"CHÚNG TA PHẢI ĂN MỪNG, PHẢI VUI VẺ
VÌ EM CON ĐÂY ĐÃ CHẾT MÀ NAY LẠI SỐNG
ĐÃ MẤT MÀ NAY LẠI TÌM THẤY."
Tin Mừng theo thánh Luca 15, 32
Hát thánh ca Mùa Chay khai mạc.
Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.
Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen
Lạy Chúa, vì yêu thương nhân loại, Ðức Giêsu Kitô đã hiến thân chịu khổ hình. Xin ban ơn trợ giúp, để chúng con biết noi gương Người tận tình yêu thương mọi anh em. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.Amen
(Sách lễ Rôma, Lời nguyện Chúa nhật 5 Chay)
1 - LẮNG NGHE LỜI CHÚA
Tin Mừng theo thánh Luca 15,1-3. 11-32.
- Một người công bố Lời Chúa. Mọi người đứng lắng nghe.
- Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.
2 - NHỚ LẠI LỜI CHÚA ĐỂ GHI NHẬN
Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ để ghi nhận 1 lời chạm đến tôi, dựa theo các câu hỏi gợi ý sau :
- Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu?
Tôi hiểu biết Chúa tôi rõ hơn ở chỗ nào?
- Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở chỗ nào?
Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?
- Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa?
(Nếu đã quen làm Lectio Divina, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình. Không giải thích ).
3 - CHIÊM NGHIỆM ĐỂ NHẬN RA Ý CHÚA
Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ : Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào?
KHÔNG CHIA SẺ CHUNG.
1. “Người Pharisêu và các kinh sư xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." (câu 2).
Họ vấp phạm vì Đức Giêsu không kết án, xa cách người tội lỗi mà còn gần gũi, sống gần bên. Hãy nhớ Chúa đã muốn đến nhà ông Giakêu, đã nói chuyện với người phụ nữ Samari, ở lại trong làng của bà, không kết án người phụ nữ ngoại tình, kêu gọi ông Phêrô -một người tội lỗi- và ông Lêvi -trưởng thu thuế- làm môn đệ. Tại sao?
Ngày nay, não trạng kết án, loại trừ này còn tồn tại không? Đối với ai? Có khi nào tôi đã suy nghĩ, cảm thấy hay phê phán như người Pharisêu? Có trường hợp nào tôi giống Chúa Giêsu?
....................................................................................................
....................................................................................................
2. Chiêm ngắm khuôn mặt và trái tim người CHA.
- "Người cha đã chia của cải cho đứa con thứ… xin cho mình phần tài sản con được hưởng… Anh ta trẩy đi phương xa sống phóng đãng, phung phí tài sản của minh." (c. 12-13).
- "Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để, rồi bảo các đầy tớ : "Mau mau đem áo đẹp, xỏ nhẫn, xỏ dép, đi bắt con bê béo mở tiệc ăn mừng." (c. 20-23).
- "Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy" (c. 24).
Đặt mình trong chỗ của người cha này, mặc lấy tâm tình, thái độ, hành động của ông, tôi cảm thấy thế nào? Khó hay dễ? Có thể làm như ông không? Tại sao? Chúa Giêsu đã làm như vậy trong bữa tiệc ly và trên thập giá? Vì ai? Để làm gì?
....................................................................................................
....................................................................................................
3. “Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ… Người cha nói với anh ta : "Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy."
Nhìn xem người cha làm gì, nói gì với ngưởi con cả, không biết mình đang sống với ai. Ông nhắc nhở 3 điều: (1) con là con của cha, đừng coi mình là đầy tớ (2) "thằng con của cha đó" vẫn là "em con đây" (3) "Phải ăn mừng, phải vui vẻ vì em con đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy … "Tôi nghe Chúa Giêsu nói gì với mình hôm nay, khi tôi (1) giống người Pharisêu; hay (2) là đứa con thứ ; hoặc (3) là người anh cả ? Tâm sự với Chúa.
....................................................................................................
....................................................................................................
4 - CẦU NGUYỆN
Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.
Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình
hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.
* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.
Lời nguyện kết (Thánh vịnh 33)
Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa,
câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.
Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa,
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.
Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa,
ta đồng thanh tán tụng danh Người.
Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp lại,
giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.
Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở,
không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi.
Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời,
cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn.
Sáng danh …
5 - NHÌN TỚI HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN
- Tôi chọn 1 câu Tin Mừng để đọc đi đọc lại và suy ngẫm.
....................................................................................
- Mùa Chay nhắc nhở tôi nhớ lại lối sống của mình trong Nhà Cha là Hội Thánh. Tôi có thật sự sống như một người con của Thiên Chúa chưa? Còn đối với những người cùng chia sẻ Bàn Tiệc Lời Chúa và Thánh Thể ngày Chúa Nhật, thì tôi có thái độ nào khi ở ngoài nhà thờ ?
..........................................................................................
CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Khi chúng ta không sống như con cái Chúa, chúng ta thường cư xử theo chiều hướng hủy diệt đối với người lân cận và các thụ tạo khác - cũng như chính chúng ta - vì chúng ta bắt đầu nghĩ, một cách có ý thức hay vô thức, rằng chúng ta có thể sử dụng chúng theo ý chúng ta muốn…..
Căn nguyên của mọi sự ác, như chúng ta biết, là tội lỗi, mà từ lần xuất hiện đầu tiên, nó đã phá vỡ sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa, với những người khác và với chính thiên nhiên, mà chúng ta được liên kết một cách đặc biệt qua cơ thể của chúng ta.
Sự rạn nứt trong tình hiệp thông với Thiên Chúa cũng làm suy yếu mối quan hệ hài hòa của chúng ta với môi trường mà chúng ta được kêu gọi để sống, đến nỗi vườn địa đàng đã trở thành một nơi hoang dã (x. Stk 3: 17-18).
Tội lỗi dẫn con người đến chỗ coi mình là thần minh của thiên nhiên, coi mình là chủ nhân tuyệt đối của nó và sử dụng nó, không phải cho những mục đích phù hợp với thánh ý của Đấng Tạo Hóa, mà vì tư lợi của chính mình, gây phương hại cho các tạo vật khác.
Một khi luật Thiên Chúa, luật tình yêu, bị từ bỏ, thì luật mạnh được yếu thua sẽ thắng thế. Tội lỗi ẩn giấu trong lòng con người (x. Mc 7: 20-23) mang hình dạng của sự tham lam và theo đuổi lạc thú vô độ, thiếu quan tâm đến thiện ích của người khác và thậm chí của chính mình. Nó dẫn đến việc khai thác sáng tạo, cả con người lẫn môi trường, do sự thèm muốn không kềm chế, trong đó coi mọi ham muốn như một quyền [đáng được hưởng], và sớm hay muộn sẽ hủy diệt tất cả những gì trong tầm tay của nó.
(trích sứ điệp Mùa Chay 2019)
Xin ACE cùng hiệp thông với các ý cầu nguyện trong tháng 03 trên trang web của PT