“CHỈ CÓ MỘT CHUYỆN CẦN THIẾT MÀ THÔI.
MARIA ĐÃ CHỌN PHẦN TỐT NHẤT”
Lc 10, 42
Hát thánh ca khai mạc.
Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.
Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen
Lạy Chúa, xin tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu Chúa và rộng tay ban phát mọi ơn lành, để chúng con thêm lòng tin cậy mến, và chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen
(Sách lễ Rôma, Lời nguyện CN 16 TN)
1 - LẮNG NGHE LỜI CHÚA
Tin Mừng theo T. Luca 10,38-42
- Một người công bố Lời Chúa. Mọi người đứng lắng nghe.
- Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.
2 - SUY NIỆM
Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ để ghi nhận 1 lời chạm đến tôi, dựa theo các câu hỏi gợi ý sau :
- Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu?
Tôi hiểu biết Chúa tôi rõ hơn ở chỗ nào?
- Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở chỗ nào?
Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?
- Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa?
(Nếu đã quen làm Lectio Divina, sau khi suy niệm,có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình. Không giải thích).
3 - CHIÊM NGHIỆM ĐỂ NHẬN RA Ý CHÚA
Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ: Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào?
KHÔNG CHIA SẺ CHUNG
- “Đức Giêsu vào một làng kia, có một phụ nữ tên là Mácta ra đón Người vào nhà.” (câu 38).
Là Đấng Emmanuen -Thiên Chúa ở cùng chúng ta-, Chúa Giêsu không ở luôn trong Đền Thờ. Ngài thường xuyên đi đến các làng mạc, vào nhà dân để gặp gỡ và rao giảng (x. Mc 1,38). Cô Mácta và hai em Maria và Ladarô ở Bêtania thường đón tiếp Chúa Giêsu và các môn đệ (x. Gioan 11). Gia đình tôi có đón Chúa Giêsu đến lưu lại trong nhà không? Như thế nào? Trong các giờ cầu nguyện hàng ngày? Vào những dịp đặc biệt của gia đình? Sau khi nghe Lời Chúa và đón nhận Thánh Thể trong thánh lễ, tôi đem Chúa về nhà để ở lại trong mình, hay tôi để Chúa lại trong nhà thờ, chờ đến lần sau gặp tiếp? Vì sao vậy?
.............................................................................................................
.............................................................................................................
- “Cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Còn cô Maria cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.” (c 39)
Nhìn kỹ thái độ của hai chị em, người ta nhận thấy họ đón tiếp Chúa Giêsu thật khác nhau. Như thế nào? Họ quí Chúa Giêsu ở chỗ nào?
- Cô Mácta ………………………………………………………..…
......................................................................................................
- Cô Maria ...................................................................................
......................................................................................................
Nếu tôi ở trong hoàn cảnh này, tôi sẽ hành động giống ai? Vì sao?
........................................................................................................
- Đức Giêsu nói: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất.” (c.41-42)
Chúa Giêsu không lên án việc đón tiếp mình hay phục vụ anh chị em (nhớ lại câu chuyện người Samari tuần trước). Ngài chỉ trách cô Mácta quá bận rộn, quá lo lắng. Đây cũng là điều Chúa luôn nhắc nhở các môn đệ, chớ để những nổi lo lắng và vinh hoa phú quý ở đời… làm chết ngợp Lời Chúa (x Lc 8,14) ; “đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn cũng đừng lo cho thân thể, lấy gì mà mặc” (Lc 12,22). Điều quan trọng hơn là “hãy lo tìm Nước của Thiên Chúa” (Lc 12,31) và “lắng nghe Lời với tấm lòng quảng đại, rồi nắm giữ và đem ra thực hành” (Lc 8,15). Cô Maria đã đón tiếp Chúa Giêsu như ý Ngài muốn. Tôi nhớ lại cách mình đã đón Chúa trong đời xưa nay làm sao? Từ đây sẽ thay đổi thế nào?
…………………………………………………………………
…………………………………………………………………
4 - CẦU NGUYỆN
Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.
Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.
* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.
Lời nguyện kết Thánh vịnh Đáp ca 14
Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa?
Kẻ nào sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng,
bụng nghĩ sao nói vậy, miệng lưỡi chẳng vu oan.
Không làm hại người nào,
chẳng làm ai nhục nhã.
Coi khinh phường gian ác, trọng ai kính Chúa Trời.
Cho vay không đặt lãi, chẳng nhận quà hối lộ
mà hại đến người ngay.
Phàm ai làm những điều này
không hề nao núng chuyển lay bao giờ.
Sáng danh…
5 - NHÌN TỚI HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN
- Tôi chọn 1 câu Tin Mừng để đọc đi đọc lại và suy ngẫm.
....................................................................................
- Nhìn vào gương hai chị em trong Tin Mừng, từ nay tôi sẽ cố gắng “đón Chúa Giêsu vào nhà”, và “chọn phần tốt nhất như thế nào?
………………………………………………………………
………………………………………………………………
CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Các môn đệ, theo yêu cầu của Chúa Giêsu, nhân danh Chúa Giêsu, đã gọi người mù Bartimê lại… Thật vậy, với những lời của Chúa Giêsu: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh”. Trong Tin Mừng, chỉ có Chúa Giêsu mới nói: “Hãy vững tâm”, vì chỉ mình Ngài mới có thể “làm yên lòng” những người chạy đến cùng Ngài. Trong Tin Mừng, chỉ mình Chúa Giêsu mới nói, “Hãy đứng dậy”, và chữa lành cả tinh thần lẫn thể xác. Chỉ có Chúa Giêsu mới mời gọi, biến đổi cuộc sống của những ai theo Ngài, nâng dậy những ai sa ngã, mang ánh sáng của Thiên Chúa đến những miền thâm u trong cuộc sống. Quá nhiều trẻ em, quá nhiều bạn trẻ, như Bartimê, đang tìm kiếm ánh sáng trong cuộc sống của họ. Họ đang tìm kiếm tình yêu đích thực…
Chúng ta không phải là Kitô hữu nếu chúng ta chỉ biết ngồi chờ các anh chị em của chúng ta, là những người đang tìm kiếm, đến gõ cửa chúng ta ; chúng ta phải đi ra ngoài với họ, và mang đến cho họ Chúa Giêsu. Ngài gởi chúng ta đến khích lệ người khác và nâng họ dậy nhân danh Ngài. Ngài sai chúng ta đến nói với mỗi người: “Thiên Chúa yêu cầu bạn hãy để cho chính mình được Ngài yêu thương”. …Quá thường biết chừng nào thay vì làm cho Lời Chúa thành lời lẽ của chúng ta, thì chúng ta lại làm ngược lại là tô vẽ những ý tưởng của chúng ta thành ra như lời Chúa! Quá thường biết chừng nào là chúng ta coi trọng những cơ chế của mình hơn là sự hiện diện thân tình của Chúa Giêsu! …
Hành trình đức tin lắng nghe, trở thành người lân cận, ... kết thúc một cách thật đẹp và đáng ngạc nhiên khi Chúa Giêsu nói: “Ðược, đức tin của anh đã chữa anh”. Đức tin cầu xin lòng thương xót. Cảm nhận được rằng mình cần đến ơn cứu rỗi là điểm khởi đầu của đức tin. Đó là con đường trực tiếp để gặp Chúa Giêsu. Đức tin đã cứu Bartimê chính là vì anh ta đã tìm kiếm và khao khát được gặp Ngài. Đức tin nảy sinh từ cuộc gặp gỡ, chứ không phải từ những lý thuyết. Trong cuộc gặp gỡ, Chúa Giêsu đi ngang qua; trong cuộc gặp gỡ, trái tim của Giáo Hội đập lên. Khi đó, không phải là những lời rao giảng của chúng ta, nhưng chính những chứng tá của chúng ta về cuộc sống sẽ cho thấy hiệu quả.
(trích Bài giảng thánh lễ bế mạc THĐGM 28.10.2018)
Xin ACE cùng hiệp thông với các ý cầu nguyện trong tháng 07 trên trang web của PT.