"Dù ra đi hay ở lại trong thân xác, chúng ta hãy sống đẹp lòng Chúa".
6 Vậy chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa,
7 vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa...
8 Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa.
9 Nhưng, dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người.
10Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác.
Em bé trong bụng mẹ, trước khi sinh ra nghĩ gì, ai mà biết được ? Không biết em có ý thức không nữa ? Nếu em ý thức, không hiểu em có sợ phải qua giai đoạn này không ? Hình như lúc mới sinh ra mắt em bị loà ánh sáng, vì hồi nào đến giờ em ở trong bóng tối hoàn toàn. Có lẽ em chỉ nghe trong bụng mẹ một vài tiếng nói, nhưng kể từ nay em thấy tận mặt những người đã yêu em, những người đã nói chuyện với em, những người đã đặt cho em cái tên trước khi em biết…
Đối với thánh Phao-lô cái chết là một sự sinh ra đời. Trước kia chúng ta như đứa bé chưa được sinh ra. Chúng ta cũng thế, chúng ta sống trong bóng tối : « chúng ta tiến bước … không phải nhờ được thấy » nhưng khi chúng ta được sinh ra trong đời sống thật sự, chúng ta sẽ ở trong ánh sáng hoàn toàn : «12 Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt » (1Cr 13,12)Tất cả như suốt thời gian được cưu mang chỉ có ý nghĩa nếu liên quan đến ngày được sinh ra trong đời sống vĩnh cửu bên cạnh Chúa.
Trong lúc chờ đợi, may thay trong bóng tối mịt mù có một tia ánh sáng, đó là đức tin. Nhờ đó chúng ta được giúp tiến bước, giúp chúng ta chuẩn bị ngày rất gần được sinh ra. « chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa... » Chính đức tin biểu lộ cho chúng ta ý nghĩa cuộc sống hôm nay, và ý nghĩa sự chết. Chính nhờ đức tin mà chúng ta được biết cái chết là một sự sinh nở. Thánh Phao-lô trong bài này so sánh như từ đất lưu đày bước sang biên giới miền đất quê hương. Hiện nay thánh Phao-lô nói chúng ta « lưu lạc xa Chúa », vì quê thật chúng ta, chính là Ngài.
Cũng nhờ đức tin chúng ta biết rằng cuộc sống của chúng ta có một tiêu đích, tức là vừa có một chiều hướng và một ý nghĩa. Chiều hướng, chúng ta biết rồi đó là ngày sanh nở : ngày sanh là cho em bé… còn chúng ta là sự chết thể lý. Ý nghĩa đó chúng ta rất có thể quên. Vì thế thánh Phao-lô nhấn mạnh, địa vị chúng ta khác với em bé sắp sanh : nó không thể làm gì được để thay đổi, tất cả tuỳ thuộc ở ngoại cảnh của nó. Còn chúng ta, chúng ta có cả một vai trò chính yếu : cuộc đời trần thế của chúng ta có thể ví như suốt thời gian cưu mang. Tất cả những gì chúng ta làm là để chuẩn bị cho ngày mai.
Thánh Phao-lô nói rõ trong thư Phi-líp-phê : « 21 vì đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi.22 Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào.23 Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần:( Pl 1,21-23) . Chúng ta thấy ở đây Thánh Phao-lô đã vượt qua sự sợ chết, trái lại ngài còn ao ước được thế. Nhưng không vì thế mà đời sống ta không được quên lãng, khinh thường, nó được hướng dẫn, không bị đánh giá thấp, trái lại chính cùng đích của nó làm cho có giá trị. Có thể giống như nột chuyến du lịch, điều chính yếu là không bao giờ quên mục đích của chuyến đi, chính cái cứu cánh ấy biện minh cho mọi phương tiện, đi đường nào, trạm nghỉ nào và kể cả chọn những khó khăn nào của hành trình…
Thế nhưng mục đích chuyến đi của người Kitô hữu là gì ?- Về ở với Chúa một cách toàn diện và đời đời, và đem về với Ngài, về miền đất quê hương ấy, tất cả những người lưu lạc chúng ta gặp trên đường.
Thế nhưng tất cả những nỗ lực của chúng ta không phải lúc nào cũng thành công ! Về phương diện này chúng ta hoàn toàn ở trong bóng tối…Để hiểu bài này, có lẽ chúng ta hãy tưởng tượng tâm trạng người tông đồ hiến tất cả nỗ lực cho sứ vụ mà không đạt hoa trái. Cảm tưởng như làm việc vô ích, như rao giảng trong sa mạc. Chính thánh Phao-lô đang nói cho những người ấy. Cũng vì thế mà ngài nhấn mạnh : « 6 Vậy chúng tôi luôn mạnh dạn…8 Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn » (người dịch : nguyên văn tiếng Pháp, confiance có nghĩa là cậy trông). Sở dĩ thánh Phao-lô lập lại như thế vì có lẽ dễ gì mỗi ngày mọi người có thể « mạnh dạn » !
Chúng ta sẽ thấy khi mùa gặt tới : hiện bây giờ hãy không ngừng gieo hạt. Nhưng hạt nào đây ? Dĩ nhiên chúng ta cũng tự hỏi như thế. Thánh Phao-lô cho rằng « chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người ». Chỉ cần đọc một ít Cựu Ước cũng biết làm gì để làm đẹp lòng Chúa. Bắt đầu bằng sách Mi-kha « "Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt,điều nào ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn:đó chính là thực thi côngbình, quý yêu nhân nghĩavà khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn » (Mk 6,8)
Tiên tri Giê-rê-mi-a cũng nói giống y như thế . Đối với ngài, điều làm đẹp lòng Thiên Chúa là lòng chính trực, sự nhân nghĩa và lẽ công bình : « 22 ĐỨC CHÚA phán thế này:"Kẻ khôn ngoan, đừng tự hào mình khôn ngoan;kẻ hùng mạnh, đừng tự hào mình hùng mạnh;kẻ giàu có, đừng tự hào mình giàu có.23 Ai tự hào thì hãy tự hào về điều này, là hiểu biết Ta, vì Ta là ĐỨC CHÚA, Đấng thực thi nhân nghĩa,công bình và chính trực trên mặt đất.Phải, Ta ưa thích những điều này. - Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA." ( Gr 9,22-23)
Tiên tri I-sa-i-a còn táo bạo đến nỗi cho rằng người ngoại kinh khủng như vị vua Ky-rô có thể làm vui lòng Thiên Chúa vì hắn hành động trong hướng tốt là xây lại thành Giê-ru-sa-lem và Đền Thánh sau cuộc lưu đày Ba-by-lon.
Có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên khi bước qua biên giới ? Như Chúa nói cho những người trong bài dụ ngôn Tin Mừng theo thánh Ma-thêu, « "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han."37 Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống »( Mt 25, 34-37). Những người ấy, như thánh Phao-lô nói, họ « tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy…». Và trong thư Ê-phê-sô Ngài hứa « 8 Anh em biết đấy: ai làm việc tốt, sẽ được Chúa trả công, bất luận nô lệ hay tự do. ( Ep 6,8)
***