Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM A (Rm 13, 8-10) 10/09/2017

"Yêu thương là chu toàn cả Lề Luật."

Trích thư Thánh Phao-lô Tông-đồ gửi tín hữu Rô-ma

 

8 Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.

9 Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.

10 Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.

 

Hình như hai câu này trong Thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma, chỉ là một, để một lần nữa nói lên giới răn yêu thương người lân cận. Thế nhưng, nếu đặt câu này vào văn cảnh của bài đọc,  chúng ta thấy Thánh Phao-lô nói lên quan điểm của mình cho một vấn đề vốn là đề tài hay tranh luận. Chúng ta đang ở chương 13 của Thánh thư. Sau khi nhấn mạnh rất dài trong chương trước đó, người Ki-tô phải tôn vinh Thiên Chúa suốt đời mình bằng «của lễ …thánh thiện» (Rm12, 1), Thánh Phao-lô còn cụ thể đi sâu hơn vào đời sống xã hội, đó là mối quan hệ với chính quyền. Nếu đọc toàn chương 12, rất ngạc nhiên nhận thấy rằng Thánh nhân có những chi tiết về những nghĩa vụ công dân: Tôn trọng các tòa án, trả thuế và công phí, tuân giữ mọi thành phần chính quyền.    

Ngay từ đầu, ngài quả quyết: «Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập» (Rm13, 1). Trong khi ai cũng biết chính quyền ở đây là hoàng đế Rô-ma và tất cả giai cấp các quan toàn quyền, quan tòa và quân nhân. Nhất là thư này được viết dưới triều đại vua Nê-ron, những lời như thế này, hẳn không có người nào không khiếp đảm!

Thật vậy, mối quan hệ giữa cộng đồng tiên khởi này với chính quyền, đặt ra một vấn đề lương tâm nghiêm trọng đối với vài người. Thánh Phao-lô viết trong chương trước đó: «Anh em đừng có rập theo đời này» (Rm12, 2). Như thế có mâu thuần không? Vấn đề ở đây không chỉ trên phương diện thực tế mà còn về thần học nữa. Bổn phận vâng lời Chúa, có thể đi đôi với vâng phục chính quyền, ít nhiều bị nghi ngờ không xứng đáng, hay không? Điều này đặt vấn đề cho những Ki-tô hữu đến từ Do-thái Giáo: Giáo thuyết được Thánh Phao-lô trình bày không khỏi gây nên một vấn đề lương tâm tế nhị. Lịch sử It-ra-en mặc dù được đánh dấu bởi những đổi thay đột ngột về chính trị, nhưng Luật Mô-sê lúc nào cũng vẫn tiếp tục được duy trì, trong đời sống dưới quyền bính duy nhất từ Thiên Chúa. Chúng ta còn nhớ câu sau đây của Chúa Giê-su nói cho đám đông và cho các môn đệ Ngài: «Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy.3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ» (Mt23, 1) Có thể nào tuân theo một chính quyền thấm nhuần ngẫu tượng giáo sao?

Trong nhiều câu trước những câu chúng ta đọc hôm nay, Thánh Phao-lô nhấn mạnh những điều chính quyền dân sự cần phải phục vụ: «3 Thật thế, làm điều thiện thì không phải sợ nhà chức trách, có làm điều ác mới phải sợ. Bạn muốn khỏi phải sợ chính quyền ư? Hãy làm điều thiện, và bạn sẽ được họ khen ngợi,4 vì chính quyền là người thừa hành của Thiên Chúa để giúp bạn làm điều thiện. Nhưng nếu bạn làm điều ác, thì hãy sợ, vì họ mang gươm không phải không có lý do. Thật vậy, họ là người thừa hành của Thiên Chúa để giáng cơn thịnh nộ của Người xuống kẻ làm điều ác.5 Vì lẽ đó, cần thiết phải phục tùng, không những vì sợ bị phạt, mà còn vì lương tâm » (Rm13, 3-5)  

Ở đây, Thánh Phao-lô tuyên bố không có mâu thuẫn giữa luật đời và luật Mô-sê, vì luật dân sự phục vụ cho đời sống xã hội và công chính; trong lúc luật Mô-sê cuối cùng không đòi hỏi gì khác hơn là yêu thương lẫn nhau: «ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.» (c8). Ngài trích những lời tuyên bố tối quan trọng của Luật Mô-sê, theo những gì được viết trong sách Sáng Thế (St20, 13-17), sách Đê-nhị luật (Đnl5, 17-21)  và nhất là sách Lê-vi chương 19, trong ấy có cả một loạt nguyên tắc hành động rất cụ thể và chính xác được đặt ra (liên quan đến mùa gặt, lúc thu hoạch hoa trái và toàn thể đời sống thường nhật) được tóm lược trong quy tắc vàng : «Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình.» (Lv19, 18). Vì thế, Thánh Phao-lô cũng có thể kết luận rằng tôn trọng luật dân sự là một đòi hỏi của tình yêu, đại thể ngài theo những đường nét lớn trong sự trung tín với Luật Mô-sê: «yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy» 

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com