Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG Năm A (Tv121, 1-9) 27/11/2016

"Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa."

 

1 Ca khúc lên Đền. Của vua Đa-vít.
Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:
"Ta cùng trẩy lên đền thánh CHÚA! "
Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi,

2 cửa nội thành, ta đã dừng chân.

3 Giê-ru-sa-lem khác nào đô thị
được xây nên một khối vẹn toàn.

4 Từng chi tộc, chi tộc của CHÚA,
trẩy hội lên đền ở nơi đây,
để danh CHÚA, họ cùng xưng tụng,
như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en.

5 Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử,
ngai vàng của vương triều Đa-vít.

6 Hãy nguyện chúc Giê-ru-sa-lem được thái bình,
rằng: "Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt,

7 tường trong luỹ ngoài hằng yên ổn,
lâu đài dinh thự mãi an ninh."

8 Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu,
tôi nói rằng: "Chúc thành đô an lạc."

9 Nghĩ tới đền thánh CHÚA, Thiên Chúa chúng ta thờ,
tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô.

 

Chúng ta vừa nghe một phiên dịch hay nhất của chữ Shalom (lời chào Do Thái: ghi chú người dịch): « Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt, 7 tường trong luỹ ngoài hằng yên ổn, lâu đài dinh thự mãi an ninh. » Mỗi khi chào ai bằng chữ Shalom là chúng ta muốn nói lên tất cả những thứ ấy.

Ở đây lời chúc dành cho Giê-ru-sa-lem: « 6 Hãy nguyện chúc Giê-ru-sa-lem được thái bình, rằng: "Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt, 7 tường trong luỹ ngoài hằng yên ổn, lâu đài dinh thự mãi an ninh." 8 Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu, tôi nói rằng: "Chúc thành đô an lạc." 9 Nghĩ tới đền thánh CHÚA, Thiên Chúa chúng ta thờ,tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô ». Chúng ta để ý các chữ thái bình, an ninh, an lạc được cố tình nhấn mạnh. Trong Giê-ru-sa-lem có chữ Shalom. Nó là, nó phải là và sẽ là thành phố bình an. Lời chúc hoà bình, hạnh phúc cho Giê-ru-sa-lem còn rất xa thực tế. Nó có bao giờ được như thế đâu ?

Các bạn hẳn biết lịch sử đầy biến động của thành này: vào năm 1000 trước CN, nó chỉ là một thị trấn nhỏ không quan trọng, có tên là Giơ-vút (Jébus), tiếng Pháp gọi dân thành Giơ-vút là Jébusites. Chính vua Đa-vít đã chọn nơi này để đóng đô. Chúa nhật vừa qua chúng ta đã đọc kinh đô đầu tiên của Đa-vít là Khép-rôn, nhưng lúc ấy ông chỉ là vua của chi tộc Giu-đa. Nhưng một ngày nọ - chúng ta đã thấy trong bài đọc chúa nhật vừa qua - mười một chi tộc khác đã qui nạp về với ông. Lúc ấy Đa-vít rất khôn ngoan chọn một kinh đô mà không một chi tộc nào có thể cho là thuộc về mình: khi ấy Giơ-vút trở thành Giê-ru-sa-lem. Kể từ đó người ta gọi là Thành vua Đavít (2Sm 6, 12). Ngài cho dời Hòm Bia Giao Ước về đó, và thừa lệnh Thiên Chúa, mua lại của A-rau-na, người Giơ-vút một cánh đồng với ý định cho tọa lạc Hòm Bia Giao Ước về đấy. Cánh đồng này, chính Thiên Chúa đã chọn: vì thế trước mắt mọi người, Giê-ru-sa-lem là Thành Thánh, nơi Chúa chọn để đóng lều của Ngài.

« Thành thánh » cũng như « Đất thánh » không có nghĩa là thành ma thuật, đất ma thuật. Thành thánh vì nó thuộc về Thiên Chúa. Nó là, hay nó phải là một nơi người ta sống theo cách của Thiên Chúa, cũng như Đất thánh là nơi thuộc về Chúa, trong ấy người ta cũng sống theo cách Thiên Chúa.

Dưới thời Đa-ví và sau này dưới thời vua Sa-lô-môn, Giê-ru-a-lem có những giờ phút tốt đẹp nhất, nhưng lúc ấy chưa được rộng lớn bao nhiêu. Ngày nay nó chiếm tất cả các đồi, nhưng khi xưa thành chỉ được xây trên một mũi đá nhỏ. Vua Đa-vít xây một dinh thự cho mình và dĩ nhiên ông cũng muốn xây một Đền thờ để cho Chúa cũng có một dinh thự của Ngài.

Nhưng Thiên Chúa có một kế hoạch khác. Ngôn sứ Na-than có nhiệm vụ can gián lòng hăm hở của vua Đa-vít và báo cho vua biết Chúa quan tâm nhiều đến dân ngài hơn là Đền thờ, dù có đẹp mấy đi nữa. Hẳn các bạn còn nhớ trò chơi chữ bất hủ của ngôn sứ Na-than: ngài muốn xây một nhà cho Chúa (nhà đây là đền thờ), nhưng Chúa muốn xây một nhà Đa-vít (có nghĩa là hậu duệ). Chúng ta tìm lại cách chơi chữ này trong bài Thánh Vịnh: « 5 Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử, ngai vàng của vương triều Đa-vít. », và sau đó vài câu: « 9 Nghĩ tới đền thánh CHÚA, Thiên Chúa chúng ta thờ, tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô ». Nơi ngụ nhà con cháu Đa-vít là vương triều, nhà của Thiên Chúa là Đền thánh. Và bởi vì Chúa muốn kéo dài vương triều Đa-vít, sẽ có một hậu duệ của Đa-vít tái lập vương triều của Thiên Chúa dưới trái đất này và ngai sẽ đặt tại Giê-ru-sa-lem. 

Các bạn hẳn còn nhớ, cuối cùng không phải Đa-vít xây lại Đền thờ, nhưng là Sa-lô-môn. Và từ đó Giê-ru-sa-lem trở nên trung tâm của đời sống văn hóa: mỗi năm ba lần người Do Thái thánh thiện lên Giê-ru-sa-lem đi hành hương, và đặc biệt vào dịp Lễ Lều mùa thu.

Các bạn cũng hẳn còn nhớ câu truyện về sau: các điều khủng khiếp do quân của Na-bu-cô-đô-nô-so năm 587 trước CN đã tàn phá Đền thánh và thành phố. Kế tiếp là cuộc lưu đày sang Ba-by-lon, và được Ky-rô vị chúa tể mới vùng Trung Đông cho về vào năm 538. Thành Giê-ru-sa-lem được xây lại và vì thế người hành hương trong bài Thánh Vịnh hôm nay hát lên: « 3 Giê-ru-sa-lem khác nào đô thị được xây nên một khối vẹn toàn »

Nhưng nhất là khi Đền vua Sa-lô-môn được xây lại. Khi ấy thành Giê-ru-sa-lem tìm lại vai trò của một trung tâm tôn giáo. Tầm quan trọng, sự thánh thiện của nó được ví như một món trang sức cao quý nhất trần thế đối với một tín hữu đó là Đền thánh, dấu hiệu hữu hình của sự Hiện Diện vô hình của Thiên Chúa.

Các bạn hẳn để ý đến cấu trúc của bài Thánh vịnh. Như rất thường khi có thể « kẹp »: câu đầu và câu cuối đi với nhau. Tác giả nhấn mạnh như thế là có dụng ý. Chúng ta hãy đọc câu đầu: « Ta cùng trẩy lên đền thánh CHÚA! » và câu cuối: « 9 Nghĩ tới đền thánh CHÚA, Thiên Chúa chúng ta thờ, tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô ». Đền thánh Chúa đã bao lần đau khổ. Cuộc bách hại lừng lẫy của An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê biến thành đền ngoại giáo (năm 167 trước CN), và phải cầm vũ khí chống lại mới thu hồi được và tiếp tục thờ phượng. Sau đó bị lần thứ hai năm 70, khi quân Rô-ma đốt cháy. Cho đến ngày nay, Đền thánh vẫn chưa được xây lại, nhưng Giê-ru-sa-lem vẫn là Thành Thánh và mọi người chờ ngày được trùng tu cùng lúc Đấng Mê-si-a đến.

Điều thật đáng ngạc nhiên là mãnh lực của lòng cậy trông ấy được gìn giữ mặc cho bao nhiêu điều luân phiên thay đổi của lịch sử. Ngay cả ngày nay, mỗi người Do Thái bất cứ ở phương trời nào đều được mời gọi để một phòng trống chưa trang trí ngay khi bước qua cửa vào nhà, hay ít nữa một bức tường không sơn phết để hướng về Giê-ru-sa-lem cầu nguyện, và mỗi ngày họ cầu nguyện: « Này Giê-ru-sa-lem, nếu ta quên mi thì bàn tay phải của ta suy tàn đi »

Không ai có thể quên Giê-ru-sa-lem vì biết rằng Thiên Chúa không thể quên lời hứa với Đa-vít: các tiên tri - đặc biệt là I-sa-i-a và Mi-kha trong Bài Đọc 1 đã loan báo Giê-ru-sa-lem sẽ là nơi tất cả nhân loại sẽ qui tụ về. Bởi vì đó là Lời của Chúa, sự mặc khải ấy luôn còn giá trị! Ngày hôm nay nữa, dân Chúa chọn vẫn là dân Chúa chọn. Chúa không thể nào bất trung với những Lời hứa của mình. Như Thánh Phao-lô nói: « Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình» (2Tm 2, 13)

***

Tác giả: bà Marie Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com