Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật 04 Mùa Thường niên Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (Xp 2,3;12-13)

 

"Ta sẽ để sống sót lại giữa ngươi, một dân tộc khiêm tốn và nghèo hèn".

Trích sách Tiên tri Xôphônia.

 

3Hỡi tất cả những ai nghèo hèn trong xứ sở,
những kẻ thi hành mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA,
anh em hãy tìm kiếm Người;
hãy tìm sự công chính, hãy tìm đức khiêm nhường
thì may ra anh em sẽ được che chở
trong ngày thịnh nộ của ĐỨC CHÚA.

12 Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ;
chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh ĐỨC CHÚA.

13 Số dân Ít-ra-en còn sót lại
sẽ không làm chuyện tàn ác bất công,
cũng không ăn gian nói dối
và miệng lưỡi chúng sẽ không còn phỉnh gạt.
Nhưng chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi
mà không còn bị ai làm cho khiếp sợ.

Sách Xô-phô-nia chỉ có 3 chương nhỏ vỏn vẹn trong năm trang là một quyển nhiều tương phản nhất trong Cựu Ước. Chúng ta đang trong thế kỷ thứ nhất sau Chúa Giêsu Kitô, trong vương quốc Giu-đa, tức là vương quốc Miền Nam. Vị vua trẻ Gio-sa vừa mới lên ngôi lúc được 8 tuổi, sau khi vua cha bị ám sát. Giê-ru-sa-lem đang sống một thời kỳ đầy biến loạn, Tiên Tri Xô-phô-nia phải rất khó khăn để nhắc lại vừa chính quyền vừa giáo quyền phải giữ đúng bổn phận của mình.

Hẳn các bạn còn nhớ thời ấy vương quốc Át-sua, kinh đô là Ni-ni-vê đang phát triển mạnh, các vua đành công nhận Át-sua làm bảo hộ. Điều này làm cho các tiên tri rất lo lắng. Tại sao ? Bởi vì các ngài nghĩ rằng sự độc lập về chính trị là điều thiết yếu để Ít-ra-en  giữ được đạo của mình và chu toàn sứ vụ của dân tộc được Chúa chọn. Trước hết, trong trường hợp quân đô hộ có thể áp đặt luật cấm giữ đạo Do Thái ( như trường hợp  vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê khoảng năm 165 trước CN). Thời Xo-phô-nia chưa đến nỗi như thế, nhưng chấp nhận sự bảo hộ của Át-sua tức là chấp nhận sự có mặt của những đại diện ngoại bang ; chấp nhận thấy trong nước cách sống và tư duy của dân ngoại ; du nhập vào Ít-ra-en cách ăn mặc, theo thời trang, luật lệ ngoại bang và- điều tệ hại nhất- cách giữ đạo của phe chiến thắng. Tiên tri Xô-phô-nia lo lắng khi thấy các tập quán Át-sua dần dần ảnh hưởng đến dân thành thánh. Ví dụ như các câu trước bài đọc chúng ta : ngài nói « Trong ngày dâng hy lễ của ĐỨC CHÚA, Ta sẽ trừng phạt các thủ lãnh, các hoàng tử » (Xp 1,8). Nhìn thoáng qua chúng ta không thấy đâu là quan trọng, nhưng đó là cách chúng ta suy nghĩ thời nay, chấp nhận cách ăn mặc đa dạng, trong lúc vào thời ấy cách ăn mặc rất quan trọng. Chấp nhận ăn mặc của người nước ngoài là chấp nhận muốn giống họ. Chấp nhận thời trang của dân ngoại là có nguy cơ mất dân tộc tính, dần dần cũng muốn sống theo cách họ sống, họ suy nghĩ và theo chúa họ phụng thờ.

Chính vì muốn tránh nguy cơ thờ phượng bụt thần  thường xuyên đe dọa, mà các tiên tri quan tâm đến sự tự do chính trị của dân Chúa chọn. Nói thì dễ quá mà, các bạn có thể nghĩ như thế. Tuy nhiên một dân tộc nhỏ làm sao tránh bị đô hộ bởi những dân tộc lớn ? Thà rằng như thế còn hơn mất luôn cả sứ sở ? Câu trả lời của các tiên tri là « hãy đặt đức tin vào Thiên Chúa và chỉ nơi Ngài mà thôi » : Chúa đã giải thoát khỏi Ai-cập chẳng lẽ bây giờ Ngài lại để cho chết sao ? « Các người đã kết giao ước với Chúa, hãy giữ giao ước đó, đừng tìm chi giao ước khác. ». Nhưng thay vì đặt lòng tin nơi Chúa, Đấng đã giải thoát khỏi Ai cập, nhiều vua tính toán chính trị, tìm liên minh với kẻ mạnh, làm như thế thì trước sau gì cũng bị đô hộ bởi các dân tộc ngọai, thờ phượng bụt thần.

Đây chính xác là tình huống của tiên tri Xô-phô-nia lúc bấy giờ. Người ta tìm được ngày nay các giao kèo thương mại của dân Do Thái được viết bằng chữ Át-sua và theo luật Át-sua. Còn tệ hại hơn nữa, các tư tế tôn thờ đạo khác thay vì đạo Ít-ra-en ngay trong thành Giê-ru-sa-lem. Một phần lớn sách Xô-phô-nia là những lời đe dọa «  4 Ta sẽ dang tay đánh phạt Giu-đa và toàn thể dân cư Giê-ru-sa-lem. Ta sẽ tận diệt khỏi nơi này số còn sót lại của Ba-an, và xoá bỏ tên của hàng tư tế bất hợp pháp »(Xp1,4) Đó là ngày Thiên Chúa nổi giận, bài bất hủ « Dies irae » mà chúng ta thường nghe trong những bài hợp xướng trong Lễ Cầu Hồn danh tiếng.

Thế nhưng song song với những lời đe dọa này, sách Xô-phô-nia cũng mang lại một sứ điệp an ủi, cho những người khiêm nhường. Chúng ta nhận ra nơi đây hai phương diện của cách  rao giảng của các tiên tri, răn đe kẻ ngạo mạn, kiêu căng và an ủi những kẻ bé nhỏ khiêm nhường.

Những người này không có gì phải sợ Chúa nổi giận « 3 Hỡi tất cả những ai nghèo hèn trong xứ sở, những kẻ thi hành mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, anh em hãy tìm kiếm Người; hãy tìm sự công chính, hãy tìm đức khiêm nhường thì may ra anh em sẽ được che chở trong ngày thịnh nộ của ĐỨC CHÚA. » ( Xp 2,3). Ngày giận dữ chính là ngày Chúa phục hưng sự « tạo dựng », ngày tuyệt vời cho những ai vững lòng tin nơi Thiên Chúa : sự dữ dưới mọi hình thức sẽ bị tiêu diệt. Xin đừng quên trong Thánh Kinh, sự trả thù Thiên Chúa là chống lại sự dữ, điều kéo con cái Ngài xuống vực thẳm. Chúa không bao giờ đứng về phía  hạ nhục con cái Ngài. Trái lại Ngài luôn bênh vực kẻ nghèo hèn, khiêm nhu, những kẻ dân Do Thái gọi là « anawim » ( dịch theo nghĩa đen là những kẻ đi phải cúi đầu khom lưng). Những người này nay có thể đi thẳng lưng, lấy lại can đảm : chính Thiên Chúa đứng về phe họ.

Chúng ta đứng trước một loại xét xử. Chúa không trừng phạt những kẻ công chính cũng như những kẻ có tội. Nơi đây chúng ta đã quen đọc Thánh Kinh, nhân loại không chia ra làm hai, một bên là kẻ công chính, kẻ tốt, những kẻ khiêm nhường… bên kia là những kẻ có tội, những kẻ hống hách,  kiêu ngạo. Mỗi chúng ta đều có cả hai. Tôi có thể nói :  Chúa sẽ làm «  vệ sinh » trong mỗi chúng ta.

Đề tài phán xét được kết hợp với một đề tài khác, đó là «  kẻ sót lại Ít-ra-en ». Trong Thánh Kinh trong thế kỷ trước, nơi các tiên tri I-sa-i-a, A-mốt, Mi-kha, đây là một sự phát triển mới của đức tin, sự trung thành nơi Thiên Chúa :  Trước hết, Chúa đã chọn Ít-ra-en như một công cụ ưu tiên cho kế hoạch cả nhân loại và kế đến, Chúa luôn trung tín, dù gì đi nữa Chúa cũng giải thoát những kẻ « sót lại Ít-ra-en ».

Tiên tri Xô-phô-nia lặp lại đề tài này : khi mọi sự dữ bị loại trừ khỏi Giê-ru-sa-lem, Chúa chỉ giữ lại một phần nhỏ, những kẻ còn trung thành « 12 Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh ĐỨC CHÚA  13 Số dân Ít-ra-en còn sót lại sẽ không làm chuyện tàn ác bất công, cũng không ăn gian nói dối và miệng lưỡi chúng sẽ không còn phỉnh gạt. Nhưng chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi mà không còn bị ai làm cho khiếp sợ.(3,12-13)

« Một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh ĐỨC CHÚA ». Đây là định nghĩa trong Thánh Kinh: những kẻ khiêm nhu, những kẻ đi phải cúi đầu khom lưng, những kẻ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa (trái lại với các vua mà tôi nói khi nãy) …

Số dân Ít-ra-en còn sót lại gồm có những kẻ trung tín, khiêm nhu, nghèo hèn từ nay mang sứ mạng nặng nề của dân được Chúa chọn: mặc khải cho nhân loại dự án vĩ đại của Thiên Chúa. Trong mọi thời chỉ có một nhóm nhỏ tín hữu được gửi đi khắp thế gian như men trong bột.

***

 

THÁNH VỊNH (Tv145, 7-10)

 

"Lạy Chúa, xin đến cứu độ chúng con."

 

7 xử công minh cho người bị áp bức,
ban lương thực cho kẻ đói ăn.
CHÚA giải phóng những ai tù tội,

8 CHÚA mở mắt cho kẻ mù loà.
CHÚA cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên,
CHÚA yêu chuộng những người công chính.

9 CHÚA phù trợ những khách ngoại kiều,
Người nâng đỡ cô nhi quả phụ,
nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân.

10 CHÚA nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở,
Xi-on hỡi, Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn đời.

 

Bài Thánh vịnh hôm nay gồm mười câu nhưng chúng ta chỉ đọc bốn câu nên không có hai chữ Alleluia đầu và cuối bài. Một bài được đóng khung bằng hai chữ Alleluia - có nghĩa là ngợi khen Thiên Chúa - đây tức là một bài thánh vịnh ngợi khen và tạ ơn. Bài này được sáng tác lúc trở về từ nơi lưu đày Ba-by-lon, có thể là để dâng hiến cho Đền thờ Giê-ru-sa-lem vừa được trùng tu.

Đền thờ bị phá huỷ năm 587 trước CN do quân của vua Ba-by-lon, Na-bu-cô-đô-nô-so. Năm mươi năm sau (538 trước CN), sau khi vua Ba-tư là Ky-rô, thắng Ba-by-lon cho dân Do Thái lưu đày ở Ba-by-lon trở về xứ và xây lại Đền thờ. Chúng ta cũng biết điều này không dễ dàng gì, nhiều sự chia rẻ trầm trọng xảy ra, giữa những người mới về đầy nhiệt huyết và những kẻ đã ở lại và sinh sống lập nghiệp ở đấy. Dù sao, phải nhờ nhiều nỗ lực và kiên trì của các ngôn sứ Khác-gai và Da-ca-ri-a các công trình xây dựng mới có thể hoàn tất: tất cả trải dài từ năm 520 đến năm 515, dưới triều đại của Đa-ri-ô. Ngôi Đền mới xây lại, được dâng hiến trong hoan lạc và sốt sắng. Sách Ét-ra kể lại: « 16 Con cái Ít-ra-en, các tư tế, các thầy Lê-vi và những người lưu đày trở về, hân hoan cử hành lễ khánh thành Nhà Thiên Chúa » (Er 6, 16).

Bài Thánh vịnh này đượm đầy niềm vui ngày trở về. Một lần nữa Thiên Chúa chứng minh lòng trung tín với Giao Ước của Ngài. Như trong quá khứ, thời Xuất Hành, cuộc thoát khỏi Ai-cập, và lần này rời khỏi Ba-by-lon, Chúa nâng cao dân Ngài lên, Chúa đã báo thù, theo nghĩa của ngôn sứ I-sa-i-a. Khi Ít-ra-en đọc lại lịch sử mình họ có thể minh chứng rằng Thiên Chúa luôn luôn đồng hành suốt đoạn đường dài đấu tranh dành tự do của họ: « 7 xử công minh cho người bị áp bức,… CHÚA giải phóng những ai tù tội ». Lúc đi trong sa mạc, thời Xuất Hành, Chúa gửi Ma-na và chim cút từ trời xuống làm thức ăn: « ban lương thực cho kẻ đói ăn ». Và cứ như thế dần dần họ được mặc khải một Thiên Chúa triệt để giải phóng những người mất tự do, chữa lành những người mù lòa, nâng cao những kẻ bé mọn bất cứ lãnh vực nào.

Đây không phải một tư tưởng bỗng nhiên được chấp nhận về Đấng Tạo Dựng vũ trụ, phải cả một sự mặc khải của Thánh Kinh để mọi người nhận ra dung nhan kỳ lạ ấy của Thiên Chúa. Đây là vinh dự và niềm tự hào dân tộc Ít-ra-en được mặc khải cho nhân loại một Thiên Chúa tình yêu và giàu lòng thương xót. Lòng thương xót có nghĩa là ruột gan rung động trước khổ đau. Các bạn hẳn còn nhớ câu tuyệt vời trong sách Huấn ca chúa nhật thứ XXX vừa qua: « 15Nước mắt quả phụ lại không giàn giụa trên gò má (của Chúa) » (Hc 35, 15). Bài Thánh vịnh chúng ta hôm nay không nói gì khác hơn: « Người nâng đỡ cô nhi quả phụ ». Để đáp lại, dân chúng được mời gọi bắt chước Thiên Chúa, ăn ở với lòng từ bi thương xót những kẻ bị áp bức bất cứ từ đâu đến. Các bạn hẳn biết, để chắc chắn dân chúng dần dần tôn trọng lòng thương xót của Chúa, Lề Luật Ít-ra-en có nhiều điều khoảng bảo vệ cô nhi quả phụ và người ngoại kiều. Còn các ngôn sứ, các ngài đánh giá lòng trung tín Ít-ra-en với Giao Ước qua các tiêu chuẩn ấy.

Dần dần đọc bài hôm nay với một mức độ khác, chúng ta thấy rằng dân tộc này một khi sống trong Giao Ước với Thiên Chúa họ khám phá rằng Chúa hoán cải họ từ nội tâm: « ban lương thực cho kẻ đói ăn », cơm bánh ăn vật chất, vâng… nhưng trong lòng mỗi chúng ta có cơn đói sâu xa hơn. Cho những kẻ đói ấy Chúa ban Bánh hằng sống là Lời Ngài… « 8 CHÚA mở mắt cho kẻ mù loà ». Có những loại mù loà phương diện khác, trầm trọng hơn, và vĩnh viễn. Đối với những mù lòa này Chúa cũng mở mắt họ « CHÚA giải phóng những ai tù tội », có những xiềng xích khác với nhà tù, loại xiềng hận thù, kiêu căng, ganh tị… và người tín hữu có thể minh chứng rằng Chúa giải thoát dần dần khỏi trái tim bằng đá của họ.

Bây giờ chúng ta hiểu vì sao bài Thánh Vịnh được đóng khung bằng hai chữ Alleluia trước và cuối bài. Chúng ta còn nhớ ý nghĩ của truyền thống Do Thái gắn bó với chữ Alleluia này: « Thiên Chúa đã đem chúng ta từ kiếp lưu đày về với tự do, từ u buồn đến niềm vui, từ tang tóc đến hoan lạc, từ bóng tối đến ánh sáng chiếu lòa, từ nô lệ đến cứu độ. Vì thế hãy hát lên Alleluia »

Dĩ nhiên những Ki-tô hữu hát bài thánh vịnh này nghĩ đến Chúa Giê-su Ki-tô: chẳng những Ngài nuôi dưỡng người đương thời với Ngài bằng bánh; nhưng từ nay Ngài ban cho mỗi thế hệ được nhận phép Rửa tội bánh là Thánh Thể Ngài. Chính Chúa cũng đã khẳng định: « Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống » (Ga 8, 12). Cuối cùng, nơi Ngài nhân loại có thể tiếp nhận hoàn toàn tự do và sự sống: sự phục sinh của Ngài là bằng chứng rằng sự chết thể xác không thể xiềng xích những tín hũu đã nhận phép Rửa Tội: « CHÚA giải phóng những ai tù tội ».

Điều lưu ý cuối cùng về bài thánh vịnh này: Thánh Kinh quả quyết rằng chúng ta được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Có lúc chúng ta tự hỏi giống ở chỗ nào! Chúng ta tìm thấy nơi đây một lời đáp và một điều khích lệ: lời đáp, đó là mỗi khi chúng ta can thiệp cho một người không may mắn, bất cứ vì lý do gì - mù loà, câm hay điếc, tù tội hay người tha hương - lúc ấy chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa.  Điều khích lệ là: mỗi lần chúng ta làm một việc gì cho người bé mọn hơn ta, lúc ấy ta thôi thúc để ngày của Triều Đại Thiên Chúa đến gần hơn… Một ngày nọ có một tham dự viên lớp giáo lý lần đầu khám phá phép lạ Chúa hóa ra nhiều bánh hỏi giáo lý viên: tại sao ngày nay Chúa không làm cho bao nhiêu người đói trên thế giới ? sau vài phút thịnh lặng người ấy bặp bẹ trả lời: « Có lẽ Chúa chờ chúng ta để làm ».

***

 

BÀI ĐỌC 2 (1Cr1, 26-31)

"Thiên Chúa đã chọn những điều hèn hạ đối với thế gian".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

 

26 Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái.

27 Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh;

28 những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có,

29 hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người.

30 Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em,

31 hợp như lời đã chép rằng: Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa

Đọc bài này chúng ta có cảm tưởng nghe lại bài dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế. Thật trái đời! Những kẻ người đời cho là «người tốt», là hiền nhân, thì Thánh Phaolô xem những kẻ này không ra gì.

Đọc bài này tôi có bốn điều lưu ý: thứ nhất không nên xem thường sự khôn ngoan; thứ hai phải biết phân biệt sự khôn ngoan nào; thứ ba, sự khôn ngoan đích thực là sự khôn ngoan của Chúa; thứ tư nên xem sự khôn ngoan Thiên Chúa thường trái ngược với sự khôn ngoan thế gian.

Thứ nhất dĩ nhiên không nên khinh khi sự khôn ngoan. Từ khi vua Sa-lô-môn, đó là nhân đức mà ta xin nơi Chúa khi cầu nguyện, ngôn sứ I-sa-i-a xem đó là hồng ân từ Chúa Thánh Thần. Khi ngài mặc khải về đấng Mê-si-a, ngài nói: «Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này:
« thần khí khôn ngoan và minh mẫn» (Is11, 2a)

Thật vậy, và đây là điểm thứ hai, có nhiều loại khôn ngoan, sự khôn ngoan này và sự khôn ngoan khác. Thánh Phaolô dùng chung cùng một chữ «sophia» cho hai thứ khôn ngoan nhưng ngài phân biệt rõ ràng sự khôn ngoan Thiên Chúa và sự khôn ngoan thế gian. Điều gì có vẻ tốt dưới mắt thế gian lại là rất xa với kế hoạch Thiên Chúa, và ngược lại, những gì là khôn ngoan đối với Thiên Chúa lại là vô lý đối với loài người. Nhưng nghĩ cho cùng, điều này tất nhiên thôi, vì sự khôn ngoan của chúng ta dựa vào lô-gíc của lý luận còn sự khôn ngoan của Thiên Chúa hệ tại lô-gíc của tình yêu. Chúng ta đều biết rằng tình yêu khác mọi lý luận «Con tim có những lý lẽ mà lý trí không hiểu được». Tình yêu Thiên Chúa điên rồ không thể nào giải thích được bằng lý trí chúng ta vốn hẹp hòi. Vì thế cuộc đời và cuộc tử nạn của Chúa Kitô có vẻ lạ lùng, thậm chí quá đáng với chúng ta.

Đến đây chúng ta nhìn ra tư tưởng của Tiên Tri I-sa-i-a «8 Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta» ( Is55, 8) Hố sâu giữa hai đường lối cách nhau đến nổi làm cho Chúa Giê-su trách Thánh Phêrô là Sa-tan khi người tông đồ có những ý nghĩ quá thế gian. «Sa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.» (Mt16, 23). Sự cách biệt giữa Thiên Chúa và chúng ta là một đề tài quan trọng trong suốt Thánh Kinh: Thiên Chúa là Đấng khác biệt. Đối với Ngài dường như những cách đo lường các giá trị của chúng ta bị đảo ngược: những gì chúng ta xem là sức mạnh, sự giàu có, khôn ngoan đều không ra gì dưới mắt Thiên Chúa.

Điểm thứ ba, sự khôn ngoan thật sự, khôn ngoan của Thiên Chúa chỉ là hồng ân Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng khác biệt, chúng ta không tự mình với tới Ngài được, hoặc tự mình hiểu được Ngài. Tất cả những gì chúng ta hiểu về Ngài, nói về Ngài chính nhờ Ngài mặc khải cho chúng ta, tự mình chúng ta không thể. Chính Chúa mặc khải huyền nhiệm về Ngài như Thánh Phao-lô nói trong thư cho dân thành Êphêsô. Thật vậy, ngay trong đầu thư gửi cho dân thành Cô-rin-tô, thánh nhân viết: «4 Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Ki-tô Giê-su.5 Quả vậy, trong Đức Ki-tô Giê-su, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người.6 Thật thế, lời chứng về Đức Ki-tô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em,7 khiến anh em không thiếu một ân huệ nào» (1Cr1, 4).  

Các bạn hẳn để ý chữ «ân huệ»… Chúng ta thấy rằng đối với Thánh Phaolô, sự hiểu biết về Thiên Chúa là một ân huệ từ Ngài, không nên vì thế mà chúng ta khoe khoang: làm như thế là trái ngược lại với sự khôn ngoan! Các ân huệ Chúa ban không phải là cơ hội để tự kiêu mà là điều để cảm tạ Ngài! Nếu cách nhìn của Thiên Chúa khác với cách nhìn của chúng ta thì chính Ngài mà thôi mới làm cho chúng ta lãnh hội được. Tiên tri Giê-rê-mia cũng đã nói «22 ĐỨC CHÚA phán thế này: "Kẻ khôn ngoan, đừng tự hào mình khôn ngoan; kẻ hùng mạnh, đừng tự hào mình hùng mạnh; kẻ giàu có, đừng tự hào mình giàu có.

23 Ai tự hào thì hãy tự hào về điều này, là hiểu biết Ta. vì Ta là ĐỨC CHÚA, Đấng thực thi nhân nghĩa, công bình và chính trực trên mặt đất. Phải, Ta ưa thích những điều này. - Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA."» (Gr9, 22-23)

Sau cùng, điều thứ tư nên lưu ý. Không những Chúa không theo các bậc thang giá trị của chúng ta mà hình như Chúa cố tình làm trái ngược lại! Thường khi trong lịch sử Giao Ước, Chúa chọn những kẻ bé nhỏ, như Đa-vít. Trong tám đứa con của Gie-sê, Chúa chọn đứa trẻ nhất, nhỏ nhất, một đứa trẻ không có gì ra vẻ quan trọng, đến nỗi người ta không màng giới thiệu chàng cho Tiên tri Sa-mu-en. Trong sách Đệ Nhị Luật, ông Mô-sê đã nói cho dân chúng: «7 ĐỨC CHÚA đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân.» (Đnl 7, 7) Sự chọn lựa của Thiên Chúa hoàn toàn tự do không hệ tại một sự xứng đáng nào về phía con người, xin đừng bao giờ quên như thế.

Bài hôm nay có vẻ để áp dụng cho dân thành Cô-rin-tô về sự điên cuồng của họ. Thánh Phao-lô mời gọi họ nhìn vào thực tế: về mặt con người không có một lý do gì để được Chúa màng đến. Họ không thông thái, không dũng mãnh, không quý phái dưới mắt người đời mà chỉ một nhóm tạp nham không ra gì nếu không có thiên Chúa quy tụ họ lại thành Giáo Hội của Ngài. Danh hiệu xứng đáng nhất của họ, dưới mắt Thiên Chúa, là bí tích Rửa Tội của họ. Thật vậy, Chúa tạo một thế giới mới từ nhưng không.

Cô-rin-tô là một minh họa sống động sáng kiến tuyệt vời của Thiên Chúa. Ngài tái tạo thế giới theo những con đường của Ngài, không theo những dữ kiện thông thường của xã hội con người. Không phải là lúc vinh danh trước Thiên Chúa (Như người Pha-ri-sêu trong bài dụ ngôn) nhưng là lúc vinh danh Thiên Chúa để cảm tạ Ngài đã hết lòng yêu thương loài người.

***

 

PHÚC ÂM (Mt 5, 1-12a)

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

_______________________

"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

 

1 Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.2 Người mở miệng dạy họ rằng:

3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.

4 Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

5 Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

7 Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.

11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa.

12 Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

Chúa Giê-su trải qua một giai đoạn rất thành công, nhiều người đi theo Ngài. Đây là lúc thuận tiện để Ngài trao sứ điệp của Ngài. Thánh Mát-thêu viết lời Chúa theo phong cách các Tiên tri thời Cựu Ước «mở miệng dạy họ rằng». Câu mở miệng là một cách nói Xê-mít phương Đông để long trọng hóa những gì sắp nói. Mười hai thế kỷ trước, trên một hòn núi khác - vùng Si-nai - ông Mô-sê truyền lại cho dân chúng những điều răn Thiên Chúa. Hôm nay trên hòn núi vùng Ga-li-lê này, Chúa Giê-su đi xa hơn bằng việc mặc khải cho dân chúng sống cách khác các điều răn Thiên Chúa. Ngài trình bày sự nghịch lý mà Thánh Phao-lô nói cho dân chúng thành Cô-rin-tô chúng ta được nghe trong Bài Đọc 2 Chúa nhật hôm nay: điều nghịch lý giữa sự khôn ngoan Thiên Chúa và sự khôn ngoan loài người.

Mỗi câu bắt đầu bằng hai chữ «Phúc thay». Trong Cựu Ước, chúng ta thường thấy hai chữ này, nói lên sự tán thưởng, điều đáng thưởng nhất ta có thể mơ ước. Ông André Chouraqui ( một dịch giả có tiếng) dịch hai chữ này bằng «lên đường», ngụ ý nói lên đường đến nước Trời. Tôi nghĩ một trong những cách đọc các Phúc Thật là như những con đường đi đến Nước Trời: mỗi chúng ta góp sức nhau xây dựng Nước Trời bằng những phương tiện bé nhỏ ấy. Chúa Giê-su nhìn đám đông, Ngài ghé mắt nhìn họ với cái nhìn của Thiên Chúa. Hãy nhìn xem, Ngài nói với các môn đệ, trong đám đông có người nghèo, người hiền, người sầu khổ, người khát khao công chính, những người có tâm hồn trong sạch, những người khát khao hòa bình, những người bị bách hại… Tất cả những cảnh ngộ không thích hợp chút nào đến hạnh phúc của thế gian. Thế nhưng Chúa Giêsu nói, những ai sống những điều ấy là những người ưu tiên được đón nhận và xây dựng Nước Trời. Chân Trời của kiếp người là Nước Thiên Chúa, tất cả những con đường khiêm nhu dẫn đến nơi ấy.  

Cũng như thế, Chúa dạy chúng ta đặt cái nhìn tha nhân hay chính chúng ta bằng cách nhìn khác. Chúa dạy chúng ta nhìn mọi sự bằng cặp mắt của Thiên Chúa và Ngài dạy chúng ta biết kinh ngạc thán phục, Ngài nói Nước Trời ở chỗ mà chúng ta không bao giờ chờ đợi: tâm hồn nghèo khó, sự hiền lành, nước mắt, sự đói khát công chính, bách hại… Điều Chúa mặc khải rất nghịch lý với những gì con người dẫn chúng ta đến, mà lại là một hồng phúc tuyệt vời. Sự yếu đuối của chúng ta trở thành nguyên liệu xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa.

Vì ri61t cuộc, các Mối Phúc đều chứa đựng Mối Phúc đầu tiên «Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ». Đây không phải một cách lý tưởng hóa sự nghèo đói thể lý: Thánh Kinh luôn xem sự nghèo khó thể lý là một điều dữ cần chống lại. Nhưng trước hết phải biết rằng đám đông theo Chúa Giê-su không gồm những hạng người quyền chức. Người ta hay trách Chúa giao lưu với mọi hạng người!

Điều thứ hai trong Cựu Ước chữ nghèo không liên quan gì đến tài khoản ngân hàng: người nghèo theo nghĩa Thánh Kinh là những người tính tình không kiêu hãnh hay có cái nhìn tự cao như trong một Thánh Vịnh nọ. Họ còn được gọi là những người cúi đầu lưng cong. Đó là những con người bé nhỏ, khiêm nhu trong xứ, theo cách nói của các Ngôn Sứ. họ không phải hạng người ăn no ngủ kỹ, thỏa mãn, hài lòng với chính mình; trái lại, họ là những người còn thiếu một cái gì. Lúc bấy giờ Chúa có thể bù đắp cho họ. Chúng ta nhận ra đây dưới ngòi bút của thánh sử Mát-thêu bài dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế: người Pharisêu hết mực thánh thiện, tim đầy tràn chính mình không còn chỗ cho Chúa; còn người thu thuế, rõ ràng là tội lỗi, quay về với Chúa chờ đợi ơn cứu độ của Ngài, anh ta được mãn nguyện.

Phẩm chất nơi đây là «tâm hồn nghèo khó», đó là những ai «tìm nương ẩn nơi danh ĐỨC CHÚA» (Xp2, 12), như Tiên Tri Xô-phô-nia nói, kẻ cần đến Thiên Chúa, tiếp nhận tất cả từ Thiên Chúa như hồng ân. Còn những mối phúc khác (biết xót thương người, tức là biết tha thứ và thông cảm, biết xây dựng hòa bình, hiền hậu, không bạo lực, khao khát công chính….) tất cả các thứ ấy là món quà lãnh nhận từ Thiên Chúa để xây dựng Nước Trời. Rốt cuộc Mối Phúc đầu tiên làm cho chúng ta có thể lãnh nhận tất cả các Mối Phúc khác.


3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, Ngài sẽ ban tràn đầy của cải, thật nhiều của cải… «Phúc thay», có nghĩa rằng, một ngày nào đó «người ta sẽ ao ước được như bạn»

Tôi có khuynh hướng nói đó là gương giống Chúa Giêsu. Ngài thật sự là kẻ nghèo khó, hiền hòa, tâm hồn khiêm nhu. Chúng ta đã thấy nơi Ngài hiền hòa như thế nào, đầy lòng thương xót, cảm thông cảnh bần cùng và tha thứ những đao phủ của mình, có lúc khóc vì những đau khổ kẻ này, có lúc vì sự cứng lòng của kẻ khác. Khát khao công chính và chấp nhận bị hành hạ và nhất là trong mọi tình huống đều có tâm hồn nghèo khó, tức là chờ đợi tất cả đến từ Cha Ngài và cảm tạ Cha mình «mặc khải cho những người bé mọn.» (Mt11, 25) 

Chúng ta có thể đọc bài này ngược lại như cách miêu tả Nước Trời: là nơi quy tụ sự khiêm nhu, hiền hòa, niềm vui, lẽ công bình, lòng thương xót, sự trong sạch và bình an. Nhưng nghĩ cho cùng, vì sao Cựu Ước rất gắn bó với Đất Thánh, đó là vì nơi đây, ngay đời này được gọi trở nên hình ảnh của Nước Trời, nơi của tình huynh đệ, sự công minh và bình an. Ngày nay khi chúng ta thường nói đến Ơn Toàn Xá, có lẽ cũng nên nhớ lại mỗi cơ ngơi chúng ta trên đời, cũng đều được phản ánh Nước Trời, nơi chúng ta sống các Mối Phúc Thật.   

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com