"Mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
24 Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.
25 Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn,
26 rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa.
27 Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Ki-tô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang.
28 Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng, khi khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Ki-tô.
« Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức » Phải hiểu câu này làm sao đây ? Phải chăng còn những đau khổ nữa Chúa phải chịu hay chúng ta phải chịu « để cho xứng » ?
Có lẽ thật như thế đấy, vì thánh Phao-lô đã nói, nhưng không phải « để cho xứng ». Còn những điều phải đau khổ, những khó khăn, những đối kháng, kể cả bị bách hại, của mọi công trình rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su cũng đã nói rõ như thế trước và sau cuộc Thương khó và sự Phục sinh của Ngài. « Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy » (Lc 9, 22). Sau Phục sinh Chúa cũng đã nói với hai môn đệ trên đường Ê-mau: « 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? » (Lc 24, 26). Và số phận của Thầy sau này cũng sẽ là số phận các con. Điều này nữa, Chúa cũng đã tiên báo: « 8 Nhưng tất cả những sự việc ấy chỉ là khởi đầu các cơn đau đớn. 9 "Bấy giờ, người ta sẽ nộp anh em, khiến anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy. 10 Bấy giờ sẽ có nhiều người vấp ngã. Người ta sẽ nộp nhau và thù ghét nhau. 11 Sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người. 12 Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi. 13 Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. 14 "Tin Mừng này về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết. » (Mt 24, 8-14); « 9 "Phần anh em, anh em hãy coi chừng! Người ta sẽ nộp anh em cho các hội đồng và các hội đường; anh em sẽ bị đánh đòn; anh em sẽ phải ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ được biết. 10 Nhưng trước tiên, Tin Mừng phải được rao giảng cho mọi dân tộc ». (Mc 13, 9-10). Thì đây chúng ta đã được báo trước rồi đấy, bao giờ công việc chưa hoàn tất, bấy giờ còn phải cố gắng nhiều, trải qua nhiều khó khăn gian khổ, hay còn có thể bị bách hại. Điều này thật một trăm phần trăm trong xương thịt chúng ta.
Nếu tưởng tượng đó là điều dĩ nhiên phải đến từ một thông báo, của một Thiên Chúa thèm khát thấy con cái mình đau khổ, và đếm những giọt nước mắt của chúng, thì giả thiết ấy làm méo mó hình ảnh Thiên Chúa từ bi nhân hậu mà Mô-sê được mặc khải. Cách trả lời điều này sai sự thật như thế nào dựa trên hai điểm:
Thứ nhất, trong công trình rao giảng Tin Mừng, Chúa cần người cộng tác với Ngài, Chúa không hành động không có ta. Điểm thứ hai, thế giới từ chối nghe Lời Thiên Chúa, để khỏi phải thay đổi cách sống: vì thế họ dùng hết mãnh lực chống không cho Tin Mừng được loan truyền. Còn có thể dẫn đến bách hại và thủ tiêu những chứng nhân Lời Chúa, vì sợ bị cản trở họ hành động.
Đó chính là những gì thánh Phao-lô đang sống và bị cầm tù vì chỉ có tội nói về Đức Giê-su thành Na-da-rét. Trong các thánh thư gửi cho các cộng đồng tiên khởi, thánh nhân khuyến khích các tín hữu, đến phiên họ cũng phải chấp nhận, một ngày thế nào cũng bị bách hại: « 3khiến không ai bị nao núng vì các nỗi gian truân ấy. Hẳn anh em biết đó là số phận dành cho chúng ta » (1Tx 3, 3). Thánh Phê-rô cũng làm như thế: « 9 Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế » (1Pr 5, 9) .
Vì thế không thể bó tay, Chúa nói trong câu 28: « 28 Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng, (có ý nói: dù sao đi nữa) khi khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Ki-tô ». Một khi đã bắt đầu như thế thì phải hoàn tất công trình rao giảng. Trong tinh thần này, thánh Phao-lô trình bày quan niệm về sứ vụ rao giảng Tin Mừng của ngài trong thư gửi tín hữu thành Rô-ma: « 15Trong thư này, đôi chỗ tôi đã nói hơi mạnh, chẳng qua là để nhắc lại cho anh em điều anh em đã biết. Tôi viết thế là dựa vào ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi 16 làm người phục vụ Đức Giê-su Ki-tô giữa các dân ngoại, lo việc tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, để các dân ngoại được Thánh Thần thánh hoá mà trở nên một lễ phẩm đẹp lòng Thiên Chúa » (Rm 15, 15-16).
Như thế dần dần Thân thể Chúa Ki-tô, là Giáo Hội lớn lên, so với thư đầu tiên cho tín hữu thành Cô-lô-xê (1Cl 12) tầm nhìn thánh Phao-lô còn xa hơn nữa: ở đây thánh nhân dùng hình ảnh Thân thể Chúa Ki-tô, nhưng để nói đến cách vận hành các chi thể với nhau, trong mỗi Giáo hội địa phương: trong đoạn này thánh Phao-lô hình dung Giáo Hội Hoàn Vũ, thân thể vĩ đại, trong ấy Chúa Ki-tô là Đầu. Đây là phần nhân loại nhìn nhận Thiên Chúa là vua vũ trụ, như trong bài ca, các câu trước đó: « 15 Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, 16 vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. 17Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. 18 Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu ». (Cl 1, 15-18).
Mầu nhiệm chương trình Thiên Chúa được mặc khải cho các Ki-tô hữu, là nguồn vui vô tận và là niềm cậy trông. « 7 Đức Ki-tô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang ». Chính vì ngạc nhiên về sự hiện diện của Đức Ki-tô ở giữa họ đã biến đổi các tín hữu thành chứng nhân. Trong thư thứ hai cho các tín hữu thành Cô-rin-tô ngài nói: « 5Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Ki-tô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi. » (2Cr 1, 5). Và trong thư gửi tín hữu thành Phi-líp-phê cũng thế: « 29 Quả thế, nhờ Đức Ki-tô, anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Người, mà còn được chịu đau khổ vì Người » (Pl 1, 29). Nhưng ở đây trong câu 24 ngài bắt đầu khẳng định rằng: « 24 Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh »
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.