"Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
6 Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
7nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
8 Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.
9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su,
cả trên trời dưới đất
và trong nơi âm phủ,
muôn vật phải bái quỳ;
11 và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,
mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:
"Đức Giê-su Ki-tô là Chúa".
Đoạn này rất nổi tiếng. Người ta còn gọi là ''bài thánh ca của Thư Phi-líp-phê'', vì hình như Thánh Phao-lô không tự tay viết nhưng chỉ chép lại một bài thánh ca thường hát trong phụng vụ.
Tôi thiết tưởng rằng một trong nhiều cái bẫy trong bài này là chúng ta bị cám dỗ khi đọc, nghĩ tới yếu tố phần thưởng. Như thể Chúa Giê-su xử sự một cách đáng khen ngợi nên Ngài nhận được một phần thưởng xứng đáng như thế! Sở dĩ tôi mạn phép nói là cám dỗ vì mọi cách trình bày kế hoạch của Thiên Chúa với nhiều yếu tố tính toán, phần thưởng, công trạng đều trái ngược lại với ''ân sủng'' từ Thiên Chúa. Ân sủng, bởi định nghĩa là cho ban nhưng không! Trớ trêu thay, chúng ta rất khó lý luận trên phương diện cho nhưng không. Chúng ta luôn có khuynh hướng phải xứng đáng. Nếu Chúa mà chờ chúng ta xứng đáng thì chúng ta có lý do để phải lo lắng… Điều tuyệt vời nơi tình yêu của Chúa là Ngài không chờ chúng ta xứng đáng để ân ban cho chúng ta tràn đầy. Đó là những điều Thánh Kinh không ngớt khẳng định như thế. Vì thế tôi thiết nghĩ nên đọc bài này với ý nghĩa: ban-cho-nhưng-không. Nếu không chúng ta sẽ gặp những điều phản nghĩa khi chúng ta quên rằng ơn Chúa lúc nào cũng ban ơn, cho không, như Thánh Be-na-nô nói ''tất cả là hồng ân''.
Đối với Thánh Phao-lô, dĩ nhiên ơn Chúa là cho nhưng không. Một điều tất nhiên phải hiểu thầm trong các thư của ngài, một điều hiển nhiên nên ngài không cần phải nói lại. Nếu tôi thử tóm tắt tư tưởng của Thánh Phao-lô, tôi có thể nói rằng: Đành rằng ân huệ của Chúa là nhưng không, thế nhưng nếu chúng ta lấy thái độ như của bà E-va khi xưa thì chúng ta tự loại không thừa hưởng những ân huệ ấy. Thái độ của bà là thái độ cư xử như đòi hỏi được ân huệ, một yêu sách, bà ăn trái cấm, bà hái lấy trái cấm như đứa trẻ vơ trộm trong gian hàng… của Chúa Giê-su. Gian hàng này có cái đặc biệt là chỉ mời gọi cho nhưng không (Điều mà Thánh Phao-lô gọi là ''vâng lời''), và quầy hàng mời gọi thì chỉ có ban cho nhưng không chứ không phải đòi hỏi một yêu sách nào.
Có một cách nói khác nữa: Kế hoạch của Thiên Chúa (Kế hoạch nhân từ) là đem chúng ta vào vòng mật thiết với Chúa, vào hạnh phúc của Ngài, vào tình yêu hoàn hảo của Ngài. Kế hoạch ấy hoàn toàn nhưng không, điều này là lẽ tất nhiên vì là một kế hoạch tình yêu. Ấn huệ của Chúa là đi vào đời sống thần linh, chỉ cần thán phục đón nhận, tôi có thể nói, một cách tự nhiên thôi! Không phải xứng đáng gì, đây là món quà. Với Chúa, tất cả là quà tặng. Nhưng chúng ta biết rằng có nhiều cách lãnh nhận một món quà: hoặc lãnh nhận một cách đơn sơ và biết ơn… hoặc tìm chiếm hữu như món quà ấy là của ta, gần như muốn đoạt lấy… như thế này thì còn gì là món quà, làm phí hoài đi quan hệ đôi bên. Và nếu món quà ấy là một món quà tuyệt vời (tình bạn, tình yêu…), không ai chiếm đoạt tình bạn, tình yêu. Có thể nói, người ta còn quỳ gối lãnh nhận tình bạn, tình yêu với cõi lòng thán phục và biết ơn. Trong bài này Thánh Phao-lô nói đến Tình Yêu vô bờ bến của Chúa, chính sự sống của Ngài:
''6 Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa'', Ngài thấy không cần ta phải đòi hỏi. Nhân đoạn này tôi xin lưu ý một xác tín quan trọng về thiên tính của Đức Giê-su Ki-tô. Thánh Phao-lô bắt đầu rao giảng Đạo Ki-tô và thành lập cộng đồng Phi-líp-phê vào những năm 49-50. Ít người biết ngài viết Thư này chính xác lúc nào: thế nhưng điều chắc chắn là trước tất cả các Phúc Âm! Vì lẽ đó qua Thư này chúng ta thấy rõ việc xác quyết sự hiện hữu và thiên tính của Đức Giê-su đã được chấp nhận một cách minh bạch. Bây giờ chúng ta hãy trở về câu :
'' 6 Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa'': Chính vì là Thiên Chúa nên Ngài mới biết đây là Tình Yêu nhưng không… Ngài biết rằng không cần phải đòi hỏi, không nên đòi hỏi được ngang hàng với Thiên Chúa… Thế nhưng chính điều ấy Thiên Chúa muốn ban tặng cho chúng ta! Ban cho như một món quà. Cuối cùng, điều ấy được ban cho. Cũng cùng một vấn đề trong giai đoạn quỷ cám dỗ Chúa Giê-su: các đối tượng quỷ dùng để cám dỗ Ngài cũng cùng là những thứ nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa! Thế nhưng Ngài từ chối chiếm đoạt những thứ ấy, Ngài trông chờ Chúa Cha ban cho Ngài.
Ngài lãnh nhận ''danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu'' đó chính là Thiên Chúa. Xưng Đức Giê-su là Chúa tức là Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, danh hiệu Chúa chỉ dành cho Thiên Chúa, cũng như việc bái quỳ:
'' 10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ'' câu này ám chỉ lời Đấng I-sa-i-a: ''Trước mặt Ta, mọi người sẽ quỳ gối'' (Is 45, 23b)
Chúa Giê-su sống cuộc đời người trần thế trong khiêm nhu và cậy trông, ngay trong những lúc tồi tệ nhất, trước lòng thù hận của con người và cái chết. Tôi dùng ở đây chữ ''cậy trông'', trong lúc Thánh Phao-lô dùng từ ''vâng lời''. Trong nghĩa đen, gốc La-tinh của chữ ''vâng lời'' có nghĩa là lắng tai trước lời nói. Đó là tư thế của cuộc đối thoại tốt đẹp, nghĩa là hoàn toàn tin cậy lẫn nhau. Nếu ta lắng tai trước lời nói, tức biết lời ấy là tình yêu, có thể lắng nghe không sợ gì. Bài thánh ca kết thúc rằng :
11và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa"
Tôn vinh Thiên Chúa là thể hiện, tuyên xưng tình yêu không cùng, tình yêu nhập thể.
Có thể nói cách khác, khi ngẫm nhìn Đức Ki-tô nâng tình yêu lên cực điểm, chúng ta có thể nói như người đội trưởng Rô-ma: "Quả thật ông này là Con Thiên Chúa'' (Mt 27, 51) … vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
***