Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô - NẦY LÀ MÌNH TA

CNMMT08b

Cuộc Giải phóng dân Ítraen khỏi đất nô lệ Ai cập, được thực hiện dưới sự che chở của máu chiên ghi lên cổng nhà, xẻ đôi lòng biển Đỏ để dân vượt qua được ráo chân, cứu dân khỏi đói khát trong sa mạc, được bánh ma-na từ trời nuôi sống trong bốn mươi năm, được giải khát bởi nước tuôn trào từ đá tảng, được cột mây che nắng ban ngày và chiếu sáng ban đêm. Tất cả đều là ân huệ của Giavê Thiên Chúa nuôi sống dân Người. Những hình thức nầy được trọn vẹn thực hiện trong lễ Vượt Qua của Chúa Kitô. Những kinh nghiệm nầy dọn lòng chúng ta đón nhận sự nuôi sống linh hồn bằng bí tích Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Tuy nhiên vào thời sống trong sa mạc cũng có người còn hoài nghi sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Người; sự hoài nghi kéo dài đến thời Đức Kitô và lên đến cực điểm khi họ quyết định lên án tử cho Chúa Giêsu, họ không tin Người là sự hiện thân của Thiên Chúa. Chính khi Chúa Giêsu vượt từ cái chết thập giá qua sự sống lại, đã mặc khải cho chúng ta “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,16), Thiên Chúa ở với nhân loại và đồng hành với nhân loại trong lịch sử. Người nuôi sống nhân loại (Bài Tin Mừng Lc 9, 11b-17. Hóa bánh ra nhiều). Ngày này Thiên Chúa hiện diện cách đặc biệt trong bí tích Mình Máu Thánh Chúa Kitô, bí tích Thánh Thể được cử hành mỗi ngày trên bàn thờ. Mối hoài nghi về việc Chúa Giêsu ngự trong hình bánh – rượu vẫn còn nơi tâm trí của một số người trong chúng ta.

Vấn đề sẽ sáng tỏ hơn khi giải quyết được ý nghĩa về lời nói của Chúa Giêsu: “Nầy là Mình Ta, nầy là Máu Ta” (x. Bài Đọc 2.1Cr 11, 23-26). Mình và Máu trong tiếng Do thái không có nghĩa như chúng ta hiểu hiện nay; nhưng “mình” có nghĩa là bản thân con người trọn vẹn, và “máu” là biểu tượng sự sống. Khi Chúa Giêsu nói: “Nầy là Mình Ta, nầy là Máu Ta”, Người muốn nói: “Nầy là sự sống của Ta, đây là trọn vẹn bản thân Ta”.

(Theo Jean Corbineau, Parole de Dieu, Paroles de fête, KARTHALA et CFRT, 2006).

Như vậy khi rước lễ chúng ta hiệp thông với con người toàn vẹn sống động của Chúa Kitô. Chính linh hồn chúng ta đón nhận sự sống của Chúa. Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong phép thánh thể không phải là biểu tượng, vật chất, hóa học, nhưng là sự hiện diện thật sự và linh động của Chúa Kitô phục sinh, một sự hiện diện sống động của tình yêu làm của nuôi linh hồn chúng ta. Đó là sự hiện diện bí tích, cần phải có đức tin mới nhận ra được.

Để dễ hiểu về sự hiện diện, ta có thể dùng các hình ảnh sau đây: Có nhiều cách để tiếp cận sự hiện diện, ví dụ người ta cần phải có máy TiVi để nhận ta sự hiện diện của cẩu thủ trên sân cỏ, đó là sự hiện diện ảo (réalité virtuelle), về một trận đá bóng xảy ra thật sự ở cách xa chúng ta nữa vòng trái đất; người ta cần mua vé để đến tận sân cỏ ngắm màn trình diễn của các cầu thủ, đó là sự hiện diện cụ thể. Sự hiện diện ảo khi xem đài truyền hình, khác với sự hiện diện cụ thể trên sân cỏ, còn có thứ hiện diện cao hơn nữa đó là sự hiện diện bí tích mà chúng ta cần phải có đức tin mới nhận ra được.

Cắt nghĩa thế nào đi chăng nữa, thì lời truyền phép Thánh Thể vẫn là mầu nhiệm vượt quá trí óc con người. Bánh và rượu là những dấu chỉ sự sống của con người. Chúng diễn tả mối tương quan giữa con người và thiên nhiên cùng với bản sắc văn hóa và xã hội đang sống. Qua dấu chỉ bánh rượu, bí tích Thánh Thể mở ra con đường dẫn đến sự sống của Thiên Chúa. Sự sống của Thiên Chúa được đem ban phát cho nhân loại bằng hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con tin thật Chúa đã dùng Mình Máu rất châu báu của Chúa mà nuôi dưỡng linh hồn con, xin cho con biết yêu mến Phép Thánh Thể, siêng năng tham dự thánh lễ, nhất là thánh lễ Chúa Nhật, mà từ lâu con vẫn hững hờ. Amen.

Lm. Luy Gonzaga NGUYỄN QUANG VINH

Nguồn: gpkontum.wordpress.com


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com