Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật 03 Mùa Vọng năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG Năm A (Is 35, 1-6a.10)

 

"Chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ chúng tôi".

Trích sách Tiên tri Isaia.

 

1 Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy,
vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông,

2 hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ,
và hân hoan múa nhảy reo hò.
Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Li-băng,
vẻ rực rỡ của núi Các-men và đồng bằng Sa-ron.
Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của ĐỨC CHÚA,
và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta.

3 Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ,
cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng.

4 Hãy nói với những kẻ nhát gan: "Can đảm lên, đừng sợ!
Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục,
ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội.
Chính Người sẽ đến cứu anh em."

5 Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được.

6 Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai,
miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.

10 Những người được ĐỨC CHÚA giải thoát sẽ trở về,
tiến đến Xi-on giữa tiếng hò reo,
mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu.
Họ sẽ được hớn hở tươi cười,
đau khổ và khóc than sẽ biến mất.

 

Câu trung tâm của bài này là: « 4 Hãy nói với những kẻ nhát gan: "Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em." », có nghĩa là sự báo phục của Chúa là cứu độ chúng ta. Có lẽ nên viết: « ngày báo phục,… Thiên ChúaChính Người sẽ đến cứu anh em» hay rõ hơn nữa: « sự báo phục của Thiên ChúaChính Người sẽ đến cứu anh em ».

Trọn bài đọc hôm nay ta thấy toàn là những lời hứa: lời hứa chữa lành, chữa lành cho người mù, kẻ câm điếc, người què… « 5 Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. 6Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò. » Nhất là hứa cho người lưu đày được trở về xứ: « 10 Những người được ĐỨC CHÚA giải thoát sẽ trở về, tiến đến Xi-on giữa tiếng hò reo, mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu. Họ sẽ được hớn hở tươi cười, đau khổ và khóc than sẽ biến mất ». Thật vậy, khi I-sa-i-a nói lên những lời này, dân It-ra-en còn đang lưu đày ở Ba-by-lon, sau khi trải qua cuộc bách hại tàn khốc, trong thời gian thành Giê-ru-sa-lem bị vây hãm do quân đội của Na-bu-cô-đô-nô-so. Năm mươi năm lưu đày: quá đủ để mất hết can đảm. Không phải ngẫu nhiên I-sa-i-a nói: « 3 Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng. 4 Hãy nói với những kẻ nhát gan: Can đảm lên, đừng sợ! »

Năm mươi năm ước mơ trở về xứ, không ai còn dám tin nữa. Và bỗng nhiên vị tiên tri nói: « Sắp đến rồi ». Muốn trở về xứ, con đường thẳng nhất từ Ba-by-lon đến Giê-ru-sa-lem phải qua sa mạc A-ra-bi-a. Nhưng hành trình vượt qua sa-mạc được I-sa-i-a miêu tả như thật sự một chuyến đi vinh thắng… hơn thế nữa, một cuộc lữ hành vĩ đại: vùng hoang địa trở thành hoan hỉ, vùng đất khô cằn nay mừng vui, tiếng Do Thái còn có nghĩa « hớn hở mừng vui »… Các thánh vịnh không dùng chữ gì khác hơn để miêu tả lời nguyện trong những cuộc hành hương uy nghi như thế. Sa mạc trở nên đẹp… đẹp như rừng núi Li-băng, như các đồi non xứ Các-men, như cánh đồng ven bờ sông Xa-rôn... Ngày trở về như cuộc hành hương tạ ơn của những người thoát nạn. Câu sau đây « 10 Những người được ĐỨC CHÚA giải thoát sẽ trở về, » nên được hiểu theo hai chiều kích: trước hết họ trở về xứ, nhưng sâu xa hơn họ quay trở về với Thiên Chúa. Sự trở về này là sự hòa giải với Thiên Chúa, trở về với Giao Ước: chữ dùng ở đây là « hoán cải », « quay đầu ngược lại ».

Và tất cả những điều ấy là công trình của Chúa: « Chính Người sẽ đến cứu anh em… 10Những người được ĐỨC CHÚA giải thoát sẽ trở về ». Câu số 10 I-sa-i-a ngụ ý nói đến việc « giải thoát » (chuộc) theo lề luật thời ấy: khi một người mang nợ phải bán nhà bán đất để trả nợ, người bà con gần nhất trả thay cho chủ nợ và giữ sở hữu ấy (Lv 25, 25). Nếu một người lâm cảnh túng thiếu mà phải bán thân mình vì không có của cải, cũng như thế, người bà con gần nhất có thể trả thay để giải thoát, thời ấy gọi là « nhận trách nhiệm ». Vì thế chữ « chuộc » trong Thánh Kinh có nghĩa là « giải thoát ». Chữ « cứu độ » có nghĩa là « giải thoát người bà con gần nhất ». Trong nghĩa ấy, Chúa nói nhiều lần: « Ta lãnh trách nhiệm cho anh em ». Trong trường hợp sát nhân, người bà con gần nạn nhân nhất có bổn phận báo thù (Ds 35, 12). Cũng trong nghĩa ấy Thiên Chúa dùng trong câu thứ 4 chữ: « báo phục », điều này nói lên Thiên Chúa là « người bà con »  gần nhất Ít-ra-en, Ngài sẽ là kẻ báo phục, tức là Ngài không thể không quan tâm, mặt khác Ngài sẽ bảo vệ quyền lợi dân Ngài chống lại ai muốn làm hại, Ngài sẽ can thiệp để giải thoát.

Thật ra đây là ý nghĩa rất tích cực của chữ « báo phục ». Đối với người hiểu Thánh Kinh, rõ ràng Thiên Chúa không báo thù cho chúng ta, Ngài không chống lại ai nhưng chống lại sự dữhoành hành nơi ta, kéo chúng ta xuống vực thẳm. Báo phục của Chúa là từ bỏ sự dữ, như tiên tri I-sa-i-a nói: « 5 Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. 6 Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò. » 

Nhưng cũng phải nói, chúng ta không phải lúc nào cũng nghĩ như thế! Bài của ngôn sứ I-sa-i-a đến rất trễ trong Thánh Kinh. Phải có một thời gian dài trong lịch sử mới có được như thế. Lúc khởi đầu, dân chúng tưởng tượng một Thiên Chúa giống hình ảnh con người, một Thiên Chúa báo thù như loài người. Dần dần với sự Mạc Khải tiệm tiến của Thiên Chúa, nhờ lời rao giảng của các ngôn sứ, con người mới bắt đầu khám phá thế nào là Thiên Chúa chứ không như một Thiên Chúa từ óc tưởng tượng mà ra. Vì thế chữ « báo phục » vẫn còn đó nhưng ý nghĩa đã thay đổi hẳn. Chúng ta đã chứng kiến nhiều lần sự thay đổi hoàn toàn ý nghĩa một từ ngữ trong Thánh Kinh: ví dụ như chữ « của lễ hiến tế » hay « kính sợ Thiên Chúa » .

Phải qua giai đoạn nhiều thế kỷ mới có thể khám phá ra dung nhan thật của Thiên Chúa, một Thiên Chúa khác biệt chúng ta: « 8 Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta » (Is 55, 8) - một Thiên Chúa chỉ là tình yêu và lòng thương xót mọi người, không trừ một ai, ngay cả người dữ - một Thiên Chúa: « chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống » (Êd 33, 11). Dần dần câu: « sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em. » thật sự có ý nói: « Thiên Chúa là người thân thuộc gần nhất anh em, Ngài yêu anh em hơn mọi thụ tạo trên thế gian, và dù cho anh em có bị nhục mạ thế nào đi nữa, về thể xác cũng như tinh thần, Thiên Chúa sẽ đến giải thoát anh em, để nâng anh em lên.

***

THÁNH VỊNH CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG Năm A (Tv145, 7-10)

 

"Lạy Chúa, xin đến cứu độ chúng con."

 

7 xử công minh cho người bị áp bức,
ban lương thực cho kẻ đói ăn.
CHÚA giải phóng những ai tù tội,

8 CHÚA mở mắt cho kẻ mù loà.
CHÚA cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên,
CHÚA yêu chuộng những người công chính.

9 CHÚA phù trợ những khách ngoại kiều,
Người nâng đỡ cô nhi quả phụ,
nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân.

10 CHÚA nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở,
Xi-on hỡi, Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn đời.

 

Bài Thánh vịnh hôm nay gồm mười câu nhưng chúng ta chỉ đọc bốn câu nên không có hai chữ Alleluia đầu và cuối bài. Một bài được đóng khung bằng hai chữ Alleluia - có nghĩa là ngợi khen Thiên Chúa - đây tức là một bài thánh vịnh ngợi khen và tạ ơn. Bài này được sáng tác lúc trở về từ nơi lưu đày Ba-by-lon, có thể là để dâng hiến cho Đền thờ Giê-ru-sa-lem vừa được trùng tu.

Đền thờ bị phá huỷ năm 587 trước CN do quân của vua Ba-by-lon, Na-bu-cô-đô-nô-so. Năm mươi năm sau (538 trước CN), sau khi vua Ba-tư là Ky-rô, thắng Ba-by-lon cho dân Do Thái lưu đày ở Ba-by-lon trở về xứ và xây lại Đền thờ. Chúng ta cũng biết điều này không dễ dàng gì, nhiều sự chia rẻ trầm trọng xảy ra, giữa những người mới về đầy nhiệt huyết và những kẻ đã ở lại và sinh sống lập nghiệp ở đấy. Dù sao, phải nhờ nhiều nỗ lực và kiên trì của các ngôn sứ Khác-gai và Da-ca-ri-a các công trình xây dựng mới có thể hoàn tất: tất cả trải dài từ năm 520 đến năm 515, dưới triều đại của Đa-ri-ô. Ngôi Đền mới xây lại, được dâng hiến trong hoan lạc và sốt sắng. Sách Ét-ra kể lại: « 16 Con cái Ít-ra-en, các tư tế, các thầy Lê-vi và những người lưu đày trở về, hân hoan cử hành lễ khánh thành Nhà Thiên Chúa » (Er 6, 16).

Bài Thánh vịnh này đượm đầy niềm vui ngày trở về. Một lần nữa Thiên Chúa chứng minh lòng trung tín với Giao Ước của Ngài. Như trong quá khứ, thời Xuất Hành, cuộc thoát khỏi Ai-cập, và lần này rời khỏi Ba-by-lon, Chúa nâng cao dân Ngài lên, Chúa đã báo thù, theo nghĩa của ngôn sứ I-sa-i-a. Khi Ít-ra-en đọc lại lịch sử mình họ có thể minh chứng rằng Thiên Chúa luôn luôn đồng hành suốt đoạn đường dài đấu tranh dành tự do của họ: « 7 xử công minh cho người bị áp bức,… CHÚA giải phóng những ai tù tội ». Lúc đi trong sa mạc, thời Xuất Hành, Chúa gửi Ma-na và chim cút từ trời xuống làm thức ăn: « ban lương thực cho kẻ đói ăn ». Và cứ như thế dần dần họ được mặc khải một Thiên Chúa triệt để giải phóng những người mất tự do, chữa lành những người mù lòa, nâng cao những kẻ bé mọn bất cứ lãnh vực nào.

Đây không phải một tư tưởng bỗng nhiên được chấp nhận về Đấng Tạo Dựng vũ trụ, phải cả một sự mặc khải của Thánh Kinh để mọi người nhận ra dung nhan kỳ lạ ấy của Thiên Chúa. Đây là vinh dự và niềm tự hào dân tộc Ít-ra-en được mặc khải cho nhân loại một Thiên Chúa tình yêu và giàu lòng thương xót. Lòng thương xót có nghĩa là ruột gan rung động trước khổ đau. Các bạn hẳn còn nhớ câu tuyệt vời trong sách Huấn ca chúa nhật thứ XXX vừa qua: « 15Nước mắt quả phụ lại không giàn giụa trên gò má (của Chúa) » (Hc 35, 15). Bài Thánh vịnh chúng ta hôm nay không nói gì khác hơn: « Người nâng đỡ cô nhi quả phụ ». Để đáp lại, dân chúng được mời gọi bắt chước Thiên Chúa, ăn ở với lòng từ bi thương xót những kẻ bị áp bức bất cứ từ đâu đến. Các bạn hẳn biết, để chắc chắn dân chúng dần dần tôn trọng lòng thương xót của Chúa, Lề Luật Ít-ra-en có nhiều điều khoảng bảo vệ cô nhi quả phụ và người ngoại kiều. Còn các ngôn sứ, các ngài đánh giá lòng trung tín Ít-ra-en với Giao Ước qua các tiêu chuẩn ấy.

Dần dần đọc bài hôm nay với một mức độ khác, chúng ta thấy rằng dân tộc này một khi sống trong Giao Ước với Thiên Chúa họ khám phá rằng Chúa hoán cải họ từ nội tâm: « ban lương thực cho kẻ đói ăn », cơm bánh ăn vật chất, vâng… nhưng trong lòng mỗi chúng ta có cơn đói sâu xa hơn. Cho những kẻ đói ấy Chúa ban Bánh hằng sống là Lời Ngài… « 8 CHÚA mở mắt cho kẻ mù loà ». Có những loại mù loà phương diện khác, trầm trọng hơn, và vĩnh viễn. Đối với những mù lòa này Chúa cũng mở mắt họ « CHÚA giải phóng những ai tù tội », có những xiềng xích khác với nhà tù, loại xiềng hận thù, kiêu căng, ganh tị… và người tín hữu có thể minh chứng rằng Chúa giải thoát dần dần khỏi trái tim bằng đá của họ.

Bây giờ chúng ta hiểu vì sao bài Thánh Vịnh được đóng khung bằng hai chữ Alleluia trước và cuối bài. Chúng ta còn nhớ ý nghĩ của truyền thống Do Thái gắn bó với chữ Alleluia này: « Thiên Chúa đã đem chúng ta từ kiếp lưu đày về với tự do, từ u buồn đến niềm vui, từ tang tóc đến hoan lạc, từ bóng tối đến ánh sáng chiếu lòa, từ nô lệ đến cứu độ. Vì thế hãy hát lên Alleluia »

Dĩ nhiên những Ki-tô hữu hát bài thánh vịnh này nghĩ đến Chúa Giê-su Ki-tô: chẳng những Ngài nuôi dưỡng người đương thời với Ngài bằng bánh; nhưng từ nay Ngài ban cho mỗi thế hệ được nhận phép Rửa tội bánh là Thánh Thể Ngài. Chính Chúa cũng đã khẳng định: « Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống » (Ga 8, 12). Cuối cùng, nơi Ngài nhân loại có thể tiếp nhận hoàn toàn tự do và sự sống: sự phục sinh của Ngài là bằng chứng rằng sự chết thể xác không thể xiềng xích những tín hũu đã nhận phép Rửa Tội: « CHÚA giải phóng những ai tù tội ».

Điều lưu ý cuối cùng về bài thánh vịnh này: Thánh Kinh quả quyết rằng chúng ta được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Có lúc chúng ta tự hỏi giống ở chỗ nào! Chúng ta tìm thấy nơi đây một lời đáp và một điều khích lệ: lời đáp, đó là mỗi khi chúng ta can thiệp cho một người không may mắn, bất cứ vì lý do gì - mù loà, câm hay điếc, tù tội hay người tha hương - lúc ấy chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa.  Điều khích lệ là: mỗi lần chúng ta làm một việc gì cho người bé mọn hơn ta, lúc ấy ta thôi thúc để ngày của Triều Đại Thiên Chúa đến gần hơn… Một ngày nọ có một tham dự viên lớp giáo lý lần đầu khám phá phép lạ Chúa hóa ra nhiều bánh hỏi giáo lý viên: tại sao ngày nay Chúa không làm cho bao nhiêu người đói trên thế giới ? sau vài phút thịnh lặng người ấy bặp bẹ trả lời: « Có lẽ Chúa chờ chúng ta để làm ».

***

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG Năm A (Gc 5, 7-10)

 

"Hãy vững lòng, vì Chúa gần đến".

Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.

 

7 Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa.

8 Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới.

9 Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa.

10 Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa.

 

Có ít là ba người tên Gia-cô-bê trong những người gần Chúa Giê-su: Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê (người này cùng với Gio-an được chứng kiến Chúa Biến Hình và đi với Chúa trong vườn Ghét-xê-ma-ni), Gia-cô-bê con ông An-phê, cùng trong nhóm mười hai Tông Đồ, và sau cùng là Gia-cô-bê, người anh em họ với Chúa Giê-su (có lúc được gọi là anh em Chúa Giê-su), người này là một trong những người trách nhiệm cộng đoàn Giê-ru-sa-lem, thường được xem như tác giả thư Gia-cô-bê trong Thánh Kinh; nhưng không ai có thể quả quyết là thế.

Dù sao đi nữa trong thư này chúng ta gặp lại một đề tài thường gặp trong các cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi, đó là chờ đợi. Chân trời đối với thánh nhân, có thể nói tầm nhìn của ngài là ngày Chúa quang lâm. Chúng ta cũng đã thường chú ý trong các thư Thánh Phao-lô, ngài không ngớt hướng về mục đích phải đến, đó là ngày hoàn tất công trình Thiên Chúa. Nhân đây tôi xin lưu ý một sự nghịch lý là chính lúc mới đầu được nghe rao giảng, chính là lúc mọi người nóng lòng muốn thấy tận thế… có lẽ vì người ta thấy Chúa Phục sinh nên, như đã nếm thử thế nào là phục sinh chăng ?

Tôi dùng chữ « nóng lòng ». Và Thánh Gia-cô-bê chính xác dùng chữ kiên nhẫn. Ngài lập lại bốn lần chữ này trong vài hàng của bài này, và nếu tôi không lầm kiên nhẫn đi với cậy trông: « xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. » Cậy trông tức là xác tín Chúa sẽ đến, một xác tín luôn giữ chúng ta tỉnh thức, hướng về mục đích như trong một cuộc chạy đua, thường được Thánh Phao-lô dùng làm ví dụ. Nhưng cuộc chạy đua này, Thánh Gia-cô-bê nói là một cuộc chạy đua dài hơi, phải có sức dẻo dai. Động từ tiếng Hy-lạp, Thánh Gia-cô-bê dùng ở đây được dịch là kiên nhẫn, chính xác có nghĩa là « có dài hơi »… Phải tin rằng thời gian tới ngày quang lâm, ngày đăng quang vĩnh viễn Triều Đại Thiên Chúa, được sống như một thử thách về sức chịu đựng lâu dài… Lúc khởi đầu, sau khi Chúa Ki-tô Phục Sinh và Lên Trời, mọi người tin sẽ rất gần ngày Chúa trở lại trong vinh quang. Thế rồi năm này qua năm khác đến, cũng phải sống với lâu dài. Lúc ấy sự cậy trông trở nên vấn đề kiên nhẫn. Có lẽ có thể nói lòng cậy trông là lòng tin qua thử thách của thời gian (khi chờ đợi là một cuộc chạy đua dai sức).

Chạy đua dai sức cần có dài hơi, và muốn có hơi - hãy hỏi những tay đua, những ca sĩ, hay những nhạc sĩ thổi sáo - phải tập luyện. Để tập luyện, Thánh Gia-cô-bê cho hai mẫu gương cho các đọc giả Ki-tô hữu: sự khôn ngoan người nông dân và lòng can đảm các ngôn sứ. Năm này qua năm khác, người nông dân biết mùa đổi thay như thế nào: như sách đệ Nhị Luật chép: « 14 thì Ta sẽ ban mưa cho đất các ngươi đúng mùa, mưa đầu mùa và mưa cuối mùa » (Đnl 11, 14). Trong lúc ấy tất cả các ngôn sứ đều phải đối đầu với sự phản kháng của những kẻ được loan báo, mặc dù đó là những lời cứu độ họ. Các ngôn sứ phải biết học tính kiên quyết và nhẫn nại để có thể trung tín với sứ mạng của họ. Cộng đoàn Ki-tô của Thánh Gia-cô-bê cũng có một sứ mạng tiên tri giống như một sự thử thách về sức chịu đựng lâu dài. Phải có hơi, phải có một trái tim cứng rắn, Thánh Gia-cô-bê nhắc lại: « hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí », trong bản gốc câu này có nghĩa: « hãy làm cho tim anh em cứng rắn ».

Lạ thay, trong câu kế tiếp, không có trong bài đọc chúa nhật của chúng ta, Thánh Gia-cô-bê dùng một mẫu gương của lòng nhẫn nại trong Cựu Ước, và ngài chọn ai ? Thánh nhân chọn ông Gióp. Đây là lần duy nhất trong Tân Ước nói về ông Gióp. Điều này đáng ghi nhận «phúc thay những kẻ đã có lòng kiên trì! Anh em đã nghe nói đến lòng kiên trì của ông Gióp » (Gc 5, 11). Điều này ngụ ý nói: nếu anh em kiên trì mhư ông Gióp, và vững lòng cậy trông, anh em cũng vậy, anh em sẽ gặp Chúa như ông Gióp đã gặp Ngài.

Cụ thể, trong mối quan hệ với nhau, những Ki-tô hữu cần chu toàn sứ vụ ngôn sứ của họ « Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau. » (Ga 13, 35) Chúa Giê-su nói như thế, Thánh Gia-cô-bê cũng nói tương tự: « 9Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử », điều này nhắc đến một câu khác của Chúa Giê-su trong Tin Mừng theo hai Thánh Mát-thêu, và Lu-ca: «1"Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán » (Mt 7, 1; Lc 6, 37), ngụ ý nói chỉ có Chúa là đấng thẩm phán. Hơn nữa, nghĩa gốc của bài là: « Đừng tự cho mình là thẩm phán », như thế, rõ hơn nói: khi xét đoán, là lạm dụng một quyền chúng ta không có phép.

Thánh Gia-cô-bê nói: « Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa ». Trước hết đây là một hình ảnh biểu tượng. Thật vậy, khi xưa các thẩm phán ngự ở các cửa thành, không trong nội thành. Ngoài ra còn có nghĩa hai điều khác: điều thứ nhất là ngày Chúa đến là lúc phán xét - ngụ ý nói, hãy sống trong viễn ảnh đó - và ở đây chúng ta tìm lại những đề tài tiên tri, đặc biệt điều Gio-an Tẩy Giả rao giảng. Điều thứ hai Đấng thẩm phán không phải anh em. Hình như những lời nhắc lại không thừa, vì trong thư Thánh Gia-cô-bê, ngài trở lại nhiều lần: « 11 Thưa anh em, anh em đừng nói xấu nhau. » (Gc 4, 11). Hay là: « Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận? » (Gc 4, 12). Và Thánh Gia-cô tiếp tục trong bài này: « Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa ». (ngụ ý nói vị Thẩm Phán thật), đấng nhìn tự trong lòng không ở bề ngoài, Đấng thấu suốt tâm can… người gặt hái thật, không vội cắt lúa nhổ gốc lúa cùng lúc với cỏ lùng (Mt 13, 29).

Bài học này cũng đáng cho chúng ta: một đàng, chúng ta an toàn trong lâu dài nên có lẽ thiếu « hơi » của các ngôn sứ. Mặt khác, có lúc chúng ta đặt mình vào vị thế thẩm phán, đó không phải nghề chúng ta - sứ vụ chúng ta - như thế chúng ta lẫn lộn lúa với cỏ lùng. Chắc chắn rằng câu truyện cọng rơm và cái xà trong mắt là của mọi thời đại.

***

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG Năm A (Mt 11, 2-11)

 

Alleluia, alleluia!

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. - Alleluia.

-----------------

"Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi phải đợi một Đấng nào khác?"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu

 

2 Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng:

3 "Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? "

4 Đức Giê-su trả lời: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe:

5 Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng,

6 và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi."

7 Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: "Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng?

8 Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua.

9 Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa.

10 Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.

11 "Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.

 

Chúa nhật vừa qua, Phúc Âm giới thiệu cho chúng ta ông Gio-an Tẩy-giả đang làm phép rửa cho trên sông Gio-đan cho những người đến với ông. Ông nói: « Còn Đấng đến sau tôi » (Mt 3, 11). Câu truyện ngày hôm nay xảy ra vài tháng sau. Ông Gio-an bị vua Hê-rô-đê cầm tù. Các sử gia thời ấy phỏng chừng vào năm 28 và trong Phúc Âm Thánh Mát-thêu nói lúc ấy Chúa Giê-su bắt đầu thật sự đi rao giảng. Trong thời thượng cổ, ở tù không nhất thiết là phải chịu những điều kiện bất nhân. Có những bằng chứng các tù nhân quan hệ dễ dàng với bên ngoài. Lúc ấy ông Gio-an Tẩy Giả nghe người ta nói về những điều Đức Giê-su làm bên ngoài. Các môn đệ ông thuật lại, nhưng không hẳn lúc nào cũng tử tế. Vì thế ông cũng tự đặt câu hỏi.

Ngày Chúa Giê-su đến sông Gio-đan chịu phép Rửa, ông Gio-an xác tín rằng đấy là Đấng Mê-si-a, và ông đã mạnh dạn tuyên bố rõ ràng như thế. Thế rồi vài tháng sau. Khi ông Gio-an Tẩy giả bị bắt, Chúa Giê-su đi xa: Chúa rời khỏi vùng ven sông Gio-đan đi về Ga-li-lê Miền Bắc. Bài này Thánh sử Mát-thêu thuật lại cho chúng ta thuở ban đầu cuộc đời rao giảng của Chúa Giê-su. Một loạt bài giảng - kể cả Bài Giảng Trên Núi bất hủ, các mối phúc thật - và những hành động của Ngài: trước hết có vô số những cuộc chữa lành, nhưng cũng có những cách hành xử khá lạ thường. Ví dụ như có nhiều môn đệ theo cạnh Chúa, không phải là những người có tiếng tốt và gồm đủ thứ hạng người. Về mặt tôn giáo (cũng như về mặt chính trị) họ không cùng phe với nhau, nhẹ lắm là nói như thế…

Hơn nữa không như một ngôn sứ, Chúa không có vẻ gì khổ hạnh! Ông Gio-an Tẩy Giả thì đúng là một nhà khổ hạnh, mọi người chiêm ngưỡng điều đó nơi ông, ít nữa Chúa Giê-su ăn uống như mọi người, còn trầm trọng hơn Ngài công khai giao thiệp với bất cứ ai. Trong lúc ấy ông Gio-an Tẩy Giả vẫn là người đầy nhiệt huyết. Vì thế không lạ gì ông khá băn khoăn và tự hỏi: có phải tôi lầm về đấng Mê-si-a chăng ? Vì thế ông gửi các môn đệ đến Chúa Giê-su để đặt câu hỏi: Đấng Mê-si-a có phải là em hay không ? Chúa Giê-su không trả lời thẳng câu hỏi của Gio-an bằng có hay không. Ngài kể từ Thánh Kinh các đoạn nói về Đấng Mê-si-a và bảo nói lại với Gio-an: hãy kiểm tra xem phải đúng là những điều ta làm không. Ngụ ý Chúa muốn nói: đúng vậy, ta là Đấng Mê-si-a, anh không lầm, có điều anh ngạc nhiên, ngỡ ngàng về cách ta làm, đó là điều anh phải khám phá ra Dung Nhan thật của Thiên Chúa.

Vấn đề ông Gio-an Tẩy Giả đặt ra thật sự chủ yếu. Đối với ông Gio-an đã đành, vì chính ông hỏi nhưng cũng đối với Chúa Giê-su nữa. Chính Ngài cũng có nhiều lần tự hỏi như thế, có lẽ nhiều lần trong đời trần thế của Ngài, nhiều lần khi Ngài phải có những chọn lựa (rõ ràng nhất là lúc Chúa bị Cám dỗ trong sa mạc). Phần cơ bản của vấn đề Mê-si-a, chúng ta xác tín rằng thế nào Ngài cũng sẽ đến, nhưng đến như thế nào và Ngài sẽ làm gì ? Ngài sẽ là một vị vua vinh quang, đầy quyền lực... hay là một tư tế, một ngôn sứ ? Thế nhưng các đọan Thánh Kinh Chúa chọn để giới thiệu sứ vụ của Ngài biểu lộ dung nhan một Đấng Mê-si-a đơn sơ, Người như mọi người, phục vụ con người, phục vụ người hủi, phế tật, những người đau khổ mọi bề. Đấy là dung nhan thật của Thiên Chúa, một Thiên Chúa cùng với loài người, phục vụ con người. Và cuối câu Chúa Giê-su có vài lời tán dương và khuyến khích người tù nhân: « 6 phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi ».

Thay vì giữ lấy trong lòng những ngờ vực, nghiền mgẫm những mẩu thông tin vụn vặt đây đó, hoặc thảo luận với các môn đệ, tạo cho mình những ý kiến riêng về Chúa Giê-su, ông Gio-an Tẩy Giả chọn con đường thẳng nhất là gởi một môn đệ đến với chính Chúa Giê-su… đó cũng là những người đã nói với ông Gio-an: thầy biết không, người mà thầy loan báo là Đấng Mê-si-a, có thể là không phải đấy! Hành động như thế ông Gioan chứng tỏ đã không mất lòng tin. Ông luôn có đức tin, chỉ xin Chúa soi sáng cho mình. Phúc cho ai luôn đứng vững, ngay trong lúc ngờ vực! Hơn nữa Chúa Giê-su cố gắng làm cho mọi người hiểu Gio-an Tẩy Giả là ai: đó là đoạn sau của bài Thánh Kinh. Để hiểu rõ hơn, chúng ta cần vài mốc chính xác về địa lý.

Khúc sông Gio-đan cạn, nơi ông Gio-an làm phép Rửa là men bìa sa mạc, trên đường đoàn lạc đà đi qua A-ra-bi-a. Có những buổi chiều mùa đông, cỏ non mọc ven sông, những bụi sậy cứng cáp hơn, phong cảnh gió thổi sậy rung rinh trên tấm thảm cỏ xanh là quang cảnh rất đáng đến chiêm ngưỡng. Hơn nữa con đường đi A-ra-bi-a là con đường dẫn đến các thành phố thần thoại xây trong các ốc đảo sa mạc, các thành phố của ngàn lẻ một đêm trong ấy các tiểu vương sống trong xa hoa có một không hai. Khi ấy Chúa Giê-su hỏi: thực ra các bạn đến đó làm gì, đi du lịch hay để mơ mộng ? Các bạn không biết các bạn đến với vị tiên tri lớn nhất các tiên tri, đấng nói những lời tiên tri sau cùng của Cựu Ước, đấng Thiên Chúa gửi đến như sứ thần mở đường cho Đấng Mê-si-a. Đấng Thánh Kinh nhiều lần loan báo như đấng tiền hô, đi trước để mở đường cho Đấng Mê-si-a. Ngài là vị tiên tri lớn nhất các tiên tri, vì mang đến sứ điệp quyết định: đây rồi, lời Chúa hứa đang thể hiện. Nhưng Chúa Giê-su lại thêm: « Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. » Lời này thật lạ lùng. Vì chúng ta biết có sự ngờ vực của người tù nhân của vua Hê-rô-đê, chúng ta hiểu câu này của Chúa: Gio-an Tẩy Giả chỉ là người đưa tin, nội dung của sứ điệp của ông quá sức hiểu biết của ông. Điều mà ông không biết thì người bé nhỏ nhất của các môn đệ Chúa Giê-su sẽ khám phá ra, đó là nội dung ý nghĩa sứ điệp của Chúa: « 14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. »(Ga 1, 14).

***

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.

 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com