"Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa."
3 Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
4 Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
5 Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
6 Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
dám làm điều dữ trái mắt Ngài.
Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án,
liêm chính khi xét xử.
12 Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một
tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.
13 Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,
đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.
14 Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con;
17 Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,
cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.
« Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài ». Đây là câu đầu của Từng Giờ Kinh Phụng Vụ, mỗi buổi sáng. Câu này được trích từ Tv50. Chỉ câu này thôi là cả một bài học. Lời ngợi khen, lòng biết ơn chỉ được phát sinh một khi Thiên Chúa mở lòng và môi miệng chúng ta. Thánh Phao-lô phát biểu ý này một cách khác: « Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi! » (Rm8, 15b). Điều này gợi lên cho tôi một cử chỉ của Chúa Giê-su trong Tin Mừng theo Thánh Mác-cô: Chúa chữa lành một người câm điếc. Khi Ngài chạm vào tai và miệng người bệnh, Chúa nói: Ê-pha-ta, có nghĩa là « Hãy mở ra », tức thì đám đông áp dụng ngay câu này cho Đức Giê-su mà Thánh Kinh chỉ dành cho Thiên Chúa: « Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. » (Is 35, 5). Ngay cả ngày nay, nhiều khi chủ tế lúc làm phép Rửa lặp lại cử chỉ của Chúa Giê-su trên người tân tòng và nói: « Chúa Giê-su làm cho mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, xin Ngài ban cho bạn nghe được Lời Chúa, và tuyên xưng đức tin để ngợi khen và tôn vinh Đức Chúa Cha, Cha Ngài. »
Xin đừng nghĩ Thiên Chúa như các thủ lãnh trần gian, khao khát được ngợi khen: ngợi khen Thiên Chúa là đem lợi ích về chúng ta, làm cho chúng ta lớn lên. Như Thánh Au-gút-ti-nô nói: « Tất cả những gì con người làm cho Thiên Chúa là sinh lợi cho chính con người chứ không cho Thiên Chúa ». Lời ngợi khen dân tộc Ít-ra-en hướng về Thiên Chúa, là một cách nhìn nhận muôn ngàn ơn đã tràn xuống cho họ và bao lần được tha thứ, từ những ngày đầu lịch sử dân tộc họ. Và bài Thánh Vịnh này được hát lên trong các phụng vụ lễ sám hối. Điều này chứng tỏ lời nguyện quan trọng nhất trong lúc cử hành phụng vụ sám hối là lời công nhận những ân huệ lãnh nhận và ơn được Chúa thứ tha: phải bắt đầu chiêm ngắm Ngài, và sau dó sự chiêm ngắm ấy mặc khải cho chúng ta sự khác biệt giữa Chúa và chúng ta, chúng ta có thể nhận ra chúng ta là kẻ tội lỗi. Nghi lễ hòa giải nói rõ trong phần đầu: « Chúng con tuyên xưng tình yêu của Chúa đồng thời những tội lỗi của chúng con ».
Cả ngàn lần Ít-ra-en đã có thể trắc nghiệm Thiên Chúa thật sự là « Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín » (Xh 34, 6), như Lời Ngài mặc khải cho Mô-sê trong sa mạc. Tương tự như thế, các ngôn sứ cũng quảng bá, trong mấy câu chúng ta vừa đọc có đầy dãy những lời của hai tiên tri I-sa-i-a và Ê-dê-ki-en. Ví dụ như nơi I-sa-i-a: « Ta sẽ làm cho tội của ngươi tan ra như làn khói, lỗi của ngươi biến mất tựa áng mây. Hãy trở lại cùng Ta, vì Ta là Đấng cứu chuộc ngươi. » (Is 44, 22). Hay nơi Ê-dê-ki-en: « Rồi Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần » (36, 25);
« Chúng sẽ không còn ra ô uế vì những ngẫu tượng, những đồ gớm ghiếc và mọi tội ác của chúng nữa. Ta sẽ cứu chúng thoát khỏi mọi nơi chúng đã ở và đã phạm tội; Ta sẽ thanh tẩy chúng. Chúng sẽ là dân của Ta; còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng » (Ed 37, 23)
Đứng trước những lời tuyên xưng ấy, lặp lại lòng thương xót Chúa, dân tộc Ít-ra-en - bởi vỉ ở đây chính là lời của họ nói ra, như trong các thánh vịnh - nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi. Một ngày khi xưa tiên tri I-sa-i-a cũng đã nói với họ rằng: «Từ ngày anh (em) ra khỏi đất Ai-cập cho đến khi tới đây, anh em đã phản nghịch chống lại ĐỨC CHÚA. »(Đnl 9, 7). Lời thú tội không đi vào chi tiết (cũng không bao giờ như thế trong các thánh vịnh sám hối). Thế nhưng điều quan trọng nhất đã được nói lên trong lời thỉnh cầu: « Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. » (c3). Và Thiên Chúa là đấng từ bi nhân hậu - như thể bị thu hút bởi sự thống khổ - không chờ đợi gì hơn nhìn nhận sự nghèo hèn của chúng ta. Hẳn các bạn biết chữ « xin xót thương » có cùng gốc của chữ « của bố thí »; theo nghĩa đen chúng ta là những người ăn xin trước mặt Thiên Chúa.
Đọc đến đây làm sao không nghĩ đến bài dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng ? ( Lc15). Khi hắn quay trờ về nhà cha, Chúa Giê-su đặt trên môi hắn một câu của thánh vịnh 50: « Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa »(c6), và chỉ câu này cũng đủ nối lại mối liên lạc mà đứa con đã cắt đứt. Chúng ta có thể đọc bài Thánh Vịnh này dưới ánh sáng của bài dụ ngôn nói trên.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương