BÀI ĐỌC II (1 Cr 7,32-35)
Người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
32 Thưa anh chị em, tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa : họ tìm cách làm đẹp lòng Người.
33 Còn người có vợ thì lo lắng việc đời : họ tìm cách làm đẹp lòng vợ,
34 thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời : họ tìm cách làm đẹp lòng chồng.
35 Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co.
32 Thưa anh chị em, tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa : họ tìm cách làm đẹp lòng Người.
33 Còn người có vợ thì lo lắng việc đời : họ tìm cách làm đẹp lòng vợ,
34 thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời : họ tìm cách làm đẹp lòng chồng.
35 Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co.
« …được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co » điều quan trọng nhất đối với thánh Phao-lô chỉ có thế. Chúng ta còn nhớ cái công thức tốt đẹp được đọc tuần vừa qua « thời gian chẳng còn bao lâu » có nghĩa đen là « đã đến lúc cuốn buồm lại »vì tàu sắp đến bến. Tất cả có nghĩa lịch sử loài người đã đến thời viên mãn, Chúa Ki-tô đến chu toàn ý định của Thiên Chúa, tức là hiệp nhất tất cả chúng ta trong Ngài.
Thề nhưng chúng ta rất có thể dựa vào Nước Trời đã đến thật gần mà rơi vào hai thái cực khác nhau. Dân Cô-rin-tô đang tha hồ làm như thế : Một đàng thì trác táng vì chỉ Nước Trời mới có giá trị, dưới thế này, Chúa Giêsu đã giải thoát chúng ta rồi ; đàng khác thì khinh miệt giới tính, tự cho mình là siêu nhân, kêu gọi khiết tịnh bất cứ giá nào, cho rằng « đàn ông không gần đàn bà là điều tốt »( 1Cr 7,1)
Chúng ta đã nghe thánh Phaolô ngày chúa nhật thứ hai cách đây 2 tuần (1Cr 6 :18-19) :
18 Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình. 19 Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?
Hôm nay thánh nhân đã phá thái độ ngược lại, kêu gọi khiết tịnh tuyệt đối trong hôn phối hay trong đời sống độc thân. Ngài bắt đầu rất cẩn thận tuyên bố rằng ngài chỉ nêu lên là để trả lời những câu hỏi được đặt ra cho ngài : « Bây giờ, tôi đề cập tới những điều anh em đã viết cho tôi »( 1Cr 7 :1)
Ngài cẩn thận là phải vì dân Do Thái thời bấy giờ đang tranh luận sôi nổi về vấn đề sống độc thân. Đã từ bao nhiêu thế kỹ trước. Câu sau đây của sách Sáng Thế :
1« ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán: "Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó »( St 2 :18) và câu « Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. »( St1 :28)-làm cho mọi người nghĩ rằng đời sống bình thường là trong hôn nhân. Cũng vì lẽ đó mà các hoạn quan không thể nào làm tư tế ( Lv21,20) hay vào các cộng đồng của Thiên Chúa.( Đnl 23,22). Hơn nữa những người vô sinh cảm nhận như một nỗi khổ nhục và một sự nguyền rủa. Bà Ra-khen nói sau khi sinh được đứa con đầu lòng :
« Bà có thai và sinh một đứa con trai. Bà nói: "Thiên Chúa đã cất nỗi hổ nhục của tôi ». ( St 30 :23)
Sau khi được giải thoát khỏi cảnh lưu đày ở Ba-by-lon, sự khinh khi những người độc thân hay bị hoạn được cất đi trong các sách thánh ( Is 56 : 3-5)
« Người ngoại bang gắn bó cùng ĐỨC CHÚA chớ nói rằng: "Hẳn ĐỨC CHÚA đã tách tôi ra khỏi dân Người." Người bị hoạn chớ nói: "Chính tôi đây là một cây khô »
Hay sách Khôn ngoan ( (Kn 3 :14)
« Vợ dốt, con gian, và dòng dõi chúng bị chúc dữ. Thà không con còn hơn có dòng dõi vô đạo »( Kn 30 :23)
Nhưng dư luận thời ấy còn rất dè dặt đối với những người cố tình sống độc thân. Thánh Phao-lô tranh đấu chống sự khinh khi đó; hơn nữa ngài không khinh khi ai cả, người sống lứa đôi hay độc thân.
Ngài cũng không cho chúng ta một thuyết nào cả ; ngài không cho chúng ta một bài học về hôn nhân , đời sống độc thân hay nói chung về giới tính.
« Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co ».
Tuy nhiên ngài nhận xét rằng, có những người độc thân biết vận dụng sự tự do của mình để cống hiến cho Chúa và tha nhân. Có khi đời sống lứa đôi choáng hết bầu trời của những người yêu nhau đến nỗi bỏ bê tất cả đời sống siêu nhiên ; Hình như ngài có dưới mắt hai loại người ấy…
Thánh Phao-lô còn thấy có các vợ chồng trong đó một trong hai người gặp phải những vấn đề nan giải chung quanh việc sống cùng một đạo. Ngài triển khai đề tài này trong câu trước đó : Khi trong một cặp vợ chồng được nghe về đức tin Ki-tô, và chỉ một trong hai người muốn trở lại đạo, người kia không muốn : làm sao người mới trở lại đạo sống gắn bó với Chúa không bị chi phối ?.
Nhưng điều ngược lại cũng có thể xảy ra : tình yêu trong hôn phối dần dần dẫn đến tình yêu Thiên Chúa và tha nhân và trái lại có những người độc thân góp thu mọi chuyện về riêng trong sự ích kỹ của mình. Chúng ta thường biết hai thái độ đó, nhưng thánh Phao-lô chọn không đề cập đến trong bầu khí lúc ấy khinh miệt những người độc thân đang rất thịnh hành.
Mục đích chính của ngài là truyền bá Tin Mừng. Mỗi người chọn sống thế nào để có thể cống hiến tốt nhất. Điều quan trọng nhất là « được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co »vì « thời gian chẳng còn bao lâu ». Viễn ảnh đó phải luôn có trong tâm trí chúng ta. Ngài nói « Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì »có lẽ điều này thánh nhân cho là thật quan trọng nên lặp lại 5 lần trong một đoạn ngắn này. Chúng ta nghe như một lời vang dội trong thư gửi thành Phi-líp-phê.
« Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến.6 Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.7 Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su »( Pl 4 :5-7)
***
PHÚC ÂM (Mc 1,21-28)
Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
21 Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy.
22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.
23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên
24 rằng : “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !”
25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !”
26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.
27 Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau : “Thế nghĩa là gì ? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !”
28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
Tôi xin đọc bài Thánh Kinh này theo thứ tự. Chúa Giêsu vừa mới tuyển chọn bốn môn đệ đầu tiên trên bờ biển hồ Ga-li-lê : Trước hết là Simôn và anh ông là An-rê kế tiếp là Gia-cô-bê và Gio-an con ông Dê-bê-đê, với các môn đệ này Ngài đến « … thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy ». Đó là điều người Do Thái làm không có gì lạ thường. Thánh Mác-cô muốn nhấn mạnh nơi đây Chúa là gốc Ít-ra-en, sống theo truyền thống cha ông. Khi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng trên đất Ga-li-lê, Ngài phán rằng : « Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.» ( Mc, 1 :15),đó là một cách thể hiện Ngài cũng như truyền thống toàn dân Ít-ra-en, sống trong chờ đợi chương trình của Thiên Chúa được thực hiện. Và đây trong hội trường thành Ca-phac-na-um Ngài đang giảng dạy. Và cũng không có gì đáng ngạc nhiên, một người Do-thái như Ngài đứng ra bình luận Thánh Kinh vừa mới đọc.
Nhưng hình như thánh Mác-cô muốn hướng chú ý của người đọc về lời giảng dạy của Chúa Giêsu, cho nên chữ giảng dạy và lời giảng được lập lại bốn lần trong vài hàng.
Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.
Và :
“Thế nghĩa là gì ? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền.
Qua đó có lẽ có vài người trong cử tọa nhớ lại lời của Chúa hứa cho ông Mô-sê , mà chúng ta vừa nghe trong Bài đọc 1, sách Đệ Nhị Luật ( Đnl 18,8) :
“Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em ; anh em hãy nghe vị ấy.
Đấy rõ là trung tâm của lời giảng dạy của Chúa Giê-su mà thánh Mác-cô lưu ý như là sự thay đổi đột ngột, một điều mới lạ, lịch sử nhân loại bị đảo ngược. Hôm nay là Đấng Cứu độ. Thay chỗ thông thường của các kinh sư. Chúng ta sẽ thấy ngay bằng chứng từ nơi thánh Mác-cô. Thánh sử không nói Chúa Giê-su dạy những gì nhưng hơn thế nữa, giữa hai lời giảng dạy thánh Mác-cô miêu tả một hiện tượng mà ngày nay chúng ta gọi là cuộc trừ quỷ. Theo thánh sử Máccô, hai mặt của công trình Thiên Chúa ( Lời giảng dạy và trừ quỷ) phải đi đôi, hay có ý nói lời giảng dạy hay nhất là hành động, hành động thật sự, hành động giải thoát con người khỏi mọi sự dữ.
Tất cả điều này, như chúng ta nhận thấy xảy ra trong đền thánh ( Thánh sử nhấn mạnh hai lần như thế ) và hơn nữa trong ngày Sa-bat. Điều này cũng không phải không quan trọng, vì ngày Sa-bat là ngày tốt để ca tụng tác động của Thiên Chúa Đấng Tạo Dựng và Giải Thoát. Nơi đấng Giêsu thánh Mác-cô cho ta thấy đó là người Cha giải thoát chúng ta khỏi ách của ma quỷ : Thời gian đã đến rồi vì chúng ta đã thắng sự Dữ.
« Còn nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông ». (Mt 12:28)
Ngày hôm đó, trong các tín hữu quy tụ trong đền thánh có một người bị quỷ ám. Đấng Giê-su không khiêu khích người đó nhưng quỷ lại thấy bị khiêu khích bởi chỉ sự hiện diện của Ngài. Mặt đối mặt với Thiên Chúa Chí Thánh là điều không thể chịu nổi vì ma quỷ còn gọi là thần ô uế, theo tiếng Hy lạp là trái nghĩa với Chúa Chí Thánh. Chính vì thế hắn mới la to lên sự thất bại của hắn :
“Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !”
Thần ô uế miệng hỏi nhưng đã hiểu tất cả rồi : Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ?
Đứng trước mặt đấng đến giải thoát con người khỏi mọi sự dữ, ma quỷ tự lột mặt nạ, nhìn nhận uy quyền của đấng Giê-su.
Lần này Chúa lên giọng “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” . Lần này Chúa dùng một động từ đáng ngạc nhiên, cùng một động từ khi Chúa làm phép lạ cho bão tố ngưng : (Phi-mo-ô). Nhưng tại sao Chúa bảo thần ô uế im đi ? Có lẽ đây là cũng là một « Bí mật Thiên sai », mà chúng ta đã nghe trong Thánh Kinh khi Chúa Giêsu chưa muốn cho các Tông Đồ biết vì các ông chưa sẵn sàng để biết ý định của Ngài. Điều giản dị hơn là trong Thánh Kinh ít ai nói lên đúng như một lời tuyên xưng đức tin, có giỏi lắm là một câu có ý nghĩa ; ngược lại trong Thánh Kinh thường thường là ma quỷ mới có những lời tuyên xưng tốt đẹp
Chỉ thêm một lời của thần ô uế là người này được giải thoát ; và mọi người truyền với nhau về tầm quan trọng của sự việc.
27 Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau : “Thế nghĩa là gì ? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !”
Lời tường thuật của thánh sử Mac-cô kết thúc bằng một câu hỏi Thế nghĩa là gì ?. Đó là vai trò của các phép lạ và các hành động uy quyền của Chúa Giê-su : Không để chứng minh điều gì cả mả làm cho mọi người đặt câu hỏi hay có tác dụng như những dấu chỉ.
Bây giờ chúng ta xem lại cả bài Phúc Âm đối với người đọc, vì lẽ một bài nào cũng thế, nói chi một bài Thánh kinh luôn nhằm tới đọc giả. Khi thánh Mac-cô viết Phúc Âm của ngài sau bao nhiêu năm Chúa phục sinh, thánh nhân khuyến khích anh em hãy đứng vững trong đức tin : cũng như ngài muốn nói, bốn môn đệ đầu tiên từ thuở ban đầu đã theo Chúa Giê-su rao giảng và hành động : đó là Giáo Hội sơ khai, bây giờ đến lượt anh em đi rao giảng Tin Mừng cho cả nhân loại ( Đó là ngụ ý của con số bốn trong Thánh Kinh ). Anh em bây giờ đã được tách ra khỏi đạo Do Thái, đã bắt đầu có sự rạn nứt giữa đấng Giê-su và các kinh sư ; nhưng anh em có thể tin nơi Đấng có Lời nói uy quyền thắng được thần Dữ. Đấng này còn sẽ lay động nhân loại và ngay cả dân có đức tin. Những lời kêu la và khuấy động chỉ là những dẫy dụa cuối cùng. Sự Dữ đã bị đánh bại từ ngày Đấng Ki-tô Phục sinh. Anh em thân mến, anh em là những người được ký thác sự thật của đấng Ki-tô và uy quyền của Ngài ; bây giờ đến phiên anh em cùng với Chúa bịt miệng các thế lực của thần dữ.
Tại Ca-phac-na-um người đương thời với Chúa Giê-su ngạc nhiên :
27 Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau : “Thế nghĩa là gì ? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !”, nhưng đối với chúng ta ngày nay, phải đi xa hơn ; tin nơi đấng duy nhất có thể giải thoát nhân loại khỏi mọi thế lực của thần dữ.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng