BÀI ĐỌC 1 CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG Năm A (Is 7, 10-16)
"Này trinh nữ sẽ thụ thai"
Bài trích sách Tiên ti I-sa-i-a.
10 Một lần nữa ĐỨC CHÚA phán với vua A-khát rằng:
11 "Ngươi cứ xin ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu
dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh."
12 Vua A-khát trả lời:" Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách ĐỨC CHÚA."
13 Ông I-sai-a bèn nói: "Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa?
14 Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en.
15 Con trẻ sẽ ăn sữa chua và mật ong cho tới khi biết bỏ cái xấu mà chọn cái tốt.
16 Vì trước khi con trẻ biết bỏ cái xấu mà chọn cái tốt, thì đất đai của hai vua mà ngài khiếp sợ đã bị bỏ hoang.
Không ngờ chúng ta đang chứng kiến một trang sử bi đát nhất của dân tộc Ít-ra-en. Bối cảnh là năm 735 trước CN, thời ấy cựu vương quốc vua Đa-vít chia ra làm hai xứ nhỏ, từ 200 năm rồi. Có hai tiểu vương, với hai thủ đô: Sa-ma-ri-a Miền Bắc, Giê-ru-sa-lem Miền Nam, ở đây, tại Giê-ru-sa-lem, từ dòng dõi vua Đa-vit này, Đấng Mê-si-a sẽ đến. Lúc này, dĩ nhiên Đấng Mê-si-a chưa sinh ra! Một vua trẻ A-khát 20 tuổi, vừa được lên ngôi tại Giê-ru-sa-lem, và tiếng kèn lễ đăng quang vừa dứt là phải lấy những quyết định rất khó khăn.
Chúng ta biết Thánh Kinh không phải một sách lịch sử. Sở dĩ những lời Tiên tri I-sa-i-a được chép và truyền lại bởi vì những vấn đề của vua A-khát chủ yếu là vấn đề đức tin. Muốn có những quyết định khôn ngoan phải dựa vào đức tin, tức là chỉ trông chờ vào Thiên Chúa mà thôi: Chúa đã hứa triều đại của Đa-vít sẽ không bao giờ tuyệt diệt. Một khi Chúa hứa, Ngài sẽ giữ lời, Chúa không bỏ rơi dân Ngài. Ít-ra-en xác tín như thế. Thật vậy, đối với một tân vương trẻ tuổi, đó là một trách nhiệm nặng nề. Tình trạng chính trị đáng lo ngại, trong vương quốc nhỏ Giê-ru-sa-lem này lại chia làm hai phe đối kháng nhau: một bên là lực lượng đang phất lên như diều nổi dậy ở Trung Đông, đó là Đế quốc Át-sua, thủ đô là Ni-ni-vê (ngày nay các di tích của Ni-ni-vê được tìm lại, gần Mossoul). Quân Át-sua đe dọa khắp vùng này, có những chiến dịch đã tới Đa-mát xứ A-ram và Sa-ma-ri. Năm 738 vua Đa-mát và vua Sa-ma-ri thất trận, đầu hàng và phải nộp triều cống.
Phe bên kia, chính là hai vương quốc nhỏ A-ram và Sa-ma-ri nổi lên chống lại Ni-ni-vê, và bao vây Giê-ru-sa-lem cố hạ bệ vua A-khát để thay một vua khác, hầu sau này đồng minh với họ trong cuộc chiến dành độc lập chống lại Ni-ni-vê. A-khát hoảng sợ, tay chân run lẩy bẩy. Các câu trước bài này viết: « Bấy giờ lòng vua cũng như lòng dân đều rung động như cây rừng rung rinh trước gió. »(Is 7, 2). Ngôn sứ I-sa-i-a bắt đầu kêu gọi họ trấn an và tin tưởng. Ngài nói đại loại như sau: « hãy tin tưởng nơi Chúa, triều đại của ngươi không thể kết thúc được, vì Chúa đã hứa như thế », và vị Tiên tri tiếp: « Lòng tin là cứu cánh của mọi người, nếu ngươi và dân chúng không tin thì không ai còn nữa ». Vì theo lời khuyên của I-sa-i-a là « hãy bình tĩnh đối đầu với các mối đe dọa, đặt tin tưởng vào đức tin và vào tiềm năng của dân chúng » .
Nhưng A-khát không còn nghe nữa, ông ta là người đã được Thiên Chúa Duy Nhất đặt niềm tin, ký thác lại đi dâng lễ cầu xin mọi thần thánh và còn làm một điều ghê rợn nhất - than ôi chuyện này rất thường thời ấy, trong các dân tộc khác, các ngôn sứ luôn nghiêm cấm -: giết đứa con duy nhất của mình làm lễ toàn thiêu. Sách thứ Hai Các Vua chép rằng: « Họ đã làm lễ thiêu con trai con gái họ » (2V 17, 17). Cuối cùng A-khát thấy chỉ còn một lối thoát: để tránh sự đe dọa trước mắt của hai tiểu vương lân cận, vua Đa-mát và vua Sa-ma-ri, ông ta quyết định cầu cận sự trợ giúp hoàng đế Át-sua. Ngôn sứ I-sa-i-a cực lực phản đối giải pháp này, vì tất cả sau này đều có cái giá phải trả! Một khi A-khát xin sự giúp đỡ ấy, sẽ mất độc lập về chính trị và tôn giáo, làm như thế một ngày một buổi quét sạch công trình giải phóng từ Mô-sê.
Thì đây là những lời của ngôn sứ I-sa-i-a nói trong bài chúng ta đọc hôm nay. Như các bạn thấy, trước khi rỉ lời nói vào tai người tín hữu, với một ý nghĩa đặc biệt cho chúng ta, các lời này được nói lên trong một tình huống đặc biệt, rất cụ thể. I-sa-i-a nói với A-khát: « Ngươi cứ xin ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh ». A-khát trả lời bằng một câu hết sức giả hình: mặc dù trong lòng đã lấy quyết định hoàn toàn trái ngược với lời khuyên của I-sa-i-a, và, tệ hơn nữa trong hoảng hốt, đem giết đứa con duy nhất làm lễ toàn thiêu, đứa con này còn là đối tượng lời hứa của Thiên Chúa, ông nói: « Không, không tôi nào đòi hỏi chi nơi Thiên Chúa! » Đâu có thể qua mặt được I-sa-i-a, ngài nói: « Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? » Ngôn sứ cố tình nói với A-khát: « Thiên Chúa của tôi »vì ngài cho rằng A-khát cư xử như không còn trong Giao Ước.
Nhưng mặc cho những bất trung của A-khát không ngừng tái diễn, I-sa-i-a tuyên bố Thiên Chúa vẫn trung tín. Và Chúa sẽ chứng minh, đứa con sau này Chúa sẽ ban cho dòng dõi vua, sẽ mang tên « Chúa ở cùng chúng ta ». Mặc cho những các kẻ thù muốn hạ bệ A-khát, mặc cho thái độ của A-khát giết con mình làm lễ toàn thiêu, không có gì có thể cản ngăn sự tín trung của Thiên Chúa, giữ lời cho hậu duệ Đa-vít và cho dân Ngài. Thì đây « người phụ nữ trẻ thụ thai »: trong sách tiếng Do Thái I-sa-i-a dùng một từ ngữ không có nghĩa « cô gái đồng trinh », nhưng là một phụ nữ có chồng… chúng ta sẽ trở lại trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu.
Cuối cùng những lời hứa về hài-nhi-vua: bé sẽ được nuôi dưỡng bằng kem sữa và mật ong (đó là ngụ ý nói về Đất hứa, nơi tuôn tràn sữa và mật). I-sa-i-a tiếp trong câu 16 chúng ta không đọc hôm nay: « 16 Vì trước khi con trẻ biết bỏ cái xấu mà chọn cái tốt, (tức là trước khi trẻ trưởng thành) thì đất đai của hai vua mà ngài khiếp sợ đã bị bỏ hoang. » Hãy hiểu: còn sự đe dọa của hai vua Đa-mát và Sa-ma-ri, rồi đây không ai còn nhớ tới, trong một thời gian ngắn nữa thôi, không ai sẽ còn nói đến nữa. Thật vậy, một thời gian ngắn sau khi I-sa-i-a tuyên bố như thế, hai vương quốc A-ram và Sa-ma-ri bị đế quốc At-sua hoàn toàn đè bẹp, của cải vàng bạc mang về Ni-ni-vê, dân chúng di tản khắp nơi.
Chỉ còn vua và dân chúng được tự do. Và vị vua trẻ tuổi được nói ở đây là Khít-ki-gia, lại phạm sai lầm khác. Thế nhưng những lời tiên tri của I-sa-i-a vẫn còn giá trị: mặc cho những điều bất trung của loài người đến đâu cũng không cấm cản Thiên Chúa trung tín với những lời hứa của Ngài cho con cháu Đa-vít và dân Ngài. Vì thế từ đời nọ đến đời kia lời hứa của Thiên Chúa được giữ trong lòng, với xác tin rằng một ngày kia, dù có xa xôi mấy đi nữa, một vị Vua sẽ đến, xứng danh là « Em-ma-nu-en »
***
THÁNH VỊNH CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG Năm A (Tv23, 1-6)
"Chúa ngự qua, chính Ngài là Hoàng Đế hiển vinh"
CHÚA làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài,
làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư.
2 Nền trái đất, Người dựng trên biển cả,
đặt vững vàng trên làn nước mênh mông.
3 Ai được lên núi CHÚA?
Ai được ở trong đền thánh của Người?
4 Đó là kẻ tay sạch lòng thanh,
chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối.
5 Người ấy sẽ được CHÚA ban phúc lành,
được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.
6 Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người,
tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp.
Như mọi thánh vịnh, chúng ta đang trong bối cảnh Đền Giê-ru-sa-lem. Một cuộc diễu hành vĩ đại sắp xảy ra. Gần đến cửa Đền, nhiều tốp ca đoàn luân phiên hát đối thoại nhau một bài thánh ca: « 3 Ai được lên núi CHÚA? » (Các bạn hẳn còn nhớ Đền Giê-ru-sa-lem được xây trên đồi cao): « Ai được ở trong đền thánh của Người? ». Ngôn sứ I-sa-i-a đã so sánh Thiên Chúa ba lần thánh như ngọn lửa đốt cháy. Trong chương 33 ngài còn hỏi: « Ai trong chúng ta ở gần được lửa thiêu? Ai trong chúng ta ở gần được hoả hào muôn kiếp? »( Is 33, 14)( Ngụ ý nói tự chúng ta, mắt không thể chịu đựng được ánh chiếu loà của hào quang Ngài). Đây là tiếng kêu vang lên của những người đang hiện diện, mặc dù biết mình không xứng đáng, trước một Thiên Chúa Chí Thánh. Đó là điều vĩ đại, dân Ít-ra-en được mạc khải như thế. Chúa Chí Thánh, Đấng Rất Khác Biệt : « Thánh! Thánh! Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh. Trời đất đầy vinh quang Chúa. », lời I-sa-i-a cất tiếng ca ngợi, phấn chấn trước sứ vụ của mình, và, đồng thời, loan báo một Thiên Chúa Khác Biệt, cũng là Thiên Chúa Thật Gần gũi con người, và như thế làm cho con người « chịu được » đứng trước mặt Ngài, như I-sa-i-a nói.
Bài hát tiếp : «4 Đó là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối.». Đấy là câu trả lời, vì sao đây là người có thể chịu được trước mặt Thiên Chúa. Trước hết không phải một thái độ luân lý: tôi vừa nói dân chúng biết mình được chấp nhận mặc dù mình không xứng đáng. Nhưng đây là một thái độ hội nhập đức tin vào Thiên Chúa duy nhất, tức là từ chối ngẫu tượng. Điều kiện duy nhất đòi hỏi, đó là trung tín với Thiên Chúa duy nhất, tức là « chẳng mê theo ngẫu tượng », như câu 4 bài Thánh vịnh. Hơn nữa nếu chúng ta dịch theo nghĩa đen thì câu sẽ như thế này : « kẻ không nâng lòng mình lên những thần thánh trống rỗng », cụm chữ nâng lòng mình lên, tức là cầu khẩn. Thì đây chúng ta nhận ra một câu chúng ta quen thuộc trong ( Tv123, 1) : « Con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa». Cũng như trong sách Da-ca-ri-a được Thánh Gio-an lặp lại : «Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu» (Ga19, 37). Ngước mắt hướng nhìn lên, theo Thánh Kinh có nghĩa là cầu nguyện, van xin, nhìn nhận là Thiên Chúa. Người có thể chịu đựng được trước mặt Thiên Chúa là kẻ không ngước mắt nhìn lên ngẫu tượng, như những dân tộc khác.
…« kẻ tay sạch lòng thanh » trong câu 4 cũng có nghĩa như thế, chữ « sạch »ở đây có nghĩa giống như trong hóa học: sạch là tinh tuyền không lẫn lộn thứ gì khác. Lòng thanh sạch tức là hoàn toàn ngoảnh mặt khỏi mọi ngẫu tượng, để chỉ quay về Thiên Chúa. « kẻ tay sạch lòng thanh » cũng có nghĩa như thế. Tay sạch tức là tay không hề dâng của lễ cho ngẫu tượng, là những bàn tay không giơ lên trời cao cầu nguyện những thần giả. Phải biết thưởng thức hai cách nói song song này, giữa hai cụm chữ của câu « 4 Đó là kẻ tay sạch lòng thanh…chẳng mê theo ngẫu tượng »Phần thứ hai đồng nghĩa với phần đầu : kẻ lòng thanh và tay sạch, là người không trao linh hồn cho ngẫu tượng.
Chúng ta chạm nơi đây vào một cuộc chiến các ngôn sứ không ngừng tranh đấu để dân chúng từ bỏ vĩnh viễn hành đạo với ngẫu tượng. Trong Bài đọc 1 chúng ta chứng kiến Tiên tri I-sa-i-a đương đầu với vua A-khát vào thế kỷ thứ VIII ; nhưng chưa hết. Trong thời gian lưu đày Ba-by-lon dân chúng chung đụng với nền văn minh đa thần. Bài Thánh Vịnh hôm nay hát lúc Lưu Đày về, khẳng định lại một cách mạnh mẻ điều kiện tiên quyết này của Giao Ước. Ít-ra-en là dân tộc cố gắng hết sức mình «tìm thánh nhan Thiên Chúa», như câu sau cùng bài Thánh Vịnh. Từ ngữ tìm thánh nhan trước kia được các thị thần dùng khi muốn được chấp nhận trước dung nhan nhà vua: đây là cách nhắc lại đối với Ít-ra-en, vua duy nhất, chính là Thiên Chúa.
Trong lúc các ngẫu tượng chỉ là những thần tượng « trống rỗng », như người ta thường nói - đầu tiên là con bê vàng được tạc trong Xi-nai thời Xuất Hành, có thể nói khi ông Mô-sê quay lưng đi, chậm xuống núi vì ông được gặp Thiên Chúa trên ấy - dân chúng vây lấy ông A-ha-rong, gây áp lực đến khi ông phải chấp nhận tất cả vàng của họ để đúc ra tượng con bê vàng bất hủ. Các ngôn sứ không tiết kiệm những lời lẽ khắc khe nào để đả kích những kẻ tạo nên từng mãnh một ngẫu tượng, để rồi quỳ bái lạy trước nó. Tôi xin đọc thánh vịnh 115 cũng nói lên điều này: « 4 Tượng thần chúng chỉ là vàng bạc, chỉ do tay người thế tạo thành. 5 Có mắt có miệng, không nhìn không nói, 6 có mũi có tai, không ngửi không nghe. 7 Có hai tay, không sờ không mó có hai chân, không bước không đi, từ cổ họng, không thốt ra một tiếng. 8 Ước gì kẻ làm ra hoặc tin ở tượng thần cũng giống như chúng vậy…3 Thiên Chúa chúng ta ở trên trời, muốn làm gì là Chúa làm nên.» Chỉ có trung tín với Thiên Chúa duy nhất là điều kiện để có thể lãnh nhận lời hứa cho tổ tiên họ, đó là ơn cứu độ. Cuộc chiến chưa hẳn đã thắng vì cho đến khi Chúa Giê-su đến, Ngài còn thấy cần nhắc lại : «24 "Không ai có thể làm tôi hai chủ » ( Mt6, 24).
Hiểu cách khác, sự trung tín với Thiên Chúa duy nhất dẫn đến những hậu quả thực tiễn cho đời sống xã hội: kẻ có lòng thanh dần dần trở nên con người có quả tim bằng thịt, không còn biết hận thù ; kẻ có tay sạch không còn làm sự dữ. Câu kế tiếp «5 Người ấy sẽ …được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng », điều này nói rõ hai nghĩa: dễ hiểu nhất đó là tuân theo kế họach Thiên Chúa, như thế người công chính là người chu toàn sứ vụ của mình ; nghĩa sâu xa hơn: sự công chính mời gọi chúng ta hoàn toàn tuân theo suốt tất cả đời sống xã hội chúng ta vào dự án Thiên Chúa, tức là cho hạnh phúc con cái Ngài. Đọc bài Thánh Vịnh dường như ta nghe biểu hiện lên những mối Phúc Thật: « 5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. 6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. 7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. » (Mt 5, 5-7)
***
BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG Năm A (Rm 1, 1-7)
"Đức Giê-su thuộc dòng dõi vua Đa-vít, là Con Thiên Chúa
"Thư Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Rô-ma
1 Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.
2 Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh.
3 Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Xét như một người phàm, Đức Giê-su Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít.
4 Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.
5 Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ.
6 Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giê-su Ki-tô.
7 Kính gửi tất cả anh em ở Rô-ma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.
Đó là những lời đầu tiên Thánh Phao-lô nói với dân thành Rô-ma. Trong vài hàng chúng ta có cả tóm lược tất cả đức tin Ki-tô: những lời hứa của Thiên Chúa trong Thánh Kinh, Mầu nhiệm Đức Ki-tô, Ngài giáng sinh và Phục sinh, dân thánh được chọn lựa nhưng không, sứ mạng Tông đồ nơi các dân ngoại của dân Chúa chọn. Tôi đề nghị chúng ta chỉ đọc nhanh, toàn bài này.
Nói với một cộng đồng ngài chưa bao giờ gặp, Thánh Phao-lô tự giới thiệu. Thánh nhân có hai danh hiệu: « tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su và Tông Đồ ». Có nghĩa là người được uỷ nhiệm, nhưng đây chỉ là một nhiệm vụ được trao phó: đó là nguồn gốc của mọi cách táo bạo của ngài - nhân đây tôi xin lưu ý danh hiệu Ki-tô, thánh nhân dành cho Đức Giê-su và chỉ cho Ngài mà thôi: đó là một cách tuyên xưng đức tin. Đối với chúng ta, gọi Chúa là Đức Giê-su hay Đấng Ki-tô gần như giống nhau. Sau 2000 năm của đức tin Ki-tô, đó là điều tự nhiên. Nhưng những người đương thời với Thánh Phao-lô, họ nhận ra sự khác biệt. Giê-su là cái tên chỉ một nhân vật; còn Ki-tô là một danh tánh tiếng Hy-lạp có nghĩa theo tiếng Do Thái là Đấng Mê-xi-a. Vì thế, gọi Giê-su Ki-tô là khẳng định toàn diện đức tin Ki-tô: Giê-su thành Na-da-rét này là Đấng Mê-xi-a.
Thánh Phao-lô tiếp: « dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa ». Có lẽ tốt hơn nên nói: loan báo Tin Mừng, đó là Tin lành, Tin tốt, loan báo ý định Thiên Chúa, một kế hoạch nhân từ của Chúa. Là Ki-tô tô hữu chỉ là loan báo hai điều: trước tiên ý định của Chúa chỉ là nhân từ và điều thứ hai là chương trình này được Chúa Giê-su Ki-tô hoàn tất. Đó là chính xác những gì Thánh Phao-lô muốn nói trong mấy hàng này.
Tôi xin tiếp tục: « Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh ». Tôi xác tín rằng không thể hiểu được trọn Thánh Kinh và toàn Tân Ước nếu chúng ta không thấm nhuần Cựu Ước: cả hai là một không thể tách rời. Kế hoạch của Thiên Chúa đã được dự trù từ hoàng hôn của vũ trụ, và Thiên Chúa đã tiệm tiến mạc khải qua lời các ngôn sứ
Thánh Phao-lô nói: « Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô », phải hiểu chữ về trong câu này với ý nghĩa thật mạnh hơn ngày nay ta hiểu. Thật vậy, Chúa Giê-su từ lâu là trung tâm của chương trình Thiên Chúa: khi Thánh nhân nói kế hoạch nhân từ trong thư gửi các tín hữu Ê-phê-sô, ngài nói: « thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. » (Ep 1, 9), có nghĩa là từ muôn thuở, từ khởi nguyên Thiên Chúa đã có kế hoạch quy tụ toàn nhân loại hiệp nhất trong Chúa Giê-su Ki-tô.
« Xét như một người phàm, Đức Giê-su Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít »: Ngài là Người, thành viên của dân Chúa chọn, hậu duệ vua Đa-vít. Ngài có đủ mọi tư cách để là Đấng Mê-xi-a: « 4 Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng ». Theo truyền thống danh hiệu Con Thiên Chúa dành cho mỗi tân vương ngày được đăng quang. Đối với Chúa Giê-su Ki-tô chính ngày Chúa Phục Sinh, Thiên Chúa đã suy tôn Ngài là vua loài người mới. Rõ ràng đối với Thánh Phao-lô sự Phục Sinh của Chúa là một sự kiện đảo lộn bộ mặt thế giới. Rất lạ, ngài không nói đến cái chết mà chỉ nói đến sự Phục sinh của Chúa. Chúng ta biết rằng đối với Thánh Phao-lô đó là điều tiên quyết của đức tin: « Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng ». Chính sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô là điều ngài rao giảng khắp nơi: « hầu danh Người được rạng rỡ », như ngài nói. Chúng ta nhận ra ở đây một cách diễn đạt tuyệt vời trong thư gửi tín hữu thành Phi-lip-phê: « Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. » (Ph 2, 9), qua câu này chúng ta hiểu danh xưng Thiên Chúa, chỉ dành cho Đấng Tối Cao từ nay dành cho chính Đấng Giê-su.
Vấn đề là: « làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ ». Vâng phục, một từ ngữ khá lạ lùng, đối với não trạng chúng ta ngày nay không mấy hảo ý với tất cả những gì liên quan đến vâng phục. Nhưng đối với Thánh Phao-lô - hay hơn nữa đối với tất cả Thánh Kinh - Vâng phục không có nghĩa gì có tính cách lệ thuộc, hèn hạ: nhưng là lắng nghe một cách tin tưởng một người, hay đấng nào nơi đó ta an tâm tin tưởng và có thể theo lời khuyên bảo. Tuyệt vời nhất là thái độ phụ tử « làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục », tức là loan báo Tin Mừng cho họ: bao giờ họ hiểu Tin ấy là Tin Mừng, bấy giờ họ sẽ tin tưởng lắng tai nghe lời thương yêu ấy từ người Cha.
Sau cùng Thánh Phao-lô kết thúc bằng một lời chúc thường gặp trong các thư của ngài, đó là lời chúc tốt đẹp nhất có thể cho một người: « Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an ». Câu này trong nguyên bản tiếng Pháp tác giả dùng thể văn chỉ là một lời chúc, điều này không có nghĩa là Chúa có thể không ban cho chúng ta ân sủng và bình an. Trái lại, Thiên Chúa lúc nào cũng ban cho chúng ta ân sủng và bình an, nhưng ta hoàn toàn tự do lãnh nhận hay không mà thôi: dùng thể văn này Thánh Phao-lô muốn nói lên sự tự do của chúng ta. Thánh Phao-lô muốn nhắc lại nơi đây một câu tuyệt vời trong sách Dân Số: « 24 "Nguyện ĐỨC CHÚA chúc lành và gìn giữ anh (em)! 25Nguyện ĐỨC CHÚA tươi nét mặt nhìn đến anh (em) và dủ lòng thương anh (em)! 26Nguyện ĐỨC CHÚA ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh (em)! » (Ds 6, 24-26)
***
PHÚC ÂM CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG Năm A (Mt 1, 18-24)
Alleluia, alleluia!
- Này đây trinh nữ sẽ mang thai, hạ sinh một con trai, và người ta sẽ gọi tên Người là Emmanuel,
nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.- Alleluia
-----------------
"Chúa Giêsu sinh ra bởi Đức Maria, đính hôn với Thánh Giuse con vua Đavít".
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu
18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.
19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.
20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.
21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."
22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:
23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta."
24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.
25 Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.
Thánh Mát-thêu bắt đầu sách Tin Mừng bằng đề tựa : « Gia phả của Chúa Giê-su Ki-tô » ngài kể lại một phả hệ dài, minh chứng rõ rằng Thánh Giu-se là hậu duệ vua Đa-vít. Sau đó thánh sử lược kể về cuộc sinh nở Chúa Giê-su: đó là bài Phúc Âm của chúng ta hôm nay. Thật ra lời tường thuật về Chúa được sinh ra không quá một hàng. Thánh Giu-se mới là trung tâm của Lời Chúa.
Tôi xin lặp lại những chữ đầu của bài: «Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô». Đầu chương 1 thánh nhân cũng đã nói : « Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô». Dĩ nhiên đây không phải một sự ngẫu nhiên ngài lặp lại hai lần chữ gia phả, cùng một từ ngữ cho các con cái ông A-dông trong chương 5 Sách Sáng Thế : «Đây là gia phả ông A-đam». Dùng lại chữ này, Thánh Mát-thêu chắc chắn muốn nói rằng Chúa Giê-su, tóm tắt lại nơi Ngài tất cả lịch sử nhân loại. Thánh Phao-lô thì nói này là: «A-đam cuối cùng»(1Cr15, 45)
Câu cuối của gia phả theo Thánh Mát-Thêu viết: «Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.». Câu này đánh dấu có sự thay đổi đột ngột trong gia phả: công thức bình thường của gia phả lẽ ra phải như thế này: « Giu-se sinh ra Giê-su » và như thế Giê-su tự động sẽ từ dòng giỏi Đa-vít. Nhưng ở đây để cho Chúa Giê-su được kể là dòng giỏi Đa-vít, thì Chúa Giê-su phải là con nuôi Thánh Giu-se. Thánh Kinh đã nói : « Con Người phải bị nộp vào tay… ( người đời )»( Lc24, 7), dự định Thiên Chúa phải hệ tại một người vui lòng chấp nhận, đó là Thánh Giu-se. Điều này nói lên tầm quan trọng của bài tường thuật hôm nay của Thánh sử Mát-thêu. Chúng ta cũng biết bài tường thuật về Truyền Tin ( trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca), « báo tin cho Thánh Nữ Maria »như văn sĩ Claudel nói. Sự kiện Truyền Tin này đã gây hứng cho biết bao tác phẩm nghệ thuật, tranh vẽ, điêu khắc, kính màu mĩ thuật cửa sổ các lâu đài, nhà thờ…Thế nhưng lạ lùng thay, việc « thiên thần loan báo » cho Thánh Giu-se ít linh hứng cho các nghệ sĩ. Thế mà sự chấp nhận hoàn toàn tự do của Thánh Giu-se, một người công chính là điều kiện tiên quyết cho cuộc đời trần thế của Chúa Giê-su. Thánh sử Mát-thêu còn nhấn mạnh hơn nữa: khi nói với Thánh Giu-se thiên thần xưng danh ngài là « con Đa-vít ». Những lời sau đây nói rõ hơn về mầu nhiệm quan hệ cha con của Chúa Giê-su: sinh ra bởi Chúa Thánh Thần và không phải từ Thánh Giu-se, tuy nhiên được nhận là con ngài : «Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về», có nghĩa là Chúa Giê-su được đưa vào trong nhà. Hơn nữa chính Thánh Giu-se sẽ cho tên của mình cho Chúa Giê-su.
Về cái tên Chúa Giê-su, Thánh Mát-thêu cho một ý nghĩa : «Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi ». Một chi tiết rất thú vị: dân Do Thái nóng lòng chờ đợi Đấng Mê-si-a, không chỉ một Mê-si-a chính trị, giải phóng khỏi ách đô hộ Rô-ma. Chúng ta đã có dịp nói về sự chờ đợi Đấng Mê-si-a này. Họ chờ đợi một vị vua, một lãnh tụ chính trị, đúng vậy, một người dòng giỏi vua Đa-vít, cũng đúng như thế và chính Ngài sẽ canh tân vương triều Ít-ra-en. Nhưng đồng thời họ cũng chờ đợi, và nhất là chờ đợi một thế giới mới được đăng quang, một cuộc tạo dựng mới trong hòa bình và công lý cho mọi người. Theo Thánh Mát-thêu hiểu có tất cả những thứ ấy trong tên Chúa Giê-su : «chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi ».
Tôi xin trở lại câu : «con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.» Chúng ta có hai bài về sự thụ thai Chúa Giê-su trong trinh bạch : đoạn báo tin cho Thánh Giu-se này của Thánh Mát-thêu và một bản song song của Thánh Lu-ca loan báo cho Đức Ma-ri-a. Truyền thống Giáo Hội dạy cho chúng ta tất cả Thánh Kinh, kể cả Tân Ước đều do Thánh Thần linh ứng. Việc thụ thai Chúa Giê-su trong trinh bạch là một tín điều. Dĩ nhiên ở đây không phải là những dữ kiện để cho chúng ta khả thi giải thích tại sao hay như thế nào thánh ý của Thiên Chúa toàn năng. Chúng ta chỉ có thể ngạc nhiên thán phục kế họach làm cho Chúa Giê-su vừa là một người sinh ra từ một phụ nữ, đến với thế gian, có thể nói như mọi người…từ dòng dõi vua Đa-vít nhờ lòng quảng đại Thánh Giu-se, và cùng lúc là Con Một Thiên Chúa, thụ thai bởi Chúa Thánh Thần. Thật chính xác như Thánh Phao-lô nói trên đây.
Tôi xin trở lại đọan sau đây: Thánh Mát-thêu trích từ Thánh Kinh, chính xác là lời hứa của tiên tri I-sa-i-a cho A-khát, chúng ta vừa nghe trong Bài Đọc Một: «Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en.»( Is7,14). Hẳn các bạn để ý sự trùng hợp rất đáng ngạc nhiên này. Chúng ta có khuynh hướng tự hỏi: « Rốt cục Ngài tên gì ? Giê-su hay Em-ma-nu-en ? Dĩ nhiên đó là mục đích Thánh Mát-thêu và câu trả lời ngài dành cho cuối bài Tin Mừng. Đứa trẻ ấy tên Giê-su, chúng ta đều biết thế, có nghĩa là : « Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi », nhưng khi Ngài từ biệt con người, Ngài nói : «Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.» ( đó là ý nghĩa của tên Em-ma-nu-en). Cứu khỏi tội lỗi : rất giản dị, đó là biết rằng Chúa ở cùng chúng ta, không nên ngờ vực Ngài luôn ở với chúng ta và sống với sự hiện diện của Ngài như ngôn sứ Mi-kha nói. Đó là điều Thánh Giu-se làm. Trong bài tường thuật Viếng Thăm trong Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca, bà Ê-li-sa-bét nói với Đức Ma-ri-a: « Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em » (Lc1, 45). Đọc bài này chúng ta cũng muốn lặp lại những lời ấy cho Thánh Giu-se: Thánh Giu-se thật có phúc, vì đã tin, nhờ ngài Thiên Chúa có thể hoàn tất chương trình cứu độ.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.