BÀI ĐỌC 1 (Đnl 18,15-20)
Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ và Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy.
Bài trích sách Đệ nhị luật.
15 Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng : “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em ; anh em hãy nghe vị ấy.
16 Đó chính là điều mà anh em đã xin với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, tại núi Khô-rếp, trong ngày đại hội ; anh em đã nói : ‘Chúng tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa, kẻo phải chết.’
17 Bấy giờ Đức Chúa phán với tôi : ‘Chúng nói phải.
18 Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy.
19 Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó.
20 Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết.’”
Sách Đệ Nhị Luật ở đây nhắc nhở chúng ta tới thời xa xưa trong sa mạc Si-na-i với ông Mô-sê… Dân chúng quy tụ dưới chân núi nghe tiếng Chúa nói với Mô-sê, trong lòng có hai tình cảm chi phối : vừa kinh ngạc thán phục, vừa sợ hãi. Kinh ngạc thán phục vì Thiên Chúa mà thốt lời nói với một dân tộc nhỏ bé - còn sợ hãi vì nghe tiếng Thiên Chúa mà không quay ra chết ?. Tình cảm sợ hãi đó lấn áp cả tâm hồn : « Chúng tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa, kẻo phải chết. »
Vì thế Thiên Chúa trao cho Mô-sê truyền lại lời hứa mà chúng ta đọc ở đây :
«Chúng nói phải. Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy »
Đây là một lời cam kết tuyệt vời : Thiên Chúa thông cảm nỗi sợ của dân chúng nhưng không cắt đi lời của Ngài. Thời ấy có rất nhiều kẻ lường gạt, như lời ông Mô-sê nói :
« Các dân tộc anh (em) sắp trục xuất ấy thì nghe những thầy chiêm tinh, thầy bói, còn anh (em) thì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), không cho làm như vậy » ( Đnl 18 :14)
Thế nhưng, thời ấy ai có lợi gì mà khơi lên câu chuyện cũ này ? Sách Đê-nhị-luật được viết rất trễ, trong một thời điểm mấu chốt của dân tộc Ít-ra-en, những năm 600 trước CN. Có rất nhiều tiên tri giả và dân chúng không biết tin vào ai có khuynh hướng nghe theo bất cứ ai. Thì đây bài này đến đúng lúc để nhắc nhở đường dễ bị những người tự xưng là tiên tri dụ dỗ ru ngủ : Thiên Chúa không giao Lời Ngài hay dân Ngài cho ai một cách hời hợt.
Lời hứa của ông Mô-sê gồm bốn điểm :
Thứ nhất : đó là một tiên tri do Chúa tuyển chọn chứ không phải bất cứ ai dẫn dắt dân Ngài. Thứ hai phải đến từ dân có Giao Ước với Thiên Chúa. Thứ ba là phải truyền y lại Lời của Chúa chứ không phải của ai cả. Thứ tư là điều sống còn của toàn dân là phải lắng nghe tiên tri này.
Điều thứ nhất : đó là một tiên tri do Chúa tuyển chọn chứ không phải bất cứ ai dẫn dắt dân Ngài. Câu này hình như ám chỉ những tiên tri giả không đến từ Thiên Chúa ; thời ông Giê-rê-mi-a cũng thế, Giê-rê-mi-a là nhân vật đương thời với phần lớn sách Đê-nhị-luật, lúc ấy có đầy dẫy tiên tri giả. Giê-rê-mi-a thường than vãn. Chính ông nói với một người tự xưng là tiên tri như thế :
« "Ông Kha-nan-gia, hãy nghe đây, ĐỨC CHÚA chẳng hề sai ông, thế mà ông lại làm cho dân này tin vào điều dối trá » ( Gm 28 :15)
Ê-dê-kien cũng không tiếc lời
« ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Khốn cho hạng ngôn sứ ngu si, chỉ theo thần khí riêng và chẳng thấy gì.4 Hỡi Ít-ra-en, các ngôn sứ của ngươi giống như bầy sói ở giữa đống hoang tàn đổ nát. 5 Các ngươi không lên lỗ hổng mà cũng chẳng xây tường bảo vệ nhà Ít-ra-en, để nó có thể cầm cự trong cuộc chiến đấu vào ngày của ĐỨC CHÚA.6 Chúng thuật lại những thị kiến hão huyền và những lời sấm dối trá, lại còn dám nói: "Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA." Nhưng ĐỨC CHÚA đâu có sai chúng đi; chúng mong đợi Người thực hiện lời chúng nói » ( Ed 13 :3-6)
Ngược lại với Mô-sê, Chúa đã chọn ông, rồi gọi ông và gửi ông đi ; ông không gấp chi trả lời lại, viện cớ vì mình hay nói lắp ( nói cà lăm). Nhưng Chúa cố thuyết phục ông, người-nói-lắp làm phát-ngôn-viên cho Ngài :
« 14 ĐỨC CHÚA nổi giận với ông Mô-sê; Người phán: "Nào chẳng có A-ha-ron, anh ngươi, là người Lê-vi đó sao? Ta biết: nó ăn nói được lắm…Chính Ta sẽ ngự nơi miệng ngươi và nơi miệng nó. Ta sẽ chỉ cho các ngươi những gì các ngươi phải làm.16 Chính anh ngươi sẽ thay ngươi mà nói với dân. Chính nó sẽ là miệng của ngươi; còn ngươi, ngươi sẽ là một vị thần đối với nó » ( Xh 4 : 14…16)
Vì những lẽ đó bài đọc hôm nay nhấn mạnh là chỉ phải tin vào một ngôn sứ « như Mô-sê »
Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy.
Bài này vạch rõ sự khác biệt rõ ràng hiện tượng tiên tri giả ở Ít-ra-en với tất cả những hình thức tôn sùng thánh thiêng khác ; người tiên tri không phải là thầy bói, là vị ngôn sứ của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa không đùa để tiên đoán tương lai.
Điều thứ hai : Người Tiên-tri thật phải đến từ dân có Giao Ước với Thiên Chúa. : “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, rõ ràng câu này muốn nói lên thời ấy có đầy dẫy tiên tri xứ ngoài dụ dỗ dân chúng theo nhiều đạo khác. Chúng ta còn nhớ 400 tư tế Ba-an do hoàng hậu Giê-da-ben triệu về mà tiên tri Ê-li-a từng chống đối. Vì thế ngôn sứ Ít-ra-en thời ấy không phải là một thầy bói mà là một đấng trung gian của Giao-ước.
Điều thứ ba : Người ngôn sứ thật sự chỉ truyền lại một cách trung tín Lời của Chúa, và chỉ Lời ấy mà thôi.
19 Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó.
20 Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết.’”
Thời tiên tri Giê-rê-mi-a có loại người biết ăn biết nói ấy rất nhiều. Trong chương 23 có những Lời rất gắt gao như trong (Gr 23 :16)
16 ĐỨC CHÚA các đạo binh phán như sau: đừng nghe lời các ngôn sứ tuyên sấm, chúng phỉnh phờ các ngươi; điều chúng nói chỉ là thị kiến do tưởng tượng, chứ không phải do miệng ĐỨC CHÚA phán ra.
Hoặc trong ( Gr 23 :32)
Này Ta chống lại những kẻ dựa vào những giấc chiêm bao dối trá mà tuyên sấm - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Chúng kể lại những giấc chiêm bao và làm cho dân Ta lầm lạc vì những điều dối trá cùng những chuyện khoác lác ba hoa của chúng. Chính Ta, Ta đã không phái chúng đi, cũng chẳng truyền lệnh cho chúng; đối với dân này, chúng thật vô tích sự. Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.
Điều thứ tư và là điều cuối, dân phải nghe các tiên tri do Thiên Chúa cử đến, điều này là điều cốt tử cho toàn dân.
19 Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó.
Có lẽ chúng ta ngạc nhiên thấy trong sách Đệ-nhị-luật cũng như trong sách Giê-rê-mi-a tầm quan trọng về các ngôn sứ thật : qua đó chúng ta tin rằng vấn đề này thật là quan trọng thời bấy giờ. Chúng ta tự hỏi có lẽ ngày nay hay từ muôn thuở đều cũng như thế. Ngay trong chương đầu tiên của thư thứ hai Thánh Phêrô viết rất lâu sau, ngay trong Tân -ước cũng viết :
19 Như vậy chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em.20 Nhất là anh em phải biết điều này: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh.21 Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa.
***
THÁNH VỊNH (Tv94, 1-2.6-7a.7b-9)
Đáp : Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người : các bạn đừng cứng lòng
1Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa,
tung hô Người là Núi Đá độ trì ta,
2vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ,
cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.
Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng.
6Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục,
quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta.
7aBởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ,
còn ta là dân Người lãnh đạo,
là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.
Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng.
7bNgày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
8Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng
như tại Mê-ri-ba, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc,
9nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức
và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.
Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng.
Sau khi nghe ở Bài đọc 1 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghe lời Chúa thật sự truyền từ các ngôn sứ, ở đây không lạ gì có tiếng vang :« 7bNgày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa ! ».Lý do là dân It-ra-en này thường không ngoan ngoãn nghe các tiên tri, ngay trong sa mạc có những lúc lấn cấn với chính ông Mô-sê. Chính vì thế Thánh vịnh này phảng phất kinh nghiệm tiêu cực xảy ra trong sa mạc.
Trong thánh vịnh hôm nay nguyên văn trong Thánh Kinh là :
« 8 [Người phán]: "Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, 9 nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm. »
Thực ra Mơ-ri-vê và Ma-xa không có trong bản đồ nào. Câu truyện đã xảy ra tại Rê-phi-đim ( Ngày nay gọi là Oua-đi Phay-ran). Dân chúng dựng lều trại nghỉ ở đó nhưng không có nước ; giữa dân chúng và Mô-sê dần dần lên giọng với nhau : cho dựng lều một nơi không có nước uống, đó là muốn họ chết khát hết. Họ nghĩ như thế. Khỏi nói cũng biết loại kết án như thế, Mô-sê cảm nhận như một lời nguyền rủa tồi tệ. Còn ông thì lúc nào cũng tin cậy nơi Chúa. Nếu Ngài đã đem tới đây thì chắc chắn Ngài có cách cho họ sống. Và để đáp lại lòng tin của Mô-sê và để tha thứ sự nghi ngờ của dân chúng, Chúa cho nước phun ra từ một tảng đá. Để đánh dấu cái nơi đáng ghi nhớ đó, Mô-sê đặt cho nơi đó cái tên kép là Mơ-ri-va và Ma-xa có nghĩa là « thử thách và gây sự » vì đã gây sự với Chúa.
Biết như thế câu sau đây nói lên đầy ý nghĩa
« Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc » 9 nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm. »
Chỉ trong câu ngắn gọn ấy, đủ tóm tắt cuộc hành trình đức tin của chúng ta, cho mỗi cá nhân cũng như trong cộng đồng. Có thể nói một cách đầy đủ « Vấn đề cậy trông ». Cứ mỗi lần gặp khó khăn, dân It-ra-en lại đặt câu hỏi « Chúa có ở cùng chúng ta hay không ». Có nghĩa là chúng ta nên cậy trông ở Chúa không ? Chúng ta có nên dựa vào Chúa không ?.Tin chắc là mỗi lần khó khăn Chúa có giúp chúng ta vượt qua không… ?
Thánh Kinh nói tin, giản dị là cậy trông. Vấn đề cậy trông được đặt ra ở Mơ-ri-va và Ma-xa là một trong những điều cốt lõi về dân It-ra-en ; bằng chứng là điều này được thoáng qua trong thật nhiều bài trong Kinh Thánh. Ví dụ như chữ « đức tin » chữ Do Thái có nghĩa là « dựa vào Thiên Chúa »- cũng từ đây mới có chữ Amen, có nghĩa là « cứng- vững » có thể dịch là « tin như sắt đá ». Ví dụ như I-sa-i-a nói với vua A-khát « Nếu các ngươi không vững tin,thì các ngươi sẽ không đứng vững »(Is7 :9b)
Có một loạt sách được triển khai chung quanh chữ « nghe »vì khi tin cậy nơi ai, người ta nghe người ấy. Từ đó có lời nguyện Do Thái « Sê-ma It-ra-en » :
« Hãy nghe đây It-ra-en,Thiên Chúa, Chúa các ngươi là MỘT. Hãy yêu Chúa các ngươi hết lòng, hết trí khôn , hết sức lực… »Ngươi yêu, tức là phải cậy trông.
Muốn nghe, thì phải mở tai ra mà nghe (Trong Thánh Kinh ta thường thấy chữ nghe, đó là muốn nói hãy tin cậy vào Chúa) . Ví dụ như trong Thánh Vịnh 39 (40)
7 Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con;
Hay trong Bài Ca Người Tôi Trung (Is50, 4-5)
Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ. 5 ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.
Chữ Vâng lời, cũng tương tự như thế. Tiếng Hy-lạp hay tiếng Do-thái cũng từ một gốc cùng động từ Nghe , tức là tin tưởng, trông cậy vào. Chữ Pháp cũng thế, chữ Vâng lời ( Obeir) cũng từ một gốc La-tin là Nghe ( Audire) .
Trông cậy vào đức tin dựa vào trải nghiệm…Đối với dân It-ra-en tất cả bắt nguồn từ việc được giải thoát khỏi Ai-cập. Đó là điều Thánh-vịnh này muốn nói về « những việc Ta làm » :
« …dù đã thấy những việc Ta làm. »
Trải nghiệm đó, thế kỹ này kế tiếp thế kỷ khác được gìn giữ trong trí nhớ để nâng đỡ đức tin : Chúa đưa dân ngài ra khỏi ách nô lệ chẳng nhẽ để cho họ chết đói hay chết khát trong sa mạc.
Vì thế có thể dựa vào Ngài như vào một tảng đá… « tung hô Người là Núi Đá độ trì ta » , không phải chỉ là câu thơ, mà là một lời tuyên xưng đức tin. Một đức tin dựa trên trải nghiệm trong sa mạc, tại Ma-xa và Mơ-ri-va, nơi dân Ngài nghi ngờ về Chúa không cho dân Ngài sống sót…Thế nhưng Chúa đã làm cho tảng đá phun ra nước ; kể từ đó để tưởng nhớ sự kiện đó, Chúa được gọi là « Tảng đá »của dân It-ra-en.
Sự chọn lựa quyết tâm cậy trông ấy phải được chọn mỗi ngày : « Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa ! »Phải đọc câu này với một ý nghĩa giải thoát : mỗi ngày là một ngày mới, ngày hôm nay mọi việc lại có thể được. Mỗi ngày chúng ta có thể cố gắng « nghe »và « tin tưởng » ; vì lẽ đó mà Tv 94 được đọc mỗi sáng trong Phụng Vụ từng giờ và dân Do Thái đọc hai lần mỗi ngày kinh tuyên xưng đức tin của họ ( Sê-ma It-ra-en) , kinh này bắt đầu bằng « Hãy nghe đây » . Và « Bài Ca Người Tôi Trung » nói lên điều này : ( Is 50 :4)
« ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ »
Sau cùng tôi xin lưu ý Tv luôn luôn dùng số nhiều 7bNgày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa ! Mọi người đều ý thức mạnh mẽ là thuộc về dân được chọn :
« còn ta là dân Người lãnh đạo », đây là toàn dân It-ra-en đứng ra làm chứng tá. Trong suốt lịch sử của họ, hình như họ nói cho số nhiều : 6Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. Không cần biết đức tin của mỗi người ra sao.. Chúng ta đang đề cập đến những vấn đề mà Giáo hội đang gặp hiện nay.Trong Thánh Kinh, cả một dân tộc đến cùng Chúa :
« 1Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta »
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng