ĐÁP .Hãy ca ngợi Chúa đi ! Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ. Ha-lê-lui-a.
1Hãy ca ngợi Chúa đi !
Đàn hát mừng Thiên Chúa chúng ta, thú vị dường nào !
Được tán tụng Người, thoả tình biết mấy !
2Chúa là Đấng xây dựng lại Giê-ru-sa-lem,
quy tụ dân Ít-ra-en tản lạc về.
Đ.Hãy ca ngợi Chúa đi !
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ.
3Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ,
những vết thương, băng bó cho lành.
4Người ấn định con số các vì sao,
và đặt tên cho từng ngôi một.
Đ.Hãy ca ngợi Chúa đi !
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ.
5Chúa chúng ta thật là cao cả,
uy lực vô biên, trí tuệ khôn lường !
6Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy,
bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen.
Đ.Hãy ca ngợi Chúa đi !
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ.
Thánh vịnh 146 bắt đầu bằng Ha-lê-lui-a, chữ này có một tầm rất quan trọng, đặc biệt trong truyền thống Do Thái : đó là lời ca ngợi dâng lên Thiên Chúa đã giải thoát dân Người. Lý do là đây : « Chúa đã đưa chúng ta từ thân phận tôi đòi tới tự do, từ sự âu sầu đến niềm vui, từ ngày tang tóc đến bầu khí ngày hội, từ bóng tối đến ánh sáng chiếu loà, từ tình trạng nô lệ đến sự cứu độ. Vì thế chúng ta hãy hát mừng trước mặt Ngài Ha-lê-lui-a. » ( sách Mi-sơ-na giáo-trình Pê-sa-him, câu 5)
Từ đó chúng ta hiểu hơn ý nghĩa của câu :
« Hãy ca ngợi Chúa đi ! Đàn hát mừng Thiên Chúa chúng ta, thú vị dường nào ! Được tán tụng Người, thoả tình biết mấy ! »
Và cũng từ đó chúng ta hiểu lý do vì sao Giáo Hội chọn cho ngày chúa nhật hôm nay như tiếng vang cho Bài đọc 1 từ sách Gióp. Câu thứ ba của Thánh Vịnh :
« Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành. »
Cõi lòng tan vỡ, đúng là cõi lòng ông Gióp, thật trơ trẽn, đứng trước một điều khó hiểu trong đời, đó là sự đau khổ. Tận trong đáy lòng của người đau khổ, như trong ví dụ đưa ra trong sách Gióp, phải kiên trì với bất cứ giá nào để đi vào đối thoại với Chúa. Và rốt cuộc không phải nhờ tác động của một chiếc đũa thần giải thoát tất cả, mà là sự hiện diện của Chúa, bất cứ trong tình huống nào. Khi Chúa nói : « Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành.» (c3) Đây chính là vết thương trong lòng không phải trong thể xác ! Sự hiện diên của Chúa cạnh bên những người nhỏ bé, những người đau khổ là một khám phá lớn trong Cựu Uớc. Từ nay con người không còn đơn đọc trước những khó khăn trong đời, và trước sự tàn kiếp sống khủng khiếp của một số người. Sách Huấn ca :
« Nước mắt quả phụ lại không giàn giụa trên gò má »( Hc 35 :15) Có lẽ những cõi lòng tan vỡ ở đây nói về những người Do Thái thành Giê-ru-sa-lem bị vua Na-bu-cô-đô-nô-so đày sang Ba-by-lôn…Ha-lê-lui-a.có ý đó cũng như câu thứ hai :
Chúa là Đấng xây dựng lại Giê-ru-sa-lem, quy tụ dân Ít-ra-en tản lạc về.
Và đây tất cả đoạn đầu của bài Thánh Vịnh :
Hãy ca ngợi Chúa đi ! Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ. Ha-lê-lui-a. 1Hãy ca ngợi Chúa đi ! Đàn hát mừng Thiên Chúa chúng ta, thú vị dường nào ! Được tán tụng Người, thoả tình biết mấy ! 2Chúa là Đấng xây dựng lại Giê-ru-sa-lem, quy tụ dân Ít-ra-en tản lạc về.
Chữ Ha-lê-lui-a, lời ca giải phóng, ở đây mang tất cả ý nghĩa của nó để nhắc lại dân Do Thái cuối đời lưu lạc Ba-by-lôn. Nhất là chúng ta biết rằng sự giải phóng đó không được xem như giải phóng về mặt chính trị mà hơn thế nữa, như một cuộc giải phóng thiêng liêng : trong những ngày bị lưu đày, dân Ít-ra-en có thời gian ôn lại lịch sử của họ và làm một cuộc xét mình ; các tiên tri loan báo sẽ có tai hoạ lớn nếu không hoán cãi, và tại họa đó hiện thân nơi Na-bu-cô-đô-nô-so. Ngày trở về, việc xây lại thành Giê-ru-sa-lem đánh dấu một tương lai mới : Chúa đã tha thứ. Kể từ nay, trở về Đất Thánh mọi người cố gắng trở lại sống thánh thiện.
Nhưng đừng tưởng các câu sau thay đổi đề tài:
4Người ấn định con số các vì sao, và đặt tên cho từng ngôi một.
Dĩ nhiên câu này nhắc tới công trình Tạo Dựng ; nhưng chúng ta cũng biết rằng kinh Tin Kính của dân Ít-ra-en bắt đầu bằng câu: « Tôi tin kính Thiên Chúa là Đấng giải thoát » câu thứ hai mới tuyên xưng « Tôi tin kính Thiên Chúa Đấng tạo nên trời đất » Đức tin nơi đấng Tạo Dựng được đọc qua ánh sáng của Thiên Chúa giải phóng khỏi ách nô lệ Ai-Cập và lần lược qua các cuộc giải phóng khác : Thiên Chúa Tạo Dựng được chiêm ngưỡng, vinh danh vì là đấng phép tắc vô cùng, nhưng nhất là vì chương trình yêu thương nhân loại của Ngài. Hơn nữa, mỗi lần nói về tinh tú ở It-ra-en, mọi người nghĩ đến lời hứa tuyệt diệu dành cho tổ phụ Ap-ra-ham : một đàn con cháu đông đúc như sao trời.
Chương trình dành cho con người của thiên chúa là một giấc mơ vĩ đại ( xứng với tinh tú) ; Đấng Tạo Hoá đã nắn ra con người từ bụi đất, cũng là đấng không mệt mỏi nâng con người lên mỗi khi cần, để thu hút con người về Ngài « Chúa nâng kẻ khiêm nhường...» Những kẻ khiêm nhường, những kẻ bé nhỏ, chúng ta thường nghe trong Thánh Kinh : đó là những kẻ không có gì để đòi hỏi trước mặt Chúa, cũng không có gì để khoe khoang với Ngài. Những kẻ báng bổ thì ngược lại ( có thể dịch là những kẻ kiêu ngạo) không sẵn sàng tiếp nhận ơn của Chúa. Trong câu sau đây :
« 6Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy, bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen.»
Chúng ta nhận ra bài ca bà An-na mẹ của Sa-mu-en và bài Magnificat, không kể rất nhiều câu trong các thánh vịnh. Chúa Giê-su cũng có những ưa chuộng những kẻ bé nhỏ :
« Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. »( Mt 11 :25)
Cũng vì lẽ đó mà lời ngợi khen tung ra từ lòng trái tim người tín hữu :
1Hãy ca ngợi Chúa đi ! Đàn hát mừng Thiên Chúa chúng ta, thú vị dường nào !
Thú vị vì hai lẽ : trước tiên vì lẽ công chính và sau đó là điều đem lại hạnh phúc. Con người là thế, chỉ có hạnh phúc khi còn trong tình phụ tử với Thiên Chúa. Thánh Augustinô khi xưa cầu nguyện rằng :
“Lạy Chúa, Chúa dựïng nên con cho Chúa, và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương