"Nếu người không chịu nói cho kẻ gian ác, thì Ta đòi máu nó bởi tay ngươi."
Trích sách Tiên tri Ê-dê-ki-en
7 Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết.
8 Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: "Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết", mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó.
9 Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.
Lúc bấy giờ, vào thế kỷ thứ sáu, tiên tri Ê-dê-ki-en là tư tế tại thành Giê-ru-sa-lem. Ông bị quân đội của Na-bu-cô-đô-nô-so triệu về Ba-by-lon, trong đợt đầu bị đi đày, vào năm 597 trước CN. Nơi ấy, trên bờ sông Kê-ba, trong một làng tên gọi là Tel-Aviv, ông mới được biết những đau khổ đã giáng xuống thành Thánh. Vào năm 587, tất cả đã kết thúc, thành phố bị san bằng, Đền Thánh bị sụp đổ.
Nhưng, đứng trước lời tường thuật những cảnh tượng tai họa liên tục, ông không bó tay. Ngay khi ông tới bên ấy, trong hai mươi năm đầu đời sống đày đọa (mười năm trước và mười năm sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ), ông dùng hết nỗ lực để duy trì lòng cậy trông nơi dân ngài. Muốn làm được như thế, ông phải tranh đấu trên hai chiến trường. Trước tiên, phải lo chuyện sống còn; điều thứ hai, phải giữ trọn vẹn niềm tin một ngày sẽ hồi hương. Đó là hai mục tiêu của ngôn sứ Ê-dê-ki-en suốt trong sách của ngài, và đó là hai trục các bài rao giảng của ngài. Thiên Chúa đã chỉ định mục tiêu mới của sứ mạng làm ngôn sứ của ngài: «Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en» (c7)
Ê-dê-ki-en chu toàn hai lần sứ vụ canh gác: Canh gác Lời Chúa của ngài, cũng như canh gác rạng đông, thế nào cũng sẽ đến cho dân tộc ngài. Là nhà thơ, có khả năng thiên cảm, can đảm, ngài phải đối đầu với những người đương thời thối chí, ngài phải loan báo bằng những lời lẽ tuyệt vời và vô cùng tượng hình, một sứ điệp mà họ phải nghe để tìm lại nghị lực hầu sống sót chờ ngày trở về: «Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en» (Ed37, 12) Người canh gác - thật là một định nghĩa tốt đẹp về người tiên tri - được chỉ định đọc trong lịch sử những dấu chỉ để cậy trông. Vì Chúa còn cậy trông nơi dân Ngài chọn: «Ta lấy mạng sống Ta mà thề -sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng- Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống. Hãy trở lại, hãy từ bỏ đường lối xấu xa của các ngươi mà trở lại. Sao các ngươi lại muốn chết, hỡi nhà Ít-ra-en?» (13, 11)
Ngôn sứ: Thật là một trách nhiệm nặng nề, các cảnh báo của ngài như là để «cứu trợ người lâm nguy» Thế nhưng, nào có phải khi nhận phép rửa tội, chúng ta cũng được nghe như là một «dân tộc ngôn sứ». Sách Lê-vi từng nói, mọi người dân đều có sứ mạng tương tự: «Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.17 Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó.» (Lv19, 2.17). Phải trải qua nhiều thế kỷ, dân chúng mới hiểu những quan niệm «thánh đức» và «yêu thương» là đồng nghĩa. «Thánh», hẳn các bạn còn nhớ lời tiên tri I-sa-i-a. Trong chương 6, ngài kể cho chúng ta ơn gọi của ngài, và ngài nhận được một thị kiến như thế nào trong lúc đang trong Đền Giê-ru-sa-lem, bị chói loà mắt, ngài chỉ còn biết kêu lên: «Thánh! Thánh! Chí Thánh! ĐỨC CHÚA các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa! » (Is6, 3) Chữ Thánh ở đây có nghĩa: Thiên Chúa là đấng siêu việt, có một hố sâu chia cách Ngài và chúng ta. Đồng thời ông I-sa-i-a nhận được một mặc khải: Cái hố sâu ấy, chính Chúa vượt qua được, và vì thế, khi Ngài mời gọi giống hình ảnh Ngài, là chúng ta cũng có thể vượt qua…nhờ Ngài, dĩ nhiên – hay có thể nói trong ân nghĩa của Ngài.
Tiếp theo áp dụng câu: «Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh.» (1Pr1, 16). Trên thực tế đó là «Ngươi không được để lòng ghét người anh em,» (Lv19, 17a)…Nói cách khác, người hãy yêu mến. Đó là giống hình ảnh Thiên Chúa: Ngài không bao giờ biết oán thù. Chính vì Ngài là tình yêu, nên là Đấng Siêu Việt. Và chỉ từ từ, mỗi ngày một ít, các ngôn sứ làm cho dân chúng hiểu, giống hình ảnh Thiên Chúa chí Thánh, đơn giản là phát huy khả năng yêu thương.
Điều này không phải đánh mất đi khả năng phân định những gì sai quấy: «Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó.» (Lv19, 17): Quở trách đúng đắn, đây là một nghệ thuật rất khó. Nhưng đây cũng là tình yêu. Muốn điều tốt lành cho kẻ khác, nếu cần, phải biết ngăn nó trước bờ vực thẳm. Phê bình một cách tích cực làm triển nở tình yêu. Công việc khó nhất của ngôn sứ Ê-dê-ki-en là như thế đó: Khi đă là một người lính canh, đó là để cứu cả Thành.
***
Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương