Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CN XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM A (Cn 31, 10-13.19-20.30-31) 19/11/2017

«Nàng cần mẫn dùng tay làm việc» 

Trích sách Châm ngôn.

 

10 Tìm đâu ra một người vợ đảm đang?
Nàng quý giá vượt xa châu ngọc.

11 Chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng,
chàng sẽ chẳng thiếu chi lợi lộc.

12 Suốt đời, nàng đem lại hạnh phúc
chứ không gây tai hoạ cho chồng.

13 Nàng tìm kiếm len và vải gai,
rồi vui vẻ ra tay làm việc.

19 Nàng tra tay vào guồng kéo sợi,
và cầm chắc suốt chỉ trong tay.

20 Nàng rộng tay giúp người nghèo khổ
và đưa tay cứu kẻ khốn cùng.

30 Duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân.
Người phụ nữ kính sợ ĐỨC CHÚA
mới đáng cho người đời ca tụng.

31 Hãy để cho nàng hưởng những thành quả tay nàng làm ra.
Ước chi nơi cổng thành nàng luôn được tán dương ca tụng
do những việc nàng làm.

 

Nếu có ai nói xấu về phụ nữ, hãy cho người ấy đọc đoạn này của sách Châm Ngôn! Tuy chỉ là một đọan trích từ một bài thơ dài làm đoạn kết sách Châm ngôn. Điều thú vị là sách Châm ngôn bắt đầu bằng chín chương ca ngợi đức khôn ngoan và phần cuối bằng một bài thơ tôn vinh người phụ nữ đầy khôn ngoan. Vì cuối cùng đó là: Chân dung người phụ nữ, chỉ vỏn vẹn là chân dung đức khôn ngoan thể hiện thành dạng phụ nữ, hay có thể nói, chân dung một phụ nữ, nơi người ấy Chúa cho tràn đầy sự khôn ngoan; và để truyền cho chung quanh mình điều duy nhất Chúa ao ước cho nhân loại, đó là hạnh phúc.

Nếu bạn đọc trọn bài trong Thánh Kinh, bạn sẽ thấy đây là một bài thơ theo vần ABC, tức là một bài thơ có hai mươi hai câu, chữ đầu bắt đầu bằng chữ cái theo thứ tự vần ABC, theo Do Thái ngữ. Kỹ thuật này, được gặp trong nhiều Thánh vịnh, nhưng cũng có trong nhiều tài liệu khác. Về mặt kỹ thuật, nguyên tắc lúc nào cũng như nhau: mỗi câu bắt đầu bằng một chữ vần ABC theo thứ tự. Nhưng đây không phải chỉ là kỹ thuật hành văn, mà là một cách khẳng định đức tin. Người phụ nữ lý tưởng là người phụ nữ thấm mình trong đức khôn ngoan Thiên Chúa, người ấy  tỏa sáng đức khôn ngoan, và thấu hiểu từ A đến …Z.

Sách Châm ngôn không phải sách duy nhất phát biểu một cách tích cực về phái nữ. Ta có thể kể ra trong Thánh Kinh biết bao nhiêu câu tôn vinh phụ nữ, hay ít ra vài phụ nữ…Ví dụ cũng trong sách Châm ngôn này: «Có vợ đảm đang như được mang ngọc miện» (Cn12, 4); trong sách Huấn ca «Phúc thay kẻ được chung sống với người vợ thông minh» (Hc25, 8)… «Phúc thay ai cưới được vợ hiền, tuổi thọ sẽ tăng lên gấp đôi. 2 Vợ đảm đang khiến chồng được sung sướng, được an vui suốt cả cuộc đời.» (Hc26,1-2); «Khuôn mặt diễm kiều với thân hình cân đối ví như ngọn đèn toả sáng trên giá đền thờ.» (Hc26, 17) Và cuối cùng, cũng trong sách Huấn ca: «Cưới vợ là khởi đầu sự nghiệp, là có một trợ lực tương xứng, và một cột trụ để tựa nương. Không có hàng rào, trang trại bị cướp phá; vắng bóng đàn bà, đàn ông sẽ lang thang, rên rỉ.» (Hc36, 24-25) Và còn nói chi đến sách Diễm ca!

Cũng đừng quên trong Thánh Kinh, từ khởi đầu có một quan niệm rất độc đáo. Ví dụ như ở Ba-by-lon, người ta nghĩ rằng người phụ nữ được tạo ra sau người nam (ngụ ý nói hành tinh này có thể không cần đến phụ nữ); trái lại, bài thơ tạo dựng (Sáng thế 1) - được sáng tác do các tư tế trong lúc lưu đày Ba-by-lon - khẳng định rõ ràng «Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.» (St1, 27) Và bài tường thuật trước đó (St2) miêu tả một cách rất tượng hình sự kiện sáng tạo người phụ nữ, liền ngay sau khi người đàn ông được tạo dựng. Bài tường thuật miêu tả thật tỉ mỉ như hai tạo vật ngang hàng nhau, cùng một bản thể «xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!» (St2, 23) Cả hai ngang hàng nhau, đến nỗi mang cùng tên gọi; hai chữ đàn ông, đàn bà theo Pháp ngữ không cùng một chữ gốc, nhưng theo tiếng Do Thái: Ish là nam, Ishah là nữ, điều này nói lên sự giống nhau nhưng cũng nói lên bản sắc của mỗi người.

Tài liệu còn đi xa hơn thế nữa, nói phụ nữ là món quà ban cho người nam sống hạnh phúc: «ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt” (St2, 18a) (Nên hiểu người đàn ông không hạnh phúc nếu sống độc thân). «Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.» (St2, 18b) và sách Do Thái còn nói rõ «kẻ ấy như người đối diện với nó»; đối diện ở đây là một người ngang hàng có thể đàm thoại với nó; trong một cuộc đối mặt, chia sẻ cho nhau, khám phá nhau trong ánh mắt kẻ đối diện.

Đoạn sau của tài liệu Thánh Kinh, kể lại sự chia cách xé lòng giữa những quan hệ, lẽ ra là những quan hệ đối thoại tin tưởng nhau: Sự ngờ vực giữa nhân loại và đấng tạo dựng, dần dần xuất hiện trong mối quan hệ. Mối quan hệ cũng bị méo mó đi giữa người đàn ông và người đàn bà.

Kết cuộc, tất cả không dựa trên đối thoại, nhưng dựa trên quyền lực; một bên là quyền lực của sự quyến rũ, một bên là uy quyền «Với người đàn bà, Chúa phán: "Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi."» (St3, 16) Trong lúc nhà thần học Thánh Kinh viết bài này vào năm 1000 trước CN, đã có hằng ngàn năm trải nghiệm này được xác minh hằng ngày.

Sách Châm ngôn còn mơ đến một cặp vợ chồng lý tưởng: Nơi đây người đàn ông hoàn toàn dựa vào người bạn đời: «Chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng, chàng sẽ chẳng thiếu chi lợi lộc. Suốt đời, nàng đem lại hạnh phúc chứ không gây tai hoạ cho chồng.» (Cn31, 11-12) Cuối cùng, điều đáng ngạc nhiên là người phụ nữ trong sách Châm ngôn không làm chi lạ thường! Các sinh hoạt của những phụ nữ được miêu tả trong sách này, rất giống những gì chúng ta nghĩ về những phụ nữ nội trợ (và chúng ta biết, đó không phải là những gì hấp dẫn chúng ta ngày nay). Chúng ta nên đặt vào bối cảnh thời ấy. Tác giả không thiên vị người phụ nữ lo việc nội trợ hay không, và hơn nữa, khi nói «phụ nữ nội trợ» là không thể nói phụ nữ bị che mặt, bị cấm mọi sinh hoạt xã hội. Có nhiều câu khác trong bài thơ này, nhiều đoạn miêu tả vai trò xã hội các phụ nữ trong thành, nhiều sinh hoạt thương mại và việc từ thiện.

Nói tóm lại, tác giả muốn làm nổi bật hai điều mà cũng là hai diễm phúc cho người phụ nữ: «Người phụ nữ kính sợ ĐỨC CHÚA mới đáng cho người đời ca tụng.» (Cn31, 30) «Hãy để cho nàng hưởng những thành quả tay nàng làm ra. Ước chi nơi cổng thành nàng luôn được tán dương ca tụng do những việc nàng làm.» (Cn31, 31)

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com