Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT 05 THƯỜNG NIÊN NĂM B - 7/02/2021

BÀI ĐỌC 1 (G 7,1-4.6-7)

 

« Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng ».

 

Bài trích sách Gióp.


1 Bấy giờ, ông Gióp lên tiếng nói :
Cuộc sống con người nơi dương thế
chẳng phải là thời khổ dịch sao ?
Và chuỗi ngày lao lung vất vả
đâu khác gì đời kẻ làm thuê ?

2Tựa người nô lệ mong bóng mát,
như kẻ làm thuê đợi tiền công,

3cũng thế, gia tài của tôi là những tháng vô vọng,
số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề.

4Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm : “Khi nào trời sáng ?”
Mới thức dậy, tôi liền tự hỏi : “Bao giờ chiều buông ?”
Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng.

6Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa,
và chấm dứt, không một tia hy vọng.

7Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho,
cuộc đời con chỉ là hơi thở,
mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.

Một tiếng kêu la xuyên qua bao nhiêu thế kỷ : Đó là tiếng kêu của con người bị xâu xé trong thân xác và trong tâm hồn, của nhân loại đau khổ, vấn nạn vây hãm mà không có giải đáp . Sách Gióp là tiếng kêu đó. Không phải là một câu chuyện lịch sử ; mà là một loại « sách khôn ngoan ». Nhân vật chính không có thật nhưng trên thực tế có hằng tỹ mẫu người như thế. Gióp là một người đau khổ, cũng như tất cả chúng ta, không ít thì nhiều một ngày nào đó. Trong các bệnh viện, trong nỗi lo lắng và đơn độc của những người sắp lìa đời, trong cảnh khốn khổ của người đói khát, trong bạo lực của các chiến tranh của chúng ta và trong những hành động dã man của chúng ta…bất cứ ở đâu có một người giữa chúng ta đang đau khổ có thể lập lại những lời này, những lời kêu than này, không cần thay một chữ.

Gióp thực ra là bất cứ ai…thế nhưng không ai vừa từng biết hạnh phúc như ông Gióp, và đồng thời từng gặp bao nhiêu đau khổ như ông. Chuyện của ông bắt đầu như một câu truyện thần thoại : « Ngày kia » ở xứ Giot-đa-ni có một người tên Gióp. Mọi thành công đến với ông, dường như mọi thần thánh che chở ông ngay từ bé còn nằm trong nôi…Nhưng ông Gióp là người rất có đức tin, ông nghĩ rằng đó là Chúa, chẳng phải ai khác đã ban cho ông tất cả : vợ ông, bầy con đông đúc của ông, đẹp đẻ, vui tươi, thông minh… và thuận hoà với nhau trong một nhà. Trong xã hội ông là người hoàn toàn thành công : có nhiều uy tín được mọi người tin cẩn, đến tư vấn trước những việc quan trọng. Sự giàu có của ông có thể nói hoài không dứt : tiếng tâm của ông lang rộng khắp Trung Đông. Và điều tuyệt nhất là ông có nhiều sức khoẻ.

Thế nhưng ngày nọ, có tên phá đám trên kia nói xa gần rằng đức tin của ông Gióp không thể nào chống cự lại được thử thách : Ông Gióp là người công chính, điều này không thể chối cãi, thế nhưng thật tình mà nói ông không có công ơn gì. Đường đời ông được gieo rắc toàn là hoa hồng ; nếu gặp gai gốc thử xem ông sẽ chịu đựng được như thế nào ?. Và các thử thách càng ngày càng tồi tệ cứ tới tấp tới với ông. Cuối cùng ông không còn gì cả : hết, hết cả không còn gia đình, căn nhà êm ấm, con cái chết hết, của cải tiêu tan, cả sức khoẻ cũng không còn; mọi sức lực thể lý ; thân xác không còn hình dáng con người, ông chỉ là một vết thương to lớn bị mọi người ghê tởm muốn vứt đi như đống rác ra xa thành phố. Đúng hơn ông còn lại một thứ, nhưng thà không còn thì hơn : đó là lời chế giễu của vợ ông, những lời nguyền rủa của người đời, cả của bầy trẻ con và tệ hơn hết là ông không còn người bạn thân nào nữa, chỉ còn những người sở hữu đầy những điều sung sướng và miệng đầy những lời nói tốt đẹp.  

Từ đó bắt đầu một con đường hầm dài đăng đẳng và điều gì chờ đợi đã tới. Kẻ gieo rối đoán trước điều gì phải tới, nghĩ rằng rồi người ta sẽ thấy điều sẽ thấy…nhưng không phải như thế, không như hắn chờ đợi. Ông Gióp là người có lòng cậy trông : lòng cậy trông của ông tóm lại trong hai chữ chịu đựng, chịu đựng, với bất cứ giá nào cũng chịu đựng. Ông chờ đợi, chờ đợi công lý rồi sẽ đến, vì mọi điều xảy ra cho ông không có công bằng chút nào ; ông chờ đợi được nghe, nâng đỡ, chữa trị, lành bệnh, sống lại, sức khỏe hồi phục, phẩm giá hồi phục : ông chờ đợi nhất là được thông cảm và không phải bất cứ ai thông cảm ông : ông chờ chính Thiên Chúa nghe thấy ông !  

Và ông nói : để chứng tỏ ông còn sống, còn hiện diện, ông chỉ còn có một nguồn lực, đó là lời nói. Nghĩ thế ông nói, nói với tất cả các mọi cách, ông kêu la, khóc lóc, gào thét. Với Chúa ông còn ra lệnh cho Chúa phải nói :

« Xin hãy lắng nghe lời tôi nói, và như thế đã là yên ủi tôi »(G 21 :2)

 « Xin các anh nghe lời tôi biện hộ; xin để ý lời miệng tôi phân trần ». ( G 13 :5)

Và cứ thế ông tiếp tục nói. Lòng cậy trông của ông là dám nói, kêu la, phẫn nộ, gọi hỏi Chúa…không có gì làm ông im mồm : lời càm ràm của vợ ông, những lời tốt lành quá nhân đức của các bạn ông, những lời chế nhạo của bọn trẻ con…không có gì làm ông im miệng. Nghĩ cho cùng lời nói của ông không phải là điều quan trọng, điều quan trọng, và tuyệt vời là ông cứ tiếp tục nói. Ông kiên trì nói, khăng khăng nói. Dĩ nhiên mọi người tìm cách cho ông im đi, bảo ông kêu la như thế là không thánh đức : Chúa chỉ yêu những bài thánh ca êm dịu. Thế nhưng ông Gióp cứ kiên trì. Ông nắm từ nguồn tin chắc chắn rằng cuối đường hầm, dù có dài mấy đi nữa cũng sẽ đưa tới ánh sáng. Lắm khi thân xác của ông bỏ rơi ông, làm ông ngã quỵ trong đống phân của ông …nhưng ông vẫn chỗi dậy. Và ông nói.

Ông Gióp cuối cùng ngưng nói khi Chúa xuất hiện. Vì Thiên Chúa là Chúa của bụi gai cháy trên núi Si-na-i, Đấng nghe tiếng kêu của những người đau khổ, ông Gióp biết từ nguồn tin chắc chắn là Chúa sẽ nghe và xuất hiện. Sau cùng nhờ lòng kiên trì ông được đền bù : Chúa xuất hiện và cất lời với ông. Vì thế cuối cùng ông Gióp có thể ngừng nói, nguôi đi, tìm lại sự thanh thản…thật đáng cho ông đợi chờ.

Câu truyện cho ta bài học luân lý gì ?. – Không, Chúa không chỉ thích những lời êm dịu của các bài thánh ca, thánh vịnh…Ngài yêu thích và lắng nghe những tiếng kêu của người đau khổ…Nhưng chưa đủ : dù chúng ta là ai đi nữa, chúng ta tìm hiểu xem sách này cho ta những bài học gì khác. Tại sao có đau khổ ? Từ đâu đến ? Ai gởi đến cho chúng ta ? Tại sao Chúa lại im lặng ? : Tất cả những câu hỏi đó ông Gióp cũng từng hỏi. Ông chỉ biết nói, nói lên nỗi đau khổ của ông, đau thể lý, tâm lý, nỗi đau tình cảm, lo lắng trước cái chết và nỗi kinh sợ phải sống trực diện với những người bạn không đồng cảm…và tệ hơn hết là sự im lặng của Chúa. Ông gióng từng tiếng các nỗi đau đó, với những lời lẽ đáng phục và lập đi lập lại không ngừng vì trước mắt ông là sự bất công của Chúa.   

Còn các bạn ông, mỗi người giải thích một cách, đại loại là các lý giải mà những người chung quanh ta thường nói trong các trường hợp tương tự. Đại khái xoay chung quanh hai cách giải thích :

Cách lý giải đầu tiên :  Sự đau khổ là một hình phạt. Nếu bạn bị chịu hình phạt là tại bạn phạm tội ; ông Gióp trả lời rằng : Không, tôi cam đoan với các bạn, tôi không có phạm tội ; các bạn ông còn lại thêm : anh lỗi thêm tới hai lần : anh phạm tội ( bằng chứng là anh khổ) mà anh còn cả gan chối từ ! Loại lý giải ấy bắt nguồn từ một lẽ tự nhiên, một lô-gíc « Kẻ tốt được thưởng, kẻ dữ bị phạt ». Chúng ta nên thành thật nhìn nhận khi chúng ta nói «Nào tôi đã làm gì xúc phạm đến Chúa đâu » ? hay « Đáng đời cho hắn », thì chúng ta cũng không thua gì các bạn ông Gióp.

Cách lý giải thứ hai : Đau khổ là một bài học thánh đức vì « Thương cho roi cho vọt ». Cũng như khi một trong những người bạn ông Gióp nói :

« 17 Phúc thay người được Thiên Chúa sửa trị! Chớ coi thường giáo huấn của Đấng Toàn Năng.18 Người gây thương tích, cũng chính Người băng bó, đánh bầm dập xong, lại ra tay chữa lành »(G 5 :17-18) »

Trong tất cả sách ông Gióp từ chối tất cả những lời lý giải quá dễ dàng đó. Ông cũng không muốn  nghe những lời lan man vô ích đó, chỉ làm cho ông càng thấy thêm cô độc  thế nhưng ông vẫn tiếp tục khẳng định rằng « Chúa lúc nào cũng công minh ». Chính ông cũng đi suốt một hành trình nội tâm : Đầu sách ông luôn lập lại rằng « Tôi xin nói là tôi không phạm tội, tức là tôi bị oan »…ông vô tình khi nói như thế có nghĩa là ông cũng dùng lý lẽ của các bạn ông « bị khổ là tại vì phạm tội ». Thế rồi từ từ qua trải nghiệm lời nói của ông có khác đi : Bao nhiêu lần kẻ cướp lại sống hạnh phúc, không bị trừng phạt và chết êm ái, còn những người vô tội lại sống như trong địa ngục với những cơn hấp hối dài đăng đẳng. Không, thật là bất công.

Lúc bấy giờ, ông Gióp đã sẵn sàng khám phá những điều mới lạ, và Chúa chờ ông ở khúc quanh này : Bây giờ Chúa mới nói. Chúa không quở trách ông, nhưng cho rằng các cách giải thích của các bạn không có nghĩa lý gì. Chúa còn nói « Chỉ có Gióp mới có những lời đứng đăng về Ta » ; tức là các con có quyền kêu la, phẫn nộ. Sau đó Chúa mời gọi Gióp chiêm ngắm các tạo vật và khiêm tốn nhìn nhận sự dốt nát của mình. Giống như người cha dịu dàng nhưng cương quyết dạy bảo con cái. Chúa làm cho Gióp hiểu « các tư tưởng của chúng ta không phải là tư tưởng của Chúa ». Không phải vì chúng ta không hiểu công lý của Thiên Chúa, mà có lý do để không thừa nhận công lý của Ngài. Như chúng ta được biết từ đầu câu chuyện, Gióp là người trung thực và ngay thẳng, nên hiểu được bài học và thú nhận rằng 

 "Ai là kẻ dám dùng những lời thiếu khôn ngoan hiểu biết để làm cho kế hoạch của Ta không còn được rõ ràng minh bạch? " (G 42 :3) 4 Vâng, con đây tầm thường bé nhỏ, biết nói chi để trả lời Ngài? ( G 40 :4)

Cuối cùng sách Gióp không đưa ra những giải đáp cho vấn đề đau khổ. Nếu chúng ta chờ đợi như thế chúng ta sẽ thất vọng. Tuy nhiên bài này chỉ cho ta con đường : không dằng nén những lời kêu than nhưng giữ lòng tin và nắm chặt lấy tay Chúa, vì Ngài luôn ở bên ta mỗi ngày cho đến tận thế. Cũng như nhà văn hào Cơ-lô-đen (Claudel ) nói :  « Chúa Giê-su đến không để giải thích sự đau khổ nhưng để hiến chính sự hiện diện của Ngài trong đau khổ » 

***

 

THÁNH VỊNH (146,1-2.3-4.5-6)


ĐÁP .Hãy ca ngợi Chúa đi ! Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ. Ha-lê-lui-a.


1Hãy ca ngợi Chúa đi !
Đàn hát mừng Thiên Chúa chúng ta, thú vị dường nào !
Được tán tụng Người, thoả tình biết mấy !

2Chúa là Đấng xây dựng lại Giê-ru-sa-lem,
quy tụ dân Ít-ra-en tản lạc về.

Đ.Hãy ca ngợi Chúa đi !
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ.

3Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ,
những vết thương, băng bó cho lành.

4Người ấn định con số các vì sao,
và đặt tên cho từng ngôi một.

Đ.Hãy ca ngợi Chúa đi !
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ.

5Chúa chúng ta thật là cao cả,
uy lực vô biên, trí tuệ khôn lường !

6Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy,
bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen.
Đ.Hãy ca ngợi Chúa đi !
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ.

Thánh vịnh 146 bắt đầu bằng Ha-lê-lui-a, chữ này có một tầm rất quan trọng, đặc biệt trong truyền thống Do Thái : đó là lời ca ngợi dâng lên Thiên Chúa đã giải thoát dân Người. Lý do là đây : « Chúa đã đưa chúng ta từ thân phận tôi đòi tới tự do, từ sự âu sầu đến niềm vui, từ ngày tang tóc đến bầu khí ngày hội, từ bóng tối đến ánh sáng chiếu lóa, từ tình trạng nô lệ đến sự cứu độ. Vì thế chúng ta hãy hát mừng trước mặt Ngài Ha-lê-lui-a. » ( sách Mi-sơ-na giáo-trình Pê-sa-him, câu 5)

Từ đó chúng ta hiểu hơn ý nghĩa của câu :

« Hãy ca ngợi Chúa đi ! Đàn hát mừng Thiên Chúa chúng ta, thú vị dường nào ! Được tán tụng Người, thoả tình biết mấy ! »

Và cũng từ đó chúng ta hiểu lý do vì sao Giáo Hội chọn cho ngày chúa nhật hôm nay như tiếng vang cho Bài đọc 1 từ sách Gióp. Câu thứ ba của Thánh Vịnh :

« Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành. »

Cõi lòng tan vỡ, đúng là cõi lòng ông Gióp, thật trơ trẽn, đứng trước một điều khó hiểu trong đời, đó là sự đau khổ. Tận trong đáy lòng của người đau khổ, như trong ví dụ đưa ra trong sách Gióp, phải kiên trì với bất cứ giá nào để đi vào đối thoại với Chúa. Và rốt cuộc không phải nhờ tác động của một chiếc đũa thần giải thoát tất cả, mà là sự hiện diện của Chúa, bất cứ trong tình huống nào. Khi Chúa nói : « Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành.» (c3) Đây chính là vết thương trong lòng không phải trong thể xác ! Sự hiện diện của Chúa cạnh bên những người nhỏ bé, những người đau khổ là một khám phá lớn trong Cựu Ước. Từ nay con người không còn đơn độc trước những khó khăn trong đời, và trước sự tàn kiếp sống khủng khiếp của một số người. Sách Huấn ca :

« Nước mắt quả phụ lại không giàn giụa trên gò má »( Hc 35 :15)  Có lẽ những cõi lòng tan vỡ ở đây nói về những người Do Thái thành Giê-ru-sa-lem bị vua Na-bu-cô-đô-nô-so đày sang Ba-by-lôn…Ha-lê-lui-a.có ý đó cũng như câu thứ hai :

Chúa là Đấng xây dựng lại Giê-ru-sa-lem, quy tụ dân Ít-ra-en tản lạc về.

Và đây tất cả đoạn đầu của bài Thánh Vịnh :

Hãy ca ngợi Chúa đi ! Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ.
Ha-lê-lui-a. 1Hãy ca ngợi Chúa đi ! Đàn hát mừng Thiên Chúa chúng ta, thú vị dường nào ! Được tán tụng Người, thoả tình biết mấy ! 2Chúa là Đấng xây dựng lại Giê-ru-sa-lem, quy tụ dân Ít-ra-en tản lạc về.

Chữ Ha-lê-lui-a, lời ca giải phóng, ở đây mang tất cả ý nghĩa của nó để nhắc lại dân Do Thái cuối đời lưu lạc Ba-by-lôn. Nhất là chúng ta biết rằng sự giải phóng đó không được xem như giải phóng về mặt chính trị mà hơn thế nữa, như một cuộc giải phóng thiêng liêng : trong những ngày bị lưu đày, dân Ít-ra-en có thời gian ôn lại lịch sử của họ và làm một cuộc xét mình ; các tiên tri loan báo sẽ có tai hoạ lớn nếu không hoán cải, và tai họa đó hiện thân nơi Na-bu-cô-đô-nô-so. Ngày trở về, việc xây lại thành Giê-ru-sa-lem đánh dấu một tương lai mới : Chúa đã tha thứ. Kể từ nay, trở về Đất Thánh mọi người cố gắng trở lại sống thánh thiện.  

Nhưng đừng tưởng các câu sau thay đổi đề tài :

4Người ấn định con số các vì sao, và đặt tên cho từng ngôi một.

Dĩ nhiên câu này nhắc tới công trình Tạo Dựng ; nhưng chúng ta cũng biết rằng kinh Tin Kính của dân Ít-ra-en bắt đầu bằng câu: « Tôi tin kính Thiên Chúa là Đấng giải thoát » câu thứ hai mới tuyên xưng « Tôi tin kính Thiên Chúa Đấng tạo nên trời đất » Đức tin nơi đấng Tạo Dựng được đọc qua ánh sáng của Thiên Chúa giải phóng khỏi ách nô lệ Ai-Cập và lần lược qua các cuộc giải phóng khác : Thiên Chúa Tạo Dựng được chiêm ngưỡng, vinh danh vì là đấng phép tắc vô cùng, nhưng nhất là vì chương trình yêu thương nhân loại của Ngài. Hơn nữa, mỗi lần nói về tinh tú ở It-ra-en, mọi người nghĩ đến lời hứa tuyệt diệu dành cho tổ phụ Ap-ra-ham : một đàn con cháu đông đúc như sao trời.

Chương trình dành cho con người của thiên chúa là một giấc mơ vĩ đại ( xứng với tinh tú) ; Đấng Tạo Hoá đã nắn ra con người từ bụi đất, cũng là đấng không mệt mỏi nâng con người lên mỗi khi cần, để thu hút con người về Ngài  « Chúa nâng kẻ khiêm nhường...» Những kẻ khiêm nhường, những kẻ bé nhỏ, chúng ta thường nghe trong Thánh Kinh : đó là những kẻ không có gì để đòi hỏi trước mặt Chúa, cũng không có gì để khoe khoang với Ngài. Những kẻ báng bổ thì ngược lại ( có thể dịch là những kẻ kiêu ngạo) không sẵn sàng tiếp nhận ơn của Chúa. Trong câu sau đây :

 « 6Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy, bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen.»

Chúng ta nhận ra bài ca bà An-na mẹ của Sa-mu-en và bài Magnificat, không kể rất nhiều câu trong các thánh vịnh. Chúa Giê-su cũng có những ưa chuộng những kẻ bé nhỏ :

« Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. »( Mt 11 :25)

Cũng vì lẽ đó mà lời ngợi khen tung ra từ lòng trái tim người tín hữu :

1Hãy ca ngợi Chúa đi ! Đàn hát mừng Thiên Chúa chúng ta, thú vị dường nào !


Thú vị vì hai lẽ : trước tiên vì lẽ công chính và sau đó là điều đem lại hạnh phúc. Con người là thế, chỉ có hạnh phúc khi còn trong tình phụ tử với Thiên Chúa. Thánh Augustinô khi xưa cầu nguyện rằng :

 “Lạy Chúa, Chúa dựïng nên con cho Chúa, và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân               

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com