêu tối hậu của Phong Trào Cursillo chúng ta.
Theo TS John Cuddeback, tình bạn chân thật nào dẫn đến hạnh phúc, cũng đều là tình bạn dành riêng cho những kẻ đang sống một lối sống, cụ thể là một đời sống đức hạnh. Chúng ta không thể có tình bạn chân thực nếu chúng ta thiếu đạo đức. Lối sống mà tình bạn đòi hỏi là một đời sống đức hạnh. Trong xã hội chúng ta, đa số nghĩ rằng họ biết tình bạn là gì và nghĩ rằng họ có tình bạn, và vì thế tình bạn thường được quý trọng. Nhưng ngược lại, có rất ít người cho rằng họ biết đức hạnh là gì, và họ đang thực hành nó. Do đó, tình trạng thiếu vắng đạo đức trong xã hội hình như không làm họ bận tâm cho lắm. Nhưng có tình bạn mà thiếu đức hạnh thì đó là cách tự chuốc lấy thất bại. TS Cuddeback trích Thư Thánh Gioan để minh chứng điều vừa nêu lên, “Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối và không hành động theo sự thật” (1Gioan 1:6). Tình bạn chân thật và đức hạnh không thể tách rời nhau được; cả hai cùng với nhau là chìa khóa hạnh phúc con người.
Về sự khôn ngoan của người xưa về tình bạn, TS John Cuddeback nói rằng triết gia Aristotle xem tình bạn như là “một nhân đức hoặc bao hàm nhân đức, và hơn nữa, tình bạn là điều cần thiết nhứt cho quan niệm về cuộc sống. Bởi vì thiếu vắng bạn hữu thì chẳng ai muốn sống, cho dù họ có tất cả mọi thứ .....” (Nicomachean Ethics, 1155ª 1-3). Vì thế, Triết Gia Aristotle đã nói rõ ràng rằng sống trong tình bạn chân thực là sống một đời sống thoải mái, để được hạnh phúc. Trong quyển sách nói trên của mình, TS Cuddeback cố gắng giúp chúng ta hiểu rõ làm thế nào để cho việc sống đức hạnh và việc kết nghĩa bằng tình bạn chân thực cần phải liên kết với nhau, hoặc trên thực tế cả hai là một. Sống một đời sống đức hạnh không chỉ đòi buộc phải biết cái gì là quan trọng hơn cả, mà còn đòi hỏi nhiều hơn thế nữa. Tất cả nhân đức là sống đúng sự thật mà bạn biết rõ. Nhân đức là một thói quen tốt. Làm những việc lành, như ra tay giúp đỡ những người thiếu thốn, thì phát huy một thói quen làm những việc tốt lành ấy. Định nghĩa của “nhân đức” trong Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo tương tự như định nghĩa của Triết Gia Aristotle. Công bình là “đức tính luân lý thể hiện qua quyết tâm trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa và trả cho tha nhân những gì thuộc về tha nhân” GLCG # 1807). Thí dụ, một người chủ luôn luôn trả cho công nhân của mình tiền lương để sống, ngay cả khi ông ta có thể xoay xở trả lương ít hơn.
Tình Bạn: Một Nền Tảng của Phong Trào Cursillo
Ông Eduardo và các bạn chắc đã được Chúa Thánh Linh mặc khải soi sáng, quen gọi là Đặc Sủng Hình Thành Phong Trào, khi họ nghĩ đến tình bạn là một trong những ý tưởng hay yếu tố nền tảng giúp hình thành Phong Trào Cursillo với sứ mạng trở thành chứng nhân sống động cho Chúa Kitô trong các môi trường. Theo ý kiến của TS Cuddeback, bởi vì trong tình bạn con người được kết hiệp trong tình yêu thương lẫn nhau và lòng quý mến nhân đức, cho nên bạn hữu chia sẻ chung một cái nhìn về cuộc sống tốt lành và cố công đạt cho bằng được cuộc sống ấy. Nhờ vậy tình bạn tạo nên những “cộng đồng tí hon” ngay trong cộng đồng rộng lớn hơn; những cộng đồng tí hon này là đơn vị căn bản giúp cho nỗ lực hoàn thiện. Theo cách này, công đồng tí hon của tình bạn rất giống đơn vị bình thường căn bản nhứt trong Khóa Cursillo, đó là nhóm nhỏ sinh hoạt tại mỗi bàn, quen gọi là ‘decuria’, và cũng tương tự như Hội Nhóm Nhỏ trong Ngày Thứ Tư của PT Cursillo.
Các Nhóm Thân Hữu, và Hội Ultreyas vững mạnh, nuôi dưỡng lòng sùng đạo, việc học đạo và hành đạo với nhiều chứng nhân sống động và chân thực chắc chắn sẽ tạo một nền tảng cần thiết cho một Phong Trào Cursillo vững vàng và đáng tin cậy ở bất cứ cấp bậc nào. Một cá nhân Cursillista có một vị thế trong Phong Trào Cursillo của mình cấp giáo phận qua chỗ đứng của họ trong Nhóm Thân Hữu và Hội Ultreya mà họ tham gia. Đặc điểm của các ‘cộng đồng tí hon’ hay của các Nhóm Thân Hữu và Ultreyas định đoạt đặc điểm của PT Cursillo ở cấp giáo phận hay quốc gia. Khi mà tình bạn chân thực triển nở giữa các Cursillistas với nhau trong các Hội Nhóm và Ultreyas thì các cộng đồng Kitô hữu sẽ được hình thành do những người hay nhóm nhỏ kết hợp với nhau để theo đuổi nhân đức. Chính Thánh Phaolô, trong suốt quá trình mục vụ “độc lập” của Ngài và khi đương đầu với những hoàn cảnh bất thường, cũng đã phải chấp nhận một số canh tân về tín lý hầu có thể biện minh cho những lời kêu gọi liên lĩ của ngài thúc giục các tín hữu quy tụ lại với nhau thành những cộng đồng hiệp nhứt.
Sách “Những Tư Tưởng Nền Tảng” PT Cursillo xác nhận, “Nhóm được dựa trên sức mạnh của tình bạn". Và như ĐGH Phaolô VI, khi đặt ấn tín chấp thuận các Nhóm của chúng ta, Ngài nói rằng "tình bạn căn cứ vào những quan hệ thiêng liêng, có khả năng tạo nên sự dễ dàng cho các nỗ lực tông đồ mà không ai dám thực hiện một mình” (NTTNT # 432).
Khi giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tình bạn, TS John Cuddeback đã lưu ý chúng ta về câu hỏi đơn giản của Triết Gia Aristotle như sau: Bạn bè cùng làm gì với nhau ? Và câu trả lời là: “Bạn bè làm điều tốt lành cho nhau” và họ “sống với nhau” (Nicomachean Ethics, 1157b7). TS Cuddeback giải thích ý tưởng của Triết Gia Aristotle rằng “bạn bè muốn sống với nhau cùng một lối sống, hành động như nhau, trải qua những năm tháng chung cùng với nhau, v.v...” TS Cuddeback dẫn dắt chúng ta chú tâm đến việc bạn bè cùng nhau thăng tiến như thế nào đường nhân đức tiên vàn là “nhân đức luân lý” (Tình bạn là một trong những cách trợ giúp tự nhiên quan trọng nhứt để đi con đường ngay thẳng và chật hẹp.), và về mặt “nhân đức trí tuệ” (Sự khôn ngoan truớc đây đã được nhắc đến như là một thí dụ quan trọng nhứt của một nhân đức trí tuệ). TS Cuddeback nói thêm rằng những nhân đức luân lý và nhân đức trí tuệ không phải dễ tạo ra; cần phải có thời gian và nhiều công sức. Triết Gia Aristotle xem vai trò của những lần nói chuyện lành mạnh, mà trong PT Cursillo gọi là tiếp xúc cá nhân, là điều quan trọng hàng đầu trong tình bạn. Chắc chắn, khi nói chuyện phải truyền thông sự thật, việc này không là gì khác hơn là chia sẻ điều mình đã thấu triệt. Bạn bè giúp nhau thăng tiến trong sự hiểu biết, thấu đáo và trưởng thành trong những thói quen theo đuổi sự hiểu thấu sâu sắc lớn lao hơn. Xã hội hay môi trường chúng ta ngày nay tràn ngập những phương tiện kỹ thuật cao, như điện thoại, truyền hình, trò chơi điện tử, âm nhạc, điện thư, gởi thư qua internet, v.v..., nhưng rất tiếc những thứ này trở thành những cản trở các dịp tiếp xúc cá nhân, chuyện trò trực tiếp giữa bạn bè với nhau, và chúng có khuynh hướng cô lập con người. Các Cursillistas được khuyến khích trở nên những chứng nhân sống về tình bạn trong Chúa Giêsu Kitô trong Ngày Thứ Tư của mình hầu họ có thể sống chung và chia sẻ với nhau những gì là căn bản để trở nên Kitô hữu đích thực trong thế giới tân tiến ngày nay, tương tự như câu chuyện trong bản tin sau đây của Hãng Truyền Thông ABC đã phổ biến sâu rộng trong ngày 22-12-2008 vừa qua như một chuyện lạ hiếm có:
Tựa đề một bài báo gây ngạc nhiên nhiều người: “Một vụ bị cho nghỉ việc biến thành một quà tặng Giáng Sinh cho một Gia Đình”:
Anh Ralph Hanahan tình nguyện bị cho nghỉ việc để người bạn đồng nghiệp ít thâm niên hơn khỏi mất việc làm. Hai anh Mike Camp và Ralph Hanahan làm việc chung với nhau rất mật thiết trong 5 năm phụ trách phần kỹ thuật máy vi tính tại Trường “Governor’s School of the Arts & Humanities” ở Greenville, SC. Nếu có máy vi tính nào bị hư hoặc e-mail không mở được thì giáo sư và học viên đến nhờ một trong hai anh sửa máy giùm. Anh Camp, 40 tuổi nói, “Chúng tôi làm việc theo tinh thần đồng đội, và thay phiên nhau dễ dàng ... giống như hai phân nửa của cùng một trái tim.”
Nhưng khi cuộc khủng hoảng kinh tế rung chuyển cả nước đã ập tới Tiểu Bang South Carolina, anh Hanahan, 55 tuổi, lo lắng nhà trường chắc sẽ buộc lòng chọn giữa anh và anh Camp để cho nghỉ việc. Anh Camp nói, “Tôi nghĩ rằng anh ấy thấy rõ nếu xu hướng này không dừng lại, chắc sẽ phải có vấn đề bớt nhân sự ở trường và một trong hai chúng tôi sẽ bị cho nghỉ việc.”
Thật vậy, nhà trường đã báo động tháng vừa rồi là sẽ có một số nhân viên chưa biết bao nhiêu bị mất việc trong những tuần lễ tới đây. Nhằm tránh những quyết định khó khăn và giúp người bạn nhỏ tuổi hơn, anh Hanahan đã làm một điều gây rúng động cả trường và thành phố ở đó.
Ông Hiệu Trưởng Bruce Haverson nói: “Thật vậy, anh Ralph Hanahan đã đến nói với tôi, ‘Nếu ông phải cho nghỉ việc thì ông nên cho tôi ra đi.” Anh Ralph, người đã làm việc cho chính phủ Tiểu Bang hơn 20 năm rồi, đã tình nguyện xin nghỉ việc để tên anh Camp không bị dính trong danh sách những người bị cho nghĩ việc.
Anh Camp nói, “Tôi rất ngạc nhiên vào thời buổi này và trong lúc này lại có kẻ xử sự như thế. Chúng tôi mang ơn anh ấy suốt đời.”
Anh Camp gây ngạc nhiên cho anh Hanahan trên Chương Trình “Good Morning America” hôm nay để công khai cám ơn anh ấy đã hy sinh cho anh.
Tình Bạn: Một Khí Cụ Hữu Ích Trong Việc Truyền Giáo
Sách “Cẩm Nang Lãnh Đạo” đã viết, “Phong Trào Cursillo, qua kinh nghiệm của những vị sáng lập, đã khám phá ra rằng tình bạn có thể được sử dụng để phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội của Người trong khi đó vẫn đáp ứng được nhu cầu của các cá nhân thành phần của một cộng đồng.”
Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, đã được nhiều người biết đến nhờ các chứng từ của ngài làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô trong suốt 13 năm bị tù đày trong các trại giam. Tháng 12 năm 1999, Đức cố Hồng Y đã được ĐGH Gioan Phaolô II đề nghị và khuyến khích chia sẻ chứng từ của Ngài về 13 năm trong lao tù nhân dịp tuần Tĩnh Tâm dành cho Giáo Triều Roma Năm 2000. Trong một bài nguyện gẫm, ĐHY Thuận đã nói ngài rất đổi ngạc nhiên khi nhận thấy tình yêu Kitô giáo trong tình bạn đã có thể thay đổi những người cai tù và môi trường ở đó. Sau đây là một trong nhiều câu chuyện ngài đã kể lại:
“Khi tôi bị biệt giam, có năm anh cán bộ được phái đến canh gác tôi, với hai người thường trực có mặt ngày và đêm. Cứ mỗi hai tuần thì có một toán người canh gác được gởi đến mỗi hai tuần để họ không bị tôi làm “ô nhiễm”. Một thời gian sau đó người cai tù ngưng không gởi cho tôi những người canh tù chỉ đến một lần mà thôi trong một thời gian tương đối ngắn bởi vì ban quản trại tù lo ngại không mấy chốc cả toán canh gác tù có thể bị tôi làm “ô nhiễm”. Trong ít ngày đầu tiên, những anh cai tù chỉ trả lời “Có” hay “Không” hoặc chỉ nói ngắn gọn khi tôi hỏi họ điều gì. Tôi không nản lòng về thái độ thiếu thân thiện của họ bởi vì tôi nghĩ đến tình yêu Thiên Chúa dành cho họ. Một buổi sáng nọ, tôi thử đánh liều gợi chuyện trước, kể cho họ nghe những chuyến du lịch ngoại quốc của tôi, về cuộc đời, văn hoá, kinh tế, kỹ thuật điện tử, tự do, dân chủ tại một vài quốc gia tôi đã đi thăm, như Gia Nã Đại, Nhật Bổn, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba, Pháp, Đức, Úc Châu, Áo Quốc, v.v... Những câu chuyện tôi kể làm cho họ tò mò đặt ra nhiều câu hỏi. Tôi luôn luôn cho họ câu trả lời. Không bao lâu sau chúng tôi trở thành bạn. Họ muốn học một ngoại ngữ, tiếng Pháp hay tiếng Anh. Tôi sẵn sàng giúp họ. Dần dần, những anh cai tù trở thành học trò của tôi. Môi trường nhà tù thay đổi, liên hệ giữa chúng tôi được cải thiện. Ngay cả cấp trên khi nhận thấy tôi đối xử với thuộc cấp họ thân thiện và nhân ái, họ không những bảo tôi cứ tiếp tục giúp đỡ mà còn gởi thêm những người khác đến để tôi dạy sinh ngữ cho họ.”
Hồng Y Nguyễn Văn Thuận kể một câu chuyện về hai người cai tù đã theo học tiếng Latinh ở đâu đó bởi vì họ được chỉ định “nghiên cứu” các tài liệu của Giáo Hội. Khi xem tập vở ghi chép bài học, ngài cho biết họ có vẻ học khá tốt. Một người trong họ muốn ĐHY dạy họ vài bài hát bằng tiếng Latinh. Ngài hát vài bài để họ chọn, như bài Salve Regina, Veni Creator, Ave Maris Stella, v.v... Anh ta quyết định chọn bài “Veni Creator” (Xin Chúa Ngôi Ba đoái thương viếng thăm, ...). ĐHY kế tiếp, “Rồi một buổi sáng lúc 7 giờ, tôi nghe tiếng chân anh chạy xuống cầu thang gỗ ra phía sau vườn để tập thể dục như mọi ngày. Trong khi múc nước tắm ngoài trời gần phòng giam của tôi, anh ta đã hát “Veni Creador Spiritus ...”... Tôi vô cùng xúc động, tự hỏi làm thế nào một anh công an cọng sản có thể hát bài “Veni Creator Spiritus” cho tôi nghe. Tôi tin chính Chúa Thánh Thần, một cách lạ lùng, đã dùng kẻ vô thần này giúp một giám mục Công Giáo bị tù cầu nguyện, bởi vì vị đó quá yếu nhược và mất tinh thần đến độ không còn cầu nguyện được nữa. Chỉ có công an mới có quyền hát to các bài hát đạo trong môi trường đó mà thôi .”
Hồng Y Nguyễn Văn Thuận nêu đích danh một người bạn tù đặc biệt đã từng là một viên chức cao cấp cộng sản, nhưng đã bị bắt vì tội tham nhũng và đã bị nhốt chung phòng để theo dõi ngài, nhưng về sau hai người trở thành bạn tốt. Một ngày trước khi được phóng thích, người bạn ấy đã hứa cầu nguyện cho ĐHY Nguyễn Văn Thuận. Anh ấy nói với ĐHY, “Nhà tôi không xa LaVang, chỉ cách ba cây số thôi. Tôi sẽ đi LaVang cầu nguyện cho anh.”
La Vang là nơi Đức Mẹ đã hiện ra năm 1798 tại Việt Nam để an ủi và bảo vệ những người Công Giáo đến trốn ở đó để khỏi bị bách hại. Do đó người Công Giáo Việt Nam đã tặng cho Đức Maria tước hiệu “Đức Mẹ LaVang” kể từ thời kỳ ấy. Hồng Y Nguyễn Văn Thuận tin lòng thành thật của anh bạn, nhưng hoài nghi về lời hứa của một người Cộng Sản cầu nguyện cho ngài.
ĐHY kể tiếp: Sáu năm sau, đang lúc tôi ở biệt giam, tôi được một bức thư của ông Hải, người bạn tù. Lạ lùng thật! Lạ hơn nữa là lời lẽ của ông như sau: Anh Thuận thân mến, tôi đã hứa với anh, tôi sẽ đi cầu nguyện Đức Mẹ LaVang cho anh. Mỗi chủ nhật, nếu trời không mưa, lúc nghe chuông LaVang, tôi lấy xe đạp vào trước đài Đức Mẹ, vì chiến tranh bom đạn đã đánh sập nhà thờ rồi. Tôi cầu nguyện như thế này: Thưa Đức Mẹ, tôi không có đạo, tôi không thuộc kinh nào cả. Nhưng tôi đã hứa sẽ cầu nguyện Đức Mẹ cho anh Thuận, nên tôi đến đây. Xin Đức Mẹ biết anh Thuận cần gì thì cho anh ấy.” Hồng Y Nguyễn Văn Thuận hết sức cảm động trong một lát, đọc đi đọc lại bức thư. Sau đó ngài nhắm mắt lại và thầm thỉ, “Lạy Mẹ, Mẹ đã dùng anh cộng sản này để dạy con cầu nguyện; chắc Mẹ đã nhậm lời anh ấy, con mới còn sống đây!” (viết theo Sách “Hồng Y Phanxicô-Xaviê Nguyễn Văn Thuận Qua Những Lời Tự Thuật”, LM Phanxicô B. Trần Văn Khả sưu tập, Cơ Sở Hy Vọng xuất bản, 2004).
Thánh Phaolô: Người Bạn Gương Mẫu trong Ngày Thứ Tư Chúng Ta
Không gì thích hợp và tiện lợi cho người Cursillistas chúng ta cho bằng suy niệm về đời sống của Thánh Phaolô Quan Thầy của Phong Trào chúng ta, trong khi Giáo Hội đã bắt đầu mừng Sinh Nhật Hai Ngàn Năm của Thánh Phaolô kể từ 29 tháng 6 năm ngoái 2008 cho đến tháng 6 năm nay. Và chúng ta cũng cần sốt sắng nghiên cứu học hỏi phương cách truyền giáo của ngài nữa. Có rất nhiều bài học chúng ta có thể học được nơi Thánh nhân hầu có thể trung thành thực hiện mục tiêu của Phong Trào thân thương chúng ta, và đó cũng là Sứ Mạng của Giáo Hội. Bà Dale O’Leary (Avon Park, FL) đã viết một bài với tựa đề “Những Người Bạn Suốt Đời” (ngày 10 tháng 11) suy niệm về Tâm Thư thứ 2 của Thánh Phaolô gởi Ti-mô-tê (2 Tim 1:4-5), được in trong tập sách “Praying with St. Paul” (Cầu Nguyện với Thánh Phaolô), do Nhà Xuất Bản Magnificat phát hành năm 2008. Đây là một thí dụ rất thích hợp.
“Thánh Phaolô đã rao giảng Tin Mừng tại nhiều thành phố. Chúng ta có thể nhận ra trong các tâm thư gởi đi, ngài đã tạo được những mối liên hệ tự nhiên và siêu nhiên thật mật thiết, và khi bị tù ở Roma ngài luôn nhớ đến những người bạn ấy. Ngài biết mình sẽ không bao giờ gặp lại hầu hết những bạn hữu của mình --- trong cuộc đời này.
Dời chỗ ở thật khó khăn vô cùng. Tôi đã sống trong bảy tiểu bang khác nhau và mười sáu căn nhà khác nhau. Mỗi lần dời chỗ cư trú có nghĩa là bỏ lại bạn bè thân thiết. Mỗi lần chia tay thường là những lúc ưu sầu đầy nước mắt. Chúng tôi hứa hẹn giữ liên lạc với nhau, nhưng rồi những tấm thiệp Giáng Sinh bị trả lại chưa mở ra, những thư điện tử e-mail bị trả lại với lời ghi chú “người nhận không ai biết”, như một kẻ nào đó đã từng ghé qua cuộc đời chúng ta, đã từng chia sẻ niềm vui và sầu khổ với chúng ta, nay đã mất đối với chúng ta. Chúng ta có thể không bao giờ nhìn thấy họ lần nữa – trong đời này.
Khi các bạn hữu của Thánh Phaolô tại Caesarea được tiên tri Agabus báo tin là nếu Thánh Phaolô đi Giê-ru-xa-lem, ngài sẽ bị bắt và sẽ bị nộp cho Dân Ngoại làm tù binh, các bạn hữu của ngài khóc lóc van xin ngài đừng đi. Thánh Phaolô chắc sẽ không bị xiêu lòng; nếu đó là thánh ý Thiên Chúa dành cho ngài, ngài sẽ ra đi.
Có những lúc phải di chuyển xa gia đình và bạn bè, thật khó khăn đến độ chúng ta cảm thấy lòng tan nát, tuy nhiên chúng ta phải phó thác vào Chúa Quan Phòng vì Người biết những gì tốt cho chúng ta.
Tôi đã trải qua một kinh nghiệm tương tự. Tôi nghĩ chúng tôi đã tìm được một nơi hoàn hảo rồi – một thành phố, một nhà thờ, một căn nhà, mọi thứ mà tôi hằng mơ ước, nhưng đặc biệt hơn hết, những bạn hữu tuyệt vời. Và sau đó chồng tôi lại chọn một việc làm ở một thành phố khác -- nơi mà tôi không hề muốn đến ở. Tôi chẳng muốn dọn đi tí nào!. Tôi thắc mắc với chương trình của Chúa, nhưng khi nhìn lại tôi thấy rõ ràng việc dọn đến chỗ ấy là chương trình của Thiên Chúa, không phải chỉ cho chồng tôi, mà cho tôi, cho công việc của tôi, cho mỗi đứa con của tôi.
Những giọt nước mắt của tôi đã biến thành niềm vui, và tôi biết rằng một ngày nào đó tôi sẽ được đoàn tụ trên thiên đàng với các bạn hữu mà tôi đã bỏ lại đàng sau.”
Để kết luận, chúng ta hãy noi gương Ông Xi-mê-ong và Thánh Phaolô. Càng liên kết mật thiết với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ càng nhận biết Người. Nếu lắng nghe, chúng ta sẽ nghe Người trong sự thinh lặng của con tim chúng ta, nói những lời thương yêu và xác nhận chúng ta. Nếu nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy Người trong gia đình và bạn hữu chúng ta, trong những người anh chị em chúng ta trong Chúa Kitô, trong những kẻ nghèo khó chung quanh chúng ta – và trên hết mọi sự trong mầu nhiệm Thánh Thể. Vì thế, chúng ta hãy ôm Người vào lòng, và hãy để Người gọi mỗi người chúng ta đến với trái tim Người. (The Word Among Us, 29-12-2008).
Hãy tiến lên! Ultreya!
(Tài liệu Phong Trào Cursillo)