BÀI ĐỌC I CHÚA NHẬT GIÁNG SINH Năm A (Is 52, 7-10)
"Khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta".
Trích sách Tiên tri Isaia.
7 Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Xi-on rằng: "Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị."
8 Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi cùng cất tiếng reo hò vang dậy; họ sẽ được thấy tận mắt ĐỨC CHÚA đang trở về Xi-on.
9 Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì ĐỨC CHÚA an ủi dân Người, và cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
10 Trước mặt muôn dân, ĐỨC CHÚA đã vung cánh tay thần thánh của Người: ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta, người bốn bể rồi ra nhìn thấy.
Trong bài này có hai nhân vật ngày nay chúng ta khó diễn tả: một người đi bộ đưa tin và một người canh đêm. Trong thời đại của truyền thông siêu việt (truyền hình, điện thoại cầm tay, internet…) chúng ta phải tạm cố gắng tưởng tượng! Nhưng trong thời thượng cổ, không có gì khác hơn một người chạy bộ để loan tin. Marathon là một ví dụ nổi tiếng. Trong lúc ấy, bên đầu kia người lính canh trên luỹ thành nhìn về phía chân trời.
Thực tế ở đây người loan tin là người chạy về Giê-ru-sa-lem báo tin kẻ đi đày được trở về. Lúc I-sa-i-a viết bài này là lúc Ba-by-lon kết thúc. Cuộc lưu đày bắt đầu năm 587 với những điều hãi hùng của cuộc vây hãm thành Giê-ru-sa-lem do quân của Na-bu-kô-đô-nô-so. Dân chúng lúc ấy mất tất cả: đất đai, thành thánh Giê-ru-sa-lem, và nhất là Đền Thánh, biểu hiện sự Hiện Diện Thiên Chúa giữa họ. I-sa-i-a nói cho chúng ta: « 7 Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ ».
« Đồi núi » nói ở đây là dãy núi giữa Ba-by-lon và Giê-ru-sa-lem. Bình an, tin hạnh phúc, ơn cứu độ (c7) là kiếp lưu đày đã chấm dứt. Thành Thánh, Sion, Giê-ru-sa-lem… là trung tâm của bài…(những câu sau). Thành đổ nát, gần như chết, nay sẽ sống lại. Người loan tin đến trấn an thành phố điêu tàn: « 9 Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng ». Cụm chữ Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế chứng tỏ là thời Lưu đày, quân đội của Na-bu-kô-đô-nô-so đã phá đổ hết. Trong 50 năm lưu đày, người ta có thể ngờ vực… và bây giờ họ cất tiếng reo hò vui mừng.
Người lính canh, như phận sự người lính canh, anh ta chăm chú nhìn... và là người đầu tiên nhận ra người loan tin. Anh ta hiểu ngay, và thấy ngay đoàn người chiến thắng. Trên bờ luỹ anh thấy gì ? Ai đi đầu đoàn người vinh thắng trở về ? – Chính Thiên Chúa! Thật vậy Chúa trở về Si-on, Ngài đi giữa dân Ngài, và từ nay Ngài lại ở đấy, tại Giê-ru-sa-lem, giữa dân Ngài.
Chúa « chuộc lại » Giê-ru-sa-lem. Chúng ta đã học Thánh Kinh: chuộc có nghĩa là giải phóng. Chúng ta biết quy chế Go’el là gì. Xin nhắc lại, khi một người Do Thái bắt buộc bán mình làm nô lệ, hay cầm cố nhà mình cho chủ nợ, người bà con gần nhất có thể đến chuộc lại tự do với người chủ nợ. Gọi là chuộc người bà con, và người ấy đảm nhận người bà con vừa được giải thoát… Tất cả những chữ ấy nói về Chúa, để nói lên Thiên Chúa là Go’el của Ít-ra-en: vừa là người thân cận nhất vừa là đấng giải thoát.
Vì thế, một lần nữa, Thiên Chúa giải thoát dân Ngài. « ĐỨC CHÚA vung cánh tay », như cách nói trong các thánh vịnh. Câu 10 nói: « ĐỨC CHÚA đã vung cánh tay thần thánh của Người ». Câu này gần như dùng từ trùng nghĩa! Lực của cánh tay là cách nói trong Cựu Ước dành cho công trình Thiên Chúa giải thoát dân Ngài. (Ra khỏi Ai cập, Đệ Nhị Luật 5, 15: «Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó »). Bây giờ cánh tay mạnh mẽ Thiên Chúa dựa vào hai bàn tay nhỏ bé của hài nhi.
***
THÁNH VỊNH LẼ GIÁNG SINH 97 (98)
Thánh vịnh.
1 Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người.
2 CHÚA đã biểu dương ơn Người cứu độ, mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân;
3 Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en. Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
5 Đàn lên mừng CHÚA khúc hạc cầm dìu dặt, nương khúc hạc cầm réo rắt giọng ca.
6 Kèn thổi vang xen tiếng tù và, tung hô mừng CHÚA, vị Quân Vương!
Tôi chỉ đề nghị hai nhận xét :
1/ Trước tiên bài Thánh Vịnh này là một « tiếng reo mừng chiến thắng » ( Tv118,15) giống như tiếng hò reo nơi chiến trường sau một chiến thắng, tiếng hò reo « terouah ». Chữ chiến thắng được lặp lại ba lần trong những câu đầu. tiếng reo mừng chiến tháng này nằm trong phụng vụ dân Do Thái, mỗi năm vào mùa thu, nhân dịp Lễ Lều Giê-ru-sa-lem. Lễ này diễn ra trong tám ngày gồm nhiều sự kiện : lễ ân xá, lễ tạ ơn và kể cả « lễ cho vua ». Những tiếng reo mừng chiến thắng ấy, chính là để tung hô vị vua, bằng tiếng kèn, tiếng tù và, và tiếng vỗ tay của công chúng. Điều đáng ngạc nhiên là reo mừng cho Quân Vương, trong dịp Lễ Lều , sau khi từ nơi lưu đày Ba-by-lon về ( Thế kỷ VI và sau đó ) lúc ấy không còn vua Ít-ra-en nào nữa ! Hay ít nữa một vị vua hiện thân !
Nhưng trước tiên, họ nhớ lại lời hứa của Thiên Chúa : biết rằng sẽ có một vị vua, con vua Đa-vit, vì thế họ mừng lễ trước. Đây là một hình thức cổ vũ cho lòng cậy trông. Hơn nữa, ở Ít-ra-en - ngay đang khi có vua trì vị - người ta không bao giờ quên vua duy nhất trên trần gian, uy quyền duy nhất, người thầy duy nhất là Thiên Chúa. Trong bài Thánh Vịnh 97 này, họ hò reo mừng vị Vua ấy.
2/ Hai tình yêu của Thiên Chúa. : tình yêu Ít-ra-en dân Ngài chọn và tình yêu toàn nhân loại. Chúng ta hãy đọc lại câu 2 : chư dân là ai, là tất cả người khác, những dân ngoại, những kẻ không thuộc về dân Chúa chọn. Hát bài này, có thể tưởng tượng (vì biết rằng ngày ấy sẽ đến ) ngày mà Chúa sẽ là vua toàn địa cầu, tức là toàn trái đất sẽ công nhận Ngài. Rồi tới câu 3 dành cho nhà Ít-ra-en. Từ ngữ này dành nhắc lại sự tuyển chọn Ít-ra-en. Điều này muốn nói : vâng, Ít-ra-en là dân được Chúa chọn, được tuyển chọn, nhưng không phải vì thế mà ích kỷ lãnh nhận, Ít-ra-en chỉ là người anh cả chứ không phải đứa con duy nhất. Chúa thương yêu cả nhân loại chứ không riêng Ít-ra-en. Trong lễ Lều ở Giê-ru-sa-lem khi dân Ít-ra-en tung hô Chúa là vua, họ biết là họ làm nhân danh toàn nhân loại. Sau cùng chúng ta nhận ra cấu trúc « thể vùi » những câu 2 và 3. Một câu trung tâm đứng giữa hai câu đồng nghĩa. Chúng ta thường gặp trong Thánh Kinh, tác giả cố tình làm nổi bật ý câu trung tâm. Vâng, Ít-ra-en được tuyển chọn là điều chính yếu, nhưng đừng quên, họ phải chiếu sáng cho toàn nhân loại, cách cấu trúc này thể hiện điều ấy.
Hay hơn thế, chúng ta có thể ngưỡng mộ kỹ thuật tuyệt vời phụng vụ ngày chúa nhật hôm nay hoan hô Chúa là vua, ngày mà các bài đọc được đề nghị, tất cả đều mặc khải Chúa là tình yêu…Thật là một phương thức tuyệt vời để nhắc lại chúng ta chỉ có Tình yêu mới toàn năng, chỉ có Tình yêu mới là vua !.
***
BÀI ĐỌC 2 LỄ GIÁNG SINH A ( Dt1, 1-6)
Bắt đầu thư Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu Do Thái
1 Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ;
2 nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài.
3 Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời.
4 Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu.
5 Thật vậy, có bao giờ Thiên Chúa đã phán cùng vị thiên thần nào: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con hoặc là: Ta sẽ là Cha Người, và chính Người sẽ là Con Ta.
6 Khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa lại nói: Mọi thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người.
Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái nhắm đến các người Do Thái trở nên Ki-tô hữu và để suy niệm mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Xét kỹ Lời Chúa họ khám phá ra Chúa Giê-su chính là Đấng Mê-si-a, mọi người trông đợi, Ngài đã hoàn tất những gì dân Ít-ra-en trông chờ : chờ đợi một Đấng Mê-si-a vua, một Đấng Mê-si-a Tiên Tri, một Đấng Mê-si-a Tư Tế. Chúa Giê-su là tất cả điều ấy. Xin đề nghị với quý bạn một nhận xét bốn điểm sau đây : Ngài chu toàn sự mong đợi, Ngài là Đấng Mê-si-a Tiên Tri, Đấng Mê-si-a Tư Tế, Đấng Mê-si-a Vua.
1/ Ngài đáp ứng mọi mong chờ. Hai câu đầu chia lịch sử nhân loại ra làm hai giai đoạn. Từ trước Chúa Giê-su Ki-tô, về sau Chúa Giê-su Ki-tô.
Trong giai đoạn đầu ( tác giả gọi là « Thuở xưa ») « Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ » Đó là Lời do « miệng Thiên Chúa phán ra » ( Mt4,4) « nhiều lần nhiều cách » ( c1), chúng ta nhận ra nơi đây tính cách sư phạm Thiên Chúa cho dân Ngài.
Trong mỗi giai đoạn Ngài linh hứng cho các ngôn sứ nói cho dân chúng nhân danh Ngài, với ngôn ngữ thích hợp với tâm thức thời đại. Giống như cha mẹ nói với con cái, tiệm tiến theo sự phát triển trí khôn của chúng, điều gì chúng cần để hiểu thế giới và xã hội chúng đang sống.
Trong giai đoạn thứ hai ( gọi là « thời sau hết này » ) đó là giai đoạn hoàn tất. Đó là câu 2. Thế giới mới bắt đầu nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Nơi Ngài, nơi Chúa Ki-tô dự án Thiên Chúa được chu toàn, « kế hoạch yêu thương » (Ep1,9)
2/Ngài là Đấng Mê-si-a Tiên Tri. Tác giả viết : « Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử» (c2 ) Chúa Giê-su là vị ngôn sứ ưu tú nhất « miệng Thiên Chúa » Ngài chính là « Lời của Chúa », Lời sáng tạo, chính với Lời ấy Ngài « dựng nên vũ trụ » (c2) , còn hơn thế nữa « Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa » ( c3). Tin Mừng theo Thánh Gio-an Tông Đồ còn nói « Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha» ( Ga14,9) ( Ngài thể hiện hoàn toàn Thiên Chúa)
3/ Ngài là Đấng Mê-si-a Tư Tế, Ngài « tẩy trừ tội lỗi » (c3). Thực ra đó là vai trò người thượng tế, trung gian giữa Thiên Chúa và dân tội lỗi. Thì này đây, Ngài sống tình yêu hoàn hảo với Chúa Cha, thực sự một quan hệ phụ tử, Chúa Giê-su Ki-tô tái lập Giao Ước giữa Thiên Chúa và nhân loại. Ngài là vị thượng tế hoàn hảo. Sự « tẩy trừ tội lỗi » (c3) ấy ( Tác giả sẽ trở lại dài hơn trong chương này), Chúa Giê-su thực hiện bằng cách sống suốt đời trần thế Ngài như cuộc đối thoại tình yêu hoàn hảo, « vâng lời » đối với Cha Ngài.
4/ Ngài là Đấng Mê-si-a Vua. Sau cùng Ngài hoàn toàn là Vua : tác giả dùng những danh hiệu và những lời tiên tri liên hệ đến Đấng Mê-si-a. Ở đây chúng ta có những hình ảnh ngai vua « Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời»(c3) và nhất là Ngài được gọi là « Con Thiên Chúa », thế nhưng đây là tước hiệu dành cho mỗi tân vương lúc đăng quang. « Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con»(c5), cũng vậy, câu này là câu dùng trong nghi thức đăng quang ( được nhắc lại trong Thánh Vinh 2). Ngài là vua mọi tạo vật, ngay cả các Thiên Thần, tức là cả thế giới hữu hình và vô hình, như tác giả viết « Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu»(c4)
Tóm lại, Ngài là tất cả : tư tế, ngôn sứ và vua vì thế Ngài được gọi là Đấng Ki-tô hay tiếng Do Thái gọi là Đấng Mê-si-a. Tuy nhiên, bài này cũng mặc khải cho chúng ta sự vĩ đại của chúng ta, bởi vì chúng ta được kêu gọi kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su Ki-tô, và đến phiên chúng ta là hình ảnh phản chiếu sự vinh quang Chúa Cha, đến phiên chúng ta cũng được gọi là con, là vua nơi Ngài, là tư tế nơi Ngài, là ngôn sứ nơi Ngài. Đoạn này được đề nghị cho chúng ta ngay từ ngày Lễ Giáng Sinh, để cho chúng ta có thể giải mã mầu nhiệm máng cỏ với chiều sâu ấy. Đứa Trẻ chúng ta ngắm nhìn mang nơi Ngài tất cả mầu nhiệm ấy và cả chúng ta nơi Ngài, bởi Ngài và với Ngài.
***
PHÚC ÂM SÁNG CHÚA NHẬT GIÁNG SINH Năm A (Ga 1, 1-18)
Alleluia, alleluia!
- Ngày thánh đã dọi ánh sáng trên chúng ta. Hỡi các dân, hãy tới thờ lạy Chúa,
vì hôm nay ánh sáng chan hoà đã toả xuống trên địa cầu. - Alleluia.
-----------------
"Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta".
Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành
4 ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.
6 Có một người được Thiên Chúa sai đến,
tên là Gio-an.
7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
8 Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
9 Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.
10 Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có,
nhưng lại không nhận biết Người.
11 Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.
12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.
13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông,
nhưng do bởi Thiên Chúa.
14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
15 Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố:
"Đây là Đấng mà tôi đã nói:
Người đến sau tôi,
nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi."
16 Từ nguồn sung mãn của Người,
tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.
17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,
còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.
18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả;
nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa
và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.
« Lúc khởi đầu » Thánh Gio-an không ngần ngại cố tình chép lại cụm chữ đầu bằng tiếng Do Thái Sách Sáng Thế: « be reshit », phải hiểu chiều sâu của chữ này, ở đây không phải một chi tiết chỉ định thời gian! Điều khởi đầu là yếu tố điều khiển cả lịch sử nhân loại, là nguồn gốc, là nền tảng mọi sự…
« 1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời »: tất cả được đặt dưới dấu chỉ của Lời Nói (Verbum theo tiếng La-tinh), lời của tình yêu, đối thoại… đó là nguồn gốc, mọi sự bắt đầu từ đấy. Rất nhiều triết gia thời cổ cũng tôn vinh lời nói như cội nguồn (Logos theo tiếng Hy-lạp) ( c2) « 2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa »: theo tiếng Hy-lạp: « pros ton Theon » (hướng về Thiên Chúa). Ngôi Lời hướng về Thiên Chúa, đó là tư thế đối thoại… Khi ta nói với ai, tôi yêu người, hay khi ta thực sự đối thoại với ai đó, ta đối mặt với người ấy, hay ít nữa ta hướng về kẻ ấy. Quay lưng lại, quay đi, là cắt đứt cuộc đối thoại. Phải quay trở lại mới nối lại được.
Điều Thánh Gio-an nói cho chúng ta là chính yếu. Tất cả sự Tạo Dựng - lý do bởi không có gì nếu không có Ngôi Lời - là hoa trái của cuộc đối thoại thương yêu giữa Cha và Con; và đến phiên chúng ta, chúng ta cũng được tạo thành từ cuộc đối thoại ấy và để cho cuộc đối thoại ấy. Sứ mạng của nhân loại, - của A-dông, để nói như trong sách Sáng Thế - tức là để sống trong cuộc đối thoại yêu thương hoàn hảo với Chúa Cha. Than ôi, tất cả lịch sử loài người phô bày ra những gì trái ngược lại. Bài tường thuật sự sa ngã của A-dông và E-và trong chương hai kể lại cho chúng ta cũng theo phương thức này: cho ta thấy cuộc đối thoại bị cắt đứt. Người đàn ông và người phụ nữ ngờ vực Chúa, nghi rằng Thiên Chúa có ý đồ gì xấu đối với mình. Đó là những gì trái ngược hẳn với cuộc đối thoại trong tình yêu! Chúng ta cũng thế, chúng ta biết rõ rằng: một khi sự ngờ vực chen vào quan hệ của chúng ta, cuộc đối thoại trở thành cay đắng. Và trong đời sống cá nhân chúng ta, tất cả lịch sử quan hệ của chúng ta với Chúa cũng có thể được biểu hiện như thế: lúc thì hướng về Ngài, lúc thì ngoảnh mặt đi và khi ấy phải quay trở lại để nối lại cuộc đối thoại… « quay ngược lại », đó là nghĩa chính xác của chữ hoán cải trong Thánh Kinh.
Chúa Ki-tô sống hoàn hảo cuộc đối thoại không một chút bợn nhơ với Chúa Cha: Ngài đến dẫn đầu nhân loại. Tôi có khuynh hướng muốn nói: Chúa Ki-tô là tiếng « xin vâng » của cả loài người đối với Chúa Cha. Ngài đến để sống « xin vâng » trong cuộc đời thường nhật, và như thế, qua Ngài chúng ta được nối lại cuộc đối thoại chủ yếu « 12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa », tức là tìm lại tình phụ tử, hoàn toàn tín nhiệm không chút vẩn đục.
Mục đích duy nhất của Chúa Ki-tô là tất cả nhân loại có thể đi vào cuộc đối thoại tình yêu ấy. Đó là chính xác điều Ngài muốn nói khi dùng chữ tin « để mọi người nhờ ông mà tin », đó là điều duy nhất Chúa mong muốn.
Tôi xin nhắc lại một câu của Kierkegaard, tôi có lần đã nói: « Ngược lại với tội lỗi không phải nhân đức, ngược lại với tội lỗi là đức tin ». Vâng, tin, tức là đặt hết tin tưởng nơi Cha, tức là xác tín rằng trong mọi tình huống, dù gì đi nữa Chúa luôn luôn từ bi nhân hậu, không bao giờ ngờ vực Chúa, hoặc nghi ngờ tình yêu Ngài dành cho chúng ta và nhân loại. Từ đó, dĩ nhiên tin, tức là nhìn thế giới với cập mắt của Chúa.
Nhìn thế giới với cập mắt của Thiên Chúa: « Ngôi Lời Nhập Thể », tức là Chúa ở cùng chúng ta, tức là chúng ta không cần thoát ra khỏi thế gian để gặp Thiên Chúa. Trong « xác thịt » chúng ta, trong thực tế của thế gian, chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Ngài. Như Gio-an Tẩy Giả, chúng ta được gởi đi để làm chứng nhân cho sự hiện diện ấy.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.