Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT V TN Năm A (1Cr 2, 1-5) 05/02/2017

"Tôi đã công bố cho anh em bằng chứng của Chúa Ki-tô chịu đóng đinh."

Thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu thành Cô-rin-tô.

 

1 Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa.

2 Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá.

3 Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy.

4 Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa.

5 Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.

 

Thánh Phao-lô hành động như thường lệ, lúc nào cũng có tính cách tương phản. Sự tương phản đầu tiên, mầu nhiệm Thiên Chúa khác hẳn với sự khôn ngoan phàm nhân; cách phát biểu của người Tông Đồ mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa khác hẳn với những lời lẽ văn hoa của con người, hoạt bát. Tôi xin lần lượt suy nghĩ về hai điều tương phản ấy. Mầu nhiệm Thiên Chúa/ sự khôn ngoan con người; ngôn ngữ người rao giảng/ sự hoạt bát (hay nghệ thuật hùng biện).

Trước tiên về mầu nhiệm Thiên Chúa / và sự khôn ngoan con người. Thánh Phao-lô nói: « tôi đến với anh em… loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa ». Ở đây phải hiểu tôi đến loan báo kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, ngài sẽ triển khai trong thư cho các tín hữu Ê-phê-sô sau này: kế hoạch yêu thương ấy là quy tụ chung quanh Chúa Giê-su Ki-tô một cộng đồng yêu thương hoàn hảo. Kế hoạch ấy dựa vào những giá trị của tình yêu, phục vụ cho nhau, tương thân tương ái, và tha thứ; và như chúng ta từng thấy Chúa Giê-su thực hiện suốt cuộc đời trần thế. Chúng ta cũng đã thấy rất nhiều người đương thời với Ngài nhầm lẫn, tưởng tượng một Thiên Chúa có uy lực theo nghĩa quân sự. 

Mầu nhiệm ấy hoàn tất bởi một « Đấng Mê-si-a bị đóng đinh ». Trái hẳn với cái lô-gíc con người; gần như một điều hoàn toàn tương phản. Thánh Phao-lô quả quyết: Giê-su thành Na-da-rét chính xác là Đấng Mê-si-a, nhưng không như mọi người chờ đợi. Không ai chờ đợi Đấng Mê-si-a bị đóng đinh, và hơn nữa, cứ theo lối lô-gíc con người, sự kiện Ngài bị đóng đinh càng phản chứng Ngài là Đấng Mê-si-a. Mọi người còn nhớ câu sau đây trong sách Đệ nhị Luật: « người bị treo là đồ bị Thiên Chúa nguyền rủa » (Đnl 21, 23)

Thế nhưng, chương trình của Thiên Chúa toàn năng không phải « chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá » như thánh nhân nói trong (c2). Đối với Thánh Phao-lô, Chúa Giê-su Ki-tô thật sự là trung tâm lịch sử loài người, trung tâm của kế hoạch Thiên Chúa và là trung tâm đức tin của ngài. Thánh nhân không muốn biết gì khác hơn: « tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô ». Qua câu cuối cùng này, chúng ta cảm nhận những mối trăn trở, chống lại áp lực đến từ tứ phía, những lời thóa mạ, và bắt đầu của sự bách hại. Đấng Mê-si-a bị đóng đinh mặc khải cho chúng ta thế nào là sự khôn ngoan thật sự, sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Có nghĩa là cho đi, và tha thứ, từ chối mọi bạo lực… Chúng ta đã nghe trong Phúc Âm những Mối Phúc Thực chúa nhật vừa qua.

Đối diện với sự khôn ngoan Thiên Chúa, sự khôn ngoan của phàm nhân là dựa vào lý lẽ, lập luận, sức mạnh, quyền lực; thứ khôn ngoan ấy không thể nghe sứ điệp của Tin Mừng, và hơn nữa Thánh Phao-lô đã nếm một thất bại tại A-tê-na, một nơi là đỉnh cao của triết học.

Và đây là sự tương phản thứ hai trong bài này: phát biểu theo người rao giảng hay nghệ thuật hùng biện. Thánh Phao-lô không có tham vọng gì về hướng hùng biện. Thì đây là dịp cho chúng ta an tâm, trong trường hợp chúng ta không ăn nói lưu loát! Nhưng Thánh Phao-lô còn đi xa hơn nữa. Đối với ngài, tài ăn nói lưu loát, nghệ thuật hùng biện, khả năng thuyết phục, còn có thể là một cản trở, hoàn toàn không thích hợp cho sứ điệp Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng không phải phơi bày sự hiểu biết, nện bằng những luận cứ. Hãy thử thuyết phục người nào đó nên yêu bạn… Chúng ta đều biết rằng tình yêu không thể lý luận, không thể chứng minh. Mầu nhiệm Thiên Chúa cũng như thế. Chúng ta có thể dần dần tiến vào.

Mầu nhiệm một Đấng Mê-si-a nghèo nàn, một Đấng Mê-si-a phục vụ, một Đấng Mê-si-a bị đóng đinh không thể được loan báo bằng những phương tiện mãnh liệt. Làm như thế là trái hẳn với sứ điệp được loan truyền! Chính với tâm hồn nghèo khó Tin Mừng mới được loan báo. Thì đây là lý do cho chúng ta thêm can đảm! Đấng Mê-si-a nghèo khó chỉ được loan báo bằng những phương tiện nghèo khó, Đấng Mê-si-a phục vụ chỉ được loan báo bằng những kẻ phục vụ. Đừng bao giờ lo lắng vì chúng ta ăn nói không lưu loát vì chính sự nghèo nàn trong tài hùng biện mới có thể thích hợp với sứ điệp Tin Mừng. Nhưng hơn nữa Thánh Phao-lô còn nói chính sự nghèo khó của người rao giảng là một điều kiện không thể không có được của việc rao giảng! Chỉ có như thế mới dành chỗ cho tác động của Thiên Chúa. Không phải ngài, Thánh Phao-lô đã thuyết phục dân chúng thành Cô-rin-tô, chính Thần Khí Thiên Chúa đã cho lời rao giảng của Phao-lô mãnh lực của sự thật hầu làm cho họ mặc khải Chúa Ki-tô.

Tôi luận ra không phải sức mạnh của những lý luận có thể thuyết phục những người đương thời chúng ta: đức tin của họ không dựa vào sự khôn ngoan người phàm, nhưng vào sức mạnh của Thần Khí Thiên Chúa. Chúng ta chỉ cần cho Ngài mượn tiếng nói chúng ta. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi chúng ta một niềm tin mãnh liệt… « khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. 4 Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. 5 Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa »

Có lúc chúng ta có cảm tưởng cái vòng tín hữu càng ngày càng tóp lại nhỏ dần, chúng ta mơ có những phương tiện truyền thông qui mô, vi tính, điện tử, trong lúc khả năng tài chánh càng ngày càng bị duyệt lại kém hơn, thật dễ chịu khi nghe việc loan báo Tin Mừng thích hợp hơn với những phương tiện nghèo khó… Nhưng muốn chấp nhận sự thật ấy, phải chấp nhận Thần Khí rao giảng Tin Mừng hiệu quả hơn chúng ta! Và có lẽ làm chứng tá cho sự nghèo khó là cách rao giảng tốt nhất!

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com