« Ngày của Chúa bất chợt anh em như kẻ trộm »
Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.
1 Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em.
2 Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm.
3 Khi người ta nói: "Bình an biết bao, yên ổn biết bao!", thì lúc ấy tai hoạ sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được.
4 Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bất chợt anh em.
5 Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối.
6 Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ
«Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em.» (c1) và sau đó vài câu, Thánh Phao-lô nói đến «Ngày của Chúa», một lần nữa, thánh nhân sống với viễn ảnh dự án vĩ đại của Thiên Chúa, ngày toàn cõi nhân loại quy tụ chung quanh Chúa Giê-su Ki-tô, đó cũng là ý nghĩa của tất cả lịch sử nhân loại. Ngày ấy, thánh nhân gọi là «Ngày Chúa Ki-tô đến», rốt cục rồi cũng đến, ngày vĩ đại tập hợp Thân Thể toàn vẹn Chúa Ki-tô.
Viễn ảnh đó là ngày vui, ngày hạnh phúc, vì thế Thánh Phao-lô gọi là “kế hoạch yêu thương” của Chúa; một kế hoạch cho chúng ta hạnh phúc. Thánh nhân dùng những từ ngữ của cuộc chiến đấu để nói lên điều ấy, vì cuộc chiến chưa hẳn được thắng toàn vẹn. Bình minh ngày của Chúa chỉ ló dạng một khi ánh sáng thắng bóng đêm, tình yêu và tha thứ thắng hận thù. Chắc chắn những người nghe Thánh Phao-lô cũng như chúng ta, nóng lòng chờ đợi ngày ấy đến.
Báo chí, hay các đài phát thanh, đài truyền hình cho chúng ta nghe thấy những minh chứng hằng ngày, rằng ngày ấy chưa hẳn đến; vì thế, cho dù chúng ta tin nhưng cũng thở dài tự hỏi «ngày ấy chừng nào đến đây?».
Thánh Phao-lô trả lời «Không ai biết, thế thì đừng nghe những kẻ tự cho mình nói tiên tri…». Mỗi lần cuối kỷ nguyên, không thiếu gì những loại tiên tri như thế! Thời những Ki-tô hữu sơ khai, có lẽ cũng như ngày nay; vì lẽ đó, có câu sau đây trong thư thứ hai Thánh Phao-lô gửi tín hữu thành Thê-xa-lo-ni-ca «Thưa anh em, về ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Người, tôi xin anh em điều này: Nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mặc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ.» (2Tx2, 1-2)
Nhưng dù sao, chúng ta cũng có khuynh hướng đặt lại câu hỏi «Chừng nào đây?» Và tại sao không ai có thể biết. Có ít nhất hai lý do:
Lý do thứ nhất, thời gian thuộc về Thiên Chúa. Tiên tri Đa-ni-en nói «Người là Đấng làm cho tứ thời bát tiết chuyển vần, Người phế lập các vua, Người ban sự khôn ngoan cho các nhà thông thái, ban tri thức cho người hiểu rộng biết nhiều.»(Đn2, 21) Và chính Chúa Giê-su cũng nhìn nhận không biết «Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi.» (Mt24, 36) Nhân dịp này xin lưu ý, Chúa Giê-su cho chúng ta một bài học về đức khiêm nhu tuyệt vời: Ngài chấp nhận không được biết…Ngài tin tưởng ở Chúa Cha; ngay đến giờ cuối cùng, lúc vào vườn cây dầu Ghét-xê-ma-ni, giữa đỉnh cao của cuộc đấu tranh ánh sáng và bóng tối, giữa tình yêu và hận thù, Ngài vẫn một lòng tin tưởng. Chúng ta cứ thế mà làm như Ngài.
Lý do thứ hai, Thánh Phê-rô nói ngày ấy còn tùy thuộc ở chúng ta: «Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: Đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày.9 Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải.» (2Pr3, 8-9) Và sau đó vài câu, ngài lại nói thêm: «Trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa và làm cho ngày đó mau đến, ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu huỷ và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồng…» (2Pr3, 12) Đấy, chúng ta phải nhìn rõ bổn phận chúng ta: Chúng ta cộng tác một cách nhiệm mầu vào ngày Chúa đến; nghĩ như thế có vẻ táo bạo, nhưng đó là điều Thánh Phê-rô muốn nói cho chúng ta. Đó cũng làm cho đời chúng ta vĩ đại: là nguyên liệu làm nên Nước Trời. Chúa không thực hiện nếu không có chúng ta (Thật là một sự ngẫu nhiên lạ lùng, chính ngay sau Bài đọc 2 này, nghe bài Phúc âm về những lạng bạc, nói về Chúa tin tưởng nơi chúng ta để xây dựng Nước Trời!)
Chúa Giê-su đã từng trả lời các môn đệ khi các ông hỏi Ngài: «Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?" Người đáp: "Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt» (Cv1, 6-7) Đó là cách nói để nhắc lại trách nhiệm các môn đệ, nhưng cũng để xác định hành động các ông cũng là tác động của Chúa Thánh Thần: Như lời kinh tiền tụng thứ IV: «Chúa Thánh Thần kiện toàn công trình của Người nơi trần gian, và hoàn tất công việc thánh hóa» Chúng ta không phải lo lắng về thời gian hay lúc nào, như Chúa Giê-su nói, hay thời hạn, hoặc ngày nào như Thánh Phao-lô nói. Trên thực tế, chúng ta chỉ cần làm xích lại gần ngày Nước Trời đến, chắc chắn chúng ta sẽ có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.Thánh Phao-lô còn nói cho tín hữu thành Cô-rin-tô: «khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người.8 Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô» (1Cr1, 7-8) Vì chúng ta nhận được Thần Khí nên Thánh Phao-lô đối xử với chúng ta như «con cái của ánh sáng»: «Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối.»(c5) Ngày Thiên Chúa đến sẽ là ngày toàn nhân loại là con của ánh sáng.
***
Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương