Sứ điệp Mùa Chay 2016 của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

HuyhieuDGH

VATICAN. Trong sứ điệp mùa chay, công bố hôm 26-1-2016, ĐTC mời gọi các tín hữu chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa và thực hành các công việc từ bi bác ái, về thể lý cũng như về tinh thần.

Sứ điệp của ĐTC cho mùa này có chủ đề là ”Ta muốn Lòng Thương xót chứ không muốn hy tế” (Mt 9,13). Những công việc từ bi bác ái trong hành trình Năm Thánh”. Sứ điệp được công bố trong cuộc họp báo tại Vatican do ĐHY Francesco Montenegro, TGM Agrigento, nam Italia, thành viên Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm). Hiện diện trong dịp này cũng có hai vị Tổng thư ký và Phó tổng thư ký của Hội đồng Cor Unum. Sứ Điệp trên được chia thành 3 phần, tập chú vào lòng thương xót dưới ánh sáng Lời Chúa, nhấn mạnh tới các việc thương người và mối tương quan giữa Mùa Chay và lộ trình Năm Thánh.

Sau đây là toàn văn Sứ điệp mùa Chay 2016 của Đức Thánh Cha Phanxicô.

 

Ta muốn lòng thương xót, chứ không muốn của lễ” (Mt 9:13)

Các việc thương xót trên đường Năm Thánh

 

1. Đức Mẹ, hình ảnh của một Giáo Hội rao giảng Tin Mừng vì ngài đã được rao giảng Tin Mừng

Trong Sắc Chỉ Công Bố Năm Thánh Đặc Biệt về Lòng Thương Xót, tôi từng yêu cầu rằng “Mùa Chay Năm Thánh này sẽ được sống thâm hậu hơn như là thời khắc hồng ân để cử hành và cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa” (Misericordiae Vultus, 17).

Khi kêu gọi phải chăm chú lắng nghe Lời Thiên Chúa và khuyến khích sáng kiến “24 giờ cho Chúa”, tôi tìm cách nhấn mạnh tính hàng đầu của việc lắng nghe Lời Thiên Chúa trong cầu nguyện, nhất là lời tiên tri của Người. Lòng thương xót của Thiên Chúa là một lời công bố cho thế giới, một công bố mà mỗi Kitô hữu được mời gọi cảm nghiệm trước nhất. Vì thế, trong Mùa Chay, tôi muốn phái Các Nhà Truyền Giáo của Lòng Thương Xót tới mọi người như một dấu chỉ cụ thể của tình gần gũi và tha thứ của Thiên Chúa.

Sau khi tiếp nhận Tin Mừng do Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel đem tới cho ngài, Đức Maria, trong Kinh Ngợi Khen, đã ca hát như một tiên tri lòng thương xót qua đó Thiên Chúa đã chọn ngài. Nhờ thế, Đức Nữ Trinh Nadarét, người đã đính hôn với Thánh Giuse, đã trở nên hình ảnh hoàn hảo của một Giáo Hội rao giảng Tin Mừng, vì ngài đã và vẫn còn tiếp tục được rao giảng Tin Mừng bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đã làm dạ đồng trinh của ngài trổ sinh quả phúc.Trong truyền thống tiên tri, lòng thương xót, theo nghĩa đen, và cả trên bình diện nguyên ngữ học nữa, có liên hệ với dạ mẹ (rahamim) và với lòng từ nhân (hesed) đại độ, trung trinh và cảm thương được biểu lộ trong các mối liên hệ hôn nhân và gia đình.

2. Giao Ước của Thiên Chúa với nhân loại: một lịch sử của lòng thương xót

Mầu nhiệm thương xót của Thiên Chúa được mạc khải trong lịch sử giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel của Người. Thiên Chúa tự tỏ mình ra như là Đấng mãi mãi giầu lòng thương xót, mãi mãi sẵn sàng xử với dân của Người bằng một lòng âu yếm và cảm thương sâu xa, nhất là trong những giờ khắc bi thảm khi lòng bất trung làm tan nát mối dây giao ước, một mối dây, do đó, cần được củng cố mạnh mẽ hơn trong công lý và trong chân lý. Đây mới là câu truyện tình đích thực, trong đó, Thiên Chúa đóng vai trò của người cha và người chồng bị phản bội, trong khi Israel đóng vai người con và nàng dâu bất trung. Các hình ảnh gia đình này, như trong trường hợp Tiên Tri Hôsê (xem Hs 1-2), chỉ cho ta thấy Thiên Chúa đã muốn tự trói buộc Người vào dân của Người xiết bao.

Câu truyện tình trên lên cao điểm ở mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa. Trong Chúa Kitô, Chúa Cha tràn đổ lòng thương xót vô hạn của Người, thậm chí còn biến Chúa Con thành “lòng thương xót nhập thể” (Misericordiae Vultus, 8). Là một con người, Chúa Giêsu thành Nadarét là người con thực sự của Israel; Người nhập thân lời hô hoàn hảo mà Kinh Shema đòi mọi người Do Thái Giáo phải lắng nghe, lời hô mà ngày nay vẫn còn là tâm điểm của giao ước giữa Thiên Chúa và Israel: “Hỡi Israel, hãy nghe, Chúa, Thiên Chúa của chúng ta, là Chúa Tể duy nhất; và ngươi sẽ yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết trái tim, hết linh hồn, và hết sức ngươi” (Đnl 6:4-5). Là Con Thiên Chúa, Người là Chàng Rể sẵn sàng làm mọi sự để chiếm được tình yêu của Nàng Dâu mình, một nàng dâu Người bị cột chặt vào bằng một tình yêu vô điều kiện, một tình yêu trở nên hữu hình trong tiệc cưới vĩnh cửu.

Đó là chính tâm điểm của sơ truyền Tông Đồ, trong đó, lòng thương xót của Thiên Chúa chiếm một vị trí trung tâm và nền tảng. Nó chính là “vẻ đẹp tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa được làm cho hiển thị trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại từ cõi chết” (Evangelii Gaudium, 36), là lời công bố đầu tiên mà “ta phải nghe đi nghe lại nhiều cách khác nhau, lời công bố mà ta phải loan báo cách này hay cách khác xuyên suốt diễn trình giáo lý, ở mọi bình diện và thời điểm” (ibid., 164). Lòng thương xót “nói lên cách Thiên Chúa vươn tay ra với người tội lỗi, ban cho họ một cơ hội mới để nhìn vào chính họ, hoán cải, và tin” (Misericordiae Vultus, 21), nhờ thế, phục hồi được mối tương quan của họ với Người. Trong Chúa Giêsu bị đóng đinh, Thiên Chúa tỏ ước muốn của Người được xích lại gần những người tội lỗi, bất kể họ lạc xa Người đến đâu. Qua cách này, Người hy vọng sẽ làm mềm trái tim cứng cỏi của Nàng Dâu của Người.

3. Các việc thương xót

Lòng thương xót của Thiên Chúa biến đổi trái tim con người; nó giúp chúng ta, nhờ cảm nghiệm được một tình yêu trung thành, có khả năng trở nên biết thương xót. Trong một phép lạ luôn luôn mới mẻ, lòng thương xót của Thiên Chúa sáng rực lên trong đời sống ta, linh hứng mỗi người chúng ta biết yêu thương người lân cận của mình và hiến mình ta cho những việc mà truyền thống Giáo Hội vốn gọi là thương người về phần xác và về phần hồn. Những việc này nhắc nhở ta rằng đức tin tìm được biểu thức của nó trong các hành động cụ thể hàng ngày nhằm giúp người lân cận của ta cả về phần xác lẫn phần hồn: qua việc cho ăn, thăm viếng, an ủi và dạy dỗ họ. Căn cứ vào những việc này, chúng ta sẽ bị phán xử. Vì thế, tôi tỏ bầy niềm hy vọng rằng “giáo dân Kitô Giáo nên suy niệm về các lòng thương người cả về phần hồn lẫn phần xác; điều này sẽ là một cách để thức tỉnh lương tâm ta, một lương tâm đã trở nên quá vô tri vô giác trước cảnh nghèo, và để bước sâu hơn vào tâm điểm Tin Mừng, nơi người nghèo cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa cách đặc biệt” (ibid., 15). Vì nơi người nghèo, da thịt Chúa Kitô “trở nên hữu hình trong da thịt người bị tra tấn, chà đạp, đánh đòn, thiếu ăn, và đầy ải…để được thừa nhận, đụng tới và săn sóc bởi chúng ta” (ibid.).

Nó là mầu nhiệm chưa từng có và đầy tai tiếng của sự đau khổ của Con Chiên Vô Tội, bụi cây bốc lửa của tình yêu nhưng không, được trải dài trong thời gian. Trước tình yêu này, giống như Môsê, ta có thể phải cởi giầy ra (xem Xh 3:5), nhất là khi người nghèo là anh chị em của ta trong Chúa Kitô, những người từng chịu đau khổ vì đức tin của mình.

Dưới ánh sáng của tình yêu trên, một tình yêu mạnh như sự chết (xem Dc 8:6), những người nghèo thực sự là những người từ khước không coi mình là nghèo. Họ coi họ giầu có, nhưng thực ra họ là những người nghèo nhất trong các người nghèo. Sỡ dĩ như thế, vì họ làm nô lệ cho tội lỗi, những thứ dẫn họ tới việc sử dụng của cải và quyền lực không phải để phục vụ Thiên Chúa và người khác, mà là để bóp chết trong chính trái tim họ cảm thức sâu xa rằng họ mới là những hành khất nghèo khổ duy nhất.

Quyền lực và của cải càng lớn, sự đui mù và lừa gạt càng nặng. Thậm chí nó có thể tiến tới chỗ mù lòa đối với việc Ladarô ăn xin ở ngay trước nhà họ (xem Lc 16:20-21). Ladarô, người nghèo khổ, là hình ảnh của Chúa Kitô, Đấng, qua người nghèo, thúc giục ta hoán cải. Trong tư cách này, Người trình bầy với ta khả thể hoán cải, một khả thể mà Thiên Chúa đề nghị với ta và là một khả thể mà ta dám không nhìn thấy. Một sự mù lòa như thế thường đồng hành với ảo tưởng kiêu căng về quyền năng vô biên của ta, một ảo tưởng từng phản ánh, một cách đầy tai hại, câu của ma qủy này là “ngươi sẽ giống như Thiên Chúa” (St 3:5) một câu vốn là cội rễ của mọi tội lỗi. Ảo tưởng này cũng có thể mang hình thức xã hội và chính trị, như đã được chứng tỏ bởi các hệ thống toàn trị của thế kỷ 20, và trong chính thời của chúng ta, bởi các ý thức hệ muốn độc quyền tư tưởng và khoa học kỹ thuật, những thứ đang cố gắng làm cho Thiên Chúa trở thành bất liên hệ và rút gọn con người chỉ còn là vật liệu thô để khai thác. Ảo tưởng này cũng có thể nhìn thấy trong các cơ cấu đầy tội lỗi có liên hệ tới mẫu mực phát triển sai lạc dựa trên việc thờ ngẫu thần tiền bạc, một việc thờ phượng đang dẫn tới việc các cá nhân và các xã hội giầu có hơn thiếu quan tâm đối với số phận người nghèo: họ đóng cửa nhà họ, thậm chí từ khước, không chịu nhìn người nghèo.

Do đó, đối với tất cả chúng ta, Mùa Chay trong Năm Thánh này là thời gian thuận tiện để ta vượt thắng sự tha hóa hiện sinh của ta bằng cách lắng nghe lời Thiên Chúa và thực hành các việc thương người. Trong các việc thương người về phần xác, ta đụng tới da thịt của Chúa Kitô nơi các anh chị em của ta, những người cần được ăn, được mặc, được trú ngụ, thăm viếng; trong các việc thương người về phần hồn: khuyên bảo, dạy dỗ, tha thứ, khuyên răn và cầu nguyện, ta đụng tới tính tội lệ của ta một cách trực tiếp hơn. Các việc thương người về phần xác và phần hồn không bao giờ nên bị tách biệt với nhau. Nhờ đụng tới da thịt của Chúa Giêsu bị đóng đinh đang chịu đau khổ, người tội lỗi có thể nhận được ơn phúc để nhận ra rằng cả họ nữa cũng là những người nghèo và thiếu thốn. Nhờ đi con đường này, người “kiêu ngạo”, người “quyền thế” và người “giầu sang” được nhắc tới trong Kinh Ngợi Khen cũng có thể được ôm ấp và yêu thương nhưng không bởi Chúa bị đóng đinh, Đấng đã chết và sống lại vì họ. Chỉ có tình yêu này mới giải đáp được niềm hoài mong hạnh phúc và yêu thương vô bờ mà ta vốn nghĩ là mình có thể thỏa mãn bằng các ngẫu thần nhận thức, quyền lực và giầu có. Ấy thế nhưng vẫn luôn còn nguy cơ này là vì không ngừng từ khước mở cõi lòng mình ra cho Chúa Kitô, Đấng gõ cửa nhà họ nơi người nghèo, người kiêu ngạo, người giầu sang và người quyền thế kết cục sẽ kết án chính mình và lao mình xuống vực thẳm đời đời của cô độc là Hỏa Ngục. Những lời gay gắt của Ápraham áp dụng vào họ và vào tất cả chúng ta: “Họ đã có Môsê và các tiên tri; hãy để họ lắng nghe các vị này” (Lc 16:29). Một sự lắng nghe chăm chú như thế sẽ chuẩn bị rất tốt để chúng ta cử hành cuộc chiến thắng sau cùng của Chàng Rể đối với tội lỗi và sự chết; Đấng nay đã sống lại và mong muốn thanh tẩy Nàng Dâu đang mong đợi ngày quang lâm của Người.

Chúng ta đừng phung phí Mùa Chay này, nó thuận lợi để ta hoán cải xiết bao! Ta xin cho được điều này nhờ lời cầu bầu đầy tình mẫu tử của Nữ Trinh Maria, đấng, nhờ gặp được sự cao cả của lòng thương xót nơi Thiên Chúa, một lòng thương xót được hậu hĩnh ban xuống cho ngài, đã là người thứ nhất thừa nhận sự đớn hèn của mình (xem Lc 1:48) và tự gọi mình là nữ tỳ hèn mọn của Chúa (xem Lc 1:38).

Từ Vatican, ngày 4 tháng Mười năm 2015

Lễ Thánh Phanxicô Assidi

FRANCISCUS


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com