BÀI ĐỌC 1 LỄ THÁNH GIA - Năm A (Hc 3, 2-6.12-14)
"Ai kính sợ Chúa, thì thảo kính cha mẹ".
Bài trích sách Huấn ca.
2 Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái,
cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con.
3 Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm,
4 ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.
5 Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái,
khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.
6 Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ,
ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng.
12 Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi.
13 Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.
14 Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con.
(LND: Sách Huấn ca tiếng Pháp gọi là sách Ben Xi-rắc người Khôn ngoan, sách được viết hai thế kỷ trước Chúa Ki-tô do một người tên Giê-su con ông Xi-ra)
Phụng vụ hôm nay chỉ cho chúng ta nghe những câu này của sách Huấn ca. Không lý do gì, những câu giữa không được chọn. Xin chép ra đây để làm nổi bật thêm ý nghĩa:
«Người đó phục vụ các bậc sinh thành như phục vụ chủ nhân. Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc. Vì phúc lành của người cha làm cho cửa nhà con cái bền vững, lời nguyền rủa của người mẹ làm cho trốc rễ bật nền. Chớ vênh vang khi cha con phải tủi nhục, vì nỗi tủi nhục đó chẳng vinh dự gì cho con. Quả thật, người ta chỉ được vẻ vang lúc cha mình được tôn kính; và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh chê»
Bài nhấn mạnh việc thảo kính cha mẹ, điều này gợi ý lúc ấy uy quyền của bậc cha mẹ không còn được như xưa nữa. Lối sống đang thay đổi dần và ông Ben Xi-rắc cảm thấy có nhu cầu chỉnh đốn. Chúng ta đang ở thế kỷ thứ II khoảng năm 180 trước CN. Ông Ben Xi-rắc điều hành một Trường khôn ngoan (thời nay chúng ta gọi Trường triết học) tại Giê-ru-sa-lem. Dưới sự đô hộ của Hy-lạp, các vua rất tự do và người Do Thái có thể tiếp tục thực hành hoàn toàn Lề Luật của họ (về sau có khác đi dưới thời An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a). Nhưng chính sự bình an ấy làm cho ông Ben Xi-rắc lo ngại; vì các thói quen suy nghĩ khác, quỷ quyệt lan tràn vào: Mãi sống cạnh những dân ngoại, có nguy cơ rất nhanh chóng dân chúng cũng nghĩ giống họ, rồi sống giống họ. Đề tài chúng ta quan tâm ở đây là sự quan trọng của cấu trúc gia đình, để truyền đức tin cho con cái, những giá trị, lối sống Do Thái, đó là điều tối quan trọng. Bài nghe hôm nay, trước tiên là một bài biện hộ cho gia đình, bởi vì nơi đây là nơi quan trọng, nếu không là nơi duy nhất để truyền lại những giá trị.
Đây cũng là một điều răn tuyệt vời, điều răn thứ IV được biến đổi. Chúng ta được biết qua giáo lý lúc tuổi thơ: «Thứ tư thảo kính cha mẹ». Sau đây là dưới hình thức ban đầu trong sách Xuất Hành: «Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.» (Xh20, 12); Sách Đệ nhị Luật lại thêm «và để được hạnh phúc» (Đnl5, 16)
Năm mươi năm sau, đứa cháu của Ben Xi-rắc dịch lại tác phẩm của ông nội và thêm hai câu để biện hộ cho việc thảo kính cha mẹ. Vỏn vẹn, chỉ vì chúng ta nợ cha mẹ mạng sống, họ là công cụ của Thiên Chúa ban sự sống: «Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?» (Hc7, 27-28) Dĩ nhiên điều răn ấy hợp với lẽ thường tình: Ai cũng biết tế bào gia đình là điều kiện tiên quyết cho một xã hội cân bằng. Ngày nay, chúng ta có quá nhiều trải nghiệm về những thảm họa tâm lý và xã hội do sự rạn nứt gia đình. Nhưng sâu xa hơn, tôi nghĩ giấc mơ một gia đình hài hoà nằm trong dự án Thiên Chúa.
Có điều công thức trình bày điều răn ấy (cũng như lời bình của sách Huấn ca) làm ta sửng sốt. Nó khiến cho có cảm tưởng như tính toán: «thờ cha kính mẹ, để được sống lâu», cũng như nói với chúng ta: Nếu bạn sống tốt, Chúa trả công cho bạn. Thật ra đối với Chúa không có tính toán, vì với Ngài tất cả là Hồng ân, tức là cho đi nhưng không! Nhưng khi Chúa ban Luật, Ngài cho con người là để được hạnh phúc; lề luật là con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc và tự do. Thiên Chúa đã cứu độ dân Ngài, chỉ cho họ đường đi, có thể nói Ngài đặt những bản chỉ đường để dân chúng theo hướng của tự do, hạnh phúc. Những chữ đường và hướng đi, thường được dùng khi đề cập đến lề luật.
Nếu có thể, bạn nên đọc sách Đệ Nhị Luật, đặc biệt chương 6, từ chương ấy được trích ra lời kinh bất hủ của It-ra-en «Sê-ma It-ra-en» (It-ra-en hãy lắng nghe). Bạn sẽ ngạc nhiên tài liệu này nhấn mạnh rằng lề luật là con đường dẫn đến hạnh phúc và tự do. Sau đây là vài câu trích sách Đệ-nhị-luật «Anh (em) phải làm điều ĐỨC CHÚA coi là ngay thẳng và tốt lành, để anh (em) được hạnh phúc và được vào chiếm hữu miền đất tốt tươi mà ĐỨC CHÚA đã thề hứa với cha ông anh (em)» (Đnl6, 18). Còn có một sự ngạc nhiên khác trong câu: «Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm,» (c3). Trước tiên, tôi có thể nói câu này chứng minh rằng bài này được viết gần đây thôi; phương pháp sư phạm Thiên Chúa phải mất nhiều thế kỷ, qua lời các ngôn sứ để con người được mạc khải con đường duy nhất hòa giải với Thiên Chúa, không phải những hy lễ bằng máu như họ tin khi xưa. Con đường duy nhất hoà giải với Thiên Chúa là hòa giải với người thân cận. Đến đây tôi nghe như một tiếng vang câu bất hủ của Tiên tri Hô-sê: «Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu.» (Hs6,6).
Đại khái như sách Huấn ca nói: «Hẳn các bạn muốn tôn vinh Thiên Chúa ư? Rất đơn giản, hãy tôn vinh cha mẹ, anh em. Hãy ăn ở hiếu thảo với các vị, đó cũng là hiếu thảo với Chúa». Các bạn cũng biết, trong mười điều răn Đức Chúa Trời - mười lời nói - chỉ có hai lời có tính cách tích cực: Lời về ngày Sa-bát và lời thảo kính cha mẹ. Ngoài các điều răn ấy: «Thứ ba: Giữ ngày Chúa Nhật…», «Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ», các điều răn khác có tính cách tiêu cực, chỉ nêu lên những giới hạn không được vượt qua: «Thứ năm: Chớ giết người; Thứ bảy: Chớ lấy của người; Thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người» Nhưng chính điều răn tích cực mới tóm lược các điều răn khác. Các bạn tìm thấy trong sách Lê-vi: «Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình» (Lv19, 18), thế nhưng, người đồng loại gần chúng ta nhất, theo đúng nghĩa của nó, là cha mẹ chúng ta. Trong thời gian các lễ cuối năm này, đây là dịp các mối quan hệ gia đình được gần gũi với nhau, hay được tái khám phá, bài này được chọn, thật tuyệt vời.
Xin thêm một lời. Trong phần suy niệm đầu bài, tôi có trích câu 9 theo bản dịch Hy-lạp được dùng trong truyền thống Ki-tô: «Vì phúc lành của người cha làm cho cửa nhà con cái bền vững, lời nguyền rủa của người mẹ làm cho trốc rễ bật nền.» Thế nhưng, bản gốc tiếng Do Thái (của chính ông Ben Xi-rắc) nói rằng: «Phúc lành người cha làm bén rễ, lời nguyền rủa của mẹ làm cho cây trốc rễ». Sau đây lời ghi chú của Bản Dịch Liên Tôn (TOB): Người Hy-lạp biến ẩn dụ nông thôn của Do Thái thành một sự so sánh có tính cách thành thị, làm cho đọc giả Hy-lạp dễ hiểu. Thật là một minh chứng tuyệt vời cho việc «hiệu đính» một tài liệu.
***
THÁNH VỊNH LỄ THÁNH GIA THẤT – Năm A (Tv127,1-5 )
Đáp: Phúc thay những bạn nào sợ Thiên Chúa,
bạn nào ăn ở theo đường lối của Người.
1 Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA, ăn ở theo đường lối của Người.
2 Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may.
3 Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn.
4 Đó chính là phúc lộc CHÚA dành cho kẻ kính sợ Người.
5 Xin CHÚA từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh,
Nếu tìm kiếm đọc trong Thánh Kinh bài Thánh vịnh này, bạn sẽ thấy bài được gọi «Ca khúc lên đền», tức là bài này được sáng tác cho cuộc hành hương lúc leo lên đền Giê-ru-sa-lem. Qua nội dung, chúng ta có thể nghĩ rằng đây là đoạn cuối cuộc hành hương lúc lên những bậc thềm chót trước khi đến Đền. «Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may. Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn.» (c1-3). (Ca đoàn, hoặc cả cộng đồng) trả lời: «Đó chính là phúc lộc CHÚA dành cho kẻ kính sợ Người.» (c4). Lúc bấy giờ các tư tế đọc kinh phụng vụ, ban phép lành: «Xin CHÚA từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu.» (c5-6)
Nhân dịp này tôi xin lưu ý một câu, thường làm nhiều người phẫn nộ: «Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may.» (c2) Cũng phải tin rằng thời ấy không có nạn thất nghiệp!
Đối tượng của phúc lành được ban có vẻ tầm thường. Thế nhưng xuyên suốt Thánh Kinh, hạnh phúc và thành công trong đời luôn được nhấn mạnh, điều này đúng ra phải làm cho chúng ta an tâm. Sự khao khát hạnh phúc trong đời người chúng ta thật chính đáng, lòng ao ước thành công trong gia đình đi đôi với kế hoạch Thiên Chúa; nếu không…Ngài không lập hôn phối thành một Bí tích!!! Chúa tạo dựng chúng ta để được hạnh phúc, không có một chủ đích nào khác. Chúng ta hãy vui mừng! Chữ hạnh phúc được trở lại rất quen thuộc trong Thánh kinh. Lặp lại thường đến nỗi chúng ta có thể trách nó quá xa với thực tế hằng ngày. Có lúc phải chăng còn trơ trẽn trước bao thứ thất bại trong đời người, bao nhiêu đau khổ chúng ta chứng kiến mỗi ngày? Các bạn hẳn cũng đã chú ý bài Thánh vịnh này cũng nhiều lần nhắc đến «Hạnh phúc; lắm phúc nhiều may; ơn phúc» «Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA, bạn quả là lắm phúc nhiều may; Đó chính là phúc lộc CHÚA dành cho kẻ kính sợ Người. Xin CHÚA từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.» (c1,2,4,5)
Thật ra chữ «hạnh phúc» không có tham vọng là một khảo sát phân tích đơn giản; làm như tự động, hễ người ngay thẳng công chính là được hạnh phúc. Chỉ cần mở mắt nhìn chung quanh chúng ta, nhiều người làm điều thiện lãnh nhận toàn khốn khổ. Đây thật ra chỉ muốn nói có một điều hạnh phúc đáng kể, là được ở cạnh Thiện Chúa.
Trên thực thế chữ «hạnh phúc» có hai mặt; vừa là một lời khen thưởng vừa là một lời khích lệ. Ông Andre Chouraqui là một nhà dịch giả có bản chuyển ngữ gần gốc tiếng Hy-lạp nhất, ông dịch chữ «hạnh phúc» là «trên đường» (có nghĩa là bạn đi đúng đường, hoan nghênh, cứ tiếp tục). Đặc điểm của dân tộc Ít-ra-en là họ rất sớm hiểu Thiên Chúa đồng hành với lòng ao ước hạnh phúc và Thiên Chúa mở đường cho họ.
Chúng ta hãy nghe lời Tiên tri Giê-rê-mi-a: «Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA -, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng» (Gr29, 11). Tất cả Thánh Kinh đều cố gắng thuyết phục, đến nỗi có lời khẳng định rằng phải có lưỡi rắn độc mới nói lên lời ngờ vực Thiên Chúa đối với người đàn ông và người đàn bà mà Ngài tạo dựng để họ được hạnh phúc. Đó là ý nghĩa của vườn Địa Đàng. Phải có một chuyên gia về Cựu Ước như Thánh Phao-lô, mới có thể tóm tắt những ý định của Thiên Chúa trong vài chữ: «kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa».
Như thế luôn luôn có hai phương diện trong chữ «hạnh phúc». Trong Thánh Kinh: Trước tiên là một dự án, đó là ý muốn của Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc, nhưng đồng thời cũng là sự chọn lựa của con người, có nghĩa là phải xây hạnh phúc ấy. Con đường đã được vạch sẵn, con đường thẳng không ngoằn ngoèo: Chỉ cần tuân thủ giới răn, được tóm gọn trong một điều; yêu Thiên Chúa và yêu nhân loại. Chúa Giê-su chỉ vỏn vẹn theo con đường đó «Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng» (Ga13,1). Và Ngài mời gọi các môn đệ theo Ngài để được hạnh phúc. «Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!» (Ga13, 17). Nhưng có điều làm cho bài chúng ta đọc khó hiểu một chút, đó là câu: «Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA» (c1). Phát biểu như thế có vẻ nghịch lý: Làm sao có thể vừa kính sợ vừa hạnh phúc? Một lần nữa, ông Andre Chouraqui dịch câu này như sau «bạn rung động mãnh liệt vì Chúa, hãy tiến lên». Đây là tình cảm rung động chứ không phải sợ hãi. Chúng ta từng có trải nghiệm; trước một hạnh phúc lớn lao đến bất ngờ chúng ta cảm thấy bé nhỏ.
Người thấm nhuần Thánh Kinh phải mất một thời gian dài mới được mạc khải Chúa là tình yêu. Nhưng một khi đã khám phá Chúa là tình yêu, thì hết sợ. Dân tộc Ít-ra-en có đặc ân được mạc khải Thiên Chúa thật vĩ đại, vượt xa chúng ta vô ngần, nhưng đồng thời cũng rất gần gũi, một Thiên Chúa từ bi nhân hậu. Như thế, kính sợ Thiên Chúa theo nghĩa Thánh Kinh, không còn là sự sợ hãi của con người sơ khai (bởi vì không thể nào sợ một Đấng, có thể nói bản chất Ngài là từ bi nhân hậu). Không, kính sợ Thiên Chúa là thái độ một đứa trẻ đối với cha nó, vừa thể hiện sức mạnh và yêu thương âu yếm. Sách Lê-vi cũng dùng từ ngữ Do Thái chính xác để nói: «Mỗi người trong các ngươi phải kính sợ cha mẹ.» (Lv19, 3). Điều này có nghĩa, về sau của lịch sử Thánh Kinh, kính sợ Thiên Chúa đồng nghĩa với thái độ cha con. Hài nhi Bê-lem đến cho chúng ta một minh chứng.
Đức tin, trước hết là nền xác tín căn bản Thiên Chúa muốn cho chúng ta hạnh phúc, chỉ cần nghe và đi theo Ngài một cách đơn sơ. Câu: «Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA, ăn ở theo đường lối của Người.» Theo người thông hiểu Thánh Kinh hai vế lặp lại một ý, kính sợ Chúa và theo đường lối của Người là đồng nghĩa.
Một khi tất cả dân chúng Thành Giê-ru-sa-lem trung thành với chương trình ấy, là họ đã hoàn tất sứ mạng, như danh hiệu của Thành này, «thành đô của bình an». Vì lẽ ấy, ngay trước cửa đền Giê-ru-sa-lem, bài Thánh vịnh của chúng ta, «ca khúc lên đền» quả quyết, như sống trước sự kiện: «Giê-ru-sa-lem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu. Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình.» (c5b, 6)
***
BÀI ĐỌC 2 CN LỄ THÁNH GIA - Năm A (Cl 3, 12-21)
"Về đời sống gia đình trong Chúa".
Thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu thành Cô-lô-sê.
12 Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại.
13 Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.
14 Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.
15 Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.
16 Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng.
17 Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.
18 Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa.
19 Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ.
20 Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa.
21 Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.
Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm Thánh Gia Thất, gia đình Thánh. Trọng tâm của lễ, một gia đình đơn sơ, Thánh Cả Giu-se, Đức Mẹ Maria và Chúa Giê-su. Đó là gia đình trần thế của Chúa. Vì lẽ ấy, chúng ta gọi là Thánh Gia, chữ «thánh» chính là để chỉ Thiên Chúa và chỉ là Ngài mà thôi. Nói như thế, nhưng xin đừng nhầm lẫn, gia đình «thánh» ấy không phải sống trên mây: Không có điều gì, các thánh sử kể lại cho chúng ta đời niên thiếu Chúa Giê-su giống như một truyện thần tiên! Thánh Giu-se bối rối trước những gì xảy ra với Đức Mẹ Maria, những điều kiện khổ sở của cuộc sinh nở hài nhi, cuộc tha hương bất đắc dĩ sang Ai-cập; rồi sau đó vài năm, cuộc hành hương Giê-ru-sa-lem, đứa trẻ bị thất lạc và tìm lại được…Thế nhưng, Thánh sử nói rõ rằng cha mẹ Ngài không hiểu chi hết. Tất cả những điều ấy chứng tỏ «thánh gia» là một gia đình thật sự, với những vấn đề của gia đình mà ai cũng gặp phải. Đây là điều làm cho chúng ta an tâm! Và sở dĩ trong thư gửi tín hữu thành Cô-lô-xê, Thánh Phao-lô đưa ra những lời khuyên nhẫn nại và hãy tha thứ…tức là những điều ấy cần phải có! Chúng ta tất cả đều biết thế.
Thành Cô-lô-xê ở ngay trung tâm xứ Thổ-nhĩ-kỳ, Thánh Phao-lô chưa bao giờ đến đó. Chính một trong những môn đệ ngài là ông Ê-páp-ra, người gốc Cô-lô-xê được đưa đến đó. Trước tiên, ông Ê-páp-ra cũng được hoán cải trở thành Ki-tô hữu và gầy dựng một cộng đồng Ki-tô trong thành quê quán của mình. Không ai biết, vì lẽ gì Thánh Phao-lô viết bức thư này. Qua nội dung, chúng ta biết rằng lúc ấy ngài bị cầm tù và nhận được tin không hay cho lắm: Lòng tin Ki-tô có chiều thay đổi.
Lời lẽ bức thư lẫn lộn: Lúc thì của chính ngài, Thánh Phao-lô phấn chấn trước dự án Thiên Chúa và đó là lời của nhà thần học biết kinh ngạc thán phục, biết cảm nghiệm thần bí, biết hoán cải trên đường Đa-mát. Lúc thì khắt khe, cảnh báo, để nói cho những Ki-tô hữu này: «Tôi nói điều đó để đừng có ai dùng lời lẽ hấp dẫn mà mê hoặc anh em (2 Cl2, 4); Hãy coi chừng chớ để ai gài bẫy anh em bằng mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch» (2Cl2, 8)
Thế thì giọng nói trong thư, văn phong có thay đổi. Nhưng rốt cuộc sứ điệp vẫn luôn như thế: Đối với ngài, trung tâm của vũ trụ và lịch sử, chính là Chúa Giê-su Kitô; và khi ngài nói với Ki-tô hữu về đời sống thường nhật của họ, ngài mời họ nhìn ngắm Chúa Giê-su Ki-tô.
Đoạn chúng ta đọc hôm nay, rất tiêu biểu cách Thánh Phao-lô nhìn đời sống, và những lời khuyên bảo cho những Ki-tô hữu sơ khai. Nếu đọc một cách hời hợt, bài này có vẻ vỏn vẹn là một bài học luân lý về đời sống trong xã hội, và cách áp dụng vào đời sống gia đình. Nhìn như thế, sứ điệp của Thánh Phao-lô trình bày như một lý tưởng quá đẹp và trên thực tế khó đạt được. «Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó…Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.» (2Cl3, 15, 17)
Thế nhưng, Thánh Phao-lô xác tín điều ấy. Tôi tìm được một minh chứng qua một từ ngữ trong hàng thứ ba trong bài này: «Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau» (c13) Chịu đựng lẫn nhau, đối với Thánh Phao-lô chữ tinh tế nhất của tình yêu! Không thể nói là không thực tế, không đi vào trải nghiệm của mỗi chúng ta hằng ngày. Cuộc đời trong xã hội hay trong gia đình là muôn ngàn chi tiết của cuộc đời thường nhật, kẻ khác làm ngạc nhiên, gây bực dọc hay tấn công chúng ta; những người thân nhất lại làm phiền, làm cho chúng ta đau…Và chúng ta có khuynh hướng nói: Thật không thể chịu nổi!
Tất cả những lời khuyên nhủ ấy, Thánh Phao-lô dựa vào lời tuyên bố của ngài ở đầu bài: «Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương.» (c12). Những người nhận thư của ngài, ngài gọi là các «thánh», bởi vì là con Thiên Chúa. Không phải họ hoàn hảo. Nhưng chính quan hệ của họ đối với Thiên Chúa, mới xứng đáng danh hiệu ấy, và cũng gợi lên nơi họ tình yêu có thể trao ban. Chính vì thế, các gia đình của chúng ta - cũng là nơi hiện hữu nhiều tình yêu nhưng không thống nhất, tình yêu không chọn lựa – các gia đình của chúng ta cũng đáng được gọi là gia đình «thánh», mặc cho những giới hạn, như chúng ta biết! Đối với Thánh Phao-lô, nền tảng của luân lý là mẫu gương của Đức Ki-tô: «Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.» (2Cl3, 15, 17).
Điều lưu ý cuối cùng. Có đôi khi vài phụ nữ, nghe bài này, phản ứng mạnh vì câu: «Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa.» (c18). Nhưng thiết tưởng các phụ nữ ấy không có lý khi bực tức: Phục tùng theo Thánh Kinh không có nghĩa như nô lệ! Trong một xã hội dựa trên trách nhiệm người cha trong gia đình – đó là trường hợp thời Thánh Phao-lô – chính người cha gia đình ấy có quyền, và trên thực tế là thế, phải có tiếng nói cuối cùng; nhưng theo Thánh Phao-lô, lẽ tự nhiên một người cha gia đình Ki-tô, trong mọi lời nói của mình, đều chỉ xuất phát từ tình yêu, và quan tâm cho người trong gia đình mình.. Như thế người phụ nữ, không có lý do gì phải kháng cự lại trước những lời phát xuất từ lòng âu yếm và tôn trọng. Chúng ta nhận ra nơi đây, nội dung của sự vâng lời thường gặp trong Thánh Kinh: Người tín hữu không thấy khó khăn để tai nghe dưới lời của Chúa (đó là ý nghĩa động từ vâng phục theo tiếng Pháp và tiếng La tinh «obau-dire»), vì người ấy biết rằng Chúa là Tình Yêu. Và hơn nữa Thánh Phao-lô cũng kỹ lưỡng nhắc lại cho người chồng, lời của họ cũng phải phát xuất từ tình yêu: «Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ.» (c19)
***
PHÚC ÂM LỄ THÁNH GIA - A (Mt 2, 13-15.19-23)
Trích sách Tin Mừng theo Thánh Mátthêu Tông đồ:
13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!"
14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.
15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.
19 Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập,
20 báo mộng cho ông rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi."
21 Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en.
22 Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê,
23 và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.
Cuộc phiêu lưu của “thánh gia” qua Ai cập, bỗng nhiên gợi lên một cuộc phiêu lưu khác của một gia đình khác, mười hai thế kỷ trước cũng trên đất nước Ai Cập này. Dân Ít-ra-en lúc bấy giờ còn đang bị đày bên ấy, vua Pha-ra-ong truyền lệnh giết mọi trẻ nam sơ sinh. Chỉ có một đứa bé được thoát nạn, nhờ mẹ bé đặt trong cái giỏ che bít lại, thả trôi trên sông Nin: đó là Mô-sê. Đứa trẻ được cứu khỏi tay của vị bạo chúa tàn ác này, về sau trở nên người giải phóng dân tộc mình… Thì đây, trở lại giòng lịch sử, Chúa Giê-su cũng thoát khỏi cuộc tàn sát; Ngài sẽ trở thành đấng cứu độ nhân loại. Hẳn Thánh sử Mát-thêu muốn mời gọi chúng ta đối chiếu hai sự kiện này. Chính chúng ta sẽ khám phá ra Chúa Giê-su là một Mô-sê mới, thế là một lời hứa của Cựu Ước được hoàn tất. Chúa nói với Môsê: «Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy» (Đnl 18, 8)
Dấu chỉ thứ hai, Thánh Kinh được hoàn tất theo Thánh Sử Mát-thêu nằm trong câu sau đây: «từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về.» được trích từ sách Hô sê, nói lên lòng trìu mến Thiên Chúa đối với ít-ra-en như một người cha. Câu ấy như sau: «Khi Ít-ra-en còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về.» (Hs 11, 1) Chính xác ngôn sứ Hôsê nói về toàn dân Ít-ra-en; thế nhưng Thánh Mát-thêu ở đây chỉ riêng cho Đức Giê-su. Có lẽ ngài muốn nói cho chúng ta Chúa Giê-su là Ít-ra-en Mới. Chính Ngài hoàn tất Giao Ước đề nghị cho dân Ngài. Danh hiệu «Con Thiên Chúa» cũng được ban cho mỗi vua ngày được tấn phong, và dần dần trở thành danh hiệu của Đấng Mê-si-a. Thánh Mát-thêu áp dụng cho Chúa Giê-su hẳn ngài muốn báo cho chúng ta Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a. Sau cùng, các người đương thời với Chúa Giê-su không thể nào tưởng tượng Thiên Chúa duy nhất lại có một người Con, nhưng khi Thánh sử Mát-thêu viết Tin Mừng này rất lâu sau khi Chúa Giê-su Phục Sinh và Chúa Thánh Thần đã ngự xuống các tín hữu. Những tín hữu nay đã được mặc khải danh hiệu Con Thiên Chúa của Chúa Giê-su còn có nhiều ý nghĩa khác nữa: Ngài thật là Con Thiên Chúa và chính là Chúa, theo nghĩa chúng ta đọc trong kinh Tin Kính: «Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với đức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành»
Dấu chỉ thứ ba, Thánh Kinh được hoàn tất theo Thánh Sử Mát-thêu nằm trong câu 23: «để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.» Có vấn đề nhỏ đối với chúng ta là không có chỗ nào trong Thánh Kinh nói rằng Đấng Mê-si-a đến từ Na-da-rét! Hơn nữa, tên thành Na-da-rét không được nêu lên trong suốt Cựu Ước, điều này đơn giản nói lên không có sự kiện nào quan trọng xảy ra nơi ấy trước Chúa Giê-su. Phải chăng chính chi tiết này Thánh Mát-thêu muốn nêu lên: một lần nữa, Chúa làm con người ngạc nhiên, Ngài chọn từ những gì không có vẻ quan trọng?
Ngoài ra, xin đừng quên. Tai người Do thái nơi Thánh Mát-thêu rất tinh những âm điệu: bởi vì chữ Na-da-rét đọc theo tiếng Do Thái rất giống chữ «necer» có nghĩa là «chồi non» và chữ này được gán cho Đức Mê-si-a, chồi nảy sinh từ dòng dõi Vua Đa vít. Chữ này đọc cũng rất gần với chữ «Nazir», chỉ những người Do Thái thánh thiện, suốt đời hiến mình cho Thiên Chúa, và điều này nói lên lòng ao ước: thành Na-da-rét ít nữa cũng xứng đáng danh hiệu này. Và sau cùng, khi Thánh sử Mát-thêu viết chương chót của bài Tin Mừng, các tín hữu được gọi là người Na-da-rét, danh hiệu này không có gì là vinh quang từ miệng của những người chống Chúa (như ta thấy trong sách Công vụ Tông đồ). Điều này muốn nói lên Thầy họ cũng mang tên này như họ, vào thời ấy không mấy gì vinh quang. Vì thế có lẽ đây là là một sứ điệp cổ võ và an ủi họ từ Thánh sử Mát-thêu; đại để như muốn nói: Chúa Giê-su cũng bị xem thường như các bạn, thế nhưng chính Ngài là Con Thiên Chúa.
Thì đây, chỉ trong bài hôm nay đã có 3 tước vị được áp dụng cho Chúa Giê-su: «Người Nadarét» Ítraen mới, «Môsê Mới». Bây giờ muốn hiểu rõ tầm quan trọng của sứ điệp Thánh sử Mátthêu phải xét cấu trúc của đoạn văn.
Hẳn các bạn cũng để ý thấy có hai hồi của bài tường thuật. Hồi thứ nhất, có thể gọi, «cuộc trốn sang Aicập»; hồi thứ hai, từ Ai cập trở về. Và lạ thay, hai hồi được cấu trúc hoàn toàn giống nhau. Trước tiên, tác giả nhắc lại bối cảnh lịch sử trong một trường hợp: «Khi các nhà chiêm tinh đã ra về» (c13), trong trường hợp kia «Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà» (c19). Sau đó, trong mỗi trường hợp có một sự hiện ra; sứ thần Thiên Chúa hiện ra trong đêm báo mộng cho Thánh Giuse lẩn trốn, sau đó lại trở về; mỗi lần Thánh Giuse trỗi dậy và vâng lời. Trong hai trường hợp, Thánh sử kết luận: «để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.» (c23) Cách cấu trúc song song này, chứng tỏ nên xem cách gọi này đối xứng với nhau: «Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập» (c15); «Người sẽ được gọi là người Na-da-rét» (c23).
Việc đối chiếu một danh hiệu không mấy vinh quang «Người Nadarét» và «Con Thiên Chúa» hẳn là một sự cố tình của Thánh sử Mátthêu. Đó là một cách nói cho chúng ta: hãy sẵn sàng, Đấng Mê-si-a sẽ xuất hiện không ai ngờ. Đến đây, chúng ta hiểu rõ hơn vì sao bài này được đọc ngày Lễ Thánh Gia: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, thế nhưng, Ngài xuất thân từ một thị trấn xa xôi ít ai biết đến, Nadarét. Không có điều nghịch lý nào đáng ngạc nhiên hơn. Nhưng đó chính là trường hợp chúng ta: trong mỗi chúng ta, trong mỗi gia đình chúng ta; cách sống lịch sử Thánh Gia trong thực tế như lịch sử bình thường của mọi gia đình.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.