Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT 03 THƯỜNG NIÊN NĂM B - 24/01/2021

BÀI ĐỌC 1 (Gn3, 1-5.10 )

 

Dân thành tin tưởng nơi Chúa : họ công bố việc ăn chay

 

Trích sách Tiên tri Gio-na.

 

1 Có lời Đức Chúa phán với ông Giô-na rằng :

2 “Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi.”

 3 Ông Giô-na đứng dậy và đi Ni-ni-vê, như lời Đức Chúa phán. Ni-ni-vê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường. 

4 Ông Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố : “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ.” 

5 Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. 

 10 Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, và đã không giáng xuống nữa.

 

Sách Giô-na rất ngắn : không đầy 4 trang. Sách này được viết khoảng thế kỹ thứ IV hay thứ III trước CN. Sách có vẻ kể lại câu chuyện của vị tiên tri tên là Giô-na cách đó năm trăm năm ; nhưng chính ra là một chuyện thần thoại, một mẫu truyện đầy tính trào phúng để làm một bài học cho người đương thời và cho cả chúng ta. Nhưng muốn được như thế phải tìm hiểu từng chữ.

Đây là truyện ông Giô-na. Ngày kia ở Ít-ra-en có một tiên tri nhỏ, tính tình thực tế tên là Giôna. Chúa nói với ông ta, con không cần chi làm cho Dân ta hoán cải trong cái xứ Do Thái tí hon của con. Cha cho con một sứ vụ mới tại thành Ni-ni-vê. ( Trong bản đồ ngày nay, các tàn tích thành Ni-ni-vê được thấy gần thành  Mốt-su, phía bắt xứ I-rắc)  Giô-na muốn vâng lời Chúa lắm nhưng phản ứng tự nhiên lại mạnh hơn lời của Chúa. Vì lẽ thời ấy ( Thế kỷ thứ V) thành Ni-ni-vê là kẻ thù số một, là thủ đô của một vương quốc nguy hiểm nhất cho Ít-ra-en, một thành phố lớn của một cường quốc luôn khao khát xăm lăng. Dĩ nhiên là một xứ ngoại đạo, một người thuyết giáo Do Thái vô danh như Giô-na chỉ đánh liều, sẽ mất mạng vô ích. Cố gắng hoán cải dân Ít-ra-en đã là quá khó khăn rồi huống hồ chi…sứ vụ không thể thành công…, liều mạng vô ích, chịu mệt chịu khó cho dân mình thì đã đành, mà đàng này… cho dân ngoại.

Ngoài ra Ni-ni-vê là một thành phố lớn mênh mông. Đi ba ngày không ngừng mới xuyên qua hết thành phố ấy. Nếu mỗi góc đường phải ngừng lại để thuyết pháp thì…

Giô-na giả điếc không nghe, và lên tàu bên bờ Địa Trung Hải tại Gia-pha ( Gần Ten-la-vi thủ đô Do Thái hiện nay) đi Tac-si ( thành Tac-si là cách nói tượng trưng trong Thánh Kinh là đến tận cùng trái đất, về phía Tây, tức là thật xa đối với Ni-ni-vê, tận phía Đông bên bở sông, « Tigre»).  

       Giô-na tưởng đã yên chuyện, nhưng chẳng được bao lâu đâu. Trong lúc ông ta ngủ yên giấc trên tàu, như một người vô tư, thì bão tố nỗi lên…và ông là người thật thà như người thời đó, ông nghĩ rằng có lẽ vì mình…, vốn ông là người công chính nên cũng đem ra thú thật với các bạn, vì lẽ ông đã làm phật lòng trời. Dĩ nhiên các thuỷ thủ chỉ cùng một ý trong đầu là lánh xa Giô-na để làm nguôi lòng vị Chúa nào đó… và ném vị tiên tri xuống biển.

Nhưng Chúa không bỏ Giô-na, sai một con cá lớn đến nuốt trọng ông để cứu ông. Nằm yên trong bụng cá Giô-na cầu nguyện…và, việc này sẽ làm ông hoán cải. Vì thế khi con cá ói ông ra trên đất liền, lúc bấy giờ Chúa chỉ cần có một lời là ông đi đến thành Ni-ni-vê, lần này không còn phải bàn cãi chi cả. Và phép lạ xảy ra…Thành phố rộng mênh mông, lẽ ra phải ba ngày mới đi từ đầu này tới đầu kia thế mà trong không đầy một ngày, từ trẻ tới già mọi dân thành Ni-ni-vê đã hoán cải. Ngay cả súc vật cũng làm việc đền tội.  

Thế nhưng, oái oăm thay, chỉ còn một người cần phải được hoán cải ( Điều thú vị của quyển sách nhỏ này là ở đây !) …đó chính là Giô-na. Ông không hài lòng, theo ý ông lẽ ra Chúa phải tõ  ra cơn thịnh nộ cho các dân ngoại này, những người tội lỗi. Giô-na chán chường, dỗi Chúa ra ngoài thành dừng nghỉ chân. Nhưng đó là ngay giữa mùa hạ, nắng nóng chang chang. Nhưng Chúa có bao giờ quên Giô-na, nên cho mọc lên một cây nhỏ ( cây thầu dầu) lấy bóng che đầu ông. Giô-na bấy giờ khá nguôi…thế nhưng không được bao lâu đâu. Ngày hôm sau Chúa lại cho cây thầu dầu chết héo đi. Bấy giờ Giô-na thật bực…Và Chúa chờ đợi anh ta ở đây. Chúa phán : « Đây chỉ là một cái cây chết vừa khi mới mọc !...Thế còn những dân thành Ni-ni-vê kia sắp chết kia thì sao…con không nghĩ là quan trọng hơn sao ? Họ cũng là con của ta kia mà !. »

Truyện có vẻ đơn sơ nhưng cho ta bao nhiều bài học :

 Trước hết, bài học thứ nhất , điều cốt lõi của câu chuyện kể, và có lẽ vì thế mà Giáo Hội đề nghị cho đọc chúa nhật này, là « Chúa yêu thương mọi người », Ngài chỉ chờ đợi một cử chỉ nhỏ để tha thứ ; đó là ý nghĩa của câu sau cùng của bài đọc hôm nay.

« Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa ».

Chúa chỉ chờ đợi có thế : những lời dọa của Giô-na "Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ.", đây là những lời cảnh báo của Giô-na. Thời câu truyện Giô-na được viết ra Thánh Kinh đã biết rằng Chúa không bao giờ kết án vĩnh viễn; Chúa luôn luôn tha thứ ; thế nhưng con người phải mở tai mà nghe và mở lòng đón chờ lời thứ tha của Chúa.

Bài học thứ hai : Chúa là Chúa cả vũ trụ ; có thể cầu nguyện với Chúa bất cứ ở đâu, ngoài biên giới xứ Ít-ra-en, trên một chiếc tàu, ngay cả trong bụng con cá. Sự hiện diện của Thiên Chúa không bị giới hạn bởi một nơi nào, một xứ nào, một đảng phái nào hay một tôn giáo…

Bài học thứ ba : các người mà chúng ta cho là dân ngoại hay là những người tội lỗi, lắm khi còn sẵn sàng nghe lời Chúa hơn chúng ta. Chúa Giê-su nói :

 "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông »( Mt 21 :31)

Về đề tài này, tác giả sách Giô-na còn thêm một cách tinh nghịch : trên tàu các thuỷ thủ sốt sắng cầu nguyện và dâng lễ tạ ơn. Còn việc đem dân Ni-ni-vê hoàn cải một cách toàn diện và ngay lập tức, là như một thách đố đối với những cố gắng mục vụ.

4 Ông Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày …5 Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ.

Sau này Chúa Giêsu nói về dấu lạ Giô-na

"Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na(Lc 11 :29)

Chúa muốn nhắc lại Giô-na ba ngày trong bụng con cá, nhưng thực ra Chúa muốn hỏi dân Ngài : Phải chăng họ nên thấy nơi Con Ngưới là dấu chỉ khi xưa dân thành Ni-ni-vê thấy nơi Giô-na ?

Bài học thứ tư, câu truyện được kể sau thời gian bị đày qua Ba-by-lon, các tiên tri muốn nhắc lại là Chúa mốn giải thoát tất cả nhân loại chứ chẳng riêng dân Chúa chọn. Cũng như trong gia đình, phải nhắc người con cả không phải là « con một ». Các tiên tri ngày nay cũng nên nói cho chúng ta như thế.

Bài học thứ năm : câu truyện nhỏ về cây thầu dầu là cả một phương pháp sư phạm cho Giô-na ; như cách nói : « Con không phải là một tiên tri tốt, con không như ta, yêu thương mọi người »  Thật vậy lòng Chúa bao la hơn lòng chúng ta.

***

 

THÁNH VỊNH (24,4-5a.6 và 7c.8-9)

 

Đáp: .Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết.

 

4Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
5aXin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Đ.Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết.

6Lạy Chúa, nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời,
giờ đây xin nhớ lại.
7cXin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.
Đ.Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết.

8Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,
9dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.
Đ.Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết.

Dân thành Ni-ni-vê trong truyện Giô-na là những tội phạm. Thành Ni-ni-vê thật sa đoạ đến nỗi Chúa nói  « sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta » ( Gn 1 :2b) , đó là một cách nói trong Thánh Kinh để chỉ những « trường hợp nặng ». Thế mà Chúa đã tha thứ ngay sau khi dân thành Ni-ni-vê có những cử chỉ hoán cải. Sách Giô-na viết« Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại »( Gn 3 :10). Đó có nghĩa là : ai cũng có thể quay về, từ bỏ lối sống cũ, không ai bị kết án vĩnh viễn. Chỉ cần quay về với Chúa ; « quay lại » đó là ý nghĩa của  sự hoán cải theo tiếng Do Thái.

Tv 24 là lời cầu nguyện của kẻ tội lỗi, người có tội muốn thay đổi về đường ngay, hoán cải, và biết rằng mình có thể trông cậy vào lòng thương xót của Chúa.

 « Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, 9dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính » ( Tv24 : 8-9)

Đó là muốn nói điều gì Chúa đòi hỏi, không phải vì  nhân đức nhưng vì lòng khiêm nhường. Chữ khiêm nhường rất thường gặp trong Thánh Kinh, tiếng Do Thái gọi là « Anawi »đó là những người mà chúng ta gọi là « Có tâm hồn nghèo khó », đó là những ai nhận mình là kẻ bị tước đi mọi của cải, nghèo khó, bất lực; còn gọi là những người « khòm lưng, bất hạnh ». Những người mà lời khẩn cầu của họ chỉ biết nói « Xin thương xót con, vì con là kẻ tội lỗi » giống như người thu thuế trong Thánh Kinh.

Chính Chúa soi đường dẫn lối cho những người ấy. Không phải vì Chúa chọn hay ưa chuộng như thế, nhưng vì những người khác có lẽ sẽ không nghe, cho rằng những lời này không nhắm tới họ. Chữ cầu nguyện và chữ bấp bênh có cùng gốc La-tinh với nhau. Hãy lấy ví dụ sau đây : Chúng ta ai cũng có lúc đi lạc trong một thành phố, bắt buộc phải hỏi đường…Chuyện gì xảy ra nếu chúng ta không nghe theo ? Là chúng ta lại đi lạc. Còn nếu ai thấy thật tình mình không biết, cần hỏi đường nên nghe theo lời chỉ dẫn ; người ấy tìm thấy đường mình muốn tới.

Đề tài về con đường luôn trở lại trong Tv 24, ngay trong phụng vụ chúa nhật hôm nay, có nhiều chữ như «lối đi » ;  « đường » ;  « nẻo » và động từ « chỉ lối »

8Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, 9dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người.

Đây là một đề tài cổ điển của các thánh vịnh sám hối vì lề luật của Chúa ( các điều răn) được sánh như bộ luật đi đường. đầu tiên Thiên Chúa giải thoát dân Ngài, sau đó - và chỉ sau đó mà thôi - Ngài mới ban bố phương thức để gìn giữ sự tự do đó suốt đời tu trì, đời sống gia đình và trong xã hội, như ta thường nói từ A tới Z .

Bấy giờ chúng ta hiểu vì sao thánh vịnh 24 được gọi là « Thánh Vịnh Chữ Cái ». Bài này gồm có 22 câu, mỗi câu bắt đầu bằng một chữ cái theo thứ tự A,B,C, theo ngôn ngữ Do Thái; trong một vài bản Kinh Thánh để báo hiệu điều đó có đề chữ cái bên lề. Thể văn này thường được dùng, tiếng Pháp gọi là  « Acrostiche » ; nhưng ở đây không phải luận về văn chương mà là một cách tuyên xưng đức tin. Người tín hữu Do Thái tin rằng Chúa ban Luật của Ngài là để cho dân Ngài hạnh phúc : Lề Luật là một món quà của Thiên Chúa. Thật ra chữ « Tô-ra » hay Lề Luật Ngũ Thư không có nguồn gốc là « cấm đoán », nhưng từ một động từ có nghĩa là « dạy bảo » : Lề Luật là thầy dạy về tự do ; dạy con đường đi đến Thiên Chúa :  5aXin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ,  vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Sẵn đây tôi xin lưu ý bài Tv hôm nay hiến cho chúng ta một loạt cữ trong đề tài kỹ niệm và quên lãng :xin nhớ lại. ; nhớ đến con cùng. ;nghĩa nặng với ân sâu ;nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời. ; 7cXin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.

Đây là cách nói vừa táo bạo, vừa khiêm nhu ! Táo bạo vì nhờ Giao Ước mới cho phép nói như thế và kẻ tội lỗi thốt lên lời này không phải một cá nhân mà cả dân được Chúa chọn. Chữ « Con »ở đây là chữ con tập thể. Chúa đã chọn và giải thoát, và toàn dân tuyên xưng Ngài  là « Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín »( Xh 34 :6)
Bài này không chỉ là lời nguyện cá nhân mà là bài thánh vịnh được viết cho nghi lễ sám hối trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.

Ngược lại với lời Giao -ước không bao giờ phai của Thiên Chúa, dân Ngài thì cứ luôn luôn bất trung ; ngay giữa bài Tv câu 11 có lời nguyện :

« 11 Lạy CHÚA, tội con thật nặng nề, vì danh Ngài, xin lượng thứ cho con »

Điều này rất hợp lý, lô-gích, khi mình yêu ai, chính nhờ tình yêu mà mình tha thứ người ấy !. Và nếu không tha thứ …đó là không thật lòng yêu !

Sau cùng, bài Tv này còn dành thêm cho chúng ta một bài học. Không phải trong các câu chúng ta đọc hôm nay, hay cả bài Tv, nhưng chỉ trong lúc chúng ta xét mình, nhìn lại chính trong thâm tâm chúng ta. ;  điều trung tâm của lời cầu sám hối này không phải tội lỗi của chúng ta, nhưng là Thiên Chúa và công trình cứu độ và giải thoát của Ngài :

« đường nẻo Ngài » … « chân lý của Ngài »… « nghĩa nặng với ân sâu của Ngài »

 đó đã là ơn hoán cải rồi, ước gì chúng ta thôi tự nhìn chúng ta để hướng về Thiên Chúa.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân               

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com