“AI ĐÃ TỎ RA LÀ NGƯỜI THÂN CẬN
VỚI NGƯỜI ĐÃ BỊ RƠI VÀO TAY KẺ CƯỚP ?”
Lc 10, 36
Hát thánh ca khai mạc.
Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.
Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen.
Lạy Chúa, Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người. Xin giúp chúng con hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen
(Sách lễ Rôma, Lời nguyện CN 25 TN)
1 - LẮNG NGHE LỜI CHÚA
Tin Mừng theo T. Luca 10,25-37.
- Một người công bố Lời Chúa. Mọi người đứng lắng nghe.
- Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.
2 - NHỚ LẠI LỜI CHÚA ĐỂ GHI NHẬN
Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và ghi nhận 1 lời chạm đến tôi, dựa theo các câu hỏi gợi ý sau :
- Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu?
Tôi hiểu biết Chúa tôi rõ hơn ở chỗ nào?
- Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở chỗ nào?
Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?
- Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa?
(Nếu đã quen làm Lectio Divina, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình. Không giải thích).
3 - CHIÊM NGHIỆM ĐỂ NHẬN RA Ý CHÚA
Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ: Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào?
KHÔNG CHIA SẺ CHUNG
- "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp" "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình" (c.25-27)
Nếu tôi muốn được sự sống đời đời làm gia nghiệp, thì theo lời Chúa Giêsu, tôi phải làm gì? Chỉ cần 2 việc. Đó là:
1). “yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn”;
2). “yêu mến người thân cận như chính mình”.
Anh chị em tín hữu quanh tôi sống như lời Chúa dạy người thông luật như thế nào? Còn tôi thì sao? Tôi đọc kỹ lại hai lời trên, để xét xem mình đã làm 2 việc này như thế nào. Hay mới chỉ lo ……….. mà thôi?
.....................................................................................................
.....................................................................................................
- “Một người Samari kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương…”. Ông ta đã làm gì khác với thầy tư tế và thầy Lêvi? (c.33-35)
- Ông ta lại gần,
- Lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó
- Rồi đặt trên lưng lừa của mình,
- Đưa về quán trọ mà săn sóc…
- Lấy hai quan tiền, nhờ chủ quán săn sóc
- “Có tốn kém thêm bao nhiêu…chính tôi sẽ hoàn lại bác”
Ai là người Samari này?
Thầy tư tế và thầy Lêvi trong Đạo Do thái, đã không cứu được người rơi vào tay KẺ CƯỚP là Xatan, dở sống dở chết dưới tội lỗi. Chúa Giêsu là người Samari nhân hậu này. Ngài đã “tới chỗ nạn nhân, và động lòng thương… đến gần… đưa người kia đến quán trọ Hội Thánh… và sẽ trả công cho chủ quán - là những người ở trong Giáo hội -, khi trở lại trong vinh quang. Tôi suy nghĩ thế nào về điều này?
.....................................................................................................
- “Ai đã tỏ ra ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”... “Ông hãy đi, và cũng làm như vậy” (c. 37) … “Cứ làm như vậy là sẽ được sống” (c. 28).
Người thông luật hỏi Chúa : “Ai là người thân cận của tôi?” (c.29).
Chúa hỏi lại ông: “Ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ? ” (c.36)
Trong cuộc sống hàng ngày của mình, tôi đã thường tỏ ra mình là người thân cận của những ai? Khi sống như vậy, tôi đã cảm nghiệm được gì?
.....................................................................................................
.....................................................................................................
4 - CẦU NGUYỆN
Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.
Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.
* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.
Lời nguyện kết Thánh vịnh đáp ca 18
Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.
Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.
Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng.
Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.
Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời.
Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh,
Thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng,
ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất.
Sáng Danh …
5 - NHÌN TỚI HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN
- Tôi chọn 1 câu Tin Mừng để đọc đi đọc lại và suy ngẫm.
.............................................................................................
- Tuần này, chắc chắn tôi sẽ có cơ hội để làm theo lời Chúa nói hôm nay: “Con hãy đi, và cũng làm như vậy”. Hãy xem xét kỹ quanh mình.
………………………………..…………………………
CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Bình an của Chúa Giêsu ở cùng những cuộc đời bị bách hại và khổ đau. Đó là một thứ bình an vô cùng sâu thẳm, sâu thẳm hơn tất cả những thứ đau khổ. Đó là thứ bình an mà không ai có thể lấy đi được. Đó là một quà tặng. Mặc cho mặt biển dồn dập sóng vỗ, lòng biển vẫn lặng lẽ bình yên.
Sống trong bình an cùng với thầy Giêsu chính là kinh nghiệm được thứ bình an bên trong này, thứ bình an ở lại trong tất cả những thử thách, khó khăn và khổ đau.
Ta chỉ có thể hiểu được điều này nơi những giây phút cuối cùng của các vị thánh, những người đã không mất đi bình an, nhưng đã làm chứng rằng họ đi vào cuộc tử đạo như những khách mời của tiệc cưới.
Đó chính là món quà bình an của thầy Giêsu. Thứ bình an ấy không thể đến từ con người, như khi đi gặp bác sĩ, hay khi uống thuốc giảm đau. Đó là thứ bình an đến từ Thánh Thần – Đấng ngự trong lòng ta. Chính Người mang đến cho ta sức mạnh.
Cũng giống như sức mạnh của một người đã làm việc rất chăm chỉ, nhưng một ngày kia, cơn bạo bệnh ập tới. Ông đã phải bỏ dở tất cả các kế hoạch dự án của mình. Nhưng dù thế nào đi nữa, ông vẫn luôn sống trong bình an. Người ấy là một Kitô hữu.
Bình an của thầy Giêsu dạy chúng ta tiến bước trong cuộc đời. Bình an ấy dạy chúng ta gánh vác, đảm nhận nó.
Gánh vác: một từ chúng ta không thể hiểu hết được. Đó là một từ rất Kitô giáo, nghĩa là, mang lấy trên vai.
Gánh vác: nghĩa là mang lấy cuộc sống trên đôi vai của mình, với tất cả những khó khăn, những công việc, bổn phận, tất cả mọi thứ, mà không mất đi bình an. Thay vào đó, ta mang lấy chúng trên vai và can đảm bước đi.
Điều này chỉ có thể được hiểu khi có Chúa Thánh Thần ngự trị trong lòng và Người ban cho chúng ta bình an của thầy Giêsu.
(trích bài giảng 21.5.2019)
Xin ACE cùng hiệp thông với các ý cầu nguyện trong tháng 07 trên trang web của PT.