29/07 - Thánh Matta

 

Cách đây gần hai ngàn năm, giữa cảnh núi rừng khô khan xứ Palestina, trong một ngôi nhà cao rộng, thánh Matta đã được diễm phúc tiếp rước Chúa và cơm bưng nước rót cho Người. Lịch sử đã để lại vài nét đơn sơ về đời sống thánh thiện của thánh nữ.

Nơi thánh Matta chúng ta thấy biểu hiện hình bóng một bà nội trợ đảm đang, một thiếu nữ say mê yêu mến Chúa để rồi dâng cả cuộc đời phụng sự Chúa.

Thánh nữ sinh ra trong một gia đình Do thái đạo đức và giầu sang. Ngay từ tuổi thơ ấu, Matta đã tỏ ra là một cô gái thùy mị đạo đức và chăm chỉ học hành. Thời gian vẫn lặng lẽ trôi qua. Và người thiếu nữ với tâm hồn trong sạch và cặp mắt hiền dịu kia đã nhận định được con đường phải đi: “Kính sợ và yêu mến Thiên Chúa”.

"Ðức Giêsu quý mến cô Mácta, cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô" (Ga 11, 5). Câu nói độc đáo này trong Phúc Âm của Thánh Gioan cho chúng ta biết về mối tương giao đặc biệt giữa Ðức Giêsu và chị em Mácta.

Tin Mừng cho thấy Ðức Giêsu là người khách thường xuyên đến thăm nhà chị em Mácta ở Bêtania, một ngôi làng nhỏ bé cách Giêrusalem chừng hai dặm. Chúng ta thấy ba lần đến thăm của Ðức Giêsu được nhắc đến trong Tin Mừng: Luca 10, 38-42, Gioan 11, 1-53, và Gioan 12, 1-9.

Nói đến Mácta, nhiều người nghĩ ngay đến tường thuật của Thánh Luca (Lc 10, 38-42): Khi ấy, Mácta chào đón Ðức Giêsu và các môn đệ vào nhà của mình. Ngay sau đó, Mácta lo chuẩn bị cơm nước đãi khách. Lòng hiếu khách là điều rất quan trọng ở vùng Trung Đông và Mácta là một điển hình sống động. Trong lúc tất bật lo việc bếp núc, cũng dễ hiểu là Mácta khá bực mình khi cô em Maria không chịu lo giúp chị mà cứ ngồi nghe Ðức Giêsu giảng dạy. Thay vì nói với cô em, Mácta đã xin Ðức Giêsu can thiệp: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!" Câu trả lời ôn tồn của Ðức Giêsu cho thấy Người không xem nhẹ lòng hiếu khách và tinh thần phục vụ yêu thương của Mácta; vì chính Đức Giêsu đã tự nhận và chứng minh mình đến để phục vụ. Với câu trả lời: "Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi…", Đức Giêsu muốn mời gọi Mácta hãy sống trọn vẹn ơn gọi của mình, bởi vì sự lo lắng, thái độ bức xúc và cái nhìn ganh tị của cô đối với Maria cho thấy cô chưa thật sự toàn tâm với ơn gọi phục vụ của mình và đã quên mất điều hạnh phúc căn bản nhất: đó là sự hiện diện của Chúa Kitô trong nhà cô.

Mácta đã lo lắng quá nhiều điều khiến cô không còn thực sự biết đến sự hiện diện của Đức Giêsu. Ðức Giêsu đã nhắc cho Mácta và cả chúng ta nhớ: Điều quan trọng hơn hết là lắng nghe và trò chuyện với Người. Và đó là điều Maria đã làm. Qua Mácta, chúng ta nhận ra chính chúng ta thường lo lắng và bị sao nhãng bởi những bận rộn của thế gian vật chất và thậm chí là những bận rộn của việc phục vụ mà quên dành mối quan tâm trước tiên và thời giờ ưu tiên cho Thiên Chúa.

Ở lần thăm viếng thứ hai của Chúa Giêsu, Mácta đã thấm nhuần bài học trước. Khi hai chị em Mácta và Maria đang than khóc vì cái chết của Ladarô, và nhà đang đầy khách đến chia buồn, có tin Ðức Giêsu đã đến làng. Ngay lập tức, Mácta bỏ hết khách khứa cũng như gạt đi mọi thương tiếc, để chạy ra đón Ðức Giêsu.

Cuộc đối thoại của Mácta với Ðức Giêsu chứng tỏ đức tin và sự can đảm của thánh nữ. Trong cuộc đối thoại, Mácta khẳng định rõ ràng là ngài tin vào quyền năng của Ðức Giêsu, tin vào sự phục sinh, và nhất là tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa. Chính nhờ niềm tin của Mácta, Ðức Giêsu đã cho Ladarô sống lại từ cõi chết.

Hình ảnh sau cùng của Mácta trong Phúc Âm đã nói lên toàn thể con người của thánh nữ. Lúc ấy, Ðức Giêsu trở lại Bêtania để dùng bữa với các bạn thân của Người. Trong căn nhà ấy có ba người đặc biệt: Ladarô là người mà ai cũng biết đến từ khi được sống lại. Còn Maria là người gây nên cuộc tranh luận trong bữa tiệc khi cô dùng dầu thơm đắt tiền mà xức lên chân Ðức Giêsu. Về phần Mácta, chúng ta chỉ được nghe một câu rất đơn giản về ngài: "cô Mácta lo hầu bàn". Thánh nữ không nổi bật, ngài không thi hành những việc có tính cách phô trương, ngài không được hưởng phép lạ kỳ diệu. Ngài chỉ lặng lẽ và âm thầm phục vụ Ðức Giêsu và tha nhân. So sánh với thái độ của ngài ở lần thứ nhất, chúng ta nhận thấy một bước tiến dài trong tư tưởng của thánh nhân: Mácta đã hoàn toàn ý thức được ơn gọi của mình là phục vụ trong yêu thương. Và trước mặt Thiên Chúa, mọi công việc cho dù là nhỏ bé và kín đáo nhưng thực hiện bằng quả tim yêu thương và ý hướng ngay lành đều có giá trị vô biên.

Theo sử gia Barôniô, người ta còn được biết thánh Matta đã không quản đường xa và không sợ nguy hiểm để đi theo Chúa trong những ngày tử nạn. Cùng với Đức Nữ Maria, thánh Matta đã đau đớn chứng kiến cái chết nhục nhã của Chúa trên thập tự giá; người cũng có mặt trong giờ táng xác Chúa; sau cùng thánh nữ cũng được hạnh phúc trông thấy Chúa hiển vinh trong ngày Chúa phục sinh và nhiều lần khác nữa trước khi Chúa về trời.

Sau khi Chúa Giêsu lên trời, những người Do thái cố chấp bắt đầu truy nã ráo riết và khủng bố các môn đệ Chúa và những tín hữu của Người. Theo một tục truyền cố cựu nhất, thì chính quyền Do thái đã tịch thu tài sản của gia đình thánh nữ rồi bắt các chị em người phải sống lênh đênh trên biển cả trong một con thuyền mục nát không có buồm và mái chèo. Nhưng Thiên Chúa quyền phép đã không bỏ rơi những con người đã phó thác, tin tưởng và mến yêu Người. Người đã hướng dẫn con thuyền của chị em Matta cập bến Marsillia bằng an vô sự. Dân thành đã đổ ra đón tiếp và hỏi han về gia đình thánh nữ, về cuộc hành trình kỳ lạ này. Sau những cuộc đàm thoại lâu giờ nơi công cộng hoặc trong chốn tư gia, chị em Matta đã gây được thiện cảm với dân thành và mọi người đều công nhận các ngài là phái đoàn Thiên Chúa gửi tới để rao giảng Phúc âm cho mình. Từ đó họ đua nhau trở lại chịu phép rửa tội. Họ ngoan ngoãn tuân giữ những lời chỉ giáo vàng ngọc của những tông đồ tiên khởi ấy. Mấy năm sau, Lagiarô được cử làm giám mục Massilia (nay là Marsillia nước Pháp).

Vẫn theo truyền thuyết trên thì sau những ngày truyền giáo vất vả ở miền Marsillia, thánh Matta muốn sống đời tịch liêu để dễ bề cầu nguyện và thờ phương Chúa. Cùng với một thiếu nữ tên là Marcella, người đến sa mạc Baumê xây cất một tu viện, triệu tập nhiều thiếu nữ khác tới dâng mình làm tôi Chúa. Chẳng bao lâu sau, dòng người phát triển mạnh mẽ, rất nhiều thiếu nữ đến xin nhập dòng. Dòng thánh nữ lấy những việc ăn chay, cầu nguyện, làm việc xác và khấn giữ mình đồng trinh làm căn bản. Đời sống thường nhật của thánh nữ Matta đã được Đức Giám mục Antoninô ghi chép như sau: Thánh Matta không bao giờ ăn thịt, trứng hoặc phó mát, mỗi ngày người chỉ ăn một bữa và uống nước lã. Ngày đêm người quỳ gối hằng trăm lần để thờ lạy Chúa; ngoài ra, người còn dành nhiều giờ đọc kinh và suy ngắm sự thương khó Chúa mà chính người đã được mục kích và tham dự.

Sau những chuỗi ngày ăn chay cầu nguyện, thánh nữ ngã bệnh nặng. Trong thời gian nằm liệt giường, người thường được Chúa Giêsu hiện đến thăm viếng an ủi. Lần kia Chúa hiện ra và nói với thánh nữ: “Matta yêu dấu, Cha đây, xưa kia con đã thành tâm tiếp rước Cha vào nhà con và đã tận tụy hầu hạ Cha. Trong cuộc tử nạn đau thương của Cha, con đã không ngại quỳ dưới chân Thánh giá, thì bây giờ đến lượt Cha sẽ cứu con thoát khỏi trần gian để đưa con về trời lĩnh triều thiên vinh phúc”. Mấy hôm sau, Chúa lại hiện đến và phán: “Hỡi bà chủ nhà đã tiếp rước Cha trong mái nhà dưới trần gian, giờ đây Cha nghênh đón con về thánh điện của Cha trên thiên đàng”. Lòng tràn ngập sung sướng, thánh nữ Matta thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con xin giao phó linh hồn con trong tay Chúa”. Nói đoạn, Người tắt thở và linh hồn tốt đẹp của Người bay lên chầu Chúa.

Tương truyền rằng sau khi thánh nữ qua đời, một thiên thần hiện đến cùng Đức Giám mục địa phận Périgeaux và truyền phải đem mai táng xác người nữ thánh thiện ấy ở Tarascon. Trong khi hạ huyệt, người ta trông thấy Chúa Giêsu cũng giơ tay đỡ quan tài xuống.

Từ đó Tarascon trở nên một nơi hành hương sầm uất. Ngày ngày nhiều người đến khấn xin trên mồ thánh nữ. Nơi đây Chúa đã chữa nhiều người mù què, câm điếc, vì lời bầu cử của thánh nữ. Dưới đây là: trường hợp điển hình hơn cả.

Đầu thế kỷ VI, Hoàng đế Clovis bị bệnh đau thận rất nặng. Các bác sĩ đều bó tay thất vọng. Nằm trên giường bệnh, hoàng đế nghe kể lại nhiều người được hưởng phép lạ nơi mồ thánh nữ Matta. Vì thế, một ngày kia Hoàng đế thân hành đến viếng mộ thánh với ý nguyện xin được khỏi cơn bệnh trầm kha. Chúa đã ban cho hoàng đế được như ý sở nguyện. Vừa chạm tới mồ thánh nữ, vua tự nhiên thấy trong mình sảng khoái và cơn bịnh biến đi mau lẹ. Để ghi ơn thánh nữ, hoàng đế dâng kính tất cả khu đất chung quanh và biến Tarascon thành một nơi hành hương thắng cảnh.

Lạy Trinh Nữ Matta, giờ đây trong hào quang đồng trinh rực rỡ trên thiên đàng, xin bầu cử cho chúng tôi là những người còn đang lưu lạc ở trần gian biết theo gương người mến Chúa tận tình, và hy sinh mọi sự để chỉ lấy Chúa làm phần gia nghiệp muôn đời mà thôi.

 

Tổng hợp Hạnh các Thánh

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com