Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN XX THƯỜNG NIÊN NĂM A (Rm 11, 13-15.29-32) 20/08/2017

"Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi Ít-ra-en, thì Người không hề hối tiếc"

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Rô-ma

 

13 Tôi xin ngỏ lời với anh em là những người gốc dân ngoại. Với tư cách là Tông Đồ các dân ngoại, tôi coi trọng chức vụ của tôi,

14 mong sao nhờ vậy mà tôi làm cho anh em đồng bào tôi phải ganh tị, và tôi cứu được một số anh em đó.

15 Thật vậy, nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được hoà giải với Thiên Chúa, thì việc họ được thâu nhận lại là gì, nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi sống?

29 Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý.

30 Thật vậy, trước kia anh em đã không vâng phục Thiên Chúa, nhưng nay anh em đã được thương xót, vì họ không vâng phục;

31 họ cũng thế: nay họ không vâng phục Thiên Chúa, vì Người thương xót anh em, nhưng đó là để chính họ cũng được thương xót.

32 Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người. Ca tụng thánh ý nhiệm mầu

 

Sở dĩ Thánh Phao-lô rao giảng Tin Mừng cho người ngoại, thật sự phần đông người Do Thái từ chối Tin Mừng. Sách Công Vụ Tông đồ thuật lại những lời hai Thánh Phao-lô và Ba-na-bê nói với những người Do Thái ở An-ti-ô-khi-a, xứ Pi-xi-đi-a «Bấy giờ ông Phao-lô và ông Ba-na-ba mạnh dạn lên tiếng: "Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại» (Cv13, 46). Ngài cũng nói như thế trong bài giảng tại thành Cô-rin-tô: «Khi ông Xi-la và ông Ti-mô-thê từ Ma-kê-đô-ni-a xuống, thì ông Phao-lô chỉ lo giảng, long trọng làm chứng cho người Do-thái biết rằng Đức Giê-su chính là Đấng Ki-tô. Bởi họ chống đối và nói lộng ngôn, nên ông giũ áo mà bảo họ: "Máu các người cứ đổ xuống trên đầu các người! Phần tôi, tôi vô can; từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại.» (Cv18, 5-6) Có những bài tường thuật các hiện tượng tương tự tại Ê-phê-sô (Cv19, 9). Vì thế không lạ gì, Thánh Phao-lô viết cho dân ngoại trong bài hôm nay: «trước kia anh em đã không vâng phục Thiên Chúa, nhưng nay anh em đã được thương xót, vì họ không vâng phục» (c3b).

Nhưng Thánh Phao-lô muốn tránh cho những Ki-tô hữu vừa được hoán cải từ ngẫu tượng giáo, bây giờ rơi vào một mặc cảm tự tôn nguy hiểm. Ngài nhắc lại cho các đọc giả, họ mang ơn hoán cải chính nhờ Ít-ra-en, nhờ sự từ chối Tin Mừng của người Do Thái. Hơn nữa, một trong những lý do của người Do Thái chính là sự kiện những người rao giảng Tin Mừng tiếp nhận người ngọai. Về chuyện này, có một cuộc nổi dậy bùng nổ tại An-ti-ô-khi-a  xứ Pi-xi-đi-a khiến cho hai thánh nhân Phao-lô và Ba-na-ba phải ra quyết định như đã nêu trên: «Ngày sa-bát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa. Thấy những đám đông như vậy, người Do-thái sinh lòng ghen tức, họ phản đối những lời ông Phao-lô nói và nhục mạ ông.» (Cv13, 44-45) Thánh Phao-lô e rằng đến phiên những người ngoại rơi vào cám dỗ, tưởng rằng họ là những người duy nhất được tuyển chọn hơn những kẻ khác. Thánh nhân nói với họ - và nói cho cả chúng ta - để lãnh nhận ơn cứu độ như một hồng ân nhưng không, phải bắt đầu nhìn nhận là chúng ta không có một quyền hạn nào để được như thế.

Ơn Thiên Chúa là ơn nhưng không ban cho mọi người, người ngọai cũng như Do Thái và: «Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý.» (c29). Vì lẽ ấy, Thánh Phao-lô không mất lòng tin nơi Ít-ra-en, trái lại: Trước kia xa Thiên Chúa, dân ngọai đã nhận được lòng từ bi của Chúa, và cùng lúc dân Do Thái giam mình trong sự từ chối. Nhưng trước sau gì đến phiên người Do Thái cũng sẽ ngạc nhiên khám phá ra lòng từ bi Thiên Chúa. Và Thánh Phao-lô có lời khẳng định sau đây thật táo bạo: «Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người.» (c32) Xin đừng hiểu nhầm nghĩa chữ «giam hãm», nghĩ như thế, khiến chúng ta thấy dường như Chúa có một cách tính toán thâm hiểm, làm như Chúa dẫn mọi người đến tội lỗi để rồi có thể tha thứ cho họ. Diễn giải như thế là  trái ngược hoàn toàn với bài học của Thánh Phao-lô xuyên suốt thư này của ngài: Chúa ban ơn  tình yêu thế nào, thì trong tình yêu, Ngài tôn trọng tự do như thế ấy; và đến khi chúng ta đi đến mức vì tự do từ chối ân sủng, Ngài không cố ép.

Cũng trong nghĩa ấy, Thánh Phao-lô thường dùng cụm từ «để mặc» con người với những điều sai trái, đi vào những con đường sai lầm của họ: Trong chương thứ nhất của thư này, khi đề cập đến những người ngoại, chữ «để mặc họ» được lặp lại ba lần, nói lên tình trạng tội lỗi «Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế» (1, 24); «Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại» (1, 26); «Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Người đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng» (1, 28). Nói cách khác, trước sự ngoan cố con người ngoảnh mặt với Thiên Chúa, Ngài để cho đi lạc. Đối với dân tộc Ít-ra-en - trước mắt Thánh Phao-lô, họ đánh mất sứ mạng của mình - Chúa cũng để như thế. Thế nhưng, khi Chúa để con người tự do lầm lạc, điều này không có nghĩa, Ngài bỏ rơi cho thân phận đáng buồn của họ. Cả người này, và cho kẻ khác Ngài đều ban ơn cứu độ, đó là điều Thánh Phao-lô gọi «công chính hoá»

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com