Lời Chúa CN

Cầu nguyện với Lời Chúa theo Lectio Divina - Chúa nhật 5 Mùa Chay Năm C

"CHÚA GIÊSU TRỞ LẠI ĐỀN THỜ.

NGÀI NGỒI XUỐNG GIẢNG DẠY"

Tin Mừng theo thánh Gioan 8, 2

 

 

Hát thánh ca Mùa Chay khai mạc.

Chúng ta hãy cầu nguyện.

 

Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen

Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một giáng trần để thực hiện công trình kỳ diệu là cho loài người được hòa giải với Chúa. Xin ban cho toàn thể Dân Chúa khắp hoàn cầu được lòng tin sống động để hăm hở đón mừng lễ Vượt Qua sắp tới. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen

(Sách lễ Rôma, Lời nguyện Chúa nhật 4 Chay)

 

1 - LẮNG NGHE LỜI CHÚA

Tin Mừng theo thánh Gioan 8,1-11.

  • Một người công bố Lời Chúa. Mọi người đứng lắng nghe.
  • Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.

 

2 - NHỚ LẠI LỜI CHÚA ĐỂ GHI NHẬN

Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ để ghi nhận 1 lời chạm đến tôi, dựa theo 3 câu hỏi gợi ý sau :

  • Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu?

Tôi hiểu biết Chúa tôi rõ hơn ở chỗ nào?

  • Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở chỗ nào?

Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?

  • Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa?

(Nếu đã quen làm Lectio Divina, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình. Không giải thích ).

 

3 - CHIÊM NGHIỆM ĐỂ NHẬN RA Ý CHÚA

Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ : Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào?

KHÔNG CHIA SẺ CHUNG.

 

1. "Vừa tảng sáng, Đức Giêsu trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Ngài. Ngài ngồi xuống giảng dạy họ." (câu 2)

Sau khi đến núi Ô liu (câu 1) cầu nguyện với Chúa Cha như quen làm, vừa tảng sáng, Chúa Giêsu đã trở lại Đền Thờ để giảng dạy cho toàn dân đến với mình. Điều này cho chúng ta nghiệm thấy Chúa đến với chúng ta để làm gì? Ngài được Chúa Cha sai đến để công bố "Triều đại Thiên Chúa đã đến gần" (Mc 1,15); "loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn" (Lc 4, 18); "để nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và chân thật mà được sự sống đời đời" (Gioan 17, 3) để "học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường" (Mt 11, 29)… Còn chúng ta thì sao? Mỗi lần đến Nhà Thờ tham dự thánh lễ, tôi có muốn  lắng nghe lời Chúa dạy để "biết sự thật và được giải phóng", để được "sống dồi dào hơn" không? (Ga 8,32;10,10b). Nếu không để được các hồng ân trên, thì để làm gì? được gì?

…………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………

 

2. "Các kinh sư và người Pharisêu thử Ngài "Còn Thầy, Thầy bảo sao?" .... "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi" (câu 3… 7)

Các kinh sư và người Pharisêu đòi ném đá người phụ nữ ngoại tình theo luật Do Thái, Chúa Giêsu đã phản ứng thế nào? (1) Ngài thinh lặng; (2) Thái độ không tham gia - vẻ trên đất; (3) kiên nhẫn cho họ suy xét; (4) sau cùng Ngài mới nói để kêu gọi họ nhìn lại mình, xem xét mình là người thế nào mà đòi xử tử người khác. Kết quả là thế nào? (c. 9). Thầy Giêsu đã trả lời cho họ. Hôm nay Chúa cũng dạy chúng ta điều gì ?

…………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………

 

3. Đức Giêsu nói với người phụ nữ : "Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!" (câu 11).

Chúa không coi nhẹ tội hay bao che người phụ nữ ngoại tình. Ngài đến cứu độ, chứ không để giết chết. Chúa đã cứu sống người phụ nữ, đem lại ơn tha thứ, để chị làm lại cuộc đời "từ nay đừng phạm tội nữa". Mùa Chay là thời gian thuận lợi để nhớ lại và nhận ra mình là tội nhân (Kinh cáo mình và kinh Kính mừng) ; đến gặp Chúa Cứu Thế. Chúa đã chịu chết trên thập giá để cứu sống, tha thứ tội và ban Chúa Thánh Thần giúp tội nhân sống một đời sống mới. Tôi thử nhập vai người phụ nữ bị kết án ném đá, rồi được nghe lời Chúa Giêsu, để cảm nhận tâm tình của chị lúc bấy giờ. Có bao giờ tôi đã cảm nhận được lòng Chúa Cha yêu thương tôi qua Chúa Giêsu như vậy chưa? Tại sao?

…………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………

 

4 - CẦU NGUYỆN

Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.

Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình

hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.

* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.

 

Lời nguyện kết Thánh vịnh Đáp ca 125

Khi Chúa dẫn tù nhân Xion trở về,
ta tưởng mình như giữa giấc mơ.
Vang vang ngoài miệng câu cười nói,
rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.

Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán:
"Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay! "
Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại!

Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về,
như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam.
Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.

Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo;
lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.

Sáng danh…..

 

5. NHÌN TỚI HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN

  • Tôi chọn 1 câu Tin Mừng để đọc đi đọc lại và suy ngẫm.

....................................................................................

  • Trong tuần, tôi hãy thường xuyên nhớ lại Chúa đã tha thứ cho mình như thế nào? Và sau đó tôi đã cố gắng thay đổi lối sống nình làm sao?' Tôi có cầu xin Chúa Thánh Thần và Mẹ Maria cứu giúp mình như thế nào? bằng những việc làm nào?

...........................................................................................

 

CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA

Nhiều đoạn Kinh Thánh vang vọng việc cần phải có sức mạnh mang lại ơn cứu độ của lòng biết ghi nhớ, một ân sủng cần nài xin bởi nó “giữ cho con tim của chúng ta rộng mở và thành tín”.

Khi trái tim khô cứng, nó quên đi ... ân sủng của ơn cứu độ và sự nhưng không. Con tim sắt đá dẫn đến cãi vã, chiến tranh, ích kỷ và hủy hoại anh chị em mình vì không có lòng trắc ẩn.

Và thông điệp cao cả nhất của ơn cứu độ là Thiên Chúa đã tỏ lòng nhân hậu với chúng ta. Tin Mừng thường lặp đi lặp lại rằng Chúa Giêsu đã động lòng thương khi nhìn thấy một người hay một cảnh huống nào đó đau thương. Chúa Giêsu là lòng trắc ẩn của Chúa Cha. Chúa Giêsu là cái tát cho mọi sự chai cứng của con tim loài người.

Vì thế, chúng ta cần nài xin cho mình có một con tim rộng mở và từ bi khi đối diện với những điều đang xảy ra trên thế giới. Chính điều này là điều chúng ta sẽ bị phán xét trong ngày Chung Thẩm, chứ không phải bởi những “lý tưởng” hay “ý thức hệ” của chúng ta.

“Khi Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta đau yếu, các ngươi đã an ủi; Ta ngồi tù, các ngươi đã thăm nom". Đó chính là lòng trắc ẩn, chứ không phải là sự chai cứng của con tim. Và sự khiêm nhường, việc ghi nhớ cội nguồn của chúng ta và ơn cứu độ của chúng ta sẽ giúp chúng ta sống điều ấy.

Mỗi chúng ta đều có một thứ gì đó đã chai cứng trong lòng. Chúng ta hãy nhớ đến điều ấy và hãy để Chúa ban cho chúng ta một con tim ngay chính và chân thành, và Người sẽ ngự lại ở đó.

Thiên Chúa không thể bước vào trái tim chai cứng; trái tim mang những ý thức hệ. Người chỉ đi vào những con tim giống như con tim của Người: một con tim từ bi, trắc ẩn và rộng mở. Xin Chúa ban cho tất cả chúng ta ân sủng này.

(trích Giảng 18.2.2020)

 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com