BÀI ĐỌC 1 Lễ MẸ THIÊN CHÚA (Ds 6, 22-27)
"Họ kêu cầu danh Ta trên con cái Ít-ra-en và Ta sẽ chúc lành cho chúng"
Trích sách Dân số
22 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê:23 "Hãy nói với A-ha-ron và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này:
24 "Nguyện ĐỨC CHÚA chúc lành và gìn giữ anh (em)!
25 Nguyện ĐỨC CHÚA tươi nét mặt nhìn đến anh (em) và dủ lòng thương anh (em)!
26 Nguyện ĐỨC CHÚA ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh (em)!
27 Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng."
Đây là cách các tư tế Ít-ra-en chúc lành dân chúng trong những nghi lễ phụng vụ trong Đền Giê-ru-sa-lem. Thể thức này từ nay thuộc về di sản Ki-tô Giáo: đó là một trong những nghi thức trọng thể được đề nghị sau Thánh Lễ. Tôi xin đề nghị ba nhận xét.
Trước tiên, đây là một nghi thức, nghĩ cho cùng khá kỳ lạ. « Nguyện » Đức Chúa Trời chúc lành cho anh em (c24): hỏi rằng Chúa có thể không chúc phúc chúng ta chăng ? « Nguyện ĐỨC CHÚA tươi nét mặt nhìn đến anh (em) và dủ lòng thương anh (em)…! » và trong (c27) cũng như thế: « Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng ». Nếu hiểu như thế chúng ta có khuynh hướng hỏi: nếu không, Chúa sẽ không chúc lành cho chúng ta sao, Ngài từng nói như thế này kia mà: «Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt » (Mt 5, 45), tức là trên mọi người, hơn nữa Ngài cũng nói chúng ta phải yêu, ngay kẻ thù chúng ta ?
Dĩ nhiên chúng ta biết rằng Chúa không ngừng chúc lành chúng ta, Chúa đồng hành với chúng ta và Ngài ở với chúng ta bất cứ trong tình huống nào. Tuy nhiên cách chia động từ theo lối liên tiếp, nói lên lòng ao ước: nhưng thực ra đối tượng là chỉ chúng ta. Chúa không ngừng chúc lành nhưng chúng ta tự do lãnh nhận hay không … Như mặt trời chiếu liên tục, và khi chúng ta tìm cách che tránh trong bóng mát. Chúng ta tự do tìm bóng mát, và cũng như thế chúng ta tự do thoát khỏi tác động hữu ích của Chúa. Nếu tôi núp dưới bóng mát, tôi sẽ không được rạm nắng như tôi muốn (lnd: Bên Âu ít nắng, người ta thích rạm nắng). Không phải lỗi của mặt trời.
Như thế, công thức « Nguyện ĐỨC CHÚA chúc lành » là lời ước chúng ta sống trong sự Chúa chúc lành. Có thể nói: « Chúa đề nghị chúc lành cho chúng ta » (ngụ ý nói: chúng ta tự do chấp nhận hay không). Cách nói như thế chính là để thể hiện sự tự do của chúng ta.
Đây là nhận xét thứ hai. Chúa chúc lành là như thế nào, chuyện gì xảy ra cho chúng ta ? – Chúc lành từ tiếng La tinh bene dicere có nghĩa là, « nói điều tốt lành ». Chúa nói tốt cho chúng ta. Tôi có khuynh hướng nghĩ, Chúa có thể nào làm khác hơn vì Ngài thương yêu chúng ta ?... Ngài nghĩ tốt về chúng ta, Ngài nói tốt cho chúng ta. Ngài chỉ thấy điều tốt lành nơi chúng ta. Thế nhưng Lời Ngài là hành động: « Thiên Chúa phán… Liền có như vậy » (St 1). Vì thế khi Chúa nói tốt về chúng ta, Lời Ngài tác động nơi chúng ta, làm chúng ta thay đổi, Ngài làm điều tốt lành cho chúng ta. Khi chúng ta xin Chúa chúc lành cho chúng ta, là chúng ta lãnh nhận tác động của Ngài để biến đổi chúng ta.
Sau cùng đây là nhận xét thứ ba. Không phải bỗng nhiên mọi việc xảy ra như tác động của chiếc đũa thần! « Được chúc lành », tức là sống trong ân nghĩa Chúa, sống hài hoà với Chúa, sống trong Giao Ước. Tuy nhiên không tránh cho chúng ta khỏi những khó khăn, những thử thách thế gian dành cho chúng ta một ngày nào đó. Nhưng kẻ sống được Chúa chúc lành, sẽ vượt qua những thử thách, « tay được nắm lấy Chúa ».
Phần thêm:
* Công thức các linh mục: « Nguyện Chúa chúc lành cho bạn », không phải « Nguyện Chúa chúc lành cho các bạn » thật ra để chỉ cả Ít-ra-en: cách nói riêng nhưng cho tập thể.
* (Đnl 7, 14): « Anh (em) sẽ được phúc lành hơn mọi dân », dân tộc Ít-ra-en là dân tộc được chúc lành, nhưng điều này không tránh cho họ phải trải qua những giai đoạn khủng khiếp, nhưng trong những thử thách ấy Thiên Chúa không ngớt đồng hành với họ.
* Giữa một người và một đồ vật (như xâu chuỗi, cái nhà …) nhận được phép lành của Chúa khác nhau chỗ nào ? - Một đồ vật được chúc lành chứng tỏ Chúa luôn ở với chúng ta hằng ngày trong những thực tế thể chất, thông thường nhất.
* Nguyện xin Chúa ban bình an, « Shalom ». Dĩ nhiên bình an ở đây có ý hòa bình nói về khí giới, nhưng cũng là sức khỏe, thoải mái, phúc lộc, hạnh phúc đầy dư… xem các chữ tương tự: Giê-ru-sa-lem, Sa-lô-môn…ngay cả chữ salamalecs, từ tiếng A-rập.
***
THÁNH VỊNH CHÚA NHẬT Lễ MẸ THIÊN CHÚA (Tv 66, 2-3.5.6.8)
"Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con"
2 Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con,
3 cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa,
và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài.
5 Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ,
vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh,
Người cai trị muôn nước theo đường chính trực
và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này.
6 Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa,
chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài.
7 Đất đã sinh ra mùa màng hoa trái:
Chúa Trời, Chúa chúng ta, đã ban phúc lộc.
8 Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta!
Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người!
Không thể nào có một lời đáp, một tiếng vang thích hợp và tốt đẹp hơn bài Thánh Vịnh 66 cho Bài Đọc 1 hôm nay. Tôi xin đề nghị hai nhận xét về bài Thánh Vịnh này.
Nhận xét đầu tiên là lần này chính dân chúng kêu lên Thiên Chúa, xin Ngài chúc lành: « Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc »
Về vấn đề công thức ban phép lành của các tư tế, tôi đã có dịp nhấn mạnh rằng chúng ta luôn luôn chắc chắn Chúa chúc phúc, nhưng chúng ta tự do lãnh nhận hay không. Khi linh mục nói: « Xin Chúa ban phúc lành cho anh chị em », không phải các ngài ao ước Chúa vui lòng ban phúc lành cho anh em… như Chúa bỗng nhiên không ban phúc lành cho chúng ta nữa! Nhưng thật ra linh mục ao ước chúng ta mở lòng ra lãnh nhận phúc lành Thiên Chúa, ngõ hầu, nếu chúng ta muốn, Ngài tác động nơi chúng ta, và thay đổi chúng ta. Phần cuối bài Thánh vịnh nói rõ điều này: « Chúa Trời, Chúa chúng ta, đã ban phúc lộc. 8 Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta! » Hai câu này không mâu thuẫn với nhau: Chúa luôn luôn ban phúc lành cho chúng ta, đó là một xác tín (ý nghĩa của câu đầu: « Chúa Trời, Chúa chúng ta, đã ban phúc lộc »). Để khởi đầu tác động của Ngài, chỉ cần chúng ta mong muốn (ý nghĩa câu thứ hai: «8Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta! ».
Nhận xét thứ hai của tôi là dân Ít-ra-en không xin phúc lành chỉ cho họ mà thôi. Vì phúc lành cho Ít-ra-en sẽ loan tỏa ra, trải khắp các dân tộc khác: « Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; » (Ds 24, 29; St 12, 3). Chúa đã tuyên bố cho Áp-ra-ham như thế.
Trong bài Thánh Vịnh hôm nay, chúng ta lại thấy hai đề tài này quấn lấy nhau: một đàng, gọi là Ít-ra-en được tuyển lựa, đàng khác là tính hoàn vũ trong chương trình của Thiên Chúa. Cuộc cứu độ nhân loại phải qua Ít-ra-en được tuyển chọn.
Ít-ra-en được tuyển chọn, thể hiện qua thành ngữ: « Chúa Trời, Chúa chúng ta », chỉ cách phát biểu này thôi cũng đủ nhắc lại Thiên Chúa đã kết Giao Ước với dân Ngài chọn. Tính hoàn vũ cũng được thể hiện rất rõ: « 3 cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài. » hay là: « 5 Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ, vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh ». Ít-ra-en biết mình được chọn là dân tộc mẫu: gương sáng chiếu trên họ là hình bóng Đấng họ phải loan truyền cho thế giới. Và hơn nữa có hai câu như một điệp khúc, nhắc lại ngày mọi dân tộc rốt cuộc rồi cũng sẽ nhận lời chúc phúc của Chúa: « 2Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con; 8 Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta! Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người! » Hay là có câu trong sách Da-ca-ri-a: « Trong những ngày ấy, mười người đàn ông thuộc mọi ngôn ngữ trong các dân tộc sẽ níu lấy áo của một người Giu-đa mà nói: "Chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở với anh em » (Dc 8, 23). Nhân dịp đọc lại sách Da-ca-ri-a này, tôi xin lưu ý một định nghĩa tuyệt vời về chữ chúc phúc: nói rằng Chúa chúc phúc tức là Chúa đồng hành, Chúa ở với chúng ta. Đến phiên chúng ta, chúng ta là dân tộc chứng nhân Thiên Chúa: mỗi lần chúng ta được Chúa chúc phúc là để chúng ta trở nên ánh phản chiếu của Ngài cho thế gian.
Nhận xét sau cùng của tôi về câu: « 7 Đất đã sinh ra mùa màng hoa trái: Chúa Trời, Chúa chúng ta, đã ban phúc lộc ». Vì Lời Chúa là hành động, nên sinh hoa trái. Thiên Chúa đã hứa một vùng đất sữa và mật đầy dư, Ngài đã giữ Lời. Huống hồ chi tín hữu Ki-tô đọc bài Thánh Vịnh này sẽ nghĩ đến Đấng Cứu Thế: khi thời gian hoàn tất, trái đất sinh hoa trái.
***
BÀI ĐỌC 2 Lễ MẸ THIÊN CHÚA (Gl 4, 4-7)
"Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ"
Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Ga-la-ta
4 Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật,
5 để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.
6 Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi! "
7 Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.
Tôi xin đọc nhanh gọn bài từ đầu. Trước hết chúng ta thấy: « 4 Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới ». « Hồi viên mãn »: đối với những tín hữu Do Thái Giáo và sau này Ki-tô Giáo là một khái niệm rất quan trọng của đức tin. Thật vậy, lịch sử không phải là một cuộc bắt đầu lại bất tận, nhưng là hành trình tiệm tiến của nhân loại đi tới hoàn tất, hướng đến thực hiện kế hoạch Thiên Chúa, « kế họach yêu thương của Thiên Chúa ». Đây là đề tài chính yếu trong các thư Thánh Phao-lô, và thiết tưởng đây là cái chìa khóa để đọc khi tiếp cận các thư ấy, không chỉ những bài từ Thánh Phao-lô: thực ra đó là chìa khóa để đọc tất cả Thánh Kinh kể từ Cựu Ước.
« Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật » trong vài chữ Thánh Phao-lô miêu tả cho chúng ta toàn thể mầu nhiệm ngôi vị Chúa Giê-su: Con Thiên Chúa, người như mọi người, Do Thái như mọi người Do Thái. Cụm chữ « con một người đàn bà » được thấy rất thường trong Thánh Kinh, và chỉ muốn nói « một người như mọi người ». Chúng ta tìm thấy trong (G1 4, 1); (Hc 10, 18); (Mt 11, 11); (Lc 7, 28); (G1 5, 14; 25,4). « sống dưới Lề Luật » có nghĩa là chấp nhận kiếp sống con người như dân Ngài.
« để chuộc ». Chữ này chúng ta đã gặp qua nhiều lần - và biết có nghĩa là giải thoát, giải phóng, « để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử »… không phải sống dưới Lề Luật và làm nghĩa tử… có một giai đoạn phải trải qua. Một người sống dưới Lề Luật là một người sống theo lệnh truyền: như một nô lệ. Người con thì sống trong tình yêu và cậy trông: có thể vâng lời cha, nghĩa là đặt tai dưới lời của cha, vì tin cậy nơi cha; vì biết lời cha nói ra chỉ vì tình yêu. Tác giả nhấn mạnh, chúng ta đi từ sống theo Lệnh Truyền, đến vâng lời như những người con.
Sự biến chuyển qua thái độ người con, tin tưởng vào cha mình, sở dĩ chúng ta có thể biến chuyển như thế là nhờ: « Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Áp-ba, Cha ơi! », Cha theo tiếng A-ram. Tiếng thét duy nhất có thể cứu chúng ta, trong mọi tình huống, đó là chữ « Áp-ba », Cha, đó là tiếng kêu thét của một đứa trẻ. Xác tín rằng, dù trong tình huống nào đi nữa Thiên Chúa là Cha đối với chúng ta, và Ngài chỉ có thể nhân từ đối với chúng ta, Chúa Ki-tô đến sống giữa chúng ta, đó là thái độ người Con đối với Cha, thay mặt cho chúng ta.
Thánh Phao-lô còn tiếp: « anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa ». Phải hiểu chữ này theo nghĩa thật mạnh. Thừa kế, có thể hiểu rằng tất cả những gì của Ngài được hứa dành cho chúng ta. Thế nhưng phải can đảm mới dám tin như thế… đó mới là vấn đề cho chúng ta. Tôi nghĩ khi Chúa xem chúng ta như « những người kém lòng tin! » (Mt 8, 26), là Ngài muốn nói lên điều ấy: chúng ta không dám tin sức mạnh của Chúa ở trong chúng ta, chúng ta không dám tin những gì của Ngài là của ta, tức là khả năng tình yêu của Ngài ở trong ta.
Hẳn các bạn cho tôi kiêu căng mới cả quyết như thế! Nhưng không, Thánh Phao-lô cũng nói rõ: « đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa »: chúng ta không cần phải xứng đáng mới được như thế, nếu không thì không hi vọng gì- nhưng chỉ vì nhờ ơn Chúa, một cách nhưng không. Tôi bắt đầu hiểu tại sao có câu « tất cả là hồng ân ».
***
PHÚC ÂM Lễ MẸ THIÊN CHÚA (Lc 2, 16-21)
Alleluia, alleluia!
- Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông,
nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày này, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con. - Alleluia.
-----------------
"Họ đã gặp thấy Maria, Giu-se và Hài Nhi… và tám ngày sau người ta gọi tên Người là Giê-su"
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca
16 Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.
17 Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.
18 Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.
19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.
20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.
21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.
Bài này mới được nghe, có vẻ như một giai thoại, nhưng thật ra có ý nghĩa thần học thâm sâu: tất cả những chi tiết đều có giá trị.
Trước hết là những người chăn chiên: thời ấy là những người không mấy đáng tin tưởng, những người sống ngoài lề xã hội, nghề họ không cho phép dự lễ ở các nhà nguyện Do Thái và giữ ngày sa-bát. Thế nhưng họ lại là những người đầu tiên được báo tin sự kiện đảo lộn lịch sử nhân loại! Và trên thực tế, họ trở nên những tông đồ đầu tiên, những chứng nhân: họ kể lại, mọi người lắng nghe, họ làm mọi người kinh ngạc!
Tất cả được diễn ra trong một thị trấn nhỏ là Bê-lem - tên này có nghĩa là « nhà của bánh » - và hài nhi lại nằm trong máng cỏ: hình ảnh tuyệt vời của Đấng đến làm của ăn cho nhân loại.
« Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng ». Trái lại, sự kiện này làm cho các người mục đồng nói nhiều, Đức Maria ngắm nhìn và suy gẫm thầm trong lòng. Phải chăng Thánh Lu-ca muốn đối chiếu với thị kiến « Con Người » của tiên tri Đa-ni-en ? Sau thị kiến Đa-ni-en thú thật: « Các tư tưởng của tôi, Đa-ni-en, làm tôi rất xao xuyến; mặt tôi biến sắc. Nhưng tôi giữ những sự ấy trong lòng » (Đn 7, 28). Hẳn đó là cách thánh sử Lu-ca cho diễn ra trước mắt chúng ta định mệnh vĩ đại của hài nhi này.
Hơn nữa tên Ngài đã là một mạc khải mầu nhiệm về Ngài. Giê-su nghĩa là Chúa cứu độ, và sở dĩ không như Thánh Mát-thêu, Thánh Lu-ca không nói nguồn gốc của tên Giê-su, thì ngài cũng đã nói lên điều này bằng cách nhắc lại câu của thiên thần trước đó vài câu: « Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra » (Lc 2, 11). Đồng thời, cũng như thư gửi tín hữu Ga-la-ta viết, Ngài sống triệt để liên đới với dân tộc Ngài: như mọi trẻ em Do Thái, ngày thứ tám Ngài cũng được cắt bì. « người sống dưới Luật Mô-sê để chuộc những ai sống dưới Lề Luật ».
Sau cùng, không thể nào không nhận xét (ở đây cũng như bốn bài đọc trong ngày Lễ) tính kín đáo của nhân vật Maria, trong lúc phụng vụ hiến dâng tên ngày lễ là Maria Mẹ Thiên Chúa. Có lẽ sự im lặng này là một sứ điệp cho chúng ta: vinh quang của Đức Maria chính là trong sự đơn sơ chấp nhận làm mẹ Thiên Chúa, biết hoàn toàn đặt mình, một cách khiêm nhường, phục vụ cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất. Mẹ không phải là trung tâm của Chương trình Cứu độ, trung tâm Chương trình Cứu độ là Chúa Giê-su, đấng mang tên là Chúa Cứu Độ.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.