"LẠY CHÚA CỦA CON
LẠY THIÊN CHÚA CỦA CON"
(Ga 20,28)
Hát thánh ca Phục Sinh khai mạc.
Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.
Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, hằng năm Chúa dùng ngọn lửa phục sinh để khơi lại niềm tin trong lòng dân thánh. Cúi xin Chúa gia tăng ân sủng để chúng con hiểu rằng: chính Chúa Kitô đã thanh tẩy chúng con bằng phép rửa, đã tái sinh chúng con bằng Thánh Thần và cứu chuộc chúng con bằng Máu Thánh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen
(Sách lễ Rôma, Lời nguyện CN 2 PS)
1 - LẮNG NGHE LỜI CHÚA
Tin Mừng theo T. Gioan 20,19-31.
- Một người công bố Lời Chúa. Mọi người đứng lắng nghe.
- Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.
2 - NHỚ LẠI LỜI CHÚA ĐỂ GHI NHẬN
Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ về 1 lời chạm đến tôi, dựa vào 3 câu hỏi gợi ý sau :
- Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu?
Tôi hiểu biết Chúa tôi rõ hơn ở chỗ nào?
- Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở chỗ nào?
Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?
- Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa?
(Nếu đã quen làm Lectio Divina, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình. Không giải thích).
3 - CHIÊM NGHIỆM ĐỂ NHẬN RA Ý CHÚA
Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ : Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào?
KHÔNG CHIA SẺ CHUNG
- "Ngày thứ nhất trong tuần… Đức Giêsu đến… Tám ngày sau, Đức Giêsu lại có mặt trong nhà." (c.19.26)
Nguồn gốc ngày Chúa Nhật là đây: Chúa Giêsu sống lại vào ngày thứ nhất theo tuần Do Thái, và Chúa "lại có mặt" để gặp ông Tôma vào ngày thứ tám. Từ đó ngày thứ tám đã thay thế ngày Sabbat, vừa là ngày lễ nghỉ để tạ ơn Thiên Chúa đã tạo dựng muôn vật. "Ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ" (Sáng thế 1), vừa là ngày họp mừng tạ ơn công trình sáng tạo mới và cứu độ bởi Đức Kitô chết và Phục sinh. Đối với tôi, ngày Chúa Nhật mang ý nghĩa nào cho tinh thần và cuộc sống hôm nay của mình, của thế giới?
........................................................................................................
........................................................................................................
- "Ông Tôma thưa Chúa:"Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con." (c.-28)
Chúa Giêsu hiện đến với ông Tôma để củng cố niềm xác tín của ông Tôma, và dạy chúng ta rằng: Từ nay không còn nhìn thấy hay chạm vào Ngài để xác nhận Chúa đang sống, nhưng chúng ta cần phải TIN vào lời chứng và các dấu chỉ được ban cho. Tôi nhớ lại xem mình đã tin nhận Chúa Phục Sinh nhờ những ai, và qua các dấu chỉ nào? Do đâu tôi có được bình an, niềm vui đi theo Đức Giêsu? Dựa vào đâu mà tôi tin Ngài là "Chúa của con, là Thiên Chúa của con"?
........................................................................................................
........................................................................................................
- "Những điều đã được ghi chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Ngài." (c. 31).
Tin Mừng Gioan kể lại 7 dấu lạ Chúa Giêsu đã làm, gồm có: dấu lạ nước biến thành rượu (Ga 2), chữa con viên sĩ quan cận vệ vua Hêrôđê (Ga 4) ; người đau ốm ở hồ nước Bếtdatha (Ga 5) ; Bánh hóa nhiều (Ga 6) ; người mù từ thuở mới sinh (Ga 9) ; anh Ladarô sống lại (Ga 11) và dấu lạ cuối cùng là biến cố Chúa Phục Sinh. Mục đích là (1) "để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô Con Thiên Chúa" và (2) "để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Ngài". Còn lòng tin của tôi dựa vào đâu? Đọc Tin Mừng giúp tôi vững tin theo Chúa và sống như thế nào?
........................................................................................................
........................................................................................................
4 - CẦU NGUYỆN
Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.
Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình
hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.
* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.
Lời nguyện kết – (Thánh Vịnh Đáp Ca 117)
Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Ítraen hãy nói lên rằng:
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Ai kính sợ Chúa hãy nói lên rằng:
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.
Đó chính là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.
Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.
Lạy Chúa, xin ban ơn cứu độ,
lạy Chúa, xin thương giúp thành công.
Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành
cho người tiến vào đây nhân danh Chúa.
Từ nhà Chúa, chúng tôi chúc lành cho anh em.
Đức Chúa là Thượng Đế, Người giãi sáng trên ta.
Sáng danh..
5 - HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN
- Tôi chọn 1 câu Tin Mừng để đọc đi đọc lại và suy ngẫm.
................................................................................................
- Chúa Kitô Phục Sinh đã tìm dến với các môn đệ sợ hãi nhốt mình trong nhà, với ông Tôma cứng lòng tin, với hai môn đệ bỏ cuộc trên đường Emmau, để họ trở nên CHỨNG NHÂN cho người khác. Mùa Phục sinh này sẽ giúp tôi tăng cường niềm tin và thêm sức mạnh để làm chứng Chúa cho ai? bằng cách nào?
..............................................................................................
..............................................................................................
CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Nét đặc trưng của Kitô hữu, là sống chứng nhân, là làm chứng về Chúa Kitô. Kitô hữu không tìm cách thỏa hiệp với thế gian. Người Kitô không sống kiểu thỏa hiệp. Nhưng đối với những ai không cùng lối nghĩ, không cùng đức tin, thì người Kitô biết kiên nhẫn, biết bao dung và đồng hành, nhưng không bao giờ bán đứng sự thật: Làm chứng về Đức Kitô.
Và như thế, chúng ta thấy biết bao cuộc bách hại các Kitô hữu từ thời xưa đến nay…
Các tông đồ nói về những gì cụ thể. Các ngài nói về những gì các ngài đã thấy, đã đụng chạm. Mỗi người trong chúng ta có nói được rằng, Chúa Giêsu đã chạm vào cuộc đời tôi?
Nhiều lần phạm tội, nhiều lần sống thỏa hiệp, nhiều sợ hãi, đã làm cho chúng ta quên đi lần gặp gỡ đầu tiên ấy. Lần mà chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu, lần mà Chúa biến đổi cuộc đời ta. Có thể chúng ta nhớ về cái lần mình được rửa tội trong nước, để trở thành Kitô hữu, nhưng ký ức ấy có vẻ mờ nhạt và hời hợt.
Chúng ta hãy biết cầu xin Chúa Thánh Thần, ban cho ta ơn có sự việc cụ thể như các tông đồ. Chúa Giêsu đã bước vào cuộc đời tôi, đã đụng chạm đến tâm hồn tôi. Chúa Thánh Thần đi vào trái tim tôi. Có lẽ tôi đã lãng quên, nhưng xin ơn để tôi có thể nhớ lại lần gặp gỡ đầu tiên ấy.
Chúng ta hãy cầu nguyện, cầu nguyện cho nhau, để niềm vui của Chúa Thánh Thần đến trong tâm hồn ta, để ta có thể sống niềm vui của đời vâng phục, niềm vui của đời chứng nhân, trong những gì cụ thể của niềm vui Phục Sinh.
(trích Bài Giảng 12.04.2018)
Xin ACE cùng hiệp thông với các ý cầu nguyện trong tháng 04 trên trang web của PT.