Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật 03 Mùa Thường niên năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (Is 8, 23b-9, 1-3)

 

"Tại Ga-li-lê các dân tộc và dân chúng thấy một ánh sáng vĩ đại."

Bài trích sách Tiên tri I-sa-i-a

 

23b Người đã hạ nhục đất Dơ-vu-lun và đất Náp-ta-li, nhưng thời sau, Người sẽ làm vẻ vang cho con đường ra biển, miền bên kia sông Gio-đan, vùng đất của dân ngoại.

1 Dân đang lần bước giữa tối tăm
đã thấy một ánh sáng huy hoàng;
đám người sống trong vùng bóng tối,
nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

2 Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ,
đã tăng thêm nỗi vui mừng.
Họ mừng vui trước nhan Ngài
như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt,
như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm.

3 Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ,
và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy
như trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an.

 

Các chuyên gia cũng không biết bài này viết vào lúc nào: phải chăng cùng thời điểm với những sự kiện trong nội dung? Hay rất lâu về sau? Ngược lại, có hai điều được biết rõ:

 1/- Tình trạng chính trị lúc các sự kiện xảy ra (ngay cả khi có thể bài được viết thật lâu sau, tình trạng chính trị nói đến trong bài vẫn chính xác)

 2/- ý nghĩa của lời tiên tri, tức là những lời này « đến từ Thiên Chúa »: để khơi động lòng tin của dân chúng.

Lúc bấy giờ, vương quốc Ít-ra-en bị chia đôi. Hẳn các bạn còn nhớ Đa-vít và sau này là Sa-lô-mon làm vua dân tộc Ít-ra-en; nhưng từ khi vua Sa-lô-mon băng hà, năm 933 trước CN, sự thống nhất không tồn tại (có người gọi là cuộc ly giáo Ít-ra-en), và có hai vương quốc khác biệt, còn có khi gây chiến với nhau: Miền Bắc là Ít-ra-en, được mang tên dân tộc được Chúa chọn, và kinh đô là Sa-ma-ri; Miền Nam là Giu-đa và kinh đô là Giê-ru-sa-lem. Giu-đa mới là vương quốc hợp pháp, vì là hậu duệ vua Đa-vít, trị vì trên ngai Giê-ru-sa-lem, mang lấy lời hứa Thiên Chúa.

Ngôn sứ I-sa-i-a rao giảng ở vương quốc Miền Nam, nhưng thật lạ lùng, các thị trấn được kể ra ở đây đều thuộc về vương quốc Miền Bắc: « Người đã hạ nhục đất Dơ-vu-lun và đất Náp-ta-li, …, miền bên kia sông Gio-đan… như trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an. » Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, bên kia sông Gio-đan, đường ra biển, Ga-li-lê, Ma-đi-an, sáu nơi được lược kê ở đây đều thuộc về Miền Bắc. Dơ-vu-lun và Náp-ta-li là hai trong mười hai chi tộc Ít-ra-en, về địa lý thuộc về xứ Ga-li-lê, phía Tây Biển Hồ; chúng ta đang ở Phía Bắc xứ Pa-lét-tin. Đường ra biển, như tên của nó, ám chỉ cánh đồng phía Tây Biển Hồ. Sau cùng nơi ngôn sứ gọi là miền bên kia sông Gio-đan, đó là xứ Transjordanie.

Những chi tiết chính xác địa dư giúp đưa ra những giả thuyết về những sự kiện lịch sử từ những gì ngôn sứ I-sa-i-a có ẩn ý nói đến về ba miền này (Ga-li-lê, Transjordanie và cánh đồng phía Tây Biển Hồ) đều có cùng một thân phận trong giai đoạn lịch sử ngắn giữa năm 732 và 721 trước CN. Các bạn hẳn biết thế lực đang lên thời ấy là vương triều Át-sua, kinh đô là Ni-ni-vơ. Mà ba vùng này là những vùng đầu tiên bị vua xứ Át-sua là Piglath-Pilezer đệ Tamthôn tính, vào năm 732. Năm 721, toàn vẹn vương quốc Sa-ma-ri bị thôn tính (cả thành phố Sa-ma-ri), trước khi vua Ba-by-lon kiểm soát vùng này. Có lẽ tiên tri I-sa-i-a muốn nói đến giai đoạn này trong lịch sử. Nhiều người nghĩ rằng câu: « Dân đang lần bước giữa tối tăm» là ngụ ý nói đòan người trên đường đi đày: tâm trạng nhục nhã, đa số bị quân chiến thắng móc mắt, vừa thể lý vừa tâm lý đang trong tối tăm!

Chính xác cho ba vùng ấy, ngôn sứ I-sa-i-a hứa sẽ có một thay đổi tình thế hoàn toàn: « Người đã hạ nhục đất Dơ-vu-lun và đất Náp-ta-li, nhưng thời sau, Người sẽ làm vẻ vang cho con đường ra biển, miền bên kia sông Gio-đan, vùng đất của dân ngoại. » 

Tôi không quên những gì tôi nói khi nảy là ngôn sứ I-sa-i-a rao giảng ở Giê-ru-sa-lem; và chúng ta dĩ nhiên tự hỏi những loại lời hứa ấy cho vương quốc Miền Bắc làm thế nào có thể cho dân Miền Nam quan tâm.

Có thể trả lời Miền Nam không dững dưng đến những gì xảy ra ở Miền Bắc, ít nữa vì hai lý do. Trước hết vì lý do địa dư, hai xứ ở cạnh nhau, nguy cơ đe dọa xứ này, trước sau gì cũng xảy đến bên kia: khi đế quốc Át-sua đánh chiếm Miền Bắc, Miền nam cũng phải lo sợ. Vương quốc Miền Nam xem việc hai xứ ly khai với nhau như một cái áo choàng không đường may nay bị xé đôi: họ luôn hy vọng một ngày sẽ thống nhất, dĩ nhiên dưới quyền của họ.

Chính vì thế, những lời hứa vương quốc Miền Bắc được trỗi dậy vang lên đúng tâm trạng ấy: « Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi », đây là hai câu thuộc về nghi lễ đăng quang tân vương. Theo truyền thống, một tân vương lên ngôi được sánh như một buổi bình minh, vì mọi người mong đợi ngài tái lập uy thế cho vương triều. Ở đây liên quan đến một vị vua sẽ sinh ra. Và vị vua ấy sẽ bảo đảm an toàn cho vương quốc Miền Nam và thống nhất cả hai vương quốc.

Thật vậy, Tiên Tri I-sa-i-a trong đoạn sau sẽ nói rõ ràng: « 5 Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. » (Is 9, 5) và ngài kết luận: « danh hiệu của Người là … Thủ Lãnh hoà bình. » Ý nghĩa của lời tiên tri rất rõ ràng: điều chắc chắn trước mắt I-sa-i-a là Thiên Chúa không để dân Ngai mãi mãi làm nô lệ. Vì sao ngài xác tín như thế trong lúc thực tế rành rành trái hẳn lại ? Thưa rất đơn sơ, chỉ vì Thiên Chúa không thể nào chối mình, như sau này Thánh Phao-lô nói: Chúa sẽ giải thoát dân Ngài khỏi mọi hình thức nô lệ. Đó là xác tín từ đức tin.

Sự xác tín ấy dựa vào ký ức. Ông Mô-sê đã từng nhấn mạnh: « phải ý tứ đừng quên ĐỨC CHÚA, Đấng đã đưa anh (em) ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. » (Đnl 6, 12), vì nếu chúng ta quên là chúng ta tuyệt vọng. Cũng nên nhớ lại lời ngôn sứ I-sa-i-a nói với vua A-khát: « Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững. » (Is 7, 9). Cứ mỗi thời đại của thử thách, của bóng tối, sự xác tín của vị ngôn sứ - phải biết rằng Chúa không bao giờ thất hứa – linh ứng cho ngài có một lời tiên tri vinh thắng. Một sự vinh thắng sẽ như: « ngày vinh thắng người Ma-đi-an » (x Tl ch7), chiến thắng của Ghít-ôn trên quân Ma-đi-an rất lừng danh: giữa đêm một nhóm người trang bị chỉ có đuốc sáng và kèn, và nhất là có đức tin vào Thiên Chúa - đã đánh bại quân Ma-đi-an.

Sứ điệp của ngôn sứ I-sa-i-a là: « đừng sợ Thiên Chúa không bao giờ bỏ vương triều Đa-vít ». Ngày nay chúng ta có thể hiểu: đừng sợ, hởi đoàn chiên bé nhỏ: chính trong đêm tối mới hãy tin vào ánh sáng. Dù có bóng tối mù mịt nào đi nữa bao phủ thế giới và sự sống con người – và sự sống của cộng đồng chúng ta – hãy khơi dậy lòng cậy trông. Chúa không bao giờ từ bỏ kế hoạch yêu thương cho nhân loại.

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 26, 1.4.13-14)

 

"Chúa là sự sáng và là Đấng cứu độ tôi"

 

1 Của vua Đa-vít
CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,
tôi còn sợ người nào?
CHÚA là thành luỹ bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa?

2 Khi ác nhân xông vào, định nuốt sống thân tôi,
ai ngờ chính đối phương, chính những thù địch ấy,
lại lảo đảo té nhào.

3 Dù cả một đạo quân vây đánh, lòng tôi chẳng sợ gì.
Dù có phải lâm vào chiến trận, tôi vẫn cứ cậy tin.

4 Một điều tôi kiếm tôi xin,
là luôn được ở trong đền CHÚA tôi
mọi ngày trong suốt cuộc đời,
để chiêm ngưỡng CHÚA tuyệt vời cao sang,
ngắm xem thánh điện huy hoàng.

13 Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy dân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống.

14 Hãy cậy trông vào CHÚA, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!
Hãy cậy trông vào CHÚA.

 

«CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi», câu này nói như một cá nhân phát biểu, nhưng không làm chúng ta lầm nữa. Cá nhân ở đây là một tập thể: toàn dân tộc Ít-ra-en, nói lên lòng tín thác bất khả chiến bại vào Thiên Chúa, trong mọi tình huống. Dù thời của ánh sáng, thời của bóng tối, trong tình huống vui, tình huống buồn, dân tộc này đã trải nghiệm tất cả! Và giữa những cuộc phiêu lưu ấy, họ vẫn giữ lòng cậy trông, đào sâu đức tin. Bài Thánh Vịnh này là một minh chứng tuyệt vời.

Nơi bài này, họ dùng hình ảnh để biểu tượng những biến cố bất ngờ của lịch sử dân tộc họ. Hẳn các bạn biết thể văn rất thường dùng trong các thánh vịnh, và được gọi là «lớp bọc». Bài ngụ ý nói đến những tình huống cá nhân rất rõ ràng (một bệnh nhân, một người vô tội bị kết án, một ông vua, một người Lê-vi… hơn nữa, nếu chúng ta đọc trọn bài thánh vịnh 26 này, chúng ta sẽ thấy có tất cả). Thế nhưng, những tình huống bề ngoài, có vẻ thuộc về một cá nhân này, trong thời điểm nào đó, là tình huống của cả dân tộc Ít-ra-en. Phải đọc: Ít-ra-en như một người bệnh được Chúa chữa lành, như người vô tội bị xử oan, như đứa trẻ bị bỏ rơi, như một ông vua bị địch vây hãm, chỉ có mình Chúa mà thôi, mới có thể minh oan hay giải thoát được… Khi đọc Cựu Ước, chúng ta không khó chi tìm lại tất cả những tình huống lịch sử chính xác ấy, được nêu lên trong bài Thánh Vịnh.

Trong lời phụng vụ hôm nay có hai hình ảnh. Đầu tiên, là một ông vua; có khi Ít-ra-en được ví như một ông vua bị địch quân vây hãm. Chúa của họ luôn luôn nâng đỡ: «CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? CHÚA là thành luỹ bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa?» (c.2-3) 2 Khi ác nhân xông vào, định nuốt sống thân tôi, ai ngờ chính đối phương, chính những thù địch ấy, lại lảo đảo té nhào. 3 Dù cả một đạo quân vây đánh, lòng tôi chẳng sợ gì. Dù có phải lâm vào chiến trận, tôi vẫn cứ cậy tin». Những ẩn ý nêu lên, không biết bao nhiêu các tình huống trong lịch sử It-ra-en: hoặc cuộc tấn công bất ngờ của quân A-ma-lếch trong sa mạc Si-nai thời ông Mô-sê, hoặc các vua xứ Sa-ma-ri và Đa-mát đe dọa làm ông vua A-khát đáng thương khiếp sợ, vào năm 735; hay là thành Giê-ru-sa-lem vào năm 701 bị vua At-sua là Xan-khê-ríp vây hãm - và không kể, tôi còn sót những tình huống khác nữa.

Trước những nguy cơ ấy, có thể có hai thái độ để hành xử. Thái độ thứ nhất, như vua Đa-vít, một người như mọi người, kẻ tội lỗi như mọi kẻ tội lỗi (câu truyện với nàng Bét-sa-bê rất nổi tiếng); nhưng cũng là một người có đức tin, luôn tin tưởng Chúa hiện diện bên mình trong mọi tình huống. Ông là một mẫu gương cho cả dân tộc; ngược lại, chúng ta đã gặp trong Mùa Vọng, một bài của ngôn sứ I-sa-ia về vua A-khát, vua này không có lòng tin thanh thản như thế. Về sự kiện này, tôi đã kể lại cho quý bạn một câu rất biểu cảm trong sách I-sa-i-a, để nói lên sự hoảng hốt của vị vua lúc Giê-ru-sa-lem bị vây hãm: «Bấy giờ lòng vua cũng như lòng dân đều rung động như cây rừng rung rinh trước gió.» (Is 7, 2); và lời khuyến cáo của ngôn sứ I-sa-i-a rất cứng rắn: «Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững.» (Is 7, 9) (Ngày nay chúng ta nói, nếu không vững tin sẽ chịu không thấu). Nhân dịp này xin lưu ý, tiên tri I-sa-i-a chơi chữ với từ Amen, vì theo tiếng Do Thái, Đứng vững đồng nghĩa với «tin, đứng vững trong đức tin»: điều này giúp chúng ta hiểu chữ Đức Tin trong Thánh Kinh.

Tôi xin trở lại hai thái độ đối kháng nhau, giữa hai vua Đa-vít và A-khát. Dân Ít-ra-en, dĩ nhiên đã trải qua hai lọai thái độ ấy, nhưng trong cầu nguyện, họ lấy lại sức trong đức tin vua Đa-vít. Hay là, đây là hình ảnh thứ hai, Ít-ra-en có thể được ví như người Lê-vi, một người phục vụ trong Đền Thánh, trọn đời sống trong khuôn viên Đền Giê-ru-sa-lem «4 Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền CHÚA tôi mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng CHÚA tuyệt vời cao sang, ngắm xem thánh điện huy hoàng».

Biết rằng, người Lê-vi suốt đời gắn bó với việc phục vụ đền Giê-ru-sa-lem, canh giữ ngày đêm, thì câu này ám chỉ rõ ràng vai trò của Ít-ra-en. Sau hình ảnh người Lê-vi, ta thấy rõ diễn ra dung nhan cả dân tộc. Cũng như chi tộc, Lê-vi là một trong mười hai chi tộc dành cho việc phục vụ nhà Chúa; cũng như thế, toàn dân Ít-ra-en được cống hiến cho Chúa, thuộc về Thiên Chúa giữa mọi dân tộc khác.

Sau cùng, trong đọan sau đây, không làm cho chúng ta nghĩ đến ông Gióp: «13 Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy dân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống.». Thật vậy, sách Gióp viết (G 19, 25-25): «25Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. 26 Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, (ngụ ý nói, dù tôi bị người ta lột da tôi ra) thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa». Ngay cả tác giả Thánh vịnh 26 (27), hay tác giả sách Gióp, thời ấy không ai có thể tưởng tượng có sự Phục sinh cá nhân. Cụm chữ «cõi đất dành cho kẻ sống», muốn chỉ định vùng đất này. Vì thế, có lẽ, họ càng xứng đáng hơn nữa: lòng cậy trông dân Ít-ra-en quá mãnh liệt, đến độ họ chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ can thiệp cho họ. Dĩ nhiên, các bài này, một khi khái niệm Phục Sinh được ra đời, càng có giá trị: «13 Tôi vững vàng tin tưởngsẽ được thấy dân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống» 

Còn câu sau cùng «14 Hãy cậy trông vào CHÚA, mạnh bạo lên, can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào CHÚA», hình như, hàm ý muốn nhắc đến lời Chúa nói với ông Giô-suê, lúc bắt đầu tiến về đất hứa, đất của những kẻ sống: «9 Mạnh bạo lên, can đảm lên! Đó chẳng phải là lệnh Ta đã truyền cho ngươi sao? Đừng run khiếp, đừng sợ hãi, vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, sẽ ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi tới» (Gs 1, 9) 

Giữa đọan đầu và đọan cuối, hẳn các bạn chú ý đến cách nói ở thì hiện tại, lại sang thì tương lai ở đoạn cuối, câu đầu: «CHÚA là nguồn ánh sáng»; đây là lời nói cũa đức tin, một lòng tin tưởng không ai bứng đi được; câu sau: «13 Tôi vững … sẽ được thấy», và sau cùng, là chữ «vững vàng tin tưởng». Lòng cậy trông là đức tin nói bằng thì tương lai. Vì thế, không thể ngờ  bài Thánh Vịnh này được hát trong lễ an táng: những ngày tang, là những ngày ta cần nhất tìm về cội nguồn, dìm mình vào đức tin và lòng cậy trông của cha ông chúng ta.

***

 

BÀI ĐỌC 2 (1Cr 1, 10-13.17)

 

"Tất cả anh em hãy đồng tâm hợp ý với nhau, và giữa anh em, đừng có chia rẽ"

Trích thư thứ nhất Thánh Phao-lô gửi tín hữu thành Cô-rin-tô.

 

10 Thưa anh em, nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau.

11 Thật vậy, thưa anh em, người nhà của bà Khơ-lô-e cho tôi hay tin có chuyện bè phái giữa anh em.

12 Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: "Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về ông A-pô-lô, tôi thuộc về ông Kê-pha, tôi thuộc về Đức Ki-tô."

13 Thế ra Đức Ki-tô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phao-lô sao?

17 Quả vậy, Đức Ki-tô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Ki-tô khỏi trở nên vô hiệu.

 

Tuần vừa qua, chúng ta đã thấy; nhờ vị trí của nó, thành Cô-rin-tô là nơi người qua lại thật nhiều so với các hải cảng khác của Địa Trung Hải. Cũng vì lẽ ấy, tất cả những nguồn tư tưởng của thế giới chung quanh Địa trung Hải đều có tiếng vang tại Cô-rin-tô. Không lạ gì, có những du khách từ những nước khác nhau, đến làm chứng cho đức tin Ki-tô của họ, mỗi người một cách. Lòng phấn chấn của những tân tòng, khiến họ so sánh những sứ điệp đến từ những người rao giảng khác nhau. Và hình như, theo những gì được đọc sau đây, người dân thành Cô-rin-tô rất (quá) quan tâm đến những lời lẽ văn hoa…

Từ đó, nhiều bè phài được thành lập, có những tranh luận, ngay cả những trận cãi nhau xảy ra thường xuyên. Các bạn hẳn biết, các đề tài tôn giáo thường làm cho chúng ta ít khoan dung nhất! Thánh Phao-lô kể ra bốn phe. Trước hết, những Ki-tô hữu cho mình thuộc về ngài; kế đến, các môn đệ của A-pô-lô, chúng ta được biết qua sách Công Vụ Tông Đồ (chương18). Đây là một người Do-Thái quê thành A-lêch-xan-ri-a (Xứ Ai-cập), hẳn đây là một người trí thức. Có người nói ông là nhà thông thái, chuyên về Thánh Kinh; từ đâu ông có đức tin Ki-tô? Theo vài tài liệu Thánh Kinh, hình như từ Ai-cập, quê quán của ông; điều này minh chứng rằng, Ki-tô giáo  rất sớm được rao giảng tận Ai-cập. Trong rất nhiều tài liệu Thánh Kinh, không có tài liệu nào nói rõ điều ấy. Dù sao đi nữa, ông cũng là một Ki-tô hữu nhiệt thành, mặc dù huấn giáo của ông chưa hoàn toàn đầy đủ. Đây là câu từ sách Đệ Nhị Luật: «ông là người có tài hùng biện và thông thạo Kinh Thánh.25 Ông đã được học Đạo Chúa; với tâm hồn nồng nhiệt, ông thường lên tiếng giảng dạy, chính xác những điều liên quan đến Đức Giê-su, tuy rằng ông chỉ biết có phép rửa của ông Gio-an.» (Cv 18, 24-25) Thì đây, ông đến Ê-phê-sô và trình diện tại nhà nguyện Do-Thái (Thời đó các Ki-tô hữu chưa bị đuổi khỏi các nhà nguyện). Nơi đây, ông cũng làm như Thánh Phao-lô thường làm, tức là loan báo Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a mà mọi người trông đợi. Hai thính giả trong nhà nguyện nhìn nhận tài hùng biện của ông, nhưng thấy cần phải thêm vào hành trang Thần học của ông: «Sau khi nghe ông nói, bà Pơ-rít-ki-la và ông A-qui-la mời ông về nhà trình bày Đạo của Thiên Chúa cho ông chính xác hơn.» (Cv 18, 26)

Sau đó, A-pô-lô quyết định đến thành Co-rin-tô; nhờ được anh em ở Ê-phê-sô giới thiệu, ông được đón tiếp niềm nở và  thành công nhanh chóng, «vì ông mạnh mẽ và công khai bẻ lại người Do-thái, dẫn Kinh Thánh mà minh chứng rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô.» (Cv 18, 28)

Thật rõ ràng, nếu theo Thánh Lu-ca, trong đoạn này của sách Công Vụ Tông Đồ,  A-pô-lô là một Ki-tô hữu thánh thiện và có tài hùng biện. Ông gây hào hứng cho đám đông; vai trò của ông ông cũng rất đáng quý, mỗi lần có tranh luận giữa người Do Thái và Ki-tô hữu. Chắc chắn, ông có tài hùng biện hơn Thánh Phao-lô, chính ngài cũng đã nhìn nhận không khéo bằng: «Đức Ki-tô… sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo» (c.17). Điều ngài gọi lả lời lẽ khôn khéo là nghệ thuật hùng biện, mãnh lực của biện luận. Đối với Thánh Phao-lô, rao giảng Tin mừng không phải bằng những bài giảng hay bằng những luận chứng: «Đức Ki-tô đã chẳng sai tôi đi… rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Ki-tô khỏi trở nên vô hiệu.». Có nghĩa là, để rao giảng Phúc Âm Tình Yêu, không cần giỏi ăn nói, có nhiều biện chứng, hay tìm cách thuyết phục… Trong chữ thuyết phục, nghĩ cho cùng, trong ấy có chữ phục, phần nào có nghĩa là, người ấy bị thắng cuộc; thế nhưng, hình thức bài giảng phải đi đôi với  nội dung của sứ điệp, không thể loan báo một Thiên Chúa dịu hiền trong lúc dùng mãnh lực, dù đó chỉ trong lời nói! Thỉnh thoảng chúng ta cũng quên điều ấy…

Phần sau của thư, chứng minh A-pô-lô không cố tình làm gì để để thu hút những người ngưỡng mộ mình; ông chỉ ở lại một ít lâu tại Cô-rin-tô, sau đó ông theo Thánh Phao-lô đi đến Ê-phê-sô. Chính Thánh Phao-lô cố thúc ông quay về Cô-rin-tô, nhưng ông từ chối, có lẽ, để không làm trầm trọng hơn sự căng thẳng trong cộng đồng Ki-tô.

Tại Cô-rin-tô, có một phe thứ ba theo Thánh Phê-rô; không rõ, ngài có đến đó hay không, nhưng hình như, những thành viên thân cận với thánh nhân đã qua đó… Sau cùng, có nhóm cho mình theo «phe Đấng Ki-tô», không hiểu điều này có ý nghĩa gì.

Dù sao đi nữa, Thánh Phao-lô, mặc dù đã rời Cô-rin-tô nhưng vẫn tiếp tục nhận được tin tức, nhờ những người buôn bán đi lại thường xuyên giữa Cô-rin-tô và Ê-phê-sô. Đặc biệt những nhân viên của một bà tên Khơ-lô-e, thường nói đến những cuộc tranh cãi, chia rẽ trong cộng đồng; vì thế Thánh Phao-lô quyết định viết thư. Ngài không cho một bài học luân lý: trước mắt ngài, điều này trầm trọng hơn nhiều. Đối với Thánh nhân,  điều này liên quan đến bí tích rửa tội của chúng ta, và biện chứng đơn sơ của ngài có thể làm cho chúng ta ngạc nhiên. Nhưng đây là một điều Chúa quan phòng cho các Ki-tô hữu trong tuần nghe, để từ đó rút ra bài học, lúc mọi tín hữu cầu nguyện cho sự hiệp nhất của mình.

Đối với Thánh Phao-lô, thật giản dị: một khi được rửa tội, tức là kết hiệp với Chúa Ki-tô, thì không thể nào chia rẽ giữa chúng ta! Tất cả Ki-tô hữu, như tên gọi của họ, mọi người đều được rửa tội «nhân danh» Chúa Ki-tô, tức là tên Chúa Ki-tô được tuyên xưng trên họ. Họ thuộc về Ngài; không ai có thể nói tôi được rửa tôị, nhân danh ông này ông nọ, Phao-lô hay A-pô-lô hay Phê-rô; tất cả đều được rửa tội, nhân danh Chúa Ki-tô, như Công Đồng Va-ti-ca-nô nói: «Khi linh mục làm phép rửa tội là chính Chúa Giê-su rửa tội»… Trong một cuộc ghép cây, ghép thành công hay không là quan trọng, không kể từ người làm vườn nào.

***

 

BÀI PHÚC ÂM (Mt 4, 12-23)

 

Alleluia, alleluia

 Chúa Giê-su rao giảng Tin Mừng nước Trời, 
và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân
- Alleluia!

-----------------

"Người vào Ca-phác-na-um để ứng nghiệm lời tiên tri i-sa-i-a đã tiên báo"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu

 

12 Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê.

13 Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li,

14 để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói:

15 Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại!

16 Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

17 Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần."

18 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá.

19 Người bảo các ông: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá."

20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.  

21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông.

22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

23 Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

 

Chúng ta đang ở trong chương 4 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu; hẳn các bạn còn nhớ ba chương đầu: trước hết,  một gia phả dài, đặt Chúa Giê-su vào lịch sử dân Ngài, và đặc biệt vào dòng dõi vua Đa-vít; kế đến, việc Thiên Thần Chúa loan báo cho Thánh Cả Giu-se, bằng lời tiên tri I-sa-i-a: «Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en.» (Is 7, 14), và Phúc Âm còn nói rõ: «Sự việc đó xảy ra như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ» (Mt 21, 4), dường như để nói cho chúng ta: «Rốt cuộc các lời hứa được thực hiện, cuối cùng Đấng Mê-si-a mọi người mong đợi đứng trước mặt ta đây.»

Tất cả những đoạn sau, mỗi đọan một cách, đều nói lên sứ điệp, sự kiện Lời Chúa được hoàn tất: cuộc viếng thăm các vị chiêm tinh, sự kiện phải lẩn trốn qua Ai-cập, trẻ thơ bị giết hại ở Bê-lem; từ Ai-cập trở về,  gia đình Thánh Giu-se, Đức Mẹ và Chúa Giê-su Hài Đồng về cư ngụ tại Na-da-rét vùng Ga-li-lê… việc rao giảng của ông Gio-an Tẩy Giả, Chúa Giê-su chịu phép rửa, và sau cùng Chúa Giê-su chịu cám dỗ. Tất cả những tường thuật ấy đều được trích dẫn bằng vô số Lời Chúa và những ngụ ý từ Thánh Kinh.

Bây giờ chúng ta sẵn sàng nghe bài hôm nay; bài này cũng có đầy dảy những ngụ ý, và ngay từ đầu, Thánh Mát-thêu trích sách tiên tri I-sa-i-a, để xác định rõ ràng tầm quan trọng việc Chúa Giê-su dời qua Ca-phác-na-um.

Thành phố Ca-phác-na-um thuộc về Ga-li-lê, trên bờ Biển Hồ, ai cũng biết. Thế tại sao Thánh Mát-thêu thấy cần phải nói rõ, thành này thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li? Hai  địa danh này thuộc về hai chi tộc của quá khứ xa xưa, ít ai nói tới hai tên này! Thế tại sao lại nói đến hai tên Dơ-vu-lun và Náp-ta-li?  Khi ta đọc về cách chia lãnh thổ của các chi tộc trong sách Giô-suê, chúng ta thấy rõ việc chia đất ở Pa-lét-tin giữa các chi tộc, có nguyên tắc là phân chia lãnh thổ rõ ràng từng chi tộc: một thành phố không thể thuộc về một lúc hai chi tộc. Điều này minh chứng rằng, điều Thánh Mát-thêu quan tâm không phải về địa lý; ngài muốn chúng ta khám phá điều gì đó quan trọng hơn: vâng, cuối cùng, ánh sáng chiếu rọi xuống Ít-ra-en và toàn nhân loại. Xứ Ga-li-lê, điểm gặp của nhiều con đường từ muôn dân, người ta thường nói là cửa mở ra cho thế giới: từ đây ơn cứu độ Thiên Chúa, từ Đấng Mê-si-a chiếu rọi xuống cho muôn dân.

Đồng thời trong chỉ vài chữ, Thánh Mát-thêu đã loan báo diễn biến những sự kiện sẽ xảy ra sau này. Việc Thánh Mát-thêu kể Chúa, bắt đầu về Ga-li-lê, sau khi ông Gio-an Tẩy Giả bị bắt, thánh sử muốn nói cho chúng ta hai điều. Thứ nhất, cả đời Chúa Giê-su bị đánh dấu bằng sự bách hại… Nhưng điều thứ hai là Chúa vinh thắng trên sự dữ: sở dĩ Chúa Giê-su trốn bách hại thật đấy, nhưng làm như thế, Ngài đem Tin Mừng đi xa hơn. Từ sự dữ, Chúa làm nảy sinh điều lành… Phần cuối, Tin Mừng sẽ mặc khải cho chúng ta, từ đau khổ và sự chết, Chúa làm nảy sinh Sự Sống.

Giờ đây, Chúa đang ở Ca-phác-na-um, và Thánh Mát-thêu dùng một công thức có vẻ tầm thường: «Từ lúc đó». Thế nhưng, ngài chỉ dùng một lần nữa ở chương 16: không phải ngẫu nhiên, cả hai lần đều nói lên khúc quanh quan trọng. Ở đây, trong bài này: «Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần»; còn ở chương 16 là: «Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại» (Mt 16, 21)

Thật vậy, giai đoạn ngày hôm nay, thuật lại cho chúng ta phần đầu cuộc đời công khai của Chúa, chúng ta đang chứng kiến một khúc quanh quan trọng; với sự ẩn lánh đi của Gio-an Tẩy Giả, và bước đầu cuộc rao giảng của Chúa Giê-su, nhân loại bước qua một giai đọan quyết định: từ thời của lời hứa, chúng ta bước qua thời lời hứa ấy được chu toàn. Nước Trời đây rồi, giữa chúng ta không phải bằng lời mà bằng hành động. Đoạn cuối của bài là cả một chương trình: «Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân».   

Lời tiên tri I-sa-i-a (Bài đọc 1) được thể hiện hoàn toàn, và Thánh Mát-thêu nhấn mạnh rõ ràng. Chúa Giê-su loan báo: «Nước Trời đã đến gần». Liền sau đó, Ngài loan báo: để rao giảng Tin Mừng, Ngài trông cậy vào những chứng nhân, những người Ngài chọn như những cộng tác viên. Cách hành xử của Chúa rất có ý nghĩa, Chúa Giê-su không lao vào chu toàn sứ vụ đơn thân độc mã: Ngài ban cho những người bình thường, vinh dự cộng tác với Ngài; Chúa chọn những cộng tác viên làm nghề đánh cá, Ngài ban cho danh hiệu «những kẻ lưới người như lưới cá.»: nếu lưới kéo cá ra khỏi môi trường tự nhiên, cá sẽ chết, còn kéo người từ biển lên,  tránh cho họ chết chìm, là cứu họ. Chúa kết hợp các tông đồ vào sứ vụ Cứu Độ của Ngài.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com