Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật 05 Mùa Thường niên Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (Is 58, 7-10)

 

"Sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông"

Trích sách tiên tri I-sa-i-a 

 

Chẳng phải là chia cơm cho người đói,
rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;
thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?

8 Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông,
vết thương ngươi sẽ mau lành.
Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước,
vinh quang ĐỨC CHÚA bao bọc phía sau ngươi.

9 Bấy giờ, ngươi kêu lên, ĐỨC CHÚA sẽ nhận lời,
ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: "Có Ta đâ
y!"
Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở
gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người,

10 nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói,
làm thoả lòng người bị hạ nhục,
thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối,
và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ.

 

Đọc thoáng qua, bài này có vẻ như một bài học luân lý đẹp, nếu chỉ thế cũng là hay rồi! nhưng thật ra còn là một điều khác nữa. Tôi xin nhắc lại bối cảnh; chúng ta đang ở cuối thế kỷ thứ Sáu trước CN; từ Ba-by-lon bị đày đã về, nhưng còn những vết thương chưa lành từ giai đoạn khủng khiếp ấy, vì thế trong vài câu sau, vị ngôn sứ nói đến Dân chúng Giê-ru-sa-lem bắt đầu sống đạo, mọi người thành tâm tìm mọi cách làm thỏa lòng Thiên Chúa. Nhưng, vị ngôn sứ của chúng ta được giao phó trong bài này, truyền đạt một sứ điệp khá tế nhị: vâng, anh em muốn làm vừa lòng Thiên Chúa, được rồi; thế nhưng, những nghi thức phụng vụ làm vui lòng Thiên Chúa, không phải những gì anh em tưởng. Vị tiên tri có những lời khiển trách họ khá nặng nề: anh em muốn cho Thiên Chúa đoái nhìn bằng những cuộc chay tịnh ngoạn mục, với ý định sau đó xin ơn; trong lúc anh em đôi co cãi vã, đối xử thô bạo với nhau, tham lam. «các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. 5 Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng ĐỨC CHÚA?» (Is 58, 4-5)

Trong đoạn này, Cựu Ước cho chúng ta một trong những bài đanh thép nhất! Rất đáng tiếc, chúng ta không thường đọc, bài này thúc bách lối suy nghĩ của chúng ta về Thiên Chúa và về tôn giáo. Nơi đây chúng ta tìm ra giải đáp câu hỏi: Chúa chờ đợi nơi ta những gì? Thật sự câu trả lời không thể nào rõ hơn; tất cả được nêu lên trong vài hàng. Nhưng, như thường lệ, khi một đoạn văn rất xúc tích, chúng ta tin chắc rằng bài được chăm sóc rất kỹ lưỡng, thì bài này là như thế.

Thật vậy, vài hàng ngắn gọn này là kết quả cố gắng trong mọi tác phẩm các ngôn sứ. Từ nhiều thế kỷ ở Ít-ra-en - không phải từ Xuất Hành, mà từ ông Áp-ra-ham, tức là khoảng 1850 năm trước CN - người ta tìm cách nào để làm đẹp lòng Thiên Chúa. Họ đã thử tất cả: trước tiên là tế lễ người, nhưng Chúa cho biết ngay, đối với Ngài, là Thiên Chúa của những kẻ sống, điều này không thể nào như thế được. Thế rồi, họ tiếp tục dâng lễ toàn thiêu, nhưng chỉ với thú vật mà thôi; và kế tiếp, như trong mọi tôn giáo khác, có những chay tịnh, đủ thứ của lễ, những lời cầu nguyện. Suốt thời gian dài của sự phát triển chậm rãi đức tin Ít-ra-en, các ngôn sứ kêu gọi dân chúng không nên thỏa mãn với cách phụng tự, nhưng phải sống Giao Ước trong thường nhật. Và đấy là ý nghĩa của đoạn này.

Ngôn sứ bắt đầu nói như sau: «6 Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?» (Is 58, 6). Nếu tôi hiểu không lầm, trước mặt Thiên Chúa, mọi cử chỉ nhằm giải thoát anh em chúng ta đáng giá hơn mọi hình thức chay tịnh, dù hình thức chay ấy đòi hỏi can đảm bấy nhiêu đi nữa. Kế đến, là đoạn chúng ta đọc trên đây, đề nghị những hành động chia sẻ, nuôi người đói ăn, cho người khát uống, tiếp đón những người vô gia cư khổ cùng… Tóm lại, giúp đỡ đau khổ dưới mọi hình thức, trên đường đời chúng ta. Tôi xin đề nghị ba nhận xét.

* Nhận xét thứ nhất, những hành động giải thoát, những hành động chia sẻ, ngôn sứ khuyên chúng ta vỏn vẹn chỉ bắt chước công trình của chính Thiên Chúa. Dân tộc Ít-ra-en từng trải nghiệm hành động cứu độ của Chúa, và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa giàu lòng thương xót; điều ngài đòi hỏi, là đến phiên chúng ta, phải thực hiện những hành động tương tự. Con người được tạo nên để giống hình ảnh Thiên Chúa.

* Điều thứ hai, không lạ gì, tiên tri I-sa-i-a có thể hứa: «nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục,… thì vinh quang ĐỨC CHÚA bao bọc phía sau ngươi», vinh quang ở đây là ánh sáng của sự hiện diện Thiên Chúa. Không phải là một phần thưởng! Còn hơn thế nữa: đây là một thực tế… vì thực sự, mỗi lần chúng ta có những hành động giải thoát, an ủi, làm dịu đi những thử thách mọi thứ cho người anh em; khi ấy chúng ta phản chiếu cho họ một ít ánh sáng của Chúa. Và hẳn các bạn chú ý, ngôn sứ I-sa-i-a nhấn mạnh đến ánh sáng «8 Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, … thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ». Dĩ nhiên thôi, vì đây chính là ánh sáng Thiên Chúa… Nói cách khác, ngôn sứ I-sa-i-a quả quyết, khi bạn cho đi, bạn phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa. Một lần nữa, chúng ta có thể lặp lại một câu tuyệt vời của truyền thống Ki-tô: «Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời».

* Nhận xét thứ ba, mọi hành động cho công lý, giải thoát, chia sẻ, là một bước tiến tới Nước Trời; chính vì Nước Trời được chờ đợi trong Cựu Ước, là nơi của công lý và tình yêu. Bài Phúc Âm Chúa nhật tuần vừa qua, bài Tám Mối Phúc Thật, nhắc lại cho chúng ta, Nước Trời được xây dựng ngày qua ngày do những người hiền lành, những người trong sạch, những người yêu chuộng hoà bình, những người khao khát công chính và lòng xót thương.

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 111, 4-9)

 

"Trong u tối Người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay"

 

1 Ha-lê-lui-a.
Hạnh phúc thay, người kính sợ CHÚA,

4 Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng
chiếu rọi kẻ ngay lành:
đó là người từ bi nhân hậu và công chính.

5 Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn,
biết theo lẽ phải mà thu xếp công việc mình.

6 Họ sẽ không bao giờ lay chuyển,
thiên hạ muôn đời còn tưởng nhớ chính nhân.

7 Họ không lo phải nghe tin dữ,
hằng an tâm và tin cậy CHÚA,

8 luôn vững lòng không sợ hãi chi
và rốt cuộc coi khinh lũ địch thù.

9 Kẻ túng nghèo, họ rộng tay làm phúc,
đức công chính của họ tồn tại muôn đời,
uy thế họ vươn cao rực rỡ.

 

Hằng năm, cứ vào dịp Lễ Lều - ngày nay vẫn còn diễn ra suốt một tuần, vào mùa thu -  mọi người thực hiện điều có thể gọi là «tuyên xưng đức tin»: họ tái lập Giao Ước với Thiên Chúa và cam kết một lần nữa, tuân giữ Lề Luật. Bài Thánh vịnh 111 hẳn được hát trong dịp này. Chỉ nguyên bài Thánh vịnh 111, là cả toàn tập khế ước nhỏ của đời sống trong Giao Ước.

Trước hết, bắt đầu bằng Alleluia - nghĩa đen là «Ngợi khen Thiên Chúa» - là khẩu hiệu của mọi tín hữu: khi người của Thánh Kinh mời gọi ngợi khen Thiên Chúa, chính là vì ơn nhận được Giao Ước. Kế tiếp, bài Thánh Vịnh này là bài theo vần A-B-C Do Thái, nghĩa là có 22 câu, số chữ cái Do Thái. Mỗi câu bắt đầu bằng một chữ cái theo thứ tự, đây là cách khẳng định Giao Ước với Thiên Chúa gồm trọn đời người, và Lề Luật của Ngài là con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc cả đời, từ A tớí Z. Sau hết, câu đầu bắt đầu bằng chữ «Hạnh phúc thay», để nói cho mọi người biết giữ con đường Giao Ước.

Chúa nhật tuần trước, bài Phúc Âm các Mối Phúc Thật, cũng vang lên chữ «phúc thay» này; Chúa Giê-su dùng một chữ rất thường thấy trong Thánh Kinh, nhưng tiếc thay bản dịch Pháp văn không hoàn toàn thoát ý. Trong bài suy niệm Thánh Kinh, ông André Chouraqui lưu ý về gốc Do Thái của chữ này «căn bản có nghĩa sự bước đi, con người bước đi trên đường không có gì cản trở dẫn đến Chúa». Như thế muốn nói «ít về hạnh phúc nhưng nhiều về phương cách dẫn đến hạnh phúc».

Thông thường trong Thánh Kinh, cụm chữ «Phúc thay» không  nằm riêng rẽ, có chữ đối ngược lại «vô phúc thay», vì ý nói trong đời, có những con đường sai lầm phải tránh. Có vài con đường (nên hiểu có những chọn lựa, những hành vi) dẫn đúng hướng, và những con đường ngược lại chỉ gieo tai họa. Và nếu đọc trọn bài Thánh Vịnh này, chúng ta sẽ nhận ra bài này có cấu trúc như thế: bắt đầu triển khai rất dài những chọn lựa tốt, con đường dẫn đến hạnh phúc cho mọi người và sau đó, nhưng rất ngắn gọn - vì không đáng nói đến - những chọn lựa sai lầm.

Sự chọn lựa tốt được xác định ngay ở câu đầu: «Hạnh phúc thay, người kính sợ CHÚA», chúng ta nhận ra ở đây, từ ngữ rất thường gặp trong Cựu Ước: «Kính sợ Chúa». Rất tiếc, trong phụng vụ, câu này bị cắt, làm chúng ta không được nghe phần thứ hai. Chúng ta hãy đọc trọn câu: «Hạnh phúc thay, người kính sợ CHÚA, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban». Thì đây là định nghĩa của từ ngữ «Kính sợ Chúa»: đó là yêu thích ý Chúa. Bởi vì chúng ta an tâm và tin cậy nơi Ngài. Chúng ta biết, kính sợ Chúa không có chiều kích sợ hãi. Hơn nữa, vài câu sau có một câu nói rõ hơn: «Phúc thay người biết cảm thương … hằng an tâm và tin cậy CHÚA» 

Theo nghĩa Thánh Kinh «Kính sợ Chúa», vừa là ý thức sự thánh thiện Thiên Chúa, nhận biết ra tất cả những gì Ngài làm cho con người, vừa là quan tâm đến vâng lời Ngài vì Chúa là Đấng Tạo Hoá. Thật vậy, nếu Ngài là Đấng Tạo Hoá, thì Ngài biết những gì tốt cho ta. Đây là thái độ của con đối với Cha, kính trọng, và vâng lời trong tin cậy. Hai điều mặc khải song đôi của dân tộc It-ra-en, Chúa vừa là Đấng Thật Khác Biệt vừa là Đấng Thật Gần Gũi. Ngài vô cùng quyền uy, thật vậy, nhưng quyền lực ấy là tình yêu. Chúng ta không có gì phải sợ hãi, vì Ngài có thể là tất cả và Ngài muốn chúng ta hạnh phúc! Hẳn các bạn biết, câu sau đây của thánh vịnh 103 (102) «13 Như người cha chạnh lòng thương con cái, CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.» 

Thì đây là thái độ đúng đắn đối với Thiên Chúa, đưa con người trên con đường ngay: «Hạnh phúc thay, người kính sợ CHÚA». Và bây giờ là con đường đúng đắn đối với tha nhân: «5Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn». Trong Bài đọc một, tiên tri I-sa-i-a nói rõ quan hệ mật thiết, giữa thái độ của chúng ta đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Bài Thánh Vịnh này là một tiếng vang hoàn hảo cho Bài đọc một.

Công thức «người từ bi nhân hậu và công chính», làm cho chúng ta buộc lòng nhớ đến định nghĩa của Thiên Chúa được mặc khải cho ông Mô-sê: «ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín» (Xh 34, 6). Hơn nữa, bài Thánh Vịnh trước (111) là một bài cặp đôi với bài Thánh Vịnh hôm nay, cũng dùng những từ ngữ hoàn toàn giống nhau «công chính, từ bi, nhân hậu» cho Chúa và cho con người. Hình như, đây là cách nói việc tuân giữ ngày qua ngày, lề luật trong đời sống thường nhật của chúng ta; từ A đến Z, như bài thánh vịnh theo chữ cái này, cuối cùng, sẽ uốn nắn chúng ta theo hình ảnh Thiên Chúa, nên giống Ngài.

Tôi nói rõ «giống Ngài»: tác giả bài Thánh Vịnh không quên Chúa là Đấng Thật Khác Biệt. Các từ ngữ thật ra không giống nhau. Về Thiên Chúa, Ngài là CHÚA… là người từ bi nhân hậu và công chính, còn về con người, bài Thánh Vịnh nói: «người biết cảm thương và cho vay mượn, biết theo lẽ phải mà thu xếp công việc mình». Đó là cách phát biểu những nhân đức của con người, nhưng không phải là bản thể. Những nhân đức ấy, con người múc lấy từ Thiên Chúa, một cách nào đó, con người phản chiếu lại từ Thiên Chúa. Và như thế, người công chính là ánh sáng cho tha nhân: «4 Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng chiếu rọi kẻ ngay lành». Một lần nữa, đây là một tiếng vang của Bài Đọc từ sách I-sa-i-a: «7 Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?» (Is 58, 7). Mỗi khi chúng ta cho đi và chia sẻ, khi ấy chúng ta giống Thiên Chúa nhất, vì Ngài chỉ là quà nhưng không. Trong chừng mực nhỏ bé của chúng ta, chúng ta phản chiếu ánh sáng của Ngài.

***

 

BÀI ĐỌC 2 (1Cr 2, 1-5)

 

"Tôi đã công bố cho anh em bằng chứng của Chúa Ki-tô chịu đóng đinh."

Thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu thành Cô-rin-tô.

 

 1 Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa.

2 Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá.

3 Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy.

4 Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa.

5 Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.

 

Thánh Phao-lô hành động như thường lệ, lúc nào cũng có tính cách tương phản. Sự tương phản đầu tiên, mầu nhiệm Thiên Chúa khác hẳn với sự khôn ngoan phàm nhân; cách phát biểu của người Tông Đồ mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa, khác hẳn với những lời lẽ văn hoa của con người hoạt bát. Tôi xin lần lượt suy nghĩ về hai điều tương phản ấy. Mầu nhiệm Thiên Chúa /sự khôn ngoan con người; ngôn ngữ người rao giảng/sự hoạt bát (hay nghệ thuật hùng biện).

Trước tiên, về mầu nhiệm Thiên Chúa và sự khôn ngoan con người, thánh Phao-lô nói: «tôi đến với anh em… loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa». Ở đây, phải hiểu, tôi đến loan báo kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, ngài sẽ triển khai trong thư cho các tín hữu Ê-phê-sô sau này: kế hoạch yêu thương ấy là quy tụ chung quanh Chúa Giê-su Ki-tô, một cộng đồng yêu thương hoàn hảo. Kế hoạch đó dựa vào những giá trị của tình yêu, phục vụ cho nhau, tương thân tương ái, và tha thứ;  như chúng ta từng thấy Chúa Giê-su thực hiện suốt cuộc đời trần thế. Chúng ta cũng đã thấy rất nhiều người đương thời với Ngài nhầm lẫn, tưởng tượng một Thiên Chúa có uy lực theo nghĩa quân sự. 

Mầu nhiệm ấy hoàn tất bởi một «Đấng Mê-si-a bị đóng đinh». Trái hẳn với cái lô-gíc con người; gần như một điều hoàn toàn tương phản. Thánh Phao-lô quả quyết: Giê-su thành Na-da-rét chính xác là Đấng Mê-si-a, nhưng không như mọi người chờ đợi. Không ai chờ đợi Đấng Mê-si-a bị đóng đinh; và hơn nữa, cứ theo lối lô-gíc con người, sự kiện Ngài bị đóng đinh càng phản chứng Ngài là Đấng Mê-si-a. Mọi người còn nhớ câu sau đây trong sách Đệ nhị Luật: «người bị treo là đồ bị Thiên Chúa nguyền rủa» (Đnl, 23)

Thế nhưng, chương trình của Thiên Chúa toàn năng không phải «chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá», như thánh nhân nói trong (c.2). Đối với Thánh Phao-lô, Chúa Giê-su Ki-tô thật sự là trung tâm lịch sử loài người, trung tâm của kế hoạch Thiên Chúa và là trung tâm đức tin của ngài. Thánh nhân không muốn biết gì khác hơn: «tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô». Qua câu cuối cùng này, chúng ta cảm nhận những mối trăn trở, chống lại áp lực đến từ tứ phía, những lời thóa mạ, và bắt đầu của sự bách hại. Đấng Mê-si-a bị đóng đinh, mặc khải cho chúng ta thế nào là sự khôn ngoan thật sự, sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Có nghĩa là cho đi, và tha thứ, từ chối mọi bạo lực… Chúng ta đã nghe trong Phúc Âm những Mối Phúc Thực, Chúa nhật vừa qua.

Đối diện với sự khôn ngoan Thiên Chúa, sự khôn ngoan của phàm nhân là dựa vào lý lẽ, lập luận, sức mạnh, quyền lực; thứ khôn ngoan ấy không thể nghe sứ điệp của Tin Mừng, và hơn nữa, Thánh Phao-lô đã nếm một thất bại tại A-tê-na, một nơi là đỉnh cao của triết học.

Và đây là sự tương phản thứ hai trong bài này: phát biểu theo người rao giảng hay nghệ thuật hùng biện. Thánh Phao-lô không có tham vọng gì về hướng hùng biện,  đây là dịp cho chúng ta an tâm, trong trường hợp chúng ta không ăn nói lưu loát! Nhưng, Thánh Phao-lô còn đi xa hơn nữa; đối với ngài, tài ăn nói lưu loát, nghệ thuật hùng biện, khả năng thuyết phục, còn có thể là một cản trở; hoàn toàn không thích hợp cho sứ điệp Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng không phải phơi bày sự hiểu biết, giáng xuống bằng những luận cứ. Hãy thử thuyết phục người nào đó nên yêu bạn… Chúng ta đều biết rằng tình yêu không thể lý luận, không thể chứng minh. Mầu nhiệm Thiên Chúa cũng như thế; chúng ta có thể dần dần thấu hiểu.

Mầu nhiệm một Đấng Mê-si-a nghèo nàn, một Đấng Mê-si-a phục vụ, một Đấng Mê-si-a bị đóng đinh, không thể được loan báo bằng những phương tiện mãnh liệt. Làm như thế là trái hẳn với sứ điệp được loan truyền! Chính với tâm hồn nghèo khó, Tin Mừng mới được loan báo. Thì đây là lý do cho chúng ta thêm can đảm! Đấng Mê-si-a nghèo khó chỉ được loan báo bằng những phương tiện nghèo khó, Đấng Mê-si-a phục vụ chỉ được loan báo bằng những kẻ phục vụ. Đừng bao giờ lo lắng vì chúng ta ăn nói không lưu loát, vì chính sự nghèo nàn trong tài hùng biện mới có thể thích hợp với sứ điệp Tin Mừng. Nhưng, hơn nữa, Thánh Phao-lô còn nói, chính sự nghèo khó của người rao giảng, là một điều kiện không thể không có được của việc rao giảng! Chỉ có như thế, mới dành chỗ cho tác động của Thiên Chúa. Không phải ngài, Thánh Phao-lô, đã thuyết phục dân chúng thành Cô-rin-tô, chính Thần Khí Thiên Chúa đã cho lời rao giảng của Phao-lô, mãnh lực của sự thật, hầu làm cho họ mặc khải Chúa Ki-tô.

Tôi luận ra, không phải sức mạnh của những lý luận, có thể thuyết phục những người đương thời chúng ta: đức tin của họ không dựa vào sự khôn ngoan người phàm, nhưng vào sức mạnh của Thần Khí Thiên Chúa. Chúng ta chỉ cần cho Ngài mượn tiếng nói chúng ta. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi chúng ta một niềm tin mãnh liệt… «khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. 4 Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. 5 Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa»

Có lúc, chúng ta cảm tưởng cái vòng tín hữu càng ngày càng tóp lại nhỏ dần; chúng ta muốn có những phương tiện truyền thông qui mô, vi tính, điện tử, trong lúc khả năng tài chánh càng ngày càng lại kém hơn; thật dễ chịu, khi nghe việc loan báo Tin Mừng thích hợp hơn với những phương tiện nghèo khó… Nhưng muốn chấp nhận sự thật ấy, phải chấp nhận Thần Khí rao giảng Tin Mừng hiệu quả hơn chúng ta! Và có lẽ, làm chứng tá cho sự nghèo khó là cách rao giảng tốt nhất!

***

 

PHÚC ÂM (Mt 5, 13-16)

 

Alleluia, alleluia!

Chúa phán: «Ta là ánh sáng thế gian; ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống» - Alleluia.

-----------------

"Các con là sự Sáng thế gian"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.

 

13 "Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.

14 "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được.

15 Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.

16 Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

 

Nếu cái đèn có vẻ đẹp thì càng hay, nhưng thẳng thắn mà nói, đó không phải là điều quan trọng! Trước tiên nó phải chiếu sáng. Hơn nữa, nếu nó không chiếu sáng, người ta thường nói, tối thui chẳng thấy gì, thế thì không ai nhìn thấy nó đẹp! Còn muối, tác dụng của nó là tan biến đi, mới được việc, nếu thiếu, món ăn bớt ngon. Tôi muốn nói ở đây, ánh sáng và muối không hiện hữu cho chính nó. Thêm nữa, nhân đây tôi xin nhận xét, Chúa Giê-su nói: «anh em là muối cho đời… là ánh sáng cho trần gian», điều quan trọng là đời và thế gian. Sở dĩ muối đất và ánh sáng có giá trị, vì nhờ tương quan của chúng đối với đời và thế gian!

Chúa nói như thế với các môn đệ, là đặt các ông trong vai trò người truyền giáo. Ngài nói với họ: vì anh em lãnh nhận Lời Tôi, nhờ vậy, anh em trở nên muối và ánh sáng cho thế gian; sự hiện diện của anh em không thể thay thế được. Điều này muốn nói Giáo Hội hiện hữu là để cho thế gian. Đây cũng có thể nói, chúng ta được đặt lại đúng chỗ của chúng ta! Thánh Kinh đã bao lần nhắc lại, Ít-ra-en tuy là dân được chọn, nhưng là để phục vụ thế gian. Bài học này cũng để cho chúng ta.

Tôi xin trở lại muối đất và ánh sáng; chúng ta tự hỏi có điểm nào chung của hai yếu tố, Chúa Giê-su so sánh với các môn đệ Ngài. Xin trả lời: đó có thể nói như loại thuốc rửa, dùng trong kỹ thuật rửa hình. Muối làm nổi bật khẩu vị cho thức ăn, ánh sáng làm cho nhận ra vẻ đẹp con người và thế giới. Thức ăn có trước muối, con người và thế giới có trước khi được ánh sáng chiếu soi. Điều này nói lên, thế nào là sứ vụ của Chúa Giê-su trao cho các môn đệ Ngài, và cho chúng ta nữa. Không ai cần chúng ta để hiện hữu, nhưng hình như chúng ta có một vai trò đặc biệt để tác động.

Là muối đất, chúng ta ở đây để mặc khải cho con người vị ngọt của đời sống. Con người không chờ đợi chúng ta mới có những cử chỉ yêu thương và chia sẻ, lắm khi tuyệt vời. Phúc Âm hoá là nói lên «Nước Trời ở giữa anh em trong mọi cử chỉ mọi lời nói yêu thương». Tôi có thể nói, chính lúc ấy, họ chờ đợi bạn mặc khải Tên của Đấng tác động trong họ, bởi vì «Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời».

Là ánh sáng thế gian, chúng ta ở đấy để tăng vẻ đẹp của thế gian. Cái nhìn yêu thương, mới biểu lộ vẻ đẹp thật sự con người và các sự vật. Thần Khí đã ban cho chúng ta, chính là để chúng ta hòa nhịp với mọi cử chỉ hay lời nói đến từ Thiên Chúa; nhưng chỉ có thể được trong kín đáo và khiêm nhu. Quá nhiều muối làm hỏng vị các thức ăn thay vì làm cho ngon hơn, một ánh sáng quá mạnh làm lòa đi vật cần chiếu sáng. Muốn là muối, là ánh sáng, thì phải yêu thương nhiều.

Chỉ cần yêu thương, nhưng phải thật sự yêu thương. Đó là sứ điệp của bài hôm nay, được lập lại, tuy bằng nhiều cách phát biểu khác nhau, nhưng liên kết chặt chẽ với nhau. Phúc âm hóa không phải là chinh phục, Tân phúc âm hóa không phải chinh phục lại. Loan báo Tin Mừng chỉ khi có tình yêu hiện diện. Chúng ta hãy nhớ lại lời cảnh báo Thánh Phao-lô cho dân thành Cô-rin-tô: chỉ có những người nghèo và khiêm tốn mới có thể loan báo Nước Trời.

Sự hiện diện ấy của Nước Trời cũng đòi hỏi nhiều, nếu dựa vào Bài đọc một: sự liên hệ giữa sách ngôn sứ I-sa-i-a và bài Phúc Âm rất gợi ý. Là ánh sáng thế gian theo Tin Mừng là phục vụ anh em.

Tiên tri I-sa-i-a rất thực tế: đó là chia sẻ thức ăn, quần áo, chặn đứng những chướng ngại cản trở con người sống tự do. Bài Thánh Vịnh Chúa nhật hôm nay cũng không nói gì khác hơn. Người tử tế là «Kẻ túng nghèo, họ rộng tay làm phúc», là ánh sáng cho tha nhân; vì qua lời nói và những cử chỉ yêu thương, kẻ khác được mặc khải cội nguồn của tình yêu. Như Chúa Giê-su nói: «ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời»; nghĩa là, họ khám phá ra kế hoạch của Thiên Chúa cho con người, là một kế hoạch hoà bình và công lý. Ngược lại, chúng ta có thể tự hỏi làm sao con người có thể tin vào kế hoạch yêu thương của Chúa, trong lúc chúng ta, được kể như những sứ giả của Ngài, lại không  thường xuyên có những hành động liên đới, và công chính của xã hội đòi hỏi nơi chúng ta. Hơn nữa, những lời quyết liệt của ngôn sứ I-sa-i-a khi xưa (Bài đọc 1) có khuynh hướng bị rơi vào quên lãng, vì thế muối có nguy cơ nhạt đi dần dần. Có lẽ, vì thế, không phải ngẫu nhiên, Giáo Hội đề nghị với chúng ta nghe vài ngày trước khi mở đầu Mùa Chay, loại chay tịnh nào Chúa chuộng.

Điều nhận xét sau cùng: bài Phúc Âm muối và ánh sáng được trình bày, ngay sau các Mối Phúc Thật trong Tin Mừng theo Thánh Mát-Thêu. Điều này chắc chắn có một mối liên quan nào đó. Chúng ta hẳn có thể làm sáng tỏ lẫn nhau bài này cho bài kia. Là muối cho đời và ánh sáng cho thế gian, tức là sống theo Tám Mối Phúc Thật, tức là sống ngược lại với tinh thần thế tục; là chấp nhận sống với những giá trị khiêm nhu, hiền hậu, trong sạch và công chính. Là khí cụ của hòa bình trong mọi tình huống, và nhất là trên hết mọi sự, chấp nhận nghèo khó và từ bỏ tiền của; chỉ có trong đầu, một mục tiêu: «để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.»

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com