Lời Chúa CN

Cầu nguyện với Lời Chúa theo Lectio Divina - Chúa nhật 3 Phục Sinh Năm C

“LƯỚI ĐẦY NHỮNG CÁ LỚN…

ĐẾM ĐƯỢC 153 CON !”

Tin Mừng theo thánh Gioan 21, 11

 

 

Hát thánh ca Phục Sinh khai mạc.

Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.

 

Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp chúng con biết lấy cuộc đời bày tỏ cho mọi người thấy sức sống của Ðức Kitô phục sinh, Ðấng chiến thắng tử thần. Giờ đây chúng con đã nhận lãnh mầm sống Người ban tặng, xin cho chúng con mang lại những hoa quả dồi dào. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.Amen

(Sách lễ Rôma, Lời nguyện Thứ 3 Tuần 2 Phục Sinh)

 

1 - LẮNG NGHE LỜI CHÚA

Tin Mừng theo T. Gioan 21,1-14

  • Một người công bố Lời Chúa. Mọi người đứng lắng nghe.
  • Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.

 

2 - NHỚ LẠI LỜI CHÚA ĐỂ GHI NHẬN

Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ về 1 lời chạm đến tôi, dựa vào 3 câu hỏi gợi ý sau :

  • Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu?

Tôi hiểu biết Chúa tôi rõ hơn ở chỗ nào?

  • Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở chỗ nào?

Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?

  • Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa?

(Nếu đã quen làm Lectio Divina, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình. Không giải thích).

 

3 - CHIÊM NGHIỆM ĐỂ NHẬN RA Ý CHÚA

Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ : Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào?

 

  1. Đức Giêsu bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: "Chúa đó!"

Nếu ông Phêrô và các môn đệ được Chúa Giêsu kêu gọi làm "người chài lưới người" (Mc 1,17), thì mẻ lưới lạ lùng làm theo lời Ngài cho thấy Chúa hiện diện và hành động ở đây, sau một đêm họ chẳng bắt được gì. (xem Mc 16,20). Dấu lạ này được ông Gioan nhận ra sớm nhất, vì "ông là người được Chúa Giêsu thương mến" (câu 7), và ông Phêrô gặp được Ngài trước nhất, vì ông nóng ruột nhất.

Đã có khi nào tôi nhận ra Chúa Phục sinh đồng hành trong sứ vụ loan báo Tin Mừng của cộng đoàn ? và dựa vào đâu?

........................................................................................................

........................................................................................................

 

  1. Đức Giêsu bảo các ông: "Đem ít cá mới bắt được tới đây!" Ông Simôn Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. (câu 10-11)

Ông Phêrô được Chúa giao nhiệm vụ làm tông đồ trưởng, thay mặt Ngài lèo lái con thuyền Giáo Hội kéo lưới lên bờ có đến 153 con cá lớn. Con số này mang tính tượng trưng, như theo Thánh Giêrônimô -người dịch Kinh thánh ra tiếng latinh- cho biết thời đó người ta tính có 153 loại cá trong hồ Tibêria. Ý nghĩa là Giáo Hội được sai đi để mang toàn thể các dân tộc đến với Nước Trời. (x Mt 28,19).

Giáo Hội tại Việt Nam cũng có sứ vụ lo cho mọi đồng bào của mình.

Phần tôi đã cộng tác thế nào trong công vụ này? Tôi sẽ làm gì?

........................................................................................................

........................................................................................................

 

  1. "Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy." (câu 13)

Thêm một dấu chỉ về cách Chúa Giêsu hiện diện với Giáo hội sau khi phục sinh: Bữa ăn chính Chúa dọn sẵn cho môn đệ : "có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa" (câu 9), Chúa cầm lấy bánh và cá trao cho môn đệ" (câu 13). Thánh lễ Chúa Nhật là bữa ăn Chúa Giêsu truyền cho Hội thánh dọn ra cho các tín hữu. Tôi đi lễ với tâm thức nào? Có phải để chúc tụng, tạ ơn Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã làm và dạy làm trong bữa Tiệc ly không? Hay vì lý do nào khác? (x Mt 26,26-28).

........................................................................................................

 

4 - CẦU NGUYỆN

Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.

Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.

* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.

 

Lời nguyện kết Thánh vịnh Đáp ca 29

Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt,
không để quân thù đắc chí nhạo cười con.
Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên,
tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.

Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa,
cảm tạ thánh danh Người.
Người nổi giận, giận trong giây lát,
nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.
Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.

Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con,
lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ.
Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu,
Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,
Xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu.

Sáng danh…

 

5 - HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN

  • Tôi chọn 1 câu Tin Mừng để đọc đi đọc lại và suy ngẫm.

.......................................................................................................

  • ĐTC Phanxicô nói: “Một trong các thách đố lớn hiện nay Hội Thánh phải đối diện, là giúp mọi tín hữu ý thức trách nhiệm của mình đối với sứ mạng của Hội Thánh, và giúp họ chu toàn trách nhiệm làm môn đệ-thừa sai, làm men Tin Mừng trong thế giới chúng ta.” (Philadelphia ngày 26.9.2015). Tôi suy nghĩ và cầu nguyện để nhận ra ý Chúa muốn tôi làm môn đệ-thừa sai như thế nào...

.................................................................................................

 

CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA

Tất cả chúng ta trở thành môn đệ truyền giáo khi chúng ta chọn trở thành một phần sống động trong gia đình của Chúa. Chúng ta làm điều này bằng cách chia sẻ với những người khác như chính Chúa đã làm. Ngài đã ăn uống với những người tội lỗi, đã bảo đảm với họ rằng họ cũng có một vị trí trên bàn tiệc của Cha và bàn tiệc của thế giới này; Ngài đã chạm vào những người bị coi là ô uế và khi để mình được họ chạm vào, Ngài đã giúp họ nhận ra sự gần gũi của Thiên Chúa và hiểu rằng họ được chúc phúc (x. Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu, 11).

Ở đây tôi nghĩ về những trẻ em và phụ nữ là nạn nhân của mại dâm và buôn người, bị làm nhục phẩm giá thiết yếu của họ. Tôi nghĩ đến những người trẻ tuổi bị nô lệ vì nghiện ma túy và thiếu ý nghĩa cuộc sống khiến họ chán nản và phá hủy giấc mơ của mình. Tôi nghĩ đến những người di cư, bị tước đoạt nhà cửa và gia đình họ, và rất nhiều những người khác, những người cũng có thể cảm thấy bị mồ côi, bị bỏ rơi, “mất hết sức lực, ánh sáng và sự an ủi phát sinh từ tình bạn với Chúa Giêsu Kitô, và không có một cộng đồng đức tin hỗ trợ cho họ, không thấy được ý nghĩa và mục tiêu của cuộc sống” (Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm, 49). Tôi cũng nghĩ đến những ngư dân bị bóc lột và những người hành khất bị lờ đi.

Tất cả họ đều là một phần trong gia đình chúng ta. Họ là mẹ của chúng ta, là anh chị em của chúng ta.. Một môn đệ truyền giáo biết rằng truyền giáo không phải là để có thêm thành viên hay tỏ ra mạnh mẽ. Thay vào đó, đó là việc mở các cánh cửa để trải nghiệm và chia sẻ vòng tay thương xót và chữa lành của Chúa Cha, là điều khiến chúng ta nên một gia đình.

(trích Giảng lễ kêt thúc viêng thăm Thái Lan, tháng 11,2019)

 

Xin ACE cùng hiệp thông với các ý cầu nguyện trong tháng 04 trên trang web của PT.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com