Lời Chúa CN

Cầu nguyện với Lời Chúa theo Lectio Divina - Chúa nhật 14 Thường niên Năm C

 

“TRIỀU ĐẠI THIÊN CHÚA ĐÃ ĐẾN GẦN CÁC ÔNG”

Lc 10, 9

 

Hát thánh ca khai mạc.

Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.

 

Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen

Lạy Chúa, Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, xin hãy nhìn đến cánh đồng đầy lúa chín, và đoái thương sai thợ gặt đến rao giảng phúc âm cho muôn loài, để dân Chúa được Lời Hằng Sống qui tụ và được thần lực các Bí tích thúc đẩy, biết tiến bước trên đường cứu độ và bác ái. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen

(Sách lễ Rôma, Lời nguyện Khánh nhật Truyền giáo)

 

1 - LẮNG NGHE LỜI CHÚA

Tin Mừng theo T. Luca 10, 1-9.

  • Một người công bố Lời Chúa. Mọi người đứng lắng nghe.
  • Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.

 

2 - NHỚ LẠI LỜI CHÚA ĐỂ GHI NHẬN

Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ về 1 lời chạm đến tôi, dựa vào 3 câu hỏi gợi ý sau:

  • Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu?

Tôi hiểu biết Chúa tôi rõ hơn ở chỗ nào?

  • Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở chỗ nào?

Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?

  • Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa?

 (Nếu đã quen làm Lectio Divina, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình. Không giải thích).

 

3 - CHIÊM NGHIỆM ĐỂ NHẬN RA Ý CHÚA

Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ: Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào?

 KHÔNG CHIA SẺ CHUNG

  1. Đức Giêsu bảo các môn đệ : “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. (câu 3)

Hôm nay Chúa Giêsu cũng nói các lời này với mỗi người chúng ta. Hay cho ai khác? Hãy nhớ lại xem chung quanh chúng ta còn có những ai chưa được biết tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh. Tôi nhận thấy cuộc sống của họ thế nào? Họ có được bình an, niềm vui, hay tình thương trong gia đình không? Tôi có dám thưa với Chúa: “Xin sai con đi!” cho dù sẽ phải “đi như chiên con giữa bầy sói” không? Để làm gì? Nói gì?

....................................................................................................

....................................................................................................

 

2.Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: 'Bình an cho nhà này và bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy' ” (câu 5-6)

Sứ giả Tin Mừng trước tiên phải là sứ giả của Bình An. Vì Chúa Kitô mang bình an trên trời xuống thế cho “loài người Chúa thương” (Luca 2,14), và là thứ bình an Chúa Phục Sinh ban tặng cho môn đệ sau khi chịu chết trên thập giá để cứu độ trần gian (Ga 20,19). Đây là bình an có được do hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau, bình an nhờ sống theo Thần Khí (x.Galat 25,22). Là môn đệ - thừa sai của Chúa Kitô, tôi có bình an trong mình không? Đến với anh em, tôi mang đến cho người khác bình an nào? Là Kitô hữu, tôi quan tâm xây dựng bình an ở nơi mình sống như thế nào? Hay tôi chẳng quan tâm? Tại sao?

.....................................................................................................

.....................................................................................................

 

  1. “Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” (câu 9).

Chúa Giêsu muốn các môn đệ ra đi theo cách thức của mình: biết chăm sóc con người về mặt thể chất lẫn tinh thần: “Hãy chữa những người đau yếu và nói về Triều đại Thiên Chúa”. Bằng việc làm yêu thương và với lời nói cho thấy Thiên Chúa đang có mặt trong cuộc sống của họ để cảm nhận được tình yêu Ngài dành cho mình.

Tôi đọc đi đọc lại Kinh Lạy Cha để nhận ra Chúa Giêsu dạy tôi biết những điều Thiên Chúa muốn tôi tha thiết nhất là gì và cần xin gì.

.....................................................................................................

.....................................................................................................

 

4 - CẦU NGUYỆN

Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.

Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.

* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.

 

Lời nguyện kết với Thánh vịnh Đáp ca 65

Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa,
đàn hát lên mừng Danh Thánh rạng ngời,
nào dâng lời ca tụng tôn vinh!
Hãy thưa cùng Thiên Chúa:
"Khủng khiếp thay, sự nghiệp của Ngài!

Toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ,
và đàn ca mừng Chúa, đàn ca mừng Thánh Danh."
Đến mà xem công trình của Thiên Chúa:
hành động của Người đối với phàm nhân
thật đáng kinh đáng sợ !

Chúa làm cho biển khơi hoá đất liền,
và dân Người đi bộ qua sông
việc Người làm đó khiến ta hoan hỷ.

Chúa uy dũng hiển trị muôn đời;
Tất cả những ai kính sợ Chúa Trời,
đến mà nghe tôi kể việc Chúa đã làm để giúp tôi.

Xin chúc tụng Thiên Chúa
đã chẳng bác lời thỉnh nguyện tôi dâng,
lại cũng không dứt nghĩa đoạn tình.

Sáng danh

 

5 - NHÌN TỚI HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN

  • Tôi chọn 1 câu Tin Mừng để đọc đi đọc lại và suy ngẫm.

....................................................................................................

  • ĐTC Phanxicô nói: “Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện đầy tín thác mạnh mẽ vào Thiên Chúa, Đấng muốn điều tốt lành, sự sống và ơn cứu độ cho chúng ta… Là lời cầu nguyện thắp lên trong chúng ta tình yêu của Chúa Giêsu đối với ý muốn của Chúa Cha, một ngọn lửa thúc đẩy biến đổi thế giới bằng tình yêu”. Tuần này, tôi nguyện Kinh Lạy Cha theo tâm tình này.

...........................................................................................

 

 CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA

 Ý‎ thức rõ ràng về căn tính Kitô hữu của chúng ta, đối thoại đích thực đòi hỏi một khả năng cảm thông. Bởi vì nếu muốn có đối thoại thì phải có sự cảm thông này.…

Sự cảm thông này phải là kết quả của cái nhìn tâm linh và kinh nghiệm cá nhân của chúng ta, đưa chúng ta đến việc nhìn thấy những người khác như anh chị em, và “nghe thấy” những gì trái tim của họ muốn truyền thông qua và vượt qua những lời nói và hành động của họ.

Theo nghĩa này, cuộc đối thoại đòi hỏi một tinh thần “chiêm niệm” thực sự: tinh thần chiêm niệm cởi mở và đón nhận người khác. Tôi không thể đối thoại nếu tôi đóng cửa lòng đối với những người khác.

 Cởi mở ư? Thậm chí nhiều hơn: đón nhận! Xin mời bạn đến nhà tôi, vào tim tôi. Trái tim tôi chào đón bạn. Nó muốn nghe bạn. Khả năng cảm thông này làm cho chúng ta có thể có một cuộc đối thoại thực sự con người, trong đó những lời nói, những tư tưởng và câu hỏi phát sinh từ kinh nghiệm của tình anh chị em và nhân bản được chia sẻ. Nền tảng thiêng liêng của điều này là chúng ta hãy đi cùng Chúa Cha: Ngài đã dựng nên tất cả chúng ta; tất cả chúng ta là con cái của cùng một Cha. Khả năng cảm thông này dẫn đến một cuộc gặp gỡ chân chính - trong đó trái tim nói với trái tim.

Chúng ta được phong phú nhờ sự khôn ngoan của người khác và trở nên cởi mở để đi theo con đường hiểu biết, anh chị em và đoàn kết sâu xa hơn.

Như vậy, với căn tính của tôi cùng sự cảm thông và cởi mở của tôi, tôi bước đi với người khác. Tôi không cố gắng kéo họ về phía tôi, tôi không bắt họ cải đạo. ĐTC Bênêđictô đã nói với chúng ta một cách rõ ràng: “Hội Thánh không phát triển bằng cách bắt người khác cải đạo, nhưng bằng cách thu hút.” Đồng thời, chúng ta hãy bước đi trong sự hiện diện của Chúa Cha, chúng ta hãy sống hoàn thiện: chúng ta hãy làm tròn mệnh lệnh thứ nhất này. Và sẽ có cuộc gặp gỡ, đối thoại.

(trích bài chia sẻ với Kitô-hữu Đại Hàn,17.8.2014)

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com