Alleluia, alleluia!
- Chúa phán, Thầy là đường, là sự thật và là sự sống: không ai đến được với Cha mà không qua Thầy - Alleluia.
------------------
"Con là Đá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời".
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
13 Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai? "
14 Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ."
15 Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là "
16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống."1
17 Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.
18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.
19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy."
20 Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.
Chắc chắn đối với Thánh Mát-thêu, giai đoạn Xê-da-rê, khúc quanh trong đời Chúa Giê-su, vì chính sau bài tường thuật này, Ngài còn thêm: «Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.» (Mt16, 21). Thánh Kinh dùng từ ngữ «từ lúc đó» có nghĩa chắc chắn đây là một giai đọan mới. Thế nhưng, đồng thời điều này đáng ngạc nhiên, vì đoạn này không nói lên điều gì mới lạ! Chúa Giê-su cho mình danh hiệu «Con Người» - điều này Chúa đã dùng chín lần trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu - và khi Thánh Phê-rô xưng Ngài là «Con Thiên Chúa» - ngài không phải là người đầu tiên làm như thế!
«Con Người». Đây là danh tước trích thẳng từ sách tiên tri Đa-ni-en, chương 7: «Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện. Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.» (Đn7, 13-14) Trong những câu sau, tiên tri Đa-ni-en nói rõ Con Người không phải một nhân vật lẻ loi mà là một dân tộc: «Rồi chư thánh của Đấng Tối Cao sẽ lãnh nhận vương quyền và nắm giữ vương quyền ấy mãi mãi muôn đời... Còn vương quốc với quyền thống trị cũng như địa vị cao cả của các vương quốc khắp thiên hạ sẽ được trao cho dân thánh của Đấng Tối Cao. Vương quyền của dân ấy là vương quyền vĩnh cửu, và mọi quyền thống trị sẽ phụng sự và vâng phục dân ấy.» (Đn7, 18.27)
Danh tước thứ hai dành cho Ngài, là «Con Thiên Chúa», cũng không phải là lần đầu tiên. Trong đầu bài Tin Mừng, chính quỷ cám dỗ Chúa Giê-su trong sa-mạc, cũng dùng danh hiệu này: «Nếu ông là Con Thiên Chúa» (Mt4, 6). Quỷ gọi đúng, nhưng nhầm ý của Tên này. Nó tưởng tượng một Con Thiên Chúa toàn năng và bất diệt, khai thác quyền năng của mình vì lợi ích cho cá nhân; đối với Chúa Giê-su thì trái lại, Con Thiên Chúa là hoàn toàn tin cậy vào Chúa Cha, được nuôi dưỡng bằng Lời Cha Mình. Sau đó hai bệnh nhân bị quỷ ám kêu Chúa Giê-su và nói: «Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông?» (Mt8, 29), nhưng Chúa không đối thoại với họ, sau đó là giai đoạn Chúa đi trên nước.
Thánh Mát-thêu kể rằng chiếc thuyền trôi xa bờ, bị sóng lắc mạnh vì gió ngược chiều. Chúa Giê-su đi trên mặt biển cùng đến. Họ sợ hãi tưởng là ma, nhưng Chúa nói: «Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!» (Mc6, 50). Ông Phê-rô kêu lên «Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.» (Mt14, 28). Chúng ta biết câu truyện như thế nào: Sau vài bước vì kém lòng tin, ông Phê-rô bị chìm xuống nước…Chúa Giê-su nói: «Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?» (c31). Câu truyện kết thúc: «Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa! » (c32)
Thật lạ lùng, ở đây các môn đệ nhận ra danh tính Đức Giê-su; còn ông Phê-rô trái lại, bị gọi là «người kém lòng tin». Điều này có nghĩa lòng tin các môn đệ khác không phải là không mặp mờ: Chính quyền lực Chúa Giê-su trên biển gây ấn tượng. Phải còn một hành trình dài nữa, họ mới được mặc khải thật sự về Chúa Giê-su.
Ở Xê-da-rê, điều mới lạ, ông Phê-rô không tuyên bố như thế khi đứng trước một biểu hiện quyền năng của Chúa Giê-su. Trái lại, trong mấy câu trước lời tuyên xưng đức tin của Thánh Phê-rô, Chúa vừa từ chối các người Pha-ri-sêu, và người Sa-đốc đòi hỏi Chúa cho một dấu chỉ thuyết phục. Lúc này, vừa bước qua một giai đoạn mới: Ý nghĩa danh hiệu Con Thiên Chúa không còn mặp mờ nữa. Thánh Phê-rô thăng tiến trong đức tin: «Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.» (c17)
Điều mới lạ ở Xê-da-rê này không phải việc danh hiệu này hay danh hiệu kia được dùng để nói về Chúa Giê-su, nhưng sự kiện hai tước hiệu được nối liền nhau: Chúa hỏi «ai là Con Người» và Thánh Phê-rô trả lời «Ngài là Con Thiên Chúa». Sau này, Chúa Giê-su cũng nối liền hai danh hiệu ấy trong lúc Thượng Tế Cai-pha hỏi cung. Ông hỏi: «Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không?» (Mt26, 63) Và Chúa Giê-su trả lời: «Chính ngài vừa nói. Hơn nữa, tôi nói cho các ông hay: từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.» (Mt26, 64). Dĩ nhiên ở đây, một lần nữa, không thể nào lầm lẫn được: Chúa mặc khải không như một Thiên Chúa quyền năng và oai phong, nhưng là tình yêu bị trao vào tay con người.
Thánh Phê-rô vừa được mặc khải Chúa Giê-su là ai, Ngài liền gởi ông làm nhiệm vụ cho Hội Thánh: «anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy» (c18) Chúng ta vừa thấy, Con Người không phải một cá nhân lẻ loi, mà là một dân tộc. Và dựa trên gì Chúa Ki-tô xây dựng Hội Thánh Ngài? Trên một người, mà đức tính duy nhất là nghe theo những gì Chúa Cha mặc khải. Điều này có nghĩa, cột trụ duy nhất và thuần tuý của Giáo Hội là tin vào Chúa Giê-su Ki-tô. Chúa Giê-su còn nói thêm: «dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.» (c19). Điều này không có nghĩa là Thánh Phê-rô và các đấng kế vị toàn quyền! Được hiểu rằng, Chúa hứa sẽ đồng hành cùng họ. Thật vậy, phải như thế và chỉ cần kết hiệp với Hội Thánh để chúng ta kết hiệp Thiên Chúa.
Lý do sau cùng, để an tâm. «Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy» (c18). Thì chính ra, khi Chúa Giê-su xây Hội Thánh. Chúng ta không có nhiệm vụ xây Hội Thánh, nhưng chỉ cần nghe Chúa hằng sống những gì Ngài mặc khải. Và bởi vì, chính Chúa Ki-tô phục sinh, Con Thiên Chúa hằng sống xây Giáo Hội, như thế chúng ta tin chắc rằng «quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi» (c18)
***
Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương