Bài đọc 2 (Rm 8,31b-34)
"Thiên Chúa không dung tha chính Con mình".
Trích thư Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi dân thành Rô-ma
32 Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta ?
33 Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính?
34 Ai sẽ kết án họ ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?
Mấy hàng này được trích ra từ một bài dài nói lên lòng chiêm ngưỡng đầy thán phục của thánh Phao-lô: Thiên Chúa từng yêu con người đến nỗi không ngần ngại trao Con của Người cho nhân loại. Người Con cũng yêu thương con người đến nỗi tự trao mình trong vòng tay của con người. Và từ nay Thánh Thần Chúa ngự trong chúng ta và không còn có gì có thể làm xa cách Tình Yêu vô biên của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, với chúng ta nữa. Và thư thánh Phao-lô chúng ta đọc hôm nay bắt đầu bằng : “ 31 Vậy còn phải nói gì thêm nữa?” ( Rm 8,31a)
Tới đây, thánh Phao-lô có lẽ đã đoán nhiều người trong chúng ta tự hỏi: ngài chỉ nói tình yêu, thế còn lẽ công chính của Thiên Chúa đâu ?...Vì thế thánh Phao-lô triển khai đề tài Công-chính của Thiên Chúa.
Trong đoạn chúng ta đọc hôm nay có những chữ làm chúng ta nghĩ đến một phiên toà: tha; trao nộp; buộc tội;công chính. Thánh Phao-lô tưởng tượng loài người đứng trước một phiên tòa. Và đây thánh nhân đã theo đúng như trong Cựu ước vì cũng như trong ấy các danh từ nói về đức tin, chữ phán xét đã thay đổi nghĩa dần dần cùng lúc với người tín hữu khám phá ra dung nhan thật sự của Thiên Chúa. Chúng ta quá “đời” chúng ta cứ nghĩ công lý phải như hai cán cân, nhưng Thiên Chúa là đấng “Thật Khác”, Ngài có một quan niệm khác hẳn về công lý. Sự phán xét của Ngài không bao giờ là cáo buộc, cầm giữ nhưng luôn luôn là cứu độ, và giải thoát.
Một trong những bài tuyệt vời nhất khai triển đề tài này có lẽ là Bài Ca Thứ Nhất của Người Tôi Trung trong sách I-sa-i-a:
“1 Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.
2 Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường.
3 Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý.” ( Is,42,1-3)
Đây là một phiên xét xử thật nhẹ nhàng viết cho chúng ta đây. Sau đó vài hàng I-sa-i-a nói thế nào là bản án: Người Tôi trung sẽ :
“mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm." (Is 42, 7)
Nói cách khác đây là một bản trắng án. Thế nhưng phải kết hợp với lệnh được sai đi rao giảng cho nhân loại để biết Tình Yêu của Thiên Chúa có thể đi đến đâu.
Vì thế thánh Phao-lô nói Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?
Ai có thể tự cho mình quyền chống lại ta ? Ai có thể cho mình quyền kết án thay cho Thiên Chúa ? 33 Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính?
Thế mà Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta Ngài đã ban Con Một của Ngài trong tay chúng ta32 Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Thiên Chúa không “cất đi chén đắng“ như Chúa Giê-su đã ngỏ ý trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Ngài không làm phép lạ để lánh đi sự thù ghét của con người. Ngài đã “trao Chúa Giêsu”. Đúng ra trước khi Chúa Ki-tô đến, nhân loại ở trong thế bí. Đó là đề tài mà thánh Phao-lô khai triển trong 8 chương đầu ; con người tự giam mình trong một loại nô lệ: Người ngoại thì nô lệ các bụt thần, thần thánh mà không phải thần thánh. Điều này còn gợi lên mọi cách cư xử lệch lạc, mù quáng, thù hằn, mất trật tự. Còn người Do Thái - mặc dù được ơn Mặc Khải – không biết nhận ra đấng Ki-tô, họ xả thân vào việc diễn giải sai lầm Lề Luật.
Trước thảm hoạ, và thất bại ấy của nhân loại, chính Thiên Chúa lấy sáng kiến ban cho chúng ta Đấng Cứu Độ. Điều con người không thể làm cho chính mình, Thiên Chúa thực hiện. Điều trớ trêu là chính vì nhân danh lề luật Chúa ban họ công khai hành quyết Ngài như một người tội lỗi, và Thiên Chúa để cho xảy ra sự điên rồ ấy của loài người. Thánh giá thể hiện tình yêu Chúa Cha cũng như tình yêu Chúa Con : Chúa để cho họ làm để chúng ta được mặc khải Chúa yêu thương chúng ta đến đâu. Bao lâu chúng ta ngắm nhìn cái chết Chúa Ki-tô, bấy lâu chúng ta mới mở mắt thấy tình yêu Thiên Chúa bao la chừng nào.
Lúc bấy giờ chúng ta có thể đọc lại với sự ngạc nhiên thán phục bài thánh vịnh 103 :
« 8 CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương,
9 chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi.
10 Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm.
11 Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.
12 Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.
13 Như người cha chạnh lòng thương con cái, CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.
14 Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi.
15 Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
16 một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình.
17 Nhưng ân tình CHÚA thiên thu vạn đại, dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn. Người xử công minh cả với đời con cháu,» (Tv1038…17)
« Thiên Chúa trao nộp cho chúng ta » (c32) : đó là điều Thánh Phao-lô nhấn mạnh nhiều nhất. « Cho tất cả chúng ta ». Tình yêu, đúng ra là nhưng không ; trong thư gửi tín hữu thành Ê-phê-xô ( dựa vào một câu của Ben Si-rắc) ngài nói : « Chúa của họ cũng là Chúa của anh em, Người ngự trên trời và không thiên vị ai.» (Ep6, 9) Thư gửi cho Ti-mô-thê còn nhấn mạnh hơn : « Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.5 Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su,» ( 1Tm2, 4-6). Vấn đề là giải thoát vĩnh viễn khỏi sự sai lầm ghê gớm của chúng ta : chúng ta không bao giờ tin Chúa là tình yêu. Chính vì thế, cứu độ cuối cùng là mở mắt ra. Trong thư cho Ti-mô-thê chúng ta vừa đọc : « Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý » chân lý ấy đó là Chúa là tình yêu.
Trước đó, trong thư gửi dân thành Rô-ma Thánh Phao-lô quả quyết : « sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện ... người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai.23 Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa,24 nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su.»( Rm3, 21…24) . Trong thư gửi dân thành Ê-phê-sô có một câu tuyệt vời : « Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần.» (Ep2, 17). Thánh Phao-lô kết chương ấy bằng câu : « không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.» (Rm8, 39) . Câu thật tốt đẹp của Mùa Chay : « Hãy hoán cải, tin vào Tin Mừng » Đây là Tin Mừng còn tốt đẹp hơn chúng ta tưởng.
***
Phúc âm ( Mc 9,2-10)
"Đây là Con Ta rất yêu dấu".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
2 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông.
3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.
4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.
5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a."
6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.
7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người."
8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.
9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.
10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu "từ cõi chết sống lại" nghĩa là gì
Chúa Giê-su hiện ra vinh hiển trên một ngọn núi giữa hai nhân vật vĩ đại của It-ra-en : Mô-sê người giải phóng dân tộc, được Thiên Chúa trao bản Lề -luật, và Ê-li-a vị tiên tri trên núi Hô-rép. Trong khi một ít thời gian sau, trên một ngọn núi khác Chúa Giê-su sẽ bị đóng đinh giữa hai tên trộm cướp. Điều khó nhất cho đức tin của hai tông đồ của Chúa có lẽ là làm sao nhận ra nơi hai mặt của đấng Mê-si-a dung nhan Chúa Cha như Chúa Giê-su nói cho Phi-líp-phê hôm trước ngày Chúa chết : « Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha » ( Ga 14,9). Và cũng chính vị Gio-an Tông Đồ này, đấng có đặc quyền chứng kiến Chúa Hiển linh sau này viết trong lời mở đầu của sách Tin Mừng :
« Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. ( G 1,14)
18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết. » (Ga 1,18)
Tuy nhiên hai mặt, vinh quang và đau khổ chính là hai mặt của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Cũng như thánh Phao-lô nói, tình yêu của Thiên Chúa được « thể hiện » nơi Chúa Giê-su Ki-tô.( Rm 8, 39). Chính đích thân Chúa Giê-su đã kết nối vinh quang và đau khổ khi nói về Con Người, mà thánh sử Mác-cô thú nhận rằng họ không hiểu gì : « 32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người » ( Mc 9,32)
Thật không thể hiểu là phải ! Trích dẫn về Con Người như thế thật là bí ẩn đối với các môn đệ Ngài. Trong lúc Hiển Linh, Chúa Giê-su vẫn không triển khai thêm. Ngài chỉ bảo « không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại ». Sống lại, đấy là hình ảnh của vinh quang…Thế nhưng lời ấy thốt ra giữa hai lần tuyên báo của đấng Giê-su về những đau khổ mà Con Người phải gánh chịu. Lần đầu Ngài báo trước khi Hiển Linh :
« 31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại » ( Mc 8, 31)
Và trong chương 9, tức là sau Hiển Linh :
« 31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại."( Mc 9,31)
Không phải viễn ảnh đau khổ của Con Người làm các ông ngạc nhiên nhất : Xin đừng quên Con Người trong Cựu-ước không chỉ có vinh quang, hay nói đúng hơn là vinh quang sau khi chiến thắng quân địch ghê gớm. Và chiến thắng ấy không đến do cố gắng của con người mà nhờ Thiên Chúa ban tặng.
Điều đáng ngạc nhiên là Chúa Giê-su hình như tự ban cho mình danh hiệu ấy. Thế nhưng trong sách tiên tri Đa-ni-en, Con Người vừa là một cá thể, vừa là một tập thể. :
« 13 Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện » ( Đn 7,13)
Ở đây Con Người là một cá thể, vừa tham gia trong thế giới của người trần, vì là « con người », và cũng là con của Thiên Chúa vì «Con Người đang ngự giá mây trời mà đến »…Trong lúc đó quyền tối thượng, vinh quang và vương quyền được ban cho Ngài chính là những gì có Lời Hứa dành cho đấng Mê-si-a.
Thế nhưng, ngay sau đó tiên tri Đa-ni-en nói lại « 18 Rồi chư thánh của Đấng Tối Cao sẽ lãnh nhận vương quyền và nắm giữ vương quyền ấy mãi mãi muôn đời. » ( Đn 7,18) Đây là sự chiến thắng của đấng Mê-si-a nhưng là của tập thể « chư thánh của Đấng Tối Cao ». Và sau rốt, sách Đa-ni-en miêu tả những đau khổ của các chư thánh phải gánh chịu, trong một viễn ảnh của cuộc chiến không thể nào tránh khỏi, trước khi chiến thắng hoàn toàn : ( Đn 7, 27).
Dẫn trích về Con Người trong sách này cũng cho thấy rõ con đường đang chờ đợi Chúa Giê-su và dân Ngài : Cùng chung một con đường thánh giá và vinh quang. Tại Xê-da-rê Chúa Giê-su đã loan báo : \
« Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo » ( Mc 8,34). Có lẽ cũng vì thế mà đám mây bao phủ các ông, không những bao phủ Chúa Giê-su, ông Mô-sê và Ê-li-a mà cả ba môn đệ nữa. Trong Cựu Ước đám mây luôn có hai nghĩa vừa là dấu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa vừa là màn che phủ lấy Ngài…Đám mây cùng đến với Con Người – Con Người ở đây chỉ định Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài – dù là Giao Ước cũ hay Mới - hết thảy là một dân tộc vinh quang của chư thánh của Đấng Tối Cao.
« Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: »dĩ nhiên câu này nhắc chúng ta ngày Chúa Giê-su nhận phép Rửa nơi ông Gio-an Tẩy Giả :
«11 Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con." ( Mc 1,11)
Trái lại ở đây tiếng nói hướng về các môn đệ "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người." Câu hãy vâng nghe lời Người trong tai các tông đồ luôn còn như một tiếng vang của lời tuyên xưng đức tin của các ông. Vì các ông là người Do Thái : « Sê-ma It-ra-en », có nghĩa là « It-ra-en hãy nghe đây ». đây là một lời kêu gọi hãy cậy trông, bất cứ giá nào. Lòng Cậy Trông sẽ bị thử thách cam go trong những tháng sắp đến, bởi vì lễ Hiển Linh xảy ra giữa hai sứ vụ của Chúa Giê-su : Sứ vụ ở Ga-li-lê vừa chấm dứt, Ngài bước sang con đường đi đến Giê-ru-sa-lem và con đường thập giá. Tước hiệu Con Ta yêu dấu, nêu ở đây cũng nói lên điều đó. Điều này nhắc lại Đấng Mê-si-a sẽ là một Tôi Trung, như trong I-sa-i-a, sẽ bị đau khổ, bách hại để cứu dân của Ngài.
Nhưng tất cả điều đó phải còn giữ kín. Chính vì các môn đệ chưa sẵn sàng hiểu ( Và dân chúng càng không hiểu ) mầu nhiệm Con Người Chúa Ki-tô. Lóe sáng của vinh quang trong sự Hiển Linh này không để đánh lạc hướng những người chứng kiến : Nhưng là sự toả sáng của tình yêu. « Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha »( Ga 14,9). ..Khác với những mong ước chiến thắng chính trị và quyền lực huyền bí còn trong đầu các tông đồ và vẫn còn cho đến phút cuối cùng. Chúa cho lệnh im lặng, là một cách cho thấy chỉ có sự Phục Sinh mới có thể soi sáng mầu nhiệm này. Bây giờ phải xuống núi, chống lại cám dỗ sống cách biệt, như xây lều ở riêng, chống lại sự đối nghịch, bách hại và cái chết. Câu sau đây báo rằng thị kiến chấm dứt : « 8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi » và câu này đến ngay khi Chúa được gọi là Con là Con yêu dấu của Cha. Điều này rất quan trọng vì câu này tiên báo Chúa Giê-su, và chỉ Chúa mà thôi chu toàn Lề Luật và những lời dạy của các tiên tri.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng