Lời Chúa CN

TÌM HIỂU TÂN ƯỚC CHÚA NHẬT 03 THƯỜNG NIÊN B - 24/01/2021

BÀI ĐỌC 2 ( 1Cr7, 29-31)

 

Bộ mặt thế gian này đang qua đi

 

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

 

29 Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này : thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có ; 

30 ai khóc lóc, hãy làm như không khóc ; ai vui mừng, như chẳng mừng vui ; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả ;

 31 kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.

Thánh Phao-lô vừa ca ngợi thân xác con người, sau khi được Phép Rửa Tội đã trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần. Đó là trong bài đọc chúa nhật tuần trước. Đọc câu sau đây lại có vẻ hạ giá việc hôn nhân như nói ngược lại với tuần trước :  Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có…để hiểu câu này nhất định chúng ta phải tìm hiểu cách giải thích nào khác.

Đoạn chúng ta đang đọc được đóng khung trước và sau bằng hai sự khẳng định gần giống như nhau. Điều thứ nhất, thời gian chẳng còn bao lâu, điều thứ hai là hậu quả của điều này Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.  

…« thời gian chẳng còn bao lâu » ; thật ra trong bản văn tiếng Hy-lạp, cụm chữ này nói về sự giao thông, có thể hiểu là « Thời gian đã hạ buồm ». Hình ảnh này rất gợi ý : sau khi vượt biển kết thúc hành trình, khi gần bờ thì thu xếp buồm lại để đưa tàu cập bến. Thánh Phao-lô tượng trưng loài người như con thuyền đã đến lúc kết thúc cuộc hành trình : tới bến là điều sắp diễn ra, tức là vừa gần, vừa chắc chắn. Có thể nói như các phóng viên làm phóng sự thể thao : chúng ta đang trên đoạn đường thẳng nước rút trước khi tới đích. Nhìn như thế chúng ta hiểu câu ấy, chỉ là hậu quả hiển nhiên thôi : nếu nhân loại đã kết thúc cuộc đua  bộ mặt thế gian này đang biến đi.  Chúng ta đang bên thềm của một thế giới mới ; một thế giới mà tiên tri I-sa-ia đã hứa : « Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới »( Is 65,17) Vì trung tâm của đoạn Thánh Kinh này là lời mời gọi nâng mắt nhìn lên cao hơn thường nhật của chúng ta, đây là chân trời của Thiên Chúa, một thế giới mới đang được sinh ra. Không phải một bài học luân lý mà là một lời mời gọi cùng hoan hỉ. Tin Mừng của Vương Quốc sắp đến là của mọi người, dù cho giàu hay nghèo, có vợ có chồng hay không có. Sau đó, thánh Phao-lô tìm cách trấn an người đọc về cách sống của mình. Không phải trẩy vợ nếu có vợ, nhưng sống những thực tế của cuộc đời thường nhật nhưng trong viễn ảnh một thế giới mới. Một viễn ảnh vừa gần vừa chắc chắn sẽ tới. Nói tới viễn ảnh là nói tới cách nhìn, đó là cách nhìn tới thế giới đang thay đổi, tức là tất cả cách sống của chúng ta. Đời sống hiện nay và đời sống sắp tới không phải hai giai đoạn khác hẳn nhau trong lịch sử; đó là hai cách sống của một thực tế như nhau, lối sống của dân ngoại và lối sống của Ki-tô hữu, của Adam và của Chúa Ki-tô.

Dưới ngòi bút của Thánh Phao-lô, đây cũng là những lời nói của sự tự do : cũng như ngài muốn nói : « Không có gì cản trở bạn, không có gì giữ bạn lại, cách sống của bạn, tiền của của bạn, những biến cố buồn, vui của đời bạn… ». Chỉ có một điều đáng quan tâm : thế giới mới. Và lúc ấy tất cả những thực thể của cuộc sống của bạn biểu lộ tầm quan trọng của cái thế giới mới ấy : đó là nguyên liệu của Nước Trời.  

Hình như trong các thư trao đổi với thánh Phao-lô, những nhân vật trách nhiệm cộng đồng Cô-rin-tô đã đặt cho thánh Phao-lô những câu hỏi rất thực tế, rất thông thường trong đời thường nhật, đặc biệt về hôn nhân : đời sống giới tính có phù hợp với cuộc sống thánh đức hay không ? Có nên cưới nhau hay không ?  Và nếu cưới nhau, thì sống chung thế nào ?...Thánh Phao-lô không cho những chỉ thị cụ thể, nhưng trao cho chìa khoá để có lối sống của người Ki-tô hữu : Dù trong trường hợp nào đi nữa, sống đời sống Kitô hữu đích thực là luôn để mắt nhìn về Nước Trời, như một người chạy đua chỉ nhìn tới đích, không nhìn xuống chân.

 Thánh Phao-lô giảng cho nhiều hạng tín hữu : những người có vợ có chồng, ; những người độc thân, kẻ giàu, người nghèo. Ngài nói với họ: « Này hởi tất cả các bạn, hãy nhìn về một hướng, đó là Nước Trời. » Những người có vợ, những người không có vợ, những người khóc lóc, những người không khóc,  những người hạnh phúc, những người không hạnh phúc, những người mua sắm, những người không có của cải gì, những người thụ hưởng đời này, những người chẳng được chi…tất cả nên sống giống như cách sống của Chúa Kitô. Đối với anh chị em gốc Do Thái ( cắt bì)  và những anh em ngoại ( không cắt bì), thánh Phao-lô đều khuyên chung một điều :

« 17 Ngoài ra, như Chúa đã định cho mỗi người làm sao, như Thiên Chúa đã kêu gọi mỗi người thế nào, thì cứ sống như vậy: đó là điều tôi truyền dạy trong mỗi Hội Thánh.

18 Ai đã cắt bì khi được kêu gọi, thì đừng huỷ bỏ dấu vết cắt bì! Ai chưa cắt bì khi được kêu gọi, thì đừng cắt bì!

19 Cắt bì chẳng là gì, mà không cắt bì cũng chẳng là gì cả; điều đáng kể là tuân giữ các điều răn Thiên Chúa. » (1Cr7 :17-19)

Phép Hôn Phối không bó buộc chúng ta thay đổi cách sống, ví dụ như sống đời sống vợ chồng hay độc thân, nhưng mà lối chúng ta sống : Tất cả là phải giữ những giới răn của Chúa. Và điều này có thể được trong tất cả các tình huống của đời mình. Ngài nhấn mạnh tới ba lần như thế :

« 19 Cắt bì chẳng là gì, mà không cắt bì cũng chẳng là gì cả; điều đáng kể là tuân giữ các điều răn Thiên Chúa.

20 Ai đang ở địa vị nào khi được kêu gọi, thì cứ ở địa vị đó.

21 Bạn là nô lệ khi được kêu gọi ư? Chớ bận tâm! Ngay cả khi có thể được tự do, tốt hơn hãy lợi dụng thân phận nô lệ (1Cr 7 :19-21)

Tất cả đều này thật chí lý, lô-gích vì chúng ta là men trong bột, không nên chui ra khi chúng ta đã được trộn vào trong bột. Ngược lại, trong bất cứ trong tình huống nào, ngay cả khi chúng ta là nô lệ, có thể nơi ấy là nơi chúng ta được mặc khải về Nước Trời cho chúng ta và cho những người chung quanh. Chính ngay trong giữa lòng cuộc đời này với những thực tế của nó, dù chúng ta thấy tốt hay xấu.

Tác phẩm của Chúa Thánh Thần sinh ra hoa trái làm thay hình đỗi dạng thực tế và làm cho sinh sôi nãy nở, những hoa trái, mà thánh Phao-lô miêu tả trong thư cho dân thành Ga-lát.

 « Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín,23 hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế »( Gl 5 :22-23)

Lời bình giải tuyệt vời nhất của đoạn này, chính Thánh Phao-lô đã ban cho chúng ta trong vài chương sau đó,  cũng trong thư cho dân thành Cô-rin-tô :

« 31 Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa » (1Cr 10 :31)

***

 

PHÚC ÂM (Mc1, 14-20 )

 

"Anh em hãy sám hối và tin vào phúc âm"

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.


14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 

 15 Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá.

  17 Người bảo các ông : “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.”

 18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người.

19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền.

  20Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

 

 Thánh Mác-cô kể cho chúng ta câu chuyện xảy ra  Sau khi ông Gio-an bị nộp : ông Gio-an Tẩy-giả bị công an của vua Hê-ro-đê đến bắt, kết thúc sứ mạng của « vị Tiền Hô ». Thánh Mác-cô dùng ở đây ( Trong văn bản bằng tiếng Hy-lạp) chữ « bị nộp », cũng như sau này nhiều lần khi nói về Chúa Giêsu ( cũng như trong Mc 9 :31 «Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại »), hay khi nói về các Tông-đồ trong Mc 13 :9 ( « Phần anh em, anh em hãy coi chừng! Người ta sẽ nộp anh em cho các hội đồng và các hội đường » ) . Đó là một cách nói trước cho chúng ta rằng : vận mạng của ông Gioan báo trước số phận của Chúa Giêsu cũng như sau này của các thánh Tông Đồ : Thật đúng y như những gì Tiên Tri I-sa-ia nói trong Bài Ca Người Tôi Trung ( Is50 và 52-53) hay là trong sách Khôn Ngoan :

 « Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm » (Kn 2 :12a)  

Cũng như các tiên tri, ông Gio-an Tẩy-giả, rồi đến Chúa Giêsu đều lần lược rao giảng sự sám hối. Không phải là ngẫu nhiên mà Thánh Mác-cô dùng cùng ngôn ngữ cho Chúa và cho ông Gio-an : « Rao giảng- Sám hối »

 « Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội » (Mc 1 :4)

 Và trong bài hôm nay :

 « Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. …  Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng »

Nội dung của sứ điệp giống như nhau, chỉ bối cảnh có thay đổi :  « Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê » :

« Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan »( Mc 1 :9) và sau đó đến sa mạc ( Mc 1 :12) rồi quay về Ga-li-lê và bắt đầu rao giảng : điều này ngụ ý nói Tin Mừng đến từ Ga-li-lê, cái xứ khả nghi, nhiều người tự hỏi « làm sao có cái gì hay được »( Ga 1 :46b) Nhưng Đức Giê-su phán :

« Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng »

 Thời kỳ đã mãn, dân It-ra-en có một khái niệm vể lịch sử rất đặc biệt. Đối với họ không có những sự kiện muôn thuở tái đi tái lại nhưng lịch sử It-ra-en có một hướng đi của lịch sử, mọi việc có ý nghĩa của nó và có định hướng rõ ràng. Mọi diễn biến có một ý nghĩa và lịch sử có cùng đích của nó. Cũng trong bối cảnh của lịch sử mà Thiên Chúa triển khai chương trình Giao-ước với loài người. Nói rằng  Thời kỳ đã mãn có nghĩa là chúng ta đã gần tới đích. Cũng như thánh Phao lô đã nói « chúng ta đã hạ buồm »khi tàu gần tới bến. Ngày ấy là ngày « Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm » theo như lời hứa của tiên tri Giô-en.(Ge 3 :1). Thì cũng chính vì thế ông Gio-an đã thấy thể hiện lời hứa ấy nơi Đức Giê-su trên đường đến sông Gio-đan chịu phép Rửa :  « Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần »(Mc 1 :8)

Đây là Tin Mừng : Ngày của Chúa « Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần », điều này có hai ý nghĩa : Nước Trời đến với chúng ta, chúng ta chỉ đón nhận ; chúng ta thường không bao giờ chấp nhận sự thật là tất cả là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa. Điều thứ hai là tất cả đã là hiện thực; Thánh kinh dùng thì đã qua : Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần ; khi Đức Giêsu lên khỏi nước sông Gio-đan nền trời xé ra : trời tái giao tiếp với đất.

Sự hoán cải mà Chúa Giê-su mời gọi chúng ta, có lẽ chỉ cần tin, món quà ấy được ban nhưng không và tất cả đã sẵn sàng. Chúng ta vừa đọc gần đây ( trong lễ Chúa Giêsu nhận phép Rửa) trong sách I-sa-ia «  Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! »( Is 55,1). Điều này giúp chúng ta hiểu câu : Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Chữ « và »theo tiếng Hy-lap còn có ý « nghĩa là ». Thế thì chúng ta phải hiểu câu này như :  

Anh em hãy sám hối, tức là tin vào Tin Mừng ; sám hối là tin vào Tin Mừng Thiên Chúa là tình yêu và tha thứ, và tình yêu của Chúa là dành cho chúng ta.

 Cũng vì thế mà Bài đọc 1  trong ngày chúa nhật thứ III thường niên hôm nay rút từ sách Giô-na. Điều này có hai sứ điệp : Chúa muốn tất cả mọi người được cứu rỗi chứ không chỉ cho vài người được ưu đãi, và điều thứ hai cũng như dân thành Ni-ni-vê, Chúa chỉ chờ nơi chúng ta một cử chỉ hoán cải mà thôi. Chỉ cần chúng ta hoán cãi là Chúa tha thứ. Cũng trong tinh thần này, thánh Phao-lô nói với dân thành Cô-rin-tô :

« chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa » ( 2Cr5 : 20),

  Hay hãy tin điều sau đây : « thiên ý này là kế hoạch yêu thương » (Êph 1 :9), đừng nghi kỵ như A-đam khi xưa rằng Chúa có những ý định xấu. Chính chữ « hoán cải » trong từ ngữ Do Thái có nghĩa là quay trở về « hoán cải » là quay trở về. Nếu chúng ta quay mặt lại, chúng ta sẽ thấy dung nhan của Chúa tình yêu và tha thứ. Đó cũng là điều « Đứa con hoang đàng » đã khám phá.

Tôi xin thêm vài ý nhỏ về ơn gọi các môn đệ đầu tiên của Chúa, Si-môn và An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an. Cũng như mọi ơn gọi, có hai giai đoạn, tiếng gọi và đáp trả. Đức Giê-su bước qua, thấy họ và gọi : sáng kiến trước tiên đến từ Thiên Chúa. Đối với các môn đệ, chính Nước Trời đến gần và gọi họ. Còn câu trả lời « 18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người » làm liên nghĩ đến ông Ap-ram, sách Sáng thế chỉ chép rằng « Ông Áp-ram ra đi, như ĐỨC CHÚA đã phán với ông »( St 12 :4). O đây Chúa nói với họ «… tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.”

Chúa không hứa những gì tốt đẹp cho riêng các ông nhưng cho những người khác ; kết hợp với công trình của các ông : cứu rỗi tha nhân.. Ngài cũng phán trong Phúc Ấm thánh Gio-an :

« tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào »( Ga 1,10).

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân               
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com