Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật 01 Mùa Vọng năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG Năm A (Is 2, 1-5)

 

"Thiên Chúa quy tụ các dân tộc trong nước Người, để hưởng bình an đời đời."

Trích sách tiên tri I-sa-i-a.

 

1 Đây là điều mà ông I-sai-a, con ông A-mốc, đã được thấy về Giu-đa và Giê-ru-sa-lem.

2 Trong tương lai, núi Nhà ĐỨC CHÚA
đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao,
vươn mình trên hết mọi ngọn đồi.
Dân dân lũ lượt đưa nhau tới,

3 nước nước dập dìu kéo nhau đi.
Rằng:        "Đến đây, ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA,
lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp,
để Người dạy ta biết lối của Người,
và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ.
Vì từ Xi-on, thánh luật ban xuống,
từ Giê-ru-sa-lem, lời ĐỨC CHÚA phán truyền.

4 Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia
và phân xử cho muôn dân tộc.
Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày,
rèn giáo mác nên liềm nên hái.
Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,
và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.

5 Hãy đến đây, nhà Gia-cóp hỡi,
ta cùng đi, nhờ ánh sáng ĐỨC CHÚA soi đường!

 

Thật lạ lùng, những hàng trên đây chúng ta vừa đọc cũng được một tiên tri khác viết lại gần như nguyên văn. Hôm nay chúng ta vừa đọc dưới ngòi bút của tiên tri I-sa-i-a, vị ngôn sứ thế kỷ thứ VIII truớc CN tại Giê-ru-sa-lem. Nhưng chúng ta cũng có thể đọc trong sách Mi-kha, cùng thời với I-sa-i-a và cùng sinh sống một vùng với ngài. Không hiểu ai chép ai ? Hay cả hai cùng được linh ứng từ một cội nguồn ? Không ai có thể biết. Dù sao đi nữa biết rằng Giê-ru-sa-lem cần nghe những lời này để nhớ lại chương trình của Thiên Chúa!

Thật vậy đó là đề tài hôm nay: chương trình vĩ đại của Chúa. Tiên tri I-sa-i-a phóng về tương lai, có lẽ nên nhấn mạnh viết thành hai chữ « Tương – Lai ». Trong suốt Mùa Vọng chúng ta sẽ nghe các bài đọc hướng về tương lai: tất cả Mùa Vọng được trình bày như những gì chúng ta đang chờ đợi.

Hơn nữa bài hôm nay bắt đầu bằng: « Trong tương lai », cụm chữ này không như một lời tiên tri mà còn là một lời hứa của Chúa. Các nhà tiên tri không phải là những nhà bói toán: sứ mạng của họ không phải là báo trước tương lai. Có thể nói họ là « miệng lưỡi của Thiên Chúa », họ nói nhân danh Chúa. Vì thế họ không thể nói gì khác hơn là chương trình của Thiên Chúa. Thì đây chính là những gì I-sa-i-a nói hôm nay.

Chương trình của Chúa là một dự án hoà bình, và trước hết đó là điều gây ấn tượng mạnh của bài này. Cách miêu tả tuyệt vời, giàu hình ảnh của hoà bình tương lai: « Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến ». Nhưng từ đâu đến phép mầu này, sự hoán cải của mọi dân tộc ? Câu hỏi này đặt ra như thế cũng chính đáng… Vì vậy tôi mạn phép trở lại đầu bài.

Tiên tri I-sa-i-a ngụ tại Giê-ru-sa-lem, cứ hằng năm vào mùa thu ông được chứng kiến một tuần lễ phi thường, đó là Lễ Lều. Họ sống dưới lều trong tám ngày đêm, ngay cả trong thành phố để tưởng nhớ lại giai đoạn ngủ dưới lều trong sa mạc Si-nai thời Xuất Hành. Trong những ngày này, Giê-ru-sa-lem tấp nập người là người, đến từ khắp nơi, có cả những người ngoại kiều. Sách Đệ-Nhị Luật nói về ngày Lễ này như sau: « 14 Anh (em) sẽ liên hoan mừng lễ, cùng với con trai con gái, tôi tớ nam nữ, với thầy Lê-vi, ngoại kiều và cô nhi quả phụ ở trong các thành của anh (em). 15 Trong vòng bảy ngày, anh (em) sẽ mở lễ kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), tại nơi ĐỨC CHÚA chọn, vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em) chúc phúc cho anh (em) là ban cho anh (em) mọi hoa lợi và cho mọi công việc tay anh (em) làm được kết quả; anh (em) chỉ có việc hân hoan. » (Đnl 16, 14-15).

Trước quang cảnh ấy, I-sa-i-a có linh tính cuộc tập hợp hằng năm, đầy niềm vui và lòng sốt sắng này biểu hiện trước một cuộc tập hợp khác. Vì thế, được Chúa Thánh Thần linh ứng ngài tuyên bố một cách khẳng định: vâng, ngày ấy sẽ đến, cuộc hành hương sẽ qui tụ mọi dân tộc, mọi quốc gia. Đền Thánh không còn chỉ là thánh địa dành riêng cho các chi tộc Ít-ra-en: kể từ nay, đây là nơi tập hợp của mọi quốc gia. Bởi vì cả nhân loại cuối cùng cũng đã nghe Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa.

Chỉ trong vài câu này, chúng ta nhận thấy hai chiều kích của Giao Ước với loài người. Một đàng, Thiên Chúa trong tự do hoàn toàn đã chọn dân này để kết giao ước với Ngài (« tuyển chọn Ít-ra-en »)đồng thời dự án gồm toàn thể nhân loại, vì có tính cách hoàn vũ. Nhưng hiện giờ, I-sa-i-a nói rằng chỉ có dân Chúa chọn mới nhận ra Thiên Chúa, nhưng sẽ đến một ngày toàn nhân loại cũng sẽ nhận ra: « 3 nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng: "Đến đây, ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA ». Họ sẽ tuân theo Lề Luật Thiên Chúa.

Mọi dân tộc rồi cũng nhận ra Thiên Chúa và phó thác định mệnh của họ trong tay Ngài. Họ sẽ chọn Chúa làm quan toà, làm trọng tài, tiên tri I-sa-i-a nói: « 4 Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. » Trong một cuộc đấu, người trọng tài là người làm cho hai bên đồng ý với nhau, để cuối cùng làm cho mọi khí giới câm đi … hay ít nữa trong một thời gian, cho đến một cuộc đấu khác. Có những hoà bình không được bền lâu, vì sự thoả thuận không công bằng. Trong trường hợp này, cuộc đấu tranh không hẳn được giải quyết, chỉ được che đậy lại thôi, rồi một ngày sẽ tái diễn. Có lẽ vì thế có câu ngạn ngữ: « Nếu muốn hoà bình, hãy chuẩn bị chiến tranh ». Nhưng một khi trọng tài là chính Thiên Chúa, thì nền hoà bình sẽ lâu dài. Không bao giờ còn phải chuẩn bị chiến tranh. Tất cả những dụng cụ dùng cho chiến tranh có thể được chuyển đổi cho mục đích khác.

Để cho thấy mệnh hệ Ít-ra-en gắn bó với các quốc gia hoà hợp với nhau đến mức độ nào, bài này được cấu trúc chồng chéo lên nhau những gì gợi lên hai yếu tố ấy. Không bao giờ nói đến Ít-ra-en mà không nói đến các quốc gia, và ngược lại. Bài bắt đầu nói về Ít-ra-en: « 1 Đây là điều mà ông I-sai-a, con ông A-mốc, đã được thấy về Giu-đa và Giê-ru-sa-lem. 2 Trong tương lai, núi Nhà ĐỨC CHÚA đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới ». Cũng nên ghi nhận rằng cách phát biểu trong câu này cũng rất tượng trưng: Đồi trên ấy xây thành Giê-ru-sa-lem đâu phải ngọn đồi cao nhất vùng, có thể còn là một ngọn đồi cao không bao nhiêu đối với các ngọn núi trên địa cầu! Nhưng đây là một cách nói khác nâng lên cao, chúng ta hiểu thế. Sau khi nói về Ít-ra-en, bài lại nói vể muôn dân tộc: « Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, 3 nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng: "Đến đây, ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người ». Câu này là một công thức cổ điển nói về Giao Uớc: đó là cách loan báo mọi dân tộc khác nay được vào Giao Ước mà từ trước chỉ dành cho Ít-ra-en.

Bài nói tiếp: « từ Xi-on, thánh luật ban xuống, từ Giê-ru-sa-lem, lời ĐỨC CHÚA phán truyền ». Câu này chỉ định sự chọn lựa Ít-ra-en của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng nói lên trách nhiệm của Dân Chúa chọn. Việc được Chúa chọn làm cho họ trở nên những cộng tác viên của Chúa để hội nhập muôn dân vào Giao Ước. Thì đây là lời loan báo ấy cho các dân tộc: « 4 Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến. » 

Câu sau cùng kết luận bài bằng một lời mời gọi cụ thể: « 5 Hãy đến đây, nhà Gia-cóp hỡi, ta cùng đi, nhờ ánh sáng ĐỨC CHÚA soi đường! » Có ngụ ý nói: « Trong thực tại, hỡi dân Ít-ra-en, hãy làm tròn sứ mạng của ngươi; sứ mạng này có hai mặt: « Đến đây, ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp », tức là thực hiện Giao Ước, và mặt khác: « cùng đi, nhờ ánh sáng ĐỨC CHÚA soi đường! », tức là tuân theo Lề Luật của Giao Ước.

***

THÁNH VỊNH CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG Năm A (Tv121, 1-9)

 

"Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa."

 

 1 Ca khúc lên Đền. Của vua Đa-vít.
Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:
"Ta cùng trẩy lên đền thánh CHÚA! "
Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi,

2 cửa nội thành, ta đã dừng chân.

3 Giê-ru-sa-lem khác nào đô thị
được xây nên một khối vẹn toàn.

4 Từng chi tộc, chi tộc của CHÚA,
trẩy hội lên đền ở nơi đây,
để danh CHÚA, họ cùng xưng tụng,
như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en.

5 Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử,
ngai vàng của vương triều Đa-vít.

6 Hãy nguyện chúc Giê-ru-sa-lem được thái bình,
rằng: "Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt,

7 tường trong luỹ ngoài hằng yên ổn,
lâu đài dinh thự mãi an ninh."

8 Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu,
tôi nói rằng: "Chúc thành đô an lạc."

9 Nghĩ tới đền thánh CHÚA, Thiên Chúa chúng ta thờ,
tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô.

 

Chúng ta vừa nghe một phiên dịch hay nhất của chữ Shalom (lời chào Do Thái: ghi chú người dịch): « Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt, 7 tường trong luỹ ngoài hằng yên ổn, lâu đài dinh thự mãi an ninh. » Mỗi khi chào ai bằng chữ Shalom là chúng ta muốn nói lên tất cả những thứ ấy.

Ở đây lời chúc dành cho Giê-ru-sa-lem: « 6 Hãy nguyện chúc Giê-ru-sa-lem được thái bình, rằng: "Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt, 7 tường trong luỹ ngoài hằng yên ổn, lâu đài dinh thự mãi an ninh." 8 Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu, tôi nói rằng: "Chúc thành đô an lạc." 9 Nghĩ tới đền thánh CHÚA, Thiên Chúa chúng ta thờ,tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô ». Chúng ta để ý các chữ thái bình, an ninh, an lạc được cố tình nhấn mạnh. Trong Giê-ru-sa-lem có chữ Shalom. Nó lànó phải là và sẽ là thành phố bình an. Lời chúc hoà bình, hạnh phúc cho Giê-ru-sa-lem còn rất xa thực tế. Nó có bao giờ được như thế đâu ?

Các bạn hẳn biết lịch sử đầy biến động của thành này: vào năm 1000 trước CN, nó chỉ là một thị trấn nhỏ không quan trọng, có tên là Giơ-vút (Jébus), tiếng Pháp gọi dân thành Giơ-vút là Jébusites. Chính vua Đa-vít đã chọn nơi này để đóng đô. Chúa nhật vừa qua chúng ta đã đọc kinh đô đầu tiên của Đa-vít là Khép-rôn, nhưng lúc ấy ông chỉ là vua của chi tộc Giu-đa. Nhưng một ngày nọ - chúng ta đã thấy trong bài đọc chúa nhật vừa qua - mười một chi tộc khác đã qui nạp về với ông. Lúc ấy Đa-vít rất khôn ngoan chọn một kinh đô mà không một chi tộc nào có thể cho là thuộc về mình: khi ấy Giơ-vút trở thành Giê-ru-sa-lem. Kể từ đó người ta gọi là Thành vua Đavít (2Sm 6, 12). Ngài cho dời Hòm Bia Giao Ước về đó, và thừa lệnh Thiên Chúa, mua lại của A-rau-na, người Giơ-vút một cánh đồng với ý định cho tọa lạc Hòm Bia Giao Ước về đấy. Cánh đồng này, chính Thiên Chúa đã chọn: vì thế trước mắt mọi người, Giê-ru-sa-lem là Thành Thánh, nơi Chúa chọn để đóng lều của Ngài.

« Thành thánh » cũng như « Đất thánh » không có nghĩa là thành ma thuật, đất ma thuật. Thành thánh vì nó thuộc về Thiên Chúa. Nó là, hay nó phải là một nơi người ta sống theo cách của Thiên Chúa, cũng như Đất thánh là nơi thuộc về Chúa, trong ấy người ta cũng sống theo cách Thiên Chúa.

Dưới thời Đa-ví và sau này dưới thời vua Sa-lô-môn, Giê-ru-a-lem có những giờ phút tốt đẹp nhất, nhưng lúc ấy chưa được rộng lớn bao nhiêu. Ngày nay nó chiếm tất cả các đồi, nhưng khi xưa thành chỉ được xây trên một mũi đá nhỏ. Vua Đa-vít xây một dinh thự cho mình và dĩ nhiên ông cũng muốn xây một Đền thờ để cho Chúa cũng có một dinh thự của Ngài.

Nhưng Thiên Chúa có một kế hoạch khác. Ngôn sứ Na-than có nhiệm vụ can gián lòng hăm hở của vua Đa-vít và báo cho vua biết Chúa quan tâm nhiều đến dân ngài hơn là Đền thờ, dù có đẹp mấy đi nữa. Hẳn các bạn còn nhớ trò chơi chữ bất hủ của ngôn sứ Na-than: ngài muốn xây một nhà cho Chúa (nhà đây là đền thờ), nhưng Chúa muốn xây một nhà Đa-vít (có nghĩa là hậu duệ). Chúng ta tìm lại cách chơi chữ này trong bài Thánh Vịnh: « 5 Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử, ngai vàng của vương triều Đa-vít. », và sau đó vài câu: « 9 Nghĩ tới đền thánh CHÚA, Thiên Chúa chúng ta thờ, tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô ».Nơi ngụ nhà con cháu Đa-vít là vương triều, nhà của Thiên Chúa là Đền thánh. Và bởi vì Chúa muốn kéo dài vương triều Đa-vít, sẽ có một hậu duệ của Đa-vít tái lập vương triều của Thiên Chúa dưới trái đất này và ngai sẽ đặt tại Giê-ru-sa-lem. 

Các bạn hẳn còn nhớ, cuối cùng không phải Đa-vít xây lại Đền thờ, nhưng là Sa-lô-môn. Và từ đó Giê-ru-sa-lem trở nên trung tâm của đời sống văn hóa: mỗi năm ba lần người Do Thái thánh thiện lên Giê-ru-sa-lem đi hành hương, và đặc biệt vào dịp Lễ Lều mùa thu.

Các bạn cũng hẳn còn nhớ câu truyện về sau: các điều khủng khiếp do quân của Na-bu-cô-đô-nô-so năm 587 trước CN đã tàn phá Đền thánh và thành phố. Kế tiếp là cuộc lưu đày sang Ba-by-lon, và được Ky-rô vị chúa tể mới vùng Trung Đông cho về vào năm 538. Thành Giê-ru-sa-lem được xây lại và vì thế người hành hương trong bài Thánh Vịnh hôm nay hát lên: « 3Giê-ru-sa-lem khác nào đô thị được xây nên một khối vẹn toàn »

Nhưng nhất là khi Đền vua Sa-lô-môn được xây lại. Khi ấy thành Giê-ru-sa-lem tìm lại vai trò của một trung tâm tôn giáo. Tầm quan trọng, sự thánh thiện của nó được ví như một món trang sức cao quý nhất trần thế đối với một tín hữu đó là Đền thánh, dấu hiệu hữu hình của sự Hiện Diện vô hình của Thiên Chúa.

Các bạn hẳn để ý đến cấu trúc của bài Thánh vịnh. Như rất thường khi có thể « kẹp »: câu đầu và câu cuối đi với nhau. Tác giả nhấn mạnh như thế là có dụng ý. Chúng ta hãy đọc câu đầu: « Ta cùng trẩy lên đền thánh CHÚA! » và câu cuối: « 9 Nghĩ tới đền thánh CHÚA, Thiên Chúa chúng ta thờ, tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô ». Đền thánh Chúa đã bao lần đau khổ. Cuộc bách hại lừng lẫy của An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê biến thành đền ngoại giáo (năm 167 trước CN), và phải cầm vũ khí chống lại mới thu hồi được và tiếp tục thờ phượng. Sau đó bị lần thứ hai năm 70, khi quân Rô-ma đốt cháy. Cho đến ngày nay, Đền thánh vẫn chưa được xây lại, nhưng Giê-ru-sa-lem vẫn là Thành Thánh và mọi người chờ ngày được trùng tu cùng lúc Đấng Mê-si-a đến.

Điều thật đáng ngạc nhiên là mãnh lực của lòng cậy trông ấy được gìn giữ mặc cho bao nhiêu điều luân phiên thay đổi của lịch sử. Ngay cả ngày nay, mỗi người Do Thái bất cứ ở phương trời nào đều được mời gọi để một phòng trống chưa trang trí ngay khi bước qua cửa vào nhà, hay ít nữa một bức tường không sơn phết để hướng về Giê-ru-sa-lem cầu nguyện, và mỗi ngày họ cầu nguyện: « Này Giê-ru-sa-lem, nếu ta quên mi thì bàn tay phải của ta suy tàn đi »

Không ai có thể quên Giê-ru-sa-lem vì biết rằng Thiên Chúa không thể quên lời hứa với Đa-vít: các tiên tri - đặc biệt là I-sa-i-a và Mi-kha trong Bài Đọc 1 đã loan báo Giê-ru-sa-lem sẽ là nơi tất cả nhân loại sẽ qui tụ về. Bởi vì đó là Lời của Chúa, sự mặc khải ấy luôn còn giá trị! Ngày hôm nay nữa, dân Chúa chọn vẫn là dân Chúa chọn. Chúa không thể nào bất trung với những Lời hứa của mình. Như Thánh Phao-lô nói: « Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình» (2Tm 2, 13)

***

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG Năm A (Rm 13, 11-14 )

 

"Phần rỗi chúng ta gần đến"

Trích thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu thành Rô-ma

 

11 Phải như thế, vì anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo.

12 Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu.

13 Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương.

14 Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng.

 

« hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo ». Câu này của Thánh Phao-lô vẫn luôn xác thực! Một trong những điều đức tin chúng ta dạy là lịch sử không phải là sự tái diễn bất tận, nhưng ngược lại là một sự thăng tiến không có gì cưỡng lại được của chương trình Thiên Chúa. Mỗi ngày chúng ta có thể nói « kế hoạch yêu thương » của Chúa đã gần hơn hôm qua: nó đang được hoàn tất, kế hoạch vẫn tiến triển, chậm nhưng chắc chắn. Quên tuyên xưng điều này là quên một điều chính yếu của đức tin Ki-tô. Ki-tô hữu không có quyền u sầu, vì mỗi ngày « Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần », như Thánh Phao-lô nói.

Thế nhưng « kế hoạch yêu thương » cần đến chúng ta: không phải lúc để ngủ, chúng ta may mắn được biết chương trình của Thiên Chúa, không lẽ chúng ta làm nó chậm lại. Tới đây tôi nghĩ đến thư thứ Hai của Thánh Phê-rô: « 9 Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải » (2Pr 3, 9). Điều này có nghĩa là thái độ thụ động của chúng ta, « ngủ quên », theo cách nói của Thánh Phao-lô - gây ảnh hưởng tiêu cực trong đà tiến của kế hoạch Thiên Chúa: để cho ngủ yên những năng khiếu, những khả năng chúng ta là làm hỏng đi hay ít nhất làm chậm lại chương trình của Thiên Chúa. Đó là những gì làm cho trầm trọng những gì mà chúng ta gọi là « những điều thiếu xót »: chương trình của Thiên Chúa không chờ đợi. Như Thánh Phao-lô nói, đêm sắp tàn, ngày đã đến gần. Nơi khác, trong thư thứ nhất gửi tín hữu thành Cô-rin-tô, Thánh Phao-lô nói: « thời gian chẳng còn bao lâu » (1Cr 7, 29), và ngài dùng một từ kỹ thuật đi biển « thời gian đã cuốn buồm », như tàu cặp bến cuốn buồm lại.

Các bạn có thể nghĩ ngài có ít nhiều kiêu kỳ nên cho chúng ta tầm quan trọng ấy. Như thể thái độ của chúng ta ảnh hưởng đến chương trình của Chúa… Và vậy mà, không phải tôi bày ra gì cả: đó là điều làm cho đời chúng ta « vĩ đại », nhưng có lẽ nên nói đời chúng ta « trọng đại » thì hơn. Nếu tôi tin những gì Thánh Phao-lô nói, cách hành xử thường nhật của chúng ta cực kỳ quan trọng. Tôi xin đọc: « 13 Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương ». Đó là những gì ngài gọi là  « những việc làm đen tối ».

Có những cách ăn ở theo Ki-tô hữu và cách hành xử không đáng được gọi như thế. Có những việc làm đen tối, có những việc làm giữa ban ngày. Điều này không có nghĩa là những Ki-tô hữu chúng ta luôn ăn ở xứng với bí tích Rửa Tội và những người không phải là Ki-tô hữu không có cách hành xử xứng đáng với Tin Mừng… Rất có thể được rửa tội đàng hoàng nhưng ăn ở như người không có gì Ki-tô tính, và cũng có thể không phải là Ki-tô hữu nhưng sống theo Tin Mừng.

Nhưng thật ra - và điều này chắc chắn quan trọng - Thánh Phao-lô không nói « Hãy từ chối những việc làm đen tối »… và chọn « những việc làm giữa ban ngày », như thể mỗi lần ta cứ lấy quyền tự do của chúng ta chọn lựa. Nhưng ngài nói: « 12 Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu ». Tôi nghĩ hình như đây là hai điều khác nhau.

- Điều thứ nhất, dĩ nhiên, đây là điều chúng ta phải chọn lựa mỗi ngày, sự chọn lựa này có khi thật sự là một cuộc đấu tranh. Hiện nay chúng ta không thiếu gì những mẫu gương: trước những vấn đề trong xã hội, giữa những vấn đề khác, chọn lựa cách hành xử theo Tin Mừng có thể đặt chúng ta hoàn toàn ngược dòng với những người chung quanh ta, có khi là những thân nhân nữa. Còn việc chọn lựa phải tha thứ, chúng ta biết rằng trong vài trường hợp là cả một cuộc đấu tranh nội tâm. Từ chối thoả hiệp, « lo lót »… cũng là bao nhiêu sự đấu tranh với chính mình, đối với những thói quen dễ dãi của xã hội chúng ta: « 15 Như thế, anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những người con vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, 16 là làm sáng tỏ Lời ban sự sống, » (Ph 2, 15-16a)  

- Điều thứ hai, trong câu « cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu », có hình ảnh của trang bị chiến tranh, không phải lần đầu Thánh Phao-lô dùng đến. Ví dụ như trong thư gửi tín hữu thành Cô-rin-tô, ngài nói: « Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí » (2Cr 6, 7) và trong thư gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca ngài viết: « chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ » (1Tx 5, 8). Đó là cả một trang bị quân sự ngài đề nghị chúng ta. Trong bài này ngài nói « y phục ánh sáng » (lnd :nguyên văn tiếng Pháp), y phục ánh sánh ấy không chi khác là chính Chúa Giê-su Ki-tô, ánh sáng bao trùm chúng ta như một áo choàng: « cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. » sau đó Ngài nói thêm ở câu 14: « anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô ».

Nói cho cùng, câu: « chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. » hẳn là một cách ám chỉ sự cử hành bí tích Rửa Tội. Chúng ta biết rằng rửa tội là dìm người xuống nước. Trước khi dìm người rửa tội xuống bồn nước phải cởi đồ ra - để sau đó mặc vào Áo Trắng Rửa Tội (từ tiếng La-tinh Albus) - là dấu chỉ từ nay người ấy là một con người mới hoàn toàn tinh tuyền trong Chúa Giê-su Ki-tô. Trong lễ Rửa Tội ngày nay người ta thường hát câu trong Thư gửi tín hữu thành Ga-la-ta: « … ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô » (Gl 3, 27). Điều này có nghĩa là cách hành xử Ki-tô - phải thú nhận làm như thế vượt khả năng chúng ta - cuộc đấu tranh ấy không phải của chúng ta mà là cuộc đấu tranh của Chúa Ki-tô trong chúng ta. Vì thế chúng ta nhớ lại câu sau đây của chính Chúa Giê-su Ki-tô: « 14 Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. 15 Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. » (Lc 21, 14-15) .

Trong cách nói thường nhật có khi chúng ta nói bộ « y phục sáng chói », nhưng để chỉ áo ra trận của người đấu bò. Thánh Phao-lô nói chúng ta cũng có thể dùng cho người Rửa tội.

***

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG Năm A (Mt 24, 37-44)

 

Alleluia. Alleluia!

Lạy Chúa xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, 
và ban ơn cứu rỗi cho chúng con. - 
Alleluia

-----------------

"Hãy tỉnh thức để sẵn sàng"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

 

37 "Quả thế, thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy.

38 Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu.

39 Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy.

40 Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại;

41 hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại.

42 "Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.

43 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu.

44 Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.

 

Có một điều chắc chắn là bài này không để làm chúng ta sợ, mà để soi sáng chúng ta. Có thể nói bài này được viết theo thể văn « khải huyền », có nghĩa là « vén một góc màn lên ». Vén màn cho thấy thực tế. Và thực tế quan trọng nhất, đó là sự Chúa Ki-tô đến.

Hẳn các bạn nhận xét các từ ngữ như, quang lâmđến được lặp lại nhiều lần, khi nói về Chúa Giê-su: « Quả thế, thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm; … Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy; anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến; chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến ». Điều này để nói lên sứ điệp trung tâm là loan báo, Chúa Giê-su Ki-tô sẽ đến.

Điều lạ lùng là Chúa Giê-su dùng thì tương lai để nói về Ngài sẽ đến « Con Người sẽ đến ».Nếu Ngài dùng thì quá khứ thì chúng ta dễ hiểu hơn! Thật vậy, nếu Ngài đang nói là Ngài đã ở đây rồi, Ngài đã đến rồi. Chữ « đến » ở đây không đồng nghĩa với sinh ra. Đoạn sau của bài sẽ nói rõ hơn cho chúng ta.

Ngay bây giờ tôi muốn dừng lại đôi chút về điều thường làm cho chúng ta bối rối trong bài Phúc Âm này. Đó là sự so sánh với đại hồng thuỷ, đời ông Nô-ê và lời cảnh báo sau đó: « 40Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; 41 hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại ». Làm sao nghe được bài Phúc Âm, tức là bài Tin Mừng ?

Như thường lệ, để hiểu đúng đắng phải có một hành động đức tin trước hết. Hoặc chúng ta đọc những câu này với não trạng Con Rắn thời Sáng Thế - tức là nghi kỵ - hoặc chúng ta chọn tin tưởng: mỗi lần Chúa Giê-su nói cho ta điều gì là để mặc khải kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, không thể nào để cho chúng ta hoảng sợ.

Thật ra ở đây Chúa Giê-su cho chúng ta một lời khuyên bảo. Chúa chọn mẫu gương ông Nô-ê: thời ông Nô-ê, không một ai ngờ. Điều đáng nhớ Nô-ê là người công chính và được cứu. Tất cả những gì công chính sẽ được cứu rỗi.

Thì ở đây chúng ta nhận ra đề tài thường gặp, đó là sự phán xét - những gì tốt và xấu - giữa lúa và cỏ lùng: « hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; 41 hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại ». Dĩ nhiên nói những gì tốt và xấu như phân loại rõ ràng nơi loài người, chỉ là một cách nói: có tốt, có xấu, có lúa, có cỏ lùng, mỗi thứ đều hiện hữu trong con người mỗi chúng ta. Tự trong thâm sâu chúng ta, những gì tốt sẽ được tồn giữ những gì xấu sẽ bị diệt tận rễ. Chúng ta chỉ cần tỉnh thức, như Chúa Giê-su nói, tức là sẵn sàng ngày « Con Người sẽ đến ».

Tôi xin lưu ý một điểm khác, Chúa Giê-su tự xưng mình là « Con Người »: ba lần trong chỉ mấy hàng. Đó là một từ ngữ được nghe quen thuộc nhưng, trong Thánh Kinh chỉ có Chúa Giê-su mới dùng đến. Ngài dùng rất thường: 30 lần trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu. Nếu các bạn còn nhớ, tiên tri Đa-ni-en, hồi thế kỷ thứ II trước CN đã nói: « 13 Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện. 14 Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong. » (Đn 7, 13-14).

Theo tiếng Do Thái chữ « con người » chỉ muốn nói là « người ». Nhân vật ở đây đúng là một người, và người ấy đến từ đám mây trên trời, theo Thánh Kinh người ấy thuộc về thế giới của Thiên Chúa: sau cùng đấng ấy được phong vương cho cả vũ trụ và vĩnh viễn. Nhưng, điều lạ kỳ trong bài tường thuật của tiên tri Đa-ni-en là từ ngữ « con người » còn có nghĩa cho cả tập thể. Nó biểu hiện điều tiên tri Đa-ni-en gọi là: « vương quốc với quyền thống trị cũng như địa vị cao cả của các vương quốc khắp thiên hạ sẽ được trao cho dân thánh của Đấng Tối Cao. Vương quyền của dân ấy là vương quyền vĩnh cửu, và mọi quyền thống trị sẽ phụng sự và vâng phục dân ấy."» (Đn 7, 27); hay còn như là: « chư thánh của Đấng Tối Cao sẽ lãnh nhận vương quyền và nắm giữ vương quyền ấy mãi mãi muôn đời. » (Đn 7, 18)

 « Con Người » vừa là một đấng riêng biệt, vừa là một tập thể, một dân tộc. Khi Chúa Giê-su tự xưng là Con Người có thể làm cho cử tọa ngạc nhiên vì họ biết rằng Con Người là nói đến tập thể. Làm như thế Ngài muốn cho họ hiểu vai trò Đấng Cứu độ của Ngài, mang vận mệnh của cả nhân loại. Hơn nữa nếu tiếng Do Thái hiểu con người là người, điều này muốn nói lên nghĩa nguyên thuỷ của cả loài người. Thánh Phao-lô phát biểu cách khác cùng một mầu nhiệm ấy khi thánh nhân gọi Chúa Ki-tô là « A-dong Mới ». Ngài còn nói Chúa Ki-tô là Đầu của một Thân Thể trong ấy chúng ta là chi thể. Còn thánh Augustinô, ngài gọi Chúa Ki-tô toàn diện, Đầu và Thân, thánh nhân nói: « Đầu chúng ta đã ở trên trời, chi thể còn ở dưới đất » .

Thật ra khi chúng ta nói: « chúng ta vẫn đợi chờ ngày hồng phúc, ngày Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta ngự đến », thì đó là ta nói về Chúa Ki-tô toàn diện như Thánh Augustinô. Lúc bấy giờ chúng ta hiểu vì sao trong bài này Chúa Giê-su có thể dùng thì tương lai cho việc Chúa đến: Chúa Giê-su con người đã đến, nhưng Đức Ki-tô toàn diện (theo cách phát biểu của Thánh Augustinô) đang được sinh ra. Thì đây, tôi cũng đọc lại Thánh Phao-lô: «cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở » (Rm 8, 22), hay như cha Teilhard de Chardin (*) nói: « từ nguyên thuỷ mọi sự, một Mùa Vọng mặc niệm và vất vả đã bắt đầu… ». Và từ khi Chúa Giê-su ra đời, Ngài đã lớn lên, chịu Chết, tất cả tiếp tục khởi động, vì Chúa Ki-tô chưa dừng được tạo nên. Chúa chưa kéo vào Ngài những làn xếp của Áo Bào bằng thịt và bằng tình yêu của Ngài, kết bằng các tín hữu.

(*) Linh mục Phêrô Teilhard de Chardin Dòng Tên Pháp (1881-1995), nhà thần học -triết học và là một nhà khoa học lừng danh qua đời ở Mỷ ngày 10 tháng 4 1995.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com