"Chúa Giê-su nhịn ăn bốn mươi ngày đêm và chịu cám dỗ."
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
1 Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ.
2 Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói.
3 Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi! "
4 Nhưng Người đáp: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra."
5 Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ,
6 rồi nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá."
7 Đức Giê-su đáp: "Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi."
8 Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy,
9 và bảo rằng: "Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi."
10 Đức Giê-su liền nói: "Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi."
11 Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.
Mỗi năm, Mùa Chay được khởi đầu bằng bài tường thuật Chúa Giê-su chịu cám dỗ trong sa mạc: Hẳn đây là một bài thật sự nền tảng! Năm nay chúng ta đọc trong Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-Thêu.
« Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ ». Ngài tên Giê-su và Thánh Mát-thêu trong vài câu trước nói: « … con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ » (Mt 1, 21), đó là ý nghĩa của tên Giê-su. Ngài vừa được nhận phép rửa trên sông Gio-đan do ông Gio-an Tẩy Giả. Ông Gio-an không bằng lòng và nói: « Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi » (Mt 3, 14) (Câu này ngụ ý nói, thế giới đảo ngược) … Và như thế, trong phép rửa này đã xảy ra một sự kiện: « Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. 17 Và có tiếng từ trời phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. » (Mt 3, 16-17). Cụm chữ Con Yêu Dấu của Ta đồng nghĩa với Đấng Mê-si-a và câu: « Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người », được trích từ những bài ca Người Tôi Trung của Tiên tri I-sa-i-a.
Chỉ trong vài từ, Thánh Mát-thêu vừa nhắc lại cho chúng ta Mầu Nhiệm Chúa Giê-su; và chính Ngài - Đấng Mê-si-a, Đấng cứu độ, Người Tôi Trung - sẽ đối đầu với Kẻ Cám Dỗ. Cũng giống như dân Ngài mấy thế kỷ trước, Ngài được dẫn vào hoang địa và chịu đói; như dân Ngài, Chúa phải khám phá ra ý Chúa trên con cái Ngài; như dân Ngài Chúa phải biết chọn lựa phải bái phục ai. « Nếu ông là con Thiên Chúa » kẻ cám dỗ không ngớt lặp lại câu này, vì đây mới chính là vấn đề. Và Chúa Giê-su chẳng những phải đối diện ba lần, nhưng suốt cuộc đời trần thế của Ngài: là Đấng Mê-si-a là như thế nào ? Câu hỏi được đặt ra dưới nhiều hình thức: có phải giải quyết các vấn nạn của nhân loại bằng những phép lạ như biến đá thành bánh ? Hay là thách đố Thiên Chúa để kiểm tra những lời hứa của Ngài ? – Như nhảy từ trên đỉnh đền thờ chẳng hạn, như trong thánh vịnh 91, trong ấy Thiên Chúa cứu Đấng Mê-si-a – Có phải chiếm hữu cả thế giới, ngự trị bất cứ giá nào, kể cả thờ phượng bất cứ bụt thần nào ? (tôi xin lưu ý, lần thứ ba này, kẻ Cám Dỗ không lặp lại « Nếu ông là con Thiên Chúa ».)
Điều trớ trêu là trong các sự cám dỗ này, đều nhắm đến những lời hứa của Thiên Chúa: không hứa gì ngoài những lời hứa của Chúa cho Đấng Mê-si-a. Và cả đôi bên, Kẻ Cám Dỗ và Chúa Giê-su đều ý thức. Thế nhưng… những lời hứa của Thiên Chúa là trên bình diện tình yêu; chỉ được lãnh nhận như những món quà; tình yêu không đòi hỏi, không chiếm đoạt, quỳ gối xuống lãnh nhận với lòng cảm tạ. Thật ra như những gì xảy ra trong vườn Sáng Thế. A-đam biết rằng, và điều này rất hữu lý, ông được tạo dựng để làm vua, để được tự do, để chế ngự mọi tạo vật; nhưng thay vì đón nhận những hồng ân ấy như món quà, với lòng cảm tạ và biết ơn thì ông đòi hỏi, ra yêu sách và tự đặt mình như ngang hàng với Thiên Chúa… ông tự thoát ra khỏi lãnh vực của tình yêu và ông không còn có thể nhận tình yêu được đề nghị… bất chợt ông trở nên nghèo nàn, trần trụi.
Chúa Giê-su thì có những chọn lựa trái ngược lại: « Xa-tan, lui lại đàng sau! » Có lần Chúa cũng nói với Phê-rô như thế: « tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người. » (Mt 16, 23). Hơn nữa trong bài này, nhiều lần Thánh Mát-thêu gọi kẻ Cám Dỗ là « quỷ » theo tiếng Hy-lạp từ này có nghĩa là « kẻ chia rẽ ». Satan đối với mỗi chúng ta cũng như đối với Chúa là kẻ muốn chia cách chúng ta với Chúa, nhìn mọi sự như A-đam chứ không như Chúa. Nhân dịp này tôi xin lưu ý, tất cả là trong cái nhìn: A-đam nhìn sai lệch; ngược lại để có cái nhìn trong sáng, Chúa Giê-su kín múc từ Lời Chúa. Cả ba lần trả lời cho Kẻ Cám Dỗ ngài trích từ sách Đệ Nhị Luật, chính là đoạn suy niệm về các cơn cám dỗ của dân Ít-ra-en trong hoang địa.
Thế rồi Thánh Mát-thêu xác định, quỷ bỏ đi; nó đã thất bại không chia rẽ được, không hướng sai lệch lòng Con Chúa. Điều này làm cho ta không thể cưỡng nghĩ đến câu trong phần mở đầu Tin Mừng theo Thánh Gio-an (Ga 1, 1) « Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa ». Quỷ không thành công chia rẽ, hướng sai lệch lòng Người Con vì thế Ngài hoàn toàn có thể lãnh nhận quà từ Thiên Chúa: « các sứ thần tiến đến hầu hạ Người » (c11)
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương