BÀI ĐỌC 1 CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG Năm A (Is 11, 1-10)
"Chúa lấy sự công minh mà xét xử người nghèo khó."
Trích sách tiên tri Isaia
1 Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ,
từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non.
2 Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này:
thần khí khôn ngoan và minh mẫn,
thần khí mưu lược và dũng mãnh,
thần khí hiểu biết và kính sợ ĐỨC CHÚA.
3 Lòng kính sợ ĐỨC CHÚA làm cho Người hứng thú,
Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài,
cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói,
4 nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng,
và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở.
Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở,
hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà.
5 Đai thắt ngang lưng là đức công chính,
giải buộc bên sườn là đức tín thành.
6 Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ.
Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau,
một cậu bé sẽ chăn dắt chúng.
7 Bò cái kết thân cùng gấu cái,
con của chúng nằm chung một chỗ,
sư tử cũng ăn rơm như bò.
8 Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục,
trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.
9 Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá
trên khắp núi thánh của Ta,
vì sự hiểu biết ĐỨC CHÚA sẽ tràn ngập đất này,
cũng như nước lấp đầy lòng biển.
10 Đến ngày đó, cội rễ Gie-sê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân.
Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người,
và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang.
Các bạn hẳn đã để ý, ngôn sứ I-sa-i-a dùng hai lần một thành ngữ gần như giống nhau: «Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ ; Đến ngày đó, cội rễ Gie-sê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân.», và hai câu này đóng khung bài đọc hôm nay, một câu ở đầu một câu ở cuối bài. Đây là một cấu trúc bài văn có thể gọi là thể «kẹp », chúng ta thường gặp và cũng là chìa khóa mở ra cho chúng ta hiểu.
Vì thế, phải bắt đầu hỏi I-sa-i-a muốn nói gì khi ngài nói đến cội rễ Gie-sê. Không ai biết gì nhiều về Gie-sê : chỉ biết ông sống khoảng năm 1000 trước CN và cư ngụ tại Bê-lem, một làng nhỏ không có gì quan trọng thời ấy. Đấy là tất cả những gì được biết về nhân vật này: Gie-sê, người quê quán tại Bê-lem. ( Có một chỗ khác trong Thánh kinh nói Gie-sê là cháu nội của một người phụ nữ nước ngoài tên là Rút.)
Một điều khác được biết nữa là Gie-se có tám người con trai. Trong tám người con ấy, Chúa gởi ngôn sứ Sa-mu-en đến chọn một người để làm vua. Hẳn các bạn biết câu truyện. Thật lạ lùng, theo lệnh Thiên Chúa Sa-mu-en không chọn đứa già dặn nhất, đứa to lớn nhất hay khoẻ mạnh nhất…nhưng lại là đứa trẻ nhất, đang chăn súc vật ngoài đồng. Thế mà Đa-vít sẽ là một vị vua vĩ đại nhất It-ra-en. Và vì lẽ đó Gie-sê được nổi danh: ông là cha vua Đa-vít, tổ tiên một giòng họ đông đúc. Giòng họ này thường được biểu trưng bằng một cây cổ thụ: cây hứa hẹn một tương lai huy hoàng, theo lời vị tiên tri. Sa-mu-en còn hứa với Đa-vít, nói Chúa hứa với ngài rằng hậu duệ của ngài sẽ trị vị mãi mãi và thần dân ngài một ngày kia sẽ thống nhất và hoà bình hoàn toàn.
Thật ra, hoa trái của cây ấy thật đáng thất vọng: không có một vua nào từ triều đại Đa-vít có thể thực hiện toàn vẹn những lời hứa ấy, nhưng mọi người vẫn tiếp tục cậy trông, và càng ngày càng tha thiết hơn. Điều mà mọi người gọi là chờ đợi một vị Vua - Mê-si-a, hay là chờ Đấng Mê-sia trở thành một mối thất vọng, dẫn đến vỡ mộng. Thế nhưng Thiên Chúa đã hứa, thì không chóng thì chày thế nào cũng sẽ được thực hiện.
Tôi dùng cụm chữ Vua - Mê-si-a: gẩn như hai chữ đồng nghĩa. Lúc đầu hai chữ đồng nghĩa thật vì theo tiếng Do Thái mê-si-a có nghĩa là xức dầu, ngụ ý nói xức dầu phong vương, ngày vua lên ngôi.
Bây giờ chúng ta xem lại câu đầu bài của tiên tri I-sa-i-a này: « 1 Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. ». Câu này ngôn sứ muốn nói cho người đương thời rằng: bây giờ các bạn có cảm tưởng các lời hứa kia đã phất phơ bay bổng, cây phả hệ Đa-vít không đem lại gì tốt cả ! Nhưng dù một cây đã héo, các bạn cũng biết, từ gốc rể cũng có thể đâm ra một chồi non bất ngờ. Hãy vững tin, không sớm thì muộn Đấng Mê-si-a sẽ đến.
Chúng ta đã quen với các ngôn sứ: lời các ngài càng có tính cách khích lệ thì bối cảnh lúc ấy càng khó khăn. Thật vậy, bài này I-sa-i-a viết vào cuối thế kỷ thứ VIII trước CN, có lẽ khoảng năm 720-710, trong một thời cực kỳ rối loạn, lúc ấy vương quốc Do Thái nhỏ bé đang bị đe dọa tứ phía, sống trong lo âu, bất an.
Tôi xin trở lại toàn bài đọc: hai câu đóng khung, ở giữa là cây phả hệ Gie-sê, gồm hai phần. Phần đầu nói về Vua-Mê-si-a được Thần Khí Thiên Chúa ngự trị, và các bạn cũng chú ý, có 7 ân sủng của Chúa, theo Thánh Kinh đó là con số trọn vẹn. Các bạn cũng để ý đến chữ kính sợ Thiên Chúa. Đó là mối quan hệ cha-con phát xuất từ tin tưởng và tôn kính. Chính Thần Khí Thiên Chúa linh hứng cho đấng Mê-si-a sự « kính sợ » này: « 2 Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ ĐỨC CHÚA. ». Sau này Thánh Phao-lô củng nói tương tự như thế: «Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi!»( Rm8, 15).
Tác động của Đấng Mê-si-a sẽ hoàn toàn được hướng dẫn theo công lý «5 Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành…không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, 4 nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng». Và I-sa-i-a tiếp tục bằng một câu làm cho chúng ta khá ngạc nhiên : «Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà.». Trong cách nói ngày nay của chúng ta, chữ kẻ gian tà có vẻ chỉ những người gian tà, nhưng thật ra để hiểu, chỉ cần thay thế « người gian tà » bằng sự gian tà và bất công. Có lúc chúng ta dùng ngạn ngữ « gây chiến với chiến tranh ». Ở đây chúng ta cũng có thể nói Vua-Mê-si-a gây chiến với sự bất công.
Phần thứ hai của bài có thể gọi « huyền thoại các súc vật » , hình ảnh tuyệt vời của sự hài hoà hoàn vũ. Không phải trở lại vườn địa đàng, nhưng ngược lại, là kết quả tối hậu của công trình Thiên Chúa: ngày Thần Khí cuối cùng rồi sẽ đưa chúng ta đến sự thật toàn vẹn, như Chúa Giê-su nói « vì sự hiểu biết ĐỨC CHÚA sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển. »
Để kết luận I-sa-i-a nhắc lại lần nữa dự án Thiên Chúa gồm tất cả nhân loại «10 Đến ngày đó, cội rễ Gie-sê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân.Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người » Sau này Chúa Giê-su nói: «32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi» (Ga12, 32)
***
THÁNH VỊNH CHÚA NHẬT II MV Năm A (Tv71, 1, 2.7-8.12-13.17)
"Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triềi đại Người."
Của vua Sa-lô-môn.
Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,
2 để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
7 Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
8 Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.
12 Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,
13 chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,
17 Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ,
nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời.
Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành,
và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc.
« Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương» câu này là một lời cầu nguyện. Còn câu sau «2 để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý, và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.» là một lời ước mong. Đó là những lời trong lễ phong tân vương. Chúng ta đang trong Đền Giê-ru-sa-lem. Nhưng thật lạ lùng, bài thánh vịnh này được sáng tác và hát sau Ba-by-lon (giữa năm 500 và 100 trước CN) tức là trong thời kỳ Ít-ra-en không có vua. Điều này chứng tỏ lời nguyện và lời ước này không hướng tới một vị vua bằng xương bằng thịt: nhưng liên quan đến một vị vua mọi người chờ đợi, vị vua Thiên Chúa đã hứa, vị Vua-Mê-si-a. Và, vì đó là lời Chúa hứa, thì chắc chắn sẽ được thực hiện.
Niềm tin bất diệt ấy trải dài suốt Thánh Kinh: lịch sử nhân loại có một chủ đích, một ý nghĩa. Chữ ý nghĩa ở đây gồm hai điều: cái gì được biểu đạt, ý nghĩa thường hiểu và điều thứ hai là hướng đi. Thiên Chúa có một kế họach. Kế họach này gợi hứng cho toàn Thánh Kinh, Cựu Ước cũng như Tân Ước: nó mang nhiều tên khác nhau tùy tác giả: «Ngày của Chúa» theo các ngôn sứ, «Nước Trời» theo Thánh Mát-thêu, «Kế họach yêu thương» theo Thánh Phao-lô, nhưng tất cả cũng để chỉ kế họach ấy của Thiên Chúa. Như một người đang yêu, lặp đi lặp lại không ngừng những lời yêu thương, Thiên Chúa không ngưng đề nghị dự án tình yêu của Ngài cho nhân lọai. Kế họach ấy sẽ được thực hiện bởi đấng Mê-si-a, và hướng lên đấng Mê-si-a ấy mà các tín hữu hát những lời nguyện ước trong Đền Giê-ru-sa-lem.
Dự án này, Thiên Chúa đã loan báo ngay trong những lời đầu tiên cho Áp-ra-ham, trong chương 12 Sách Sáng Thế, lúc ấy ông còn tên là Áp-ram. Chúa đã hứa: «3 Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi»(St12, 3). Từ bản tiếng Do Thái câu này được dịch ra bằng hai cách, và hai cách này không loại trừ hẳn nhau, trái lại bổ sung cho nhau. Nghĩa thứ nhất là mỗi khi một ai chúc phúc cho nhau, họ lấy Áp-ra-ham làm mẫu gương của sự thành công. Họ nói : «Ước gì bạn thành công như tổ phụ Áp-ra-ham chúng ta » Nghĩa thứ hai: « Qua ngài Áp-ra-ham, nhờ ngài tất cả gia đình trên trái đất sẽ hạnh phúc».
Tôi thiết tưởng không nên quên vì rất quan trọng, ngay từ ban đầu, rõ ràng các mặc khải trong Thánh Kinh, đều liên hệ toàn nhân lọai. Dân Ít-ra-en từ muôn thuở biết rằng họ được tuyển chọn không để giữ riêng cho mình một bí mật tốt đẹp nhưng là để loan báo cho thế giới dự án Thiên Chúa. Bài Thánh vịnh này không nói gì khác hơn thế: «Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người (ngụ ý nói Vua-Mê-si-a) được chúc lành, và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc.»
Có một câu khác chúng ta được đọc, nhắc lại lời hứa khác của Chúa cho Áp-ra-ham, lần này trong chương 15 sách Sáng Thế. Thiên Chúa kết Giao Ước với Áp-ram bằng những lời sau đây: «Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ai-cập đến Sông Cả, tức sông Êu-phơ-rát» (St,15, 18). Sau này sách Si-rắc ( Huấn ca) gom lại tất cả những lời hứa của Chúa cho Áp-ra-ham. Sách Huấn ca viết: «21 Vì thế, Người thề hứa với ông: nhờ dòng dõi ông, các dân tộc được chúc lành. Người gia tăng dòng dõi ấy nhiều như bụi đất, tôn hậu duệ ông lên như những vì sao, cho họ được hưởng phần gia nghiệp từ biển này cho tới biển kia, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất.Ông I-xa-ác và ông Gia-cóp» (Hc44,21)
Chúng ta thường hay nhạy cảm về dân chủ, có lẽ chúng ta khá ngạc nhiên thầm hỏi, làm sao có thể ao ước có một ông vua, vua này thống trị cả hành tinh: «từ biển này cho tới biển kia, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất! » Các hoàng đế của chúng ta, dù tham vọng đến đâu cũng không dám mơ ước đến như thế…Thế nhưng đừng quên, rốt cuộc dân chúng mới là trung tâm của lời hứa: vị vua ấy chỉ là một công cụ trong tay Thiên Chúa, một công cụ phục vụ toàn dân. Và dân ấy có kích thước là nhân loại. Một nhân loại rốt cuộc sẽ trở nên anh em với nhau và sống trong thái bình, không còn người nào bị sỉ nhục: «7 Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.»
Lúc ấy sẽ được thực hiện, hòa bình và công lý, hai điều luôn luôn ám ảnh con người từ khởi nguyên. Không phải không có lý do tên Giê-ru-sa-lem theo tiếng Do Thái có nghĩa là « Thành Phố Hoà Bình » - cũng nhưng Bagdad được gọi là « Nhà Hoà bình » vì mọi dân tộc từ muôn thuở đều mơ ước như thế. Và chính đây là một mãnh lực không thể tưởng tượng, sự táo bạo của Thánh Kinh, mặc cho chống đối « mưa gió bão bùng », mặc cho hiện tượng bên ngoài khác hẳn, một ngày kia hòa bình sẽ trở lại. Và bởi vì hòa bình và công lý đi đôi với nhau- một thánh vịnh còn nói : « 11 Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên.» (Tv84, 11) - không còn người nghèo nào trên mặt đất. Lúc ấy trái đất mới thật sự « thánh thiện », như nó phải như thế.
Lý tưởng ấy trải dài suốt Thánh Kinh: sách Đệ nhị luật chép : «4 Tuyệt nhiên giữa anh (em) sẽ không có người nghèo» (Đnl15,4). Bài Thánh vịnh cũng nói điều tương tự : «12 Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, 13 chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,». Tất cả bài Thánh vịnh nhắc lại lời hứa của Chúa và thôi thúc ngày ấy đến…chứ không phải Chúa có thể quên lời hứa của Ngài ! Trái lại, sở dỉ những người hành hương tề tựu về Đền Giê-ru-sa-lem hát lại bài Thánh vịnh về Vua-Mê-si-a là vì họ biết Thiên Chúa không quên dự án của Ngài.
Khi chúng ta cầu nguyện, không phải để nhắc Chúa một điều gì Chúa có thể không biết hoặc quên đi…Nhưng khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta học nhìn thế gian với cặp mắt Thiên Chúa. Tự đặt mình vào dự án của Ngài để hâm nóng lại lòng tin chúng ta và từ đấy múc lấy nghị lực làm việc hầu chu toàn lời hứa. Vì lẽ hòa bình, công lý và sự cứu rỗi người nghèo và kẻ đau khổ không được thực hiện bằng một chiếc đũa thần. Phần chúng ta là cầu nguyện, xem dự án Thiên Chúa cũng là của chúng ta, và để Thần Khí hướng dẫn tham gia vào cuộc chiến ấy. Với ánh sáng của Ngài, uy lực của Ngài, ân sủng của Ngài chúng ta sẽ thành công.
***
BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG Năm A (Rm 15, 4-9)
"Chúa Ki-tô cứu rỗi hết mọi người"
Trích thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu thành Rô-ma
4 Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy.
5 Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Ki-tô Giê-su đòi hỏi
.6 Nhờ đó, anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
7 Vậy, anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Ki-tô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa.
8 Thật vậy, tôi xin quả quyết: Đức Ki-tô có đến phục vụ những người được cắt bì, để thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa với tổ tiên họ, đó là do lòng trung thành của Thiên Chúa.
9 Còn các dân ngoại có được tôn vinh Thiên Chúa, thì đó là do lòng thương xót của Người, như có lời chép: Vì thế giữa muôn dân con cất lời cảm tạ, dâng điệu hát cung đàn ca mừng danh thánh Chúa.
Đây là một câu đáng viết bằng chữ vàng: « 4 Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy ».Xáctín rằng Lời Chúa chỉ có một mục đích để dạy dỗ chúng ta và là nguồn mạch lòng cậy trông và can đảm, đó là chìa khoá để tiếp cận Thánh Kinh. Một khi chúng ta bắt đầu tiếp cận với một tiên nghiệm tích cực như thế thì các bài sẽ sáng lên. Nói cách khác, Lời Chúa lúc nào cũng là Tin Mừng.
Một cách thực tế, điều này có nghĩa là nếu chúng ta không nhận ra một lời nói nào đó, giải thoát ta là chúng ta chưa hiểu Lời ấy. Nhưng không hiểu không phải là cái tội. Phải tiếp tục cố gắng để khám phá ra Tin Mừng, luôn luôn hiện diện trong Lời Chúa. Khi chúng ta tung hô Lời Chúa trong Thánh Lễ, hay khi chúng ta nói lên: « Phúc Âm ( tức là Tin Mừng) Chúa Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta », không phải chỉ là đơn sơ một công thức. Nhưng đó là ý nghĩa của đức tin chúng ta. Như nhà văn La Fontaine nói « Trong ấy chứa đựng một kho tàng »: việc chúng ta phải làm, là đào sâu để khám phá ra.
Không lạ gì Lời Chúa nuôi dưỡng lòng cậy trông chúng ta vì lẽ, rốt cuộc chỉ có một đề tài: loan báo dự án tuyệt vời của Thiên Chúa, điều Thánh Phao-lô gọi là « Kế hoạch yêu thương của Chúa», tức là những lời yêu thương của Ngài dành cho hân lọai. Lời tuyên bố long trọng về Sách Thánh mở đầu một lời cảnh báo cụ thể cho các tín hữu thành Rô-ma. Không hiểu ai báo cho thánh nhân biết chuyện gì xảy ra trong cộng đồng này, nơi ngài chưa bao giờ bước chân đến…Nhưng nếu đọc kỹ có thể đoán ra có vấn đề giữa hai phe: những Ki-tô hữu gốc Do Thái và những người gốc dân ngọai. Nhóm thứ nhất vẫn tuân giữ mọi cách giữ đạo Do Thái, nhất là cách ăn uống, những người kia cho rằng những bó buộc ấy đã lỗi thời.
Chúng ta vẫn biết vấn đề này đã nhanh chóng đầu độc những cộng đồng Ki-tô hữu. Tuỳ nơi, tuỳ cộng đồng, điều này tác động cả hai chiều: hoặc những Ki-tô hữu gốc Do Thái muốn áp đặt cách giữ đạo của họ cho những người họ cho là theo ngẫu tượng giáo. Hoặc những Ki-tô hữu đến từ ngẫu tượng giáo, tự cho mình có tư tưởng cao hơn vì thế không bắt buộc phải theo những cách giữ đạo lỗi thời. Hình như trường hợp thứ hai này đã xảy ra tại Rô-ma. Dù sao đi nữa có bất hoà với nhau và có thể có những trường hợp khinh miệt nhau.
Ngay chúng ta trong thế kỷ thứ XXI này cũng không tránh được những tranh luận như thế: các phe phái mang tên khác nhưng ngay trong Giáo hội Công giáo Rô-ma, có nhiều dạng nhạy cảm khác nhau trở thành xung khắc và có khi thật sự trở thành những cuộc tranh chấp. Điều khác ngày nay để tránh xung đột thì mỗi người chọn gia nhập một giáo xứ hay một nhóm nào thích hợp với mình…Không chắc gì về lâu về dài đó là giải pháp ôn hoà nhất …
Ở Rô-ma họ chọn giải pháp khác, đó là chung sống với nhau. Thánh Phao-lô không nói : hãy tránh xa nhau ra, chia cộng đồng làm hai, một bên là tín hữu gốc Do Thái, một bên gốc dân ngoại. Nhưng trái lại thánh nhân khuyên họ chung sống với nhau: «5 Xin …anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Ki-tô Giê-su đòi hỏi .6 Nhờ đó, anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. »
Như thường lệ - ví dụ như trong Thư thứ nhất gửi các tín hữu thành Cô-rin-tô - Thánh Phao-lô muốn cho mỗi bên thay đổi cách hành xử của mình chỉ theo một chủ đích: đó là chọn thái độ xây dựng cộng đồng. Ngài nói đại để như: « Đừng hành động theo sở thích của mình ; hãy hành động theo cách thích hợp nhất để xây dựng công đồng ». Ngài dùng động từ « thiết lập », là một từ ngữ dùng trong công trình xây dựng.
Mỗi cộng đồng Ki-tô là một công trình phải xây dựng, ngày qua ngày. Mỗi người chúng ta cũng phải mang lại một chút gì là xi-măng nhẫn nại và chấp nhận lẫn nhau. Trong vài câu trước bài đọc của chúng ta Thánh Phao-lô nói: «19 Vậy chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau» (14, 19) và: «2 Mỗi người chúng ta hãy chiều theo sở thích kẻ khác, vì lợi ích của họ, và để xây dựng.» (15, 2)
Như thường lệ, nguyên tắc hành xử của Ki-tô hữu phải bắt chước chính Chúa Giê-su. Ngay trong đọan Thánh Kinh trước bài đọc của chúng ta, Thánh Phao-lô cho chúng ta mẫu gương Chúa Ki-tô đã chỉnh lại cách hành xử của mình không theo sở thích, nhưng để phục vụ anh em. Trong bài này chúng ta đọc: «Đức Ki-tô có đến phục vụ những người được cắt bì, để thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa với tổ tiên họ, đó là do lòng trung thành của Thiên Chúa...Vì thế giữa muôn dân con cất lời cảm tạ, dâng điệu hát cung đàn ca mừng danh thánh Chúa.». Kết luận: hãy chấp nhận lẫn nhau, Do Thái cũng như Dân ngọai nay trở thành Ki-tô hữu, đừng quan tâm gì quá khứ của nhau, hãy hát lên ngợi khen Thiên Chúa, một bên vì lòng trung tín với Ngài, một bên vì lòng thương xót của Ngài.
***
PHÚC ÂM CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG Năm A (Mt 3, 1-12)
Alleluia, alleluia !
- Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng;
và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ Thiên Chúa - Alleluia
-----------------
"Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến."
Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu.
1 Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng:
2 "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần."
3 Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
4 Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.
5 Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông.
6 Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.
7 Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?
8 Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.
9 Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: "Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham." Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham.
10 Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.
11 Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa.
12 Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi."
Khi ông Gio-an Tẩy Giả bắt đầu rao giảng, quân La Mã đã chiếm đóng Ít-ra-en trên dưới 90 năm rồi. Họ để yên Hê-rô-đê làm vua nhưng toàn dân đều oán ghét. Các tôn giáo chia rẽ nhau, mọi người không còn biết tin vào ai. Có những người thỏa hiệp với ngọai bang, có những người kháng chiến, rất thường có người được kích động tìm cách làm cho mình được chú ý và hứa ban ơn cứu độ, nhưng kết cuộc lúc nào cũng tồi tệ.
Gio-an bắt đầu rao giảng trong bầu khí ấy. Ông sống trong « sa-mạc » xứ Giu-đê (giữa sông Gio-đan và Giê-ru-sa-lem). Thật ra vùng này không như sa mạc, nhưng điều Thánh sử Mát-thêu quan tâm không phải vì vùng này ít người, khô héo nhưng là ý nghĩa thiêng liêng của sa mạc: viết như thế ngài đã có trong đầu âm vang của trải nghiệm dân tộc Ít-ra-en trong sa mạc thời Xuất Hành, cùng với quan niệm sa mạc những tư tưởng các ngôn sứ thời Giao Ước cực kỳ sốt sắng, điều tiên tri Hô-sê gọi là những cuộc đính hôn.
Gio-an Tẩy giả xuất hiện, tất cả y phục cũng như cách sống của ông giống các tiên tri danh tiếng thời Cựu Ước đặc biệt Ê-li-a. Cũng là cách Thánh Mát-thêu nhắc lại cho chúng ta lời tiên tri của Ma-la-khi: « 23 Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA đến, ngày trọng đại và kinh hoàng. » (Ml 3, 23). Đó là cách nói những gì Gio-an Tẩy Giả loan báo, là đích thân Đấng Mê-si-a.
Qua những gì Gio-an Tẩy Giả rao giảng, ông nhập đoàn với các tiên tri: như các ngài, ông có hai cách nói: hiền từ, khích lệ những người bé mọn, cứng rắng và đe dọa những kẻ kiêu căng. Nhưng chúng ta biết rằng, thật ra ông không ám chỉ một người nào hay hạng người nào nhưng muốn nói tới những cách hành xử. Mục đích là trấn an những kẻ bé mọn, nhưng cũng để làm tỉnh thức những kẻ « ta đây »… hay đúng hơn là làm cho họ chú ý đến cách cư xử của mình. Ví dụ như cụm chữ ngài dùng không như một lời mắng « nòi rắn độc kia » nhưng là một lời cảnh báo: đó là cách nói « các ông cùng là một thứ con rắn « cám dỗ » trong vườn địa đàng.
Như các ngôn sứ khác, ông Gio-an Tẩy giả loan báo cuộc phán xét không phải lựa ra, người này với người khác nhưng từ bên trong từng người chúng ta. Ông dùng hình ảnh của lửa, chúng ta đã gặp trong hướng ấy với ngôn sứ Ma-la-khi (Ml3, 19-20) (CN XXXIII TN C): tất cả những gì đã chết, khô héo (hiểu trong cách sống chúng ta), sẽ bị chặt đi và cho vào lửa đốt …nhưng chúng ta biết rằng người làm vườn làm như thế để cho cành tốt phát triển. Người nông dân cũng lựa ra như thế đến mùa gặt: lúa sẽ được gom về kho lẫm, rơm thì đốt đi. Những gì tốt nơi chúng ta, dù có ít đi nữa, sẽ được cẩn thận giữ lại. Đây cũng là một Tin Mừng: trong mỗi chúng ta có những cách hành xử, ăn ở làm chúng ta không mấy hãnh diện …những thứ ấy chúng ta sẽ được bỏ đi, để chừa nhiều chỗ cho thứ khác.
Chúng ta hẳn biết đấy: ông Gio-an Tẩy giả không nói cho người Xa-đốc, cũng không cho người Pha-ri-sêu, cũng không cho người thường dân rằng mọi chuyện đã hết, không còn làm gì được nữa. Ông không hận thù gì đối với người này hay người khác. Với chúng ta, tôi nghĩ ông nói: « Nơi anh em, dù từ đâu đến: « 1 Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. » (Is 11, 1). Thế mà ông Gio-an Tẩy giả nói rõ rằng Chúa Giê-su sẽ làm việc sàng lọc ấy: « Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. 12 Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi ». Điều này có nghĩa là Đấng Giê-su thành Na-da-rét là Thiên Chúa. Lý do là trong suốt Cựu Ước Thiên Chúa được xem như Quan Toà tối cao, đấng thử thách tim gan con người biết sự thật từng người.
Ông Gio-an Tẩy Giả cũng có một cách tượng hình để nói về Chúa Giê-su: « Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi » (Phải biết rằng trong Thánh Kinh chữ quyền thế dành cho Thiên Chúa) « tôi không đáng xách dép cho Người ». Phải tưởng tượng cảnh này: dĩ nhiên muốn xuống sông Gio-đan phải cỗi giày. Khi một nhân vật quan trọng có nô lệ thì người hầu ấy phải cởi giày cho chủ. Nhưng nếu người ấy có một môn đệ, người môn đệ này hàng trên người nô lệ nên không cởi giày cho thầy mình. Ông Goan nói: « Phần tôi, tôi không đáng là môn đệ Chúa Giê-su; tôi cũng không đáng là nô lệ của Ngài, vì thế tôi càng không đáng cởi giày cho Ngài »
Điều rất thú vị trong câu truyện, cho đến giờ người trong tư thế là thầy có nhiều môn đệ theo, chính là ông Gio-an Tẩy Giả chứ không phải Chúa Giê-su. Tại sao ông Gio-an lại khép mình trước Người mới tới ? Bởi vì Chúa Giê-su là Đấng sẽ làm phép Rửa, tức là dìm nhân loại trong lửa của Thần Khí: « 11 Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối… (ngụ ý nói tôi chỉ là con người) Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa ». Ai có quyền trên Thánh Thần như thế được, nếu không phải là Thiên Chúa ? Nếu tiên tri Giô-en có ở đó, bên bờ sông Gio-đan ngài có thể nói: các bạn thấy không, tôi đã nói với các bạn, một ngày kia Thiên Chúa sẽ đổ Thần Khí trên hết thảy người phàm. (Ge 2, 28). Chúng ta chỉ cần buông chúng ta cuốn theo ngọn lửa ấy.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.