Lời Chúa CN

Cầu nguyện với Lời Chúa theo Lectio Divina - Chúa nhật 5 Phục Sinh Năm C

“HỠI NHỮNG NGƯỜI CON BÉ NHỎ CỦA THẦY

HÃY YÊU THƯƠNG NHAU!”.

Tin Mừng theo thánh Gioan 13,33

 

Hát thánh ca Phục Sinh khai mạc.

Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.

 

Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen

Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới làm cho chúng con nên một lòng một ý; xin cho tất cả chúng con biết yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng con vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

(Sách lễ Rôma, Lời nguyện Thứ 2 Tuần 5 Phục Sinh)

 

1 - LẮNG NGHE LỜI CHÚA

Tin Mừng theo T. Gioan 13,31-33a.34-35

  • Một người công bố Lời Chúa. Mọi người đứng lắng nghe.
  • Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.

 

2 - NHỚ LẠI LỜI CHÚA ĐỂ GHI NHẬN

Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và ghi nhận 1 lời chạm đến tôi, dựa theo các câu hỏi gợi ý sau :

  • Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu?

Tôi hiểu biết Chúa tôi rõ hơn ở chỗ nào?

  • Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở chỗ nào?

Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?

  • Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa?

 (Nếu đã quen làm Lectio Divina, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình. Không giải thích ).

 

3 - CHIÊM NGHIỆM ĐỂ NHẬN RA Ý CHÚA

Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ : Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào?

 

  1. “Khi Giuđa đi rồi, Đức Giêsu nói: "Giờ đây, Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người ”(c. 31).

Chúa Giêsu bảo ông Giuđa  "Anh làm gì thì làm mau đi!" Và như thế Chúa ra hiệu bắt đầu cuộc thương khó của mình. Rồi bấy giờ Ngài nói: "Giờ TÔN VINH THIÊN CHÚA và CON NGƯỜI" bắt đầu. Ngài không nói "cuộc thương khó của Thầy hay giờ chết", nhưng là "Giờ Tôn Vinh". Tại sao? Vì đó là lúc (1) Chúa Giêsu cho thấy "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình" (x Ga 15,13). (2) Người ta sẽ nhận biết: "Người này là Con Thiên Chúa" (Mc 15,39); (3) Thiên Chúa cho thấy Ngài "yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một,… sai Người đến để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ" (Ga 3, 16-17).

Còn tôi, khi nhìn lên thập giá Chúa Kitô, tôi có nhận ra "Vinh quang" của Thiên Chúa không, để tôn vinh tình yêu của Chúa Cha và của Con Ngài? Và để tạ ơn? Nếu không, thì tôi nhìn thấy điều gì? và điều ấy nói gì với tôi và tôi nói gì với Thiên Chúa đã yêu tôi đến thế?

.....................................................................................................

......................................................................................................

 

  1. Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.” (c.33-34).

"Những người con bé nhỏ". Chúa gọi các môn đệ cách thân thương hiếm thấy, khi sắp từ biệt họ. Và Ngài trối lại lời cuối cùng: "Như Thầy đã yêu thương anh em, hãy yêu thương nhau". Không hẳn phải chết như Thầy, nhưng Thầy đã nêu gương cho anh em, vậy anh em hãy yêu thương nhau. Tôi có thiết tha với lời căn dặn này không? Lời này đáng được tôi nhẩm đi nhẩm lại trong miệng, nhập trong trí, thấm vào tim, và khắc ghi trong lòng.

.....................................................................................................

......................................................................................................

 

  1. "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau(c. 34-35).

Yêu thương anh chị em là DẤU CHỈ đích thật của những người cùng theo Chúa. Dấu chỉ này cho thấy họ hiệp thông với Chúa Giêsu, cùng nhau tham gia tiệc Thánh Thể, và đang chia sẻ chung một Sứ Vụ.

Tôi đã cố gắng yêu thương anh chị em của mình như thế nào? Đó là những người trong gia đình, trong giáo xứ, cộng đoàn. Nhưng cũng còn là những người Chúa đã yêu thương cứu độ. Tôi còn phải mở rộng trái tim của mình đối với ai khác, để là "môn đệ của Thầy" hơn nữa?

.....................................................................................................

......................................................................................................

 

4 - CẦU NGUYỆN

Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.

Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình,

hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.

* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.

 

Lời nguyện kết Thánh vịnh Đáp ca 144

Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
Chúa nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.

Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,
nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển,
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng,

để nhân loại được tường những chiến công của Chúa,
và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.
Triều đại Ngài: thiên niên vĩnh cửu,
vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.     

Sáng danh

 

5 - NHÌN TỚI HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN

 

  • Tôi chọn 1 câu Tin Mừng để đọc đi đọc lại và suy ngẫm.

.............................................................................................

  • Tôi nhớ lại lời Chúa Giêsu dạy tôi yêu thương anh chị em, để nhận ra mình còn chưa yêu thương những ai, và sắp tới, cố gắng nới rộng tình thương của Chúa đến với những người nào?

..............................................................................................

..............................................................................................

 

CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA

Thánh Phaolô đã diễn tả chính xác khi nói về việc trở nên giống Chúa Giêsu thật sự:

“Tôi cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi (Gal 2,19-20).

Kinh nghiệm của thánh Phaolô soi sáng cho chúng ta: trong mức độ chúng ta hãm dẹp tính ích kỷ của mình – nghĩa là làm chết đi những gì đối nghịch với Tin Mừng và tình yêu của Chúa Giêsu –  thì một không gian rộng lớn hơn dành cho quyền năng của Chúa Thánh Thần được tạo ra trong chúng ta. Kitô hữu là những con người nam và nữ để cho tâm hồn của mình được sức mạnh của Chúa Thánh Thần mở rộng, sau khi lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. … Tâm hồn rộng mở, cao cả, với những chân trời bao la... Hãy để sức mạnh của Chúa Thánh Thần mở rộng tâm hồn anh chị em, sau khi lãnh nhận Mình Máu Chúa Kitô.

Bởi vì sự hiện diện thật của Chúa Kitô trong Bánh Thánh không chấm dứt với Thánh lễ (xem GL.HTCG số 1374), …. Thật vậy, việc thờ kính Thánh Thể ngoài Thánh lễ, cá nhân hay cộng đoàn, giúp chúng ta lưu lại trong Chúa Kitô. (GL.HTCG số 1378-1380).

Cho nên, hoa trái của Thánh lễ là nhằm để được chín mùi trong cuộc sống từng ngày. … Thật vậy, khi làm cho chúng ta được kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô, Thánh Lễ làm sống mạnh lên ân sủng Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta trong Bí tích Thánh tẩy và Thêm sức, để chứng tá Kitô hữu của chúng ta trở nên dễ tin hơn (GL.HTCG 1391-1392).

(trích Huấn giáo về Thánh lễ,4.4.2018)

 

Xin ACE cùng hiệp thông với các ý cầu nguyện trong tháng 05 trên trang web của PT.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com